HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: TẠI SAO ĐỨC THẾ TÔN KHÔNG MUỐN THUYẾT PHÁP SAU KHI CHỨNG ĐẠO

Đức vua Mi-lan-đà hỏi tiếp rằng:

- Đức Thế Tôn đã trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp tu tập công hạnh Ba-la-mật - là do động cơ nào thúc đẩy, thưa đại đức?

- Vì thấy chúng sanh chịu mọi đau khổ trong ba cõi, sáu đường - nên Đức Thế Tôn phát tâm bi mẫn tìm phương thuốc để cứu độ chúng sanh, tâu đại vương!

- Nếu vì tâm đại bi muốn cứu độ chúng sanh là chính đáng, là nguyên động lực thúc đẩy - thì tại sao sau khi chứng ngộ đạo quả vô thượng dưới cội bồ đề, Đức Thế Tôn lại ngần ngừ không muốn Chuyển Pháp Luân? Có phải tâm Đức Thế Tôn đã chùn lại, chẳng còn hăng hái như thuở mới phát nguyện? Hay ngài đã quên hẳn nguyện lớn từ xưa? Hoặc Đức Thế Tôn đã trở nên tiêu cực, muốn an hưởng quả vị giải thoát Niết bàn cho khỏe?

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Cái gọi là ngần ngừ, chùn lại, không còn hăng hái, quên nguyện lớn từ xưa hoặc tiêu cực, thụ động v.v... làm sao lại có thể có mặt trong tâm và tuệ của một đấng Đại Giác được, tâu đại vương!

- Thế tại sao ngài lại do dự, không chịu chuyển bánh xe Pháp để cứu độ chúng sanh? Ví như một công dân muốn phụng sự tổ quốc, y đã bỏ hết quãng đời niên trẻ, bôn ba tìm thầy học nghề cung nỏ. Khi thành tài, người công dân kia ứng thí và đỗ đầu chức võ quan. Trẫm tin cậy viên võ quan thiện xạ ấy lắm. Nhưng khi lâm trận, gặp địch, viên võ quan tài giỏi ấy có cái tâm chùn lại, có cái tâm tiêu cực, hãi sợ, rụt rè... không dám giương cung để cự địch. Thái độ của Đức Thế Tôn cũng giống như thái độ của viên võ quan ấy chứ nào có khác gì?

Lại ví như người học võ, ngày đêm tập luyện không mệt mỏi với nguyện vọng ngày kia sẽ vô địch trên các võ đài. Nhưng khi lên võ đài gặp đối thủ, người kia sợ hãi đến xanh mặt, cái tay chùn lại, cái chân run rẩy, quả tim trống đánh đổ hồi... rồi vì khiếp sợ mà y đã thối chí, không dám đương cự với địch thủ nữa; và ước muốn trở thành vô địch, ý chí quyết thắng ban đầu chợt tiêu tan như mây khói. Đức Thế Tôn với bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp tu tập bằng chí nguyện sắt đá, thành tựu công hạnh Ba-la-mật, đem ánh sáng trí tuệ soi đường chỉ lối cho chúng sanh đang bị vô minh che phủ trong đêm trường tăm tối...; nhưng khi thành tựu đạo lớn rồi, ngài lại thối chí, ngã lòng - chẳng khác gì người học võ ở ví dụ trên? Nếu vậy thì Đức Thế Tôn tu tập để làm gì? Thành tựu mười Ba-la-mật để làm gì? Ngài bố thí vật ngoại thân là tài sản, của cải, ngọc ngà, châu báu... là để làm gì? Lại còn bố thí cả vật nội thân như con mắt, quả tim, tay, chân... và luôn cả đầu, cổ, cả sanh mạng... là để làm gì mới được chứ?

Thưa đại đức! Đấy là những vấn nạn của trẫm, những vấn nạn nhức đau, khó hiểu, có ẩn bóng tối; mà chúng ngoại đạo dễ phanh ra để đàm tiếu, để bôi nhọ phẩm hạnh của Đức Đạo Sư, tâm và tuệ của ngài. Mong đại đức bi mẫn thương tưởng đến trẫm cùng những người học Phật thời hậu lai mà ra tay vén mở cho thì trẫm cám ơn lắm vậy!

- Tâu đại vương - đại đức Na-tiên chậm rãi nói - Xin đại vương hãy nhẫn nại, bình tĩnh, đâu còn có đó; rồi những nghi vấn của đại vương sẽ lần hồi được sáng tỏ, đại vương hãy từ từ mà nghe đây.

- Thưa vâng!

- Lời đầu tiên bần tăng muốn xác định là tâm Đức Thế Tôn vẫn khắng khít với lời phát nguyện ban đầu, nghĩa là tâm bi mẫn muốn cứu độ chúng sanh vẫn không suy giảm. Sở dĩ Đức Thế Tôn do dự không muốn thuyết pháp độ đời, là vì giáo pháp mà ngài vừa đại ngộ cao sâu quá, nhiệm mầu quá, vi tế quá, chỉ ngại chúng sanh vì vô minh, ái dục, vì chấp kiến quá sâu dày mà khó biết, khó thấy thôi!

- Dù sao, Đức Thế Tôn cũng đã do dự!

- Vâng, do dự và phân vân nữa! Nhưng là một sự do dự và phân vân hữu lý, vì ngài không ngờ rằng "sự thực" mà ngài chứng ngộ khác xa với dự tưởng thuở ngài còn là bồ tát!

- Vậy là có khác rồi, thay đổi rồi!

- Vâng, không khác, không thay đổi sao được, khi bồ tát thì còn vô minh mà bậc Chánh Đẳng Giác đã diệt tận vô minh? Tâm và tuệ của bồ tát khác xa với tâm và tuệ của vị Phật, tâu đại vương!

- Xin đại đức giảng rộng cho nghe.

- Thưa vâng, có thể trong thời gian trải qua bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp, bồ tát tu tạo công hạnh ba-la-mật với ý nghĩ rằng: sau khi thành Phật, ta sẽ cứu độ tất thảy chúng sanh! Nhưng khi thành Phật rồi, tâm và tuệ của ngài không còn giống với trình độ tâm và tuệ thuở còn là bồ tát - mà nó sâu sắc hơn, vi tế hơn, lợi thắng hơn. Nghĩa là Đức Phật có những khả năng mà bồ tát không có! Ngài có những sự thấy biết mà bồ tát khó thấy biết. Ví dụ như Đức Phật thấy, biết rằng: "Chúng sanh có những căn cơ sai khác dị, đồng rất khó mà giáo hóa; trình độ chúng sanh đa phần ngu si, tăm tối... khó mà cho chúng thấy được Giáo Pháp cao siêu mầu nhiệm ấy"! Tâu đại vương, điều mà bần tăng vừa trình bày đó nghe có hữu lý không?

- Có thể là hữu lý! Ý đại đức nói rằng, thuở còn là bồ tát thì tưởng là dễ độ chúng sanh; nhưng khi thành Phật, chứng ngộ Pháp rồi - thì thấy rằng Pháp ấy không dễ gì mà mang ra cho tất thảy chúng sanh cùng thấy, cùng biết được.

- Vâng!

- Nếu quả như vậy thì sự phân vân, do dự của Đức Thế Tôn là sự phân vân, do dự của bậc đại trí - trẫm hiểu rồi!

- Ví như một lương y đại tài thường không cau mày trước bất kỳ một bệnh nào. Nhưng hôm kia, vị lương y gặp phải một căn bệnh kỳ quái, hiểm nghèo mà suốt đời vị ấy chưa từng biết qua. Trường hợp ấy, vị lương y đại tài kia phân vân, do dự - có hữu lý không hở đại vương?

- Thưa, hoàn toàn hữu lý.

- Cũng giống như thế ấy, khi còn vô minh, còn tu tập mười công hạnh ba-la-mật, bồ tát nghĩ rằng có thể cứu độ tất thảy chúng sanh. Nhưng khi thành Phật rồi, hết vô minh rồi - ngài lại ngần ngừ, do dự trước những căn bệnh trầm kha của chúng sanh đấy, tâu đại vương!

- Hoàn toàn chính xác!

- Ví như có một vị hoàng tử trẻ tuổi, tài cao, chí lớn, thường suy nghĩ rằng: "Sau này làm vua, ta sẽ là một đấng minh quân. Ta sẽ trừng trị những tay gian thần, nịnh thần. Ta sẽ nghiêm khắc với chính mình, đối xử chừng mực, phải lẽ với hoàng hậu, thứ phi, cung nga, thể nữ. Ta sẽ ban thưởng trọng hậu cho các quan thanh liêm, chính trực, những bề tôi lương đống và kẻ có công. Ta sẽ thương dân như con. Ta sẽ bảo ban sau trước tất cả mọi công việc, chăm lo làm sao cho dân giàu, nước mạnh v.v..." Nhưng khi lên làm vua rồi, vị vua trẻ mới thấy rằng, không dễ gì thực hiện những ý nghĩ thuở còn hoàng tử được. Và không dễ gì trong một lúc mà làm hết các công việc như dự kiến ban đầu. Muốn làm đấng minh quân đâu phải chỉ trong một sớm, một chiều? Việc gì cũng phải cẩn thận, dè dặt, vì mỗi người là mỗi tâm, mỗi tánh, sở thích, tham muốn... khác nhau! Tâu đại vương, sự phân vân, cẩn thận, dè dặt của vị vua trẻ kia có hữu lý không?

- Thưa, rất hữu lý.

- Sự phân vân, do dự của Đức Thế Tôn sau khi đạt quả vị cũng như thế ấy.

- Vâng, trẫm đã thông suốt lắm rồi! Nhưng sau đó, tại sao phải đợi đến lúc vị Đại Phạm thiên thưa thỉnh ba lần, Đức Thế Tôn mới xuống núi độ đời, lăn bánh xe Pháp? Chuyện ấy có ý nghĩa gì không, thưa đại đức?

- Có ý nghĩa chứ, tâu đại vương! Một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác làm việc gì cũng đều quán căn, cơ, duyên... của chúng sanh cả! Đại Phạm thiên thưa thỉnh ba lần, đây là thông lệ của chư Phật quá khứ, tâu đại vương!

- Xin đại đức tuần tự mở thông lỗ tai cho trẫm.

- Thưa vâng! Sở dĩ chư Phật đợi đến lúc Đại Phạm thiên thưa thỉnh mới chuyển Pháp luân, là vì Đại Phạm thiên là bậc Tối Thượng Tôn, là bậc có quyền năng vô hạn theo truyền thuyết nhân gian và theo cả tín ngưỡng, lòng tin cổ truyền của người theo Bà-la-môn giáo. Không những loài người, mà cho chí chư thiên và các vị phạm thiên đều quy ngưỡng, kính trọng bậc Đại Phạm thiên. Vậy khi mà bậc Đại Phạm thiên ấy đến quỳ năm vóc sát đất, quy ngưỡng và cung thỉnh Đức Thế Tôn xuống núi độ đời, thì chắc hẳn sự lợi lạc cho Giáo Pháp, tăng tưởng lòng tin cho chư thiên và loài người như thế nào, chắc là đại vương có thể hiểu được rồi!

Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:

- Đúng vậy, khi ông vua mà quy phục rồi thì bọn bề tôi dưới trướng phải nhất mực tuân theo. Lại nữa, khi mà ông vua cung thỉnh thuyết pháp, thì pháp ấy chắc hẳn phải tốt đẹp, phải lợi ích cho cả chư thiên và loài người, thưa đại đức!

- Lại nữa, tâu đại vương! Khi mà vị Đại Phạm thiên thưa thỉnh ba lần hợp pháp rồi, Đức Thế Tôn mới quán căn duyên của chúng sanh. Ngài thấy rằng, như hoa sen nở ở trong hồ, cái đang còn chìm ẩn trong bùn, cái đang còn chìm dưới nước, cái đã trồi ngang mặt nước, cái thì đã vươn lên khỏi mặt nước để đón nhận ánh sáng mặt trời, phô thắm sắc và tỏa ngát hương. Cũng vậy, chúng sanh ngu trí khác nhau. Có loại chúng sanh đang bị chìm sâu trong bùn dơ ngũ dục. Có loại chúng sanh tuy đã ra khỏi bùn nhưng còn chìm trong nước. Có loại chúng sanh đã trồi ngang mặt nước. Có loại chúng sanh căn cơ thượng đẳng, đã vươn lên khỏi mặt nước. Loại chúng sanh này ít bụi cát trong mắt, có thể phủi sạch để thấy được Giáo Pháp mầu nhiệm cao siêu, đón nhận được ánh sáng tuệ giác để giải thoát sinh tử trầm luân!

Tâu đại vương! Ý nghĩa thưa thỉnh ba lần của vị Đại Phạm thiên có duyên cớ và ý nghĩa thù thắng như thế, thì kẻ nhiều bụi cát trong mắt làm sao biết được, hiểu được, phải không đại vương?

- Vâng, vâng! Trước thì đầu óc trẫm rất nặng, đại đức đã làm cho nhẹ đi! Trước thì nghi kiến của trẫm rất rối ren, đại đức đã tháo gỡ cho từng dây, từng mối. Trẫm rất tịnh tín với đại đức, đại đức có biết thế không?

- Cảm ơn đại vương.

-ST-

Được tạo bởi Blogger.