TINH HOA GIÁO DỤC 30 (PHẦN 9)
CON ĐƯỜNG CỦA TÌNH YÊU VÀ HẠNH
PHÚC BẤT TẬN
VIII. TÌNH YÊU SAU HÔN NHÂN VÀ
SỰ CHỮA LÀNH ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
Thời gian, trải nghiệm, va đập trong xã hội, công việc, tình yêu, hôn
nhân, cuộc sống mưu sinh làm con người dần dần bị tiêm nhiễm vô số năng lượng
tiêu cực. Khiến bạn biến đổi từ bản chất tốt đẹp ban đầu, trở nên già đi, khó
tính hơn, ít hài hước, vui cười hơn. Tình yêu cũng bắt đầu đi xuống, giai đoạn
này rơi vào thời gian hai người cưới và sống chung với nhau khoảng được một vài
năm. Những biểu hiện của tình yêu bắt đầu già cỗi đó là bạn suy nghĩ nhiều hơn,
tính tình cằn cỗi, tính toán hơn, ưu tư ưu phiền, ít cười ít nói, lúc này tình
yêu không còn màu hồng nữa, không còn sự ngọt ngào, trẻ trung như thuở mới cưới.
Tóm lại, rất nhiều người đang sống trên thế giới này phần lớn đều đánh mất đi
thiên tính của mình, mất đi ánh sáng thuần khiết của đứa trẻ khi họ lớn lên và
trưởng thành.
Vì vậy, hành trình trưởng thành là hành trình bạn quay trở về, tìm lại
thiên tính của bản thân, tìm lại ánh sáng của đứa trẻ tồn tại bên trong mỗi người.
Và bây giờ bạn đã biết sự ngây thơ, thuần khiết, sáng tạo của đứa trẻ là ánh
sáng để cho bạn thêm một lần nữa được hồi sinh. Hành trình này bắt đầu khi bạn
có em bé, em bé bắt đầu lớn lên và bập bẹ biết đi. Hãy quan sát em bé, chơi với
bé nhiều thật nhiều thì những năng lượng tích cực này sẽ chảy vào người bạn.
Năng lượng già cỗi được thanh tẩy bằng năng lượng của sự tươi trẻ. Tâm hồn của
một đứa trẻ được đánh thức, tình yêu trong bạn được sống lại thêm một lần nữa,
trong chính gia đình của mình.
Hãy quan sát mà xem, trẻ con vô tư sống, thích làm cái này làm cái kia
vì đó là điều nó muốn nên lúc nào cũng tràn đầy cảm xúc tích cực. Còn bạn bây
giờ muốn làm thế này, thế kia nhưng cũng không dám. Chẳng hạn, dù lớn nhưng vẫn
còn sở thích tắm mưa như những đứa trẻ, người nam thích vào bếp nấu ăn, cô giáo
muốn yêu học sinh, phụ nữ muốn ra ngoài giao lưu bạn bè… Tất cả những điều đó
chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng nhiều người lại sợ người khác dị nghị, phán xét,
đánh giá thế này không đúng, thế kia sai nên không ai dám thể hiện cảm xúc, niềm
mong muốn hết mình của bản thân. Mọi đau thương bị dồn nén, bạn không sống thật
với chính mình, con người thật của bạn bị kìm nén. Nỗi sợ khiến bạn không dám đối
diện với cảm xúc của bản thân và trở nên khô cứng, bạn dần dần đóng trái tim lại
và sống không thực với chính mình.
Ngược lại, đứa trẻ làm rất tốt điều này, chúng thích chúng sẽ cười, buồn
chúng khóc, ghét chúng giận và nếu chúng tức giận với ai đó chúng thể hiện ra
thế là xong. Cho đến khi bạn cấm chúng không được khóc, đánh đòn vì trái ý bạn.
Trẻ con biết cách thể hiện cảm xúc chân thực của mình, ưu tiên thỏa mãn cảm xúc
của mình trước, chúng luôn tích cực, tràn đầy năng lượng nên chỉ cần nhìn chúng
thôi bạn cũng được cộng hưởng nguồn năng lượng này.
Khi bạn cho phép cảm xúc được bộc lộ, không còn quan tâm đến những ánh
mắt dèm pha, tiếng xì xào bàn tán, bỏ qua các rào cản xã hội rằng bạn phải thế
này, phải thế kia, bạn là chính mình, được bung tỏa cảm xúc của mình và sống
như một đứa trẻ. Cuộc đời sẽ sang một trang mới, bạn tiếp cận với sự thật, tiếp
cận với cuộc sống tràn đầy năng lượng. Bạn nhìn vào đâu cũng thấy được vẻ đẹp của
cuộc sống, mọi thứ như rung rinh và chuyển động, niềm hạnh phúc như vỡ òa trong
từng phút giây.
Đứa trẻ vô tư yêu đời nó cười suốt ngày, có thể vui với những điều cực
kì đơn giản, nó cầm cái lá, nhành cây, một viên sỏi nó cũng cười vui sướng. Người
lớn thì không, cái vui của người lớn rất phức tạp, chẳng hạn như ăn thịt phải
có rau thơm chấm nước mắm mới ăn được, thậm chí nước mắm phải là của hãng A, B,
C mới hài lòng. Đó là do tâm thức bạn chấp vào đó, ăn thịt phải có rau và nước
chấm, không có thì ăn mất ngon. Bài học ở đây là gì, hãy vui với vạn sự, niềm
vui đến từ những điều đơn giản nhất. Khi tâm thức của bạn là đón nhận tất cả,
cái gì đến thì bạn đón nhận, trải nghiệm cái đó như một bài học, thì cuộc sống
của bạn sẽ toàn là dòng chảy năng lượng tích cực.
Trẻ con không nói dối, bạn bây giờ nghĩ như thế này nhưng lại không
dám nói ra, nên phải nói tránh, nói khéo, nói ý tứ, thậm chí nói không đúng sự
thật do sợ người kia tổn thương, buồn. Vì tâm thức không mở để đón nhận sự thật,
chấp vào đó và nghe cái gì không thuận tai, không như ý là lại nổi sân si. Nên
suốt đời không nghe được sự thật, cũng chẳng ai muốn nói sự thật với những người
như vậy. Hãy thành thật như một đứa trẻ.
Nhìn mà xem trẻ con mang trái tim chan chứa tình yêu thương, chúng hòa
vào vạn vật, cỏ cây hoa lá và muôn người. Những đứa trẻ chơi cùng nhau rất vui
vẻ, dù chúng có hay đánh, chửi, chúng giận hờn dỗi. Nhưng sau cao trào của cảm
xúc, chúng sẽ lại lao vào nhau, cười nói, đùa giỡn như chưa hề có chuyện gì. Rồi
những lúc bạn đánh, mắng, phạt, gây tổn thương lên cả tinh thần lẫn thể xác đứa
trẻ thân yêu. Chúng khóc to thật to, nước mắt của sự tổn thương, cô độc, không
ai thấu hiểu vì bị người thân yêu nhất gây đau khổ. Rồi sau nữa, một phút sau
chúng nín khóc lại lao vào bạn, ôm, hôn, níu chân, cười nói với bạn và chúng
quên hết mọi chuyện bạn vừa làm với chúng.
Đứa trẻ là vậy, chúng mang trên mình đầy tình yêu thương, thánh thiện,
từ bi, sự hòa ái, chân thành, là trí tuệ của sự hiện hữu bước vào thế giới này.
Đơn giản đó là nguồn năng lượng nguyên thủy của sự thuần khiết, trong sáng và
tinh túy mà Vũ Trụ đã ban cho nó, hoàn toàn chưa nhiễm trược của thế gian, chưa
bị tiêm nhiễm thứ năng lượng xấu xa, tiêu cực. Cho đến khi đứa trẻ đang dần lớn,
lúc chúng thậm chí còn chưa có ý thức, nhận thức về bản thân và người lớn. Những
người mang tâm thức còn chưa hoàn thiện, những ý tưởng lỗi thời, nỗi sợ, sự bất
an đã bị áp đặt và làm tổn thương trong quá khứ của mình để bắt đầu cái gọi là
giáo dục đứa trẻ. Và nhồi vào đầu chúng sự phân biệt, so sánh, phán xét, ganh
đua, đố kị, tham lam, chỉ trích, thù hận, sợ hãi, chấp ta ngã mạn làm tâm hồn đứa
trẻ cũng dần dần bị biến đổi theo thời gian.
Sách Mark (10:13-16) trong Kinh Thánh có chép: Người ta đem những con
trẻ đến cùng Ngài, đặng Ngài rờ chúng nó; nhưng môn đồ trách những kẻ đem đến.
Đức Chúa Giê-su thấy vậy, bèn giận mà phán cùng môn đồ rằng: “Hãy để con trẻ đến
cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như
con trẻ ấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai chẳng nhận lấy nước Đức Chúa Trời
như một đứa trẻ, thì chẳng được vào đó bao giờ. Ngài lại bồng những đứa trẻ ấy,
đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho.”
Muốn sống thuận tự nhiên, hãy sống như một đứa trẻ. Đói ăn, mệt ngủ,
buồn khóc, vui cười, vô ưu, vô lo. Để được như vậy mọi người cần chữa lành vì hầu
hết chúng ta đều bị tổn thương, đầu độc bởi môi trường, xã hội có quá nhiều
đánh giá, phán xét như hiện nay.
Trần
Huy Toàn