VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: OAI LỰC CỦA ĐỨC PHẬT THUA MA VƯƠNG?
- Bạch đại đức! Đức Đại Giác đã tròn đủ các công hạnh ba-la-mật, nhờ
trong vô lượng kiếp ngài đã tích lũy biết bao nhiêu công đức và phước báu; nên
kiếp cuối cùng này chắc ngài cũng viên mãn tài lộc, viên mãn lợi danh, viên mãn
về tứ sự như y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men ... phải vậy không đại đức?
- Tâu vâng!
- Chuyện khác thì không nói, chỉ nói đến vật thực. Nếu đại đức bảo rằng
phước báu về vật thực của Đức Thế Tôn là rất lớn, rất viên mãn, luôn luôn dư thừa,
không bao giờ thiếu thốn; thế tại sao một lần nọ, khi ngài đi trì bình tại nhà
người bà-la- môn Panca Sàla, ngài không nhận được vật thực, đành phải ôm bát
không mà đi ra? Đại đức nghĩ sao về trường hợp ấy?
- Rồi đại vương sẽ sáng tỏ thôi. Đức Thế Tôn chẳng bao giờ thiếu thốn
vật thực đâu. Sở dĩ tại nhà người bà-la-môn Panca Sàla, Đức Phật phải ôm bát không
trở ra là do ma vương quậy phá. Ma vương đã dùng thần lực che mắt người
bà-la-môn đấy, tâu đại vương!
- Thưa, chuyện ấy mà có thì phát sanh hoài nghi khác nữa. Hoài nghi rằng,
công năng vô lượng phước báu ba-la-mật của Đức Thế Tôn ở đâu - mà khi ấy nó
không trổ quả?
- Chẳng phải thế đâu, đại vương! Lúc ấy vì ma vương có tâm ác rất mãnh
liệt đã tìm cách che mắt ông bà-la-môn không cho thấy Đức Thế Tôn.
- Nếu thế thì phát sanh nghi vấn to lớn hơn nữa. Rằng là điều ác đã thắng
điều thiện? Rằng là tâm ác mãnh liệt của ma vương đã chiến thắng sự toàn thiện
của Đức Thế Tôn? Rằng là sức mạnh, uy đức của Đức Thế Tôn do viên mãn ba-la-mật
vẫn không bằng sức mạnh, ác đức của ma vương? Rồi người ta lại còn mỉa mai, biếm
nhẽ rằng: Ồ! Té ra ngọn cây mà nặng hơn gốc cây? Tà đạo mà thắng chánh đạo? Người
xấu xa, độc ác, người hung dữ, tham sân vẫn thường là kẻ có nhiều sức mạnh hơn
người hiền thiện, người tốt, người khiêm nhu và đức hạnh! Chẳng lẽ nào lại có
cái sự thật đau lòng trên thế gian này như thế, thưa đại đức?
- Chánh bao giờ cũng thắng tà. Gốc bao giờ cũng nặng hơn ngọn, thiện
bao giờ cũng thắng ác. Đại vương chẳng cần phải bi quan như thế. Sức mạnh dẫu
là ác tâm của ma vương cũng chẳng bao giờ có thể thắng nổi Đức Thế Tôn toàn thiện
đâu! Đại vương phải hiểu rằng, lúc ấy ma vương với ác tâm mãnh liệt đã tìm cách
che mờ mắt của người bà-la-môn không cho thấy Đức Thế Tôn. Tâm ác mãnh liệt là
khác mà che mờ mắt là khác, tâu đại vương!
- Xin đại đức giảng cho nghe điều ấy?
- Đại vương! Điều này đại vương có thể hiểu được qua một ví dụ. Ví như
cung điện của đại vương có nhiều cổng thành ra vào, mỗi cổng thành như vậy thường
có một số quân lính túc trực cùng với một viên võ tướng chỉ huy canh gác. Vì đại
vương thương yêu thần dân như con nên hằng ngày có một số người hay mang đến mật
ong, sáp ong, cơm nước thượng vị vào dâng cho đại vương vì lòng tôn kính và sự
ngưỡng mộ. Có một viên võ tướng chợt sanh tâm ganh ti với đại vương, khi người
ta mang vật phẩm đến, viên võ quan ấy chặn lại, xét hỏi rắc rối không cho vào,
làm cho đại vương không nhận được vật phẩm ấy. Đại vương nghĩ thế nào? Đại
vương không nhận được vật phẩm là bởi sức mạnh, uy lực của đại vương không bằng
sức mạnh và uy lực của người gác cửa hay sao?
- Tên gác cửa ấy nếu trẫm bảo chết, nó sẽ chết - thì làm sao lại có sức
mạnh, uy lực hơn trẫm được!
- Đúng thế! Vì tâm ganh tỵ của tên võ quan quá lớn nên sinh ra việc
ngăn người ta vào, chứ sức mạnh uy lực làm sao bằng được đại vương? Cũng vậy,
vì ma vương tâm ác quá mạnh, che mờ mắt người bà-la-môn, chứ sức mạnh, uy lực của
ma vương làm sao bằng Đức Thế Tôn được! Đại vương nên hiểu như vậy.
- Vâng, vậy là trẫm hết nghi rồi.
Đại đức Na-tiên chợt hỏi:
- Thế hằng ngày đại vương cũng thường nhận được vật phẩm như vậy hay
sao? Có khi nào những tên gác cổng ngăn chặn tất cả cổng thành làm cho đại
vương mất phần lợi lộc?
- Làm sao lại mất được, đại đức. Biết bao nhiêu là cổng, biết bao
nhiêu người vào! Lại nữa, tên võ quan kia chỉ trực cổng, ngày hôm sau đã đổi
viên võ quan khác. Vật phẩm của trẫm không bao giờ thiếu, thưa đại đức quý trọng!
- Hay lắm! Đức Thế Tôn cũng y như thế. Trưa hôm ấy tuy Đức Thế Tôn ôm
bát không từ nhà người bà-la-môn đi ra, do từ phước báu quá khứ của ngài làm
cho chư thiên nóng ruột. Khi quán xét biết sự việc ấy, quá nhiều chư thiên đã hối
hả làm vô số món ăn từ cõi trời, xuống dâng cúng cho Đức Thế Tôn . Thế đó, sức
mạnh của ma vương không thể hơn sức mạnh của Đức Thế Tôn, tà không thể hơn
chánh, ngọn không thể nặng hơn gốc, ác không thể thắng thiện. Và công đức, phước
báu của Đức Thế Tôn bao giờ cũng dư thừa, viên mãn - tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:
- Thôi, đồng ý là sức mạnh, uy lực ma vương không bằng được Đức Phật,
đồng ý là phước báu của Đức Toàn tri lúc nào cũng viên mãn! Nhưng trẫm vẫn còn
thấy cái gì đó ẩn đằng sau câu chuyện này. Là dù sao, khi ma vương che mắt người
bà-la-môn Panca Sàla, làm cho Đức Phật ôm bát không đi ra, là ma vương đã đạt
được tâm nguyện rồi, đã vừa ý muốn của mình rồi. Chẳng lẽ nào Đức Chánh Đẳng
Giác với bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp ba-la-mật, bao nhiêu giác, minh,
tuệ, thần thông mà không nâng đỡ được mình sao, để cho ma vương đắc ý mỉm cười,
có phải thế không? Để cho ma vương đem đến sự tai hại cho Đức Thế Tôn, dù là
chút ít? Đại đức có thể nào phá nghi điều ấy cho trẫm không?
- Có thể được, đại vương hãy chú tâm nghe. Về vấn đề bố thí, cúng dường
vật thực của thí chủ đến cho người thọ thí, có thể có bốn sự tai hại ngăn trở
làm cho sự cúng dường không thành tựu:
Thứ nhất, tai hại khi thí chủ chưa thấy người thọ thí.
Tiếp đến, tai hại khi thí chủ đã sẵn có chủ tâm làm vật thực dâng
cúng.
Sau nữa, tai hại khi thí chủ đã sửa soạn vật thực xong rồi.
Cuối cùng, tai hại khi thí chủ dâng cúng vật thực rồi - và người thọ
thí đang thọ dụng.
Tâu đại vương ! Trường hợp ma vương ngăn trở che mắt người bà-la-môn,
thuộc loại tai hại thứ nhất. Đấy là vì ông bà-la-môn không thấy Đức Thế Tôn,
người đến thọ thí tại nhà mình. Đấy là sự tai hại bình thường, vì ông bà-la-môn
chưa thấy Phật nên chưa khởi tâm gì cả. Ma vương chỉ có khả năng đem đến sự tai
hại ngăn trở loại thứ nhất này mà thôi!
- Thưa, các loại ngăn trở sau là thế nào ạ?
- Thưa, loại tai hại thứ hai là khi thí chủ rắp tâm, chủ tâm sửa soạn
vật thực để dâng cúng, thì có người đến với ác tâm phá hoại, tìm cách ngăn cản
đi. Ví dụ, người kia dùng lời khôn khéo nói sao cho gia chủ thối thất thiện
tâm, làm cho gia chủ chán nản, mệt mỏi, làm cho gia chủ không cảm thấy hứng thú
trong việc cúng dường, hoặc có thể rủ gia chủ đi chơi chỗ này chỗ kia hấp dẫn,
vui vẻ hơn v.v...
- Vâng, trẫm đã hiểu, còn loại tai hại thứ ba là thế nào?
- Thưa, mặc dầu vật thực đã sửa soạn xong, nhưng người thọ thí chưa đến,
kẻ khởi ác tâm phá hoại bèn lân la bên cạnh thí chủ tìm cách nói sao cho gia chủ
phân vân, hoài nghi. Ví dụ, cúng dường có phước báu gì đâu, thà để cho chồng
con cháu chắt thọ dụng tốt hơn. Hoặc, người thọ thí ấy có tu hành gì đâu, ông ấy
là một người xấu, không có đức hạnh. Hoặc, cúng dường đệ tử ông Cù đàm thì các
giáo phái khác người ta ghét, người ta sẽ thù hằn, đố kỵ.v.v... Sự lập tâm của
người ngăn trở là làm cho gia chủ phân vân, lưỡng lự, hoài nghi ... để gia chủ
bỏ hẳn sự cúng dường ấy đi. Đây là điều tai hại thứ ba, tâu đại vương. Còn điều
tai hại thứ tư, là khi đang thọ thực, kẻ ác tâm đến, tìm cách ngăn trở bằng
cách nói với người thọ thực rằng: Thưa ngài, ngài dùng vật thực này không thanh
tịnh do gia chủ có ác tâm với ngài. Cơm bánh ngài dùng là do gạo dơ, nước dơ.
Những gia vị ngài dùng có tẩm độc tinh vi, lâu ngày mới phát tác, coi chừng
ngài sẽ thọ bệnh, sau một năm nữa sẽ vỡ cửu khiếu ra mà chết .v.v...
Tâu đại vương! Ma vương chỉ làm loại tai hại thứ nhất đến Đức Thế Tôn,
còn ba loại tai hại sau; bần tăng không thấy trong tam giới, trời và người, ma
vương, phạm thiên, sa môn hoặc bà-la-môn nào có khả năng làm ba loại tai hại ấy
đến Đức Phật. Kẻ nào mà ngu si làm ba loại tai hại ấy đến ngài - thì cái đầu của
người ấy sẽ bể tan làm bảy mảnh, tâu đại vương!
Lại nữa, một Đức Chánh Đẳng Giác thường có bốn điều bất khả xâm phạm;
không ai với uy lực nào có thể đem đến tai hại hoặc phá hoại được, ấy là:
Thứ nhất, bất cứ lợi lộc gì, phẩm vật gì, tứ sự gì mà thí chủ đã khởi
tâm hoặc đã sửa soạn cúng dường đến Đức Phật - thì sự cúng dường ấy ắt hẳn
thành tựu, không ai với uy lực nào có thể phá hoại được.
Thứ hai, Đức Thế Tôn có hào quang sáu màu thường tỏa sáng xung quanh,
bán kính chừng một sải tay - chẳng có ai với uy lực nào có thể làm cho lu mờ hoặc
phá hỏng hào quang ấy.
Thứ ba, tuệ giác của Đức Phật rỡ rỡ quang minh, tịch nhiên, viên chiếu,
xuyên chiếu, bao trùm, chẳng ai có khả năng tung bóng tối vô minh xâm phạm được.
Thứ tư, sanh mạng của Đức Thế Tôn, chẳng có uy lực ma quân nào động đến
được.
Tâu đại vương! Nếu đại vương thông hội thêm bốn điều bất khả xâm phạm ấy
thì đại vương sẽ không bao giờ dám đem sức mạnh và uy lực của ma vương để so
sánh với uy lực và sức mạnh của Đức Thế Tôn, phải vậy chăng? Việc ma vương che
mắt người bà-la-môn là việc làm ẩn khuất, dấu diếm, chứ ma vương nào dám trực
diện với Đức Thế Tôn? Việc làm của ma vương chẳng khác gì người đàn bà ngoại
tình vụng trộm, hành động lén lút, dấu diếm đức lang quân của mình. Nếu ông chồng
mà bắt được vợ mình làm việc vụng trộm ấy, dẫn đến đại vương thì đại vương xử
trị ra sao?
- Làng xã thôn ấp người ta cũng trị được, nói đến luật nước tối cao
làm gì. Người ta thường hành hạ, đánh đập, gọt tóc, bôi tro vào mặt, bêu rếu giữa
xóm làng rồi sau đó cho làm kẻ gia nô, nô lệ!
- Ma vương hành động lén lút cũng dường như thế, nếu mọi người biết mọi
người sẽ khinh bỉ. Còn riêng Đức Thế Tôn, dù ma vương có tâm xấu với ngài, có lẽ
tâm ngài vẫn là tâm giải thoát như hư không, tâu đại vương!
- Cảm ơn đại đức đã rọi đèn sáng vào khắp các hang hóc tối tăm của câu
chuyện, trẫm không hề còn một mảy may nghi! Chỉ có trí tuệ quảng bác, uyên áo,
sắc bén của ngài mới giải nạn cho những vấn nghi mà thế gian này không ai làm nổi.
Một lần nữa tri ân đại đức vậy.
Đức vua Mi-lan-đà hân hoan quá bèn quỳ sát đất đảnh lễ rồi tán thán:
- Trẫm xin tôn kính đảnh lễ ngài, đại đức Na-tiên cao quý và trí tuệ
vô song!
-ST-