TINH HOA GIÁO DỤC 29 (PHẦN 3)
MUỐN PHÁT
TRIỂN BỀN VỮNG NÊN THUẬN THEO QUY LUẬT ÂM DƯƠNG
III. ÂM
DƯƠNG ĐỐI LẬP, QUY LUẬT CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
Vạn vật tồn tại bên trong đều có hai thuộc tính âm
dương. Và hai thuộc tính âm dương luôn đối lập nhau, tạo nên cân bằng bổ trợ
thúc đẩy sinh trưởng, đồng thời còn chứa đựng tính mất cân bằng giúp sự đối lập
phát triển. Cho nên quy luật âm dương trong trường hợp này, có thể hiểu theo một
nghĩa khác là quy luật bù trừ trong tự nhiên nhằm tạo động lực cho sự phát triển.
Chẳng hạn, trong con người sẽ luôn luôn có hai yếu tố tương khắc, tương hỗ lẫn
nhau. Có tâm Phật tâm Ma, có tư tưởng vĩ đại thì cũng có ti tiện, có ưu điểm
thì có khuyết điểm, hai yếu tố này sẽ cạnh tranh với nhau không ngừng, tạo động
năng cho sự phát triển.
Quy luật bù trừ thúc đẩy bạn muốn học hỏi thêm, để
không ngừng hoàn thiện bản thân hơn. Vấn đề còn lại là tự bản thân mỗi người có
thấy được cái thiếu đó mà có ý thức hơn trong việc tự học, tự mài giũa bản thân
hay không.
Như người Nhật Bản dạy trẻ em mầm non của họ rằng:
“Đất nước ta là một quốc gia nghèo nàn tài nguyên, khoáng sản, lại lắm thiên
tai, thảm họa”. Do đó những đứa trẻ không có cách nào khác là dựa vào sự tự lực
của mình, phát triển trí tuệ, lao động chăm chỉ để bù đắp lại những khoảng trống
về sự thiếu hụt tài nguyên, thiên nhiên, do đó ngày nay họ trở thành siêu cường
quốc về kinh tế. Như vậy chính từ sự tự nhận biết những mặt hạn chế, những thiếu
thốn của mình mà người Nhật có động lực để phát triển.
Năm lên mười tuổi tôi sống ở quê mỗi buổi chiều
hay đi đá bóng, nhưng sau nhiều lần bị đối phương áp đảo về thể lực, qua quá
trình quan sát tôi để ý thấy rằng những đứa hay vượt trội tôi về sức mạnh đều
là con nhà nông (nhà tôi không làm nông). Hằng ngày chúng thường xuyên làm việc
giúp bố mẹ, chăn trâu bò, lội đầm lầy, cày ruộng, dầm mưa, trải nắng,… nên bù
vào những khó khăn vất vả chúng lại có một thể lực dồi dào, cơ thể săn chắc.
Còn tôi vì không phải làm việc gì nặng nhọc, ít được ra ngoài nhận năng lượng,
sinh khí của cha trời mẹ đất nên chỉ có sức khỏe bình thường, không thể sánh kịp
với tụi kia. Từ đó tôi rút ra bài học cho riêng mình, sau này mới nhận ra là
quy luật bù trừ, phải biết cách điều chỉnh bản thân để không ngừng hoàn thiện.
Cụ thể tôi đã áp dụng quy luật đó vào cuộc sống của mình như sau: “Một ngày tôi
ngồi tám, chín tiếng viết sách là việc bình thường nên cuối ngày tôi hay dành một
hai tiếng để đi bộ, tập thể thao nhằm cân bằng lại cơ thể thể chất.
Vì nhìn máy tính ở cự ly ngắn trong một khoảng thời
gian dài, nên bù lại cứ khoảng 30 đến 60 phút tôi lại nghỉ ngơi, nhìn vào một vật
thể bất kỳ ở xa xa để cân bằng lại cho đôi mắt. Viết sách đòi hỏi phải dùng thể
trí, lý trí, suy nghĩ nhiều làm đầu óc mỏi mệt. Do đó, tôi có nhiều hoạt động để
thả lỏng trí não, một trong số đó là Thiền nhằm cân bằng lại Tâm Trí trong một
ngày làm việc.”
Câu chuyện về triệu phú tự lập trẻ tuổi Adam Khoo
người Singapore được bố mình tôi luyện, giáo dục chắc hẳn là một trong những
trường hợp tiêu biểu cho việc “hiểu quy luật bù trừ” để điều chỉnh, phát triển
bản thân. Anh kể: Có thể nói rằng tôi là người được hưởng điều tốt đẹp nhất giữa
hai thái cực giàu và nghèo. Tôi sinh trưởng trong một dòng họ giàu có ở Singapore.
Cha tôi cùng các cô chú tôi không phải là doanh nhân thành đạt thì cũng là những
chuyên viên cao cấp. Họ sống trong những ngôi nhà, biệt thự sang trọng, sinh hoạt
ở những câu lạc bộ cao cấp và phần lớn đều có hai chiếc xe hơi trở lên. Một vài
người còn sở hữu những chiếc xe hơi sang trọng bậc nhất, là những thứ khơi gợi
khao khát riêng của mình từ khi tôi còn bé về một cuộc sống giàu có viên mãn.
Trong môi trường đó tôi dễ nhiễm suy nghĩ rằng kiếm
tiền dễ như bỡn và rằng việc trở thành triệu phú, sống trong tòa biệt thự cao cấp,
sang trọng là chuyện dĩ nhiên. Vậy điều gì đã ngăn tôi không trở thành một kẻ
lông bông, lười biếng, cho rằng cả thế giới phải cung phụng mình? Tất cả là nhờ
người cha thân yêu của tôi. Từ những điều mắt thấy tai nghe trong giới giàu
sang và quyền lực, ông ngộ ra một điều rằng cho con cái tất cả những gì chúng
muốn là bóp chết nỗi khát khao lành mạnh được làm giàu bằng chính sức lực của
mình và động lực vươn tới thành công của chúng.
Nhiều đứa con của bạn bè ông đã ở vào tuổi tứ tuần
mà vẫn phải sống dựa dẫm vào bố mẹ sau lưng. Từ những gì chiêm nghiệm được, cha
tôi quyết định không thể để một kết cục như vậy xảy ra với tôi. Từ khi tôi biết
tiêu tiền, ông chỉ cho tôi tiền tiêu vặt để ăn sáng và uống nước, ít hơn nhiều
số tiền mà anh chị em họ hay bạn bè của tôi nhận được từ cha mẹ họ. Ông chủ
trương ngay từ đầu rằng, nếu tôi muốn mua thêm bất cứ thứ gì khác thì tôi phải
tự kiếm tiền mà mua. Thật lòng mà nói, lúc đầu tôi rất bất mãn và thầm oán cha
mình keo kiệt với tôi, đứa con trai duy nhất của ông. Nhìn quanh thấy mấy anh
chị em họ và bạn bè tôi được cha mẹ mua cho không thiếu thứ gì từ quần áo, đến
những món đồ chơi xịn trong khi tôi chẳng được cha mua cho bất cứ thứ gì mà trẻ
con vẫn thích. Tệ hơn, tôi biết rằng cha tôi rất giàu và tôi không hiểu tại sao
ông lại keo kiệt và cay nghiệt đến như vậy.
Cha thường xuyên nói với tôi: “Nếu con muốn món đồ
gì đó thì tự kiếm tiền mà mua lấy”. Ông làm mọi cách để tôi hiểu rằng, tôi
không nên trông mong ông sẽ cho tôi một đồng nào trong tương lai, rằng nếu tôi
muốn có được cuộc sống sung túc, thì tôi buộc phải làm việc cật lực như ông vậy.
“Nếu con làm hỏng đời mình thì đừng mong cha sẽ nhảy vào cứu. Không ai nợ con
cuộc sống của chính con”. Với cha tôi lúc nào ông cũng tuân thủ lời nói đi đôi
với việc làm.
Tất nhiên, lúc trẻ người non dạ tôi không hiểu được
và mang lòng oán ghét cách cha tôi răn dạy và đối xử với con cái, nhưng bây giờ
nhìn lại, tôi biết cha tôi đã gieo những hạt giống tốt đẹp, giúp tôi trở thành
một trong những triệu phú tự lập trẻ nhất Singapore. Quả thực dù sinh trưởng
trong một gia đình giàu sang, nhưng cha tôi vẫn không nuông chiều tôi theo kiểu
cậu ấm cô chiêu. Ông tạo cho tôi tâm lý bức bách không thỏa mãn, chưa bao giờ
có được cái tôi muốn mà không phải bằng sức của mình (ông bắt tôi đi xe buýt đến
trường trong khi chiếc Merceder Benz SLK của ông thì bỏ nằm không trong gara)
và truyền cho tôi nỗi khát khao: “Một ngày nào đó tôi có thể giàu có như ông, bằng
chính khối óc và đôi tay của mình.”
Ở tuổi học trò tôi mê nhất là bộ phim Chiến tranh
giữa các vì sao và ao ước phát điên có được tất cả những mô hình tàu vũ trụ và
các nhân vật trong bộ phim này. Nhưng dù vòi vĩnh thế nào, cha tôi cũng nhất
quyết không cho, thế là tôi đi đến quyết định tự kiếm tiền để mua những món đồ
chơi đó. Chính vì không đủ tiền có được những thứ mình mong muốn nhất mà tôi có
động cơ đi làm thêm vào những kỳ nghỉ. Năm 14 tuổi, tôi kiếm được việc làm thêm
đầu tiên. Những gì gặt hái trong giai đoạn này, cũng là bước đệm cho sự thành tựu
về sau của tôi.
Vũ Trụ này được hình thành dựa trên nền tảng âm
dương. Vì vậy bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng đều tồn tại tính hai mặt của
nó. Trong âm đã có dương, trong thiện đã có ác, đúng với người này sai với người
khác.
Không có chi là hoàn toàn ác, thiện nhỏ thì ác lớn
và ngược lại.
1. Ngộ nhận
Có nhiều người nói rằng trời cho cái này thì lấy
đi của bạn cái kia, được cái này thì mất cái khác, con người không ai là hoàn hảo
cả. Kiểu như cho bạn vẻ đẹp thì lấy đi của bạn trí thông minh, sự hiểu biết.
Cho bạn trí thông minh lấy đi của bạn sự chăm chỉ. Cho bạn giàu có sẽ lấy đi
tình cảm. Cho bạn tình cảm lại lấy của bạn sự giàu có. Cho tài năng cũng lắm tật
xấu đi kèm. Nói như vậy là bạn chưa hiểu luật bù trừ, chính vì sự thiếu đó mới
tạo động lực cho bạn mài giũa, phát triển bản thân để không ngừng đi lên. Nếu
sinh ra đã hoàn thiện thì bạn sinh ra để làm gì nữa, động lực đâu bạn phấn đấu,
sinh ra mà đã hoàn thiện có nghĩa là bạn khiếm khuyết - cái bản thân hoàn thiện
nhất mới là thiếu sót nhất. Điển hình nhất là trong câu nói “Không ai giàu ba họ,
không ai khó ba đời”, thực chất đó là câu nói, một khái niệm chủ quan của một số
người Việt và người Trung Quốc hay dùng như một lời biện bạch, đó là vì nhiều
người chưa hiểu quy luật này để áp dụng vào việc giáo dục con trẻ.
Nói “không ai giàu ba họ” là vì khi giàu có nhiều
ông bố bà mẹ nuôi dạy con theo bản năng họ thường chiều chuộng con hết sức muốn
gì có đó, bao bọc con quá mức. Đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường đầy đủ
tiện nghi, ăn sung mặc sướng, lại có điểm tựa vững chắc là sự bảo đảm về khối
tài sản được thừa hưởng từ ông bà, bố mẹ nên rất dễ sinh ra hư hỏng và thiếu ý
chí. Một con người mà nội lực yếu ớt, ngoại lực cũng không thì đâu có sức lực,
động lực cho những điều kiện cơ bản nhất để vươn lên phát triển, dần dần trở
nên sa sút, như vậy chính sự giàu có cũng có mặt hại của nó.
Nói “không ai khó ba đời” là vì những người sinh
trưởng trong gia đình nghèo khó họ quá túng quẫn, họ chán ghét cảnh nghèo nên bằng
mọi cách họ quyết tâm muốn thoát nghèo, có khát vọng làm giàu. Họ có tinh thần
dấn thân, có động lực làm việc mạnh mẽ, những người sinh ra trong gia đình
nghèo khó, túng thiếu họ không còn đường nào khác, không có gì để mất họ làm việc
chăm chỉ và không ngừng cố gắng, nên dần dần họ trở nên giàu.
2. Gian khổ
- Sung sướng
Người Do Thái, dân tộc Israel không có định nghĩa
“không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” trong từ điển của họ. Không biết họ
sớm nhận ra được quy luật này nhờ trí thông minh của mình hay là do kinh nghiệm
đúc kết được sau hơn 2000 năm lưu vong mà hiểu ra được quy luật bù trừ để nuôi
dạy con cái, thành quy luật tự điều chỉnh bản thân. Do đó họ có một phương pháp
giáo dục đặc biệt, gọi là kỹ năng vượt khó hay gọi tắt là chỉ số AQ.
AQ là tên viết tắt của Adversity Quotient (chỉ số
biểu thị khả năng vượt qua nghịch cảnh, bất hạnh, lao đao… gọi tắt là chỉ số vượt
khó), theo chuyên gia tâm lý học Paul Stoltz người Hoa Kỳ cũng là người đầu
tiên đưa ra khái niệm này vào năm 1997. Theo đó bạn có thể hiểu rằng tại sao một
số người trở nên xuất chúng và rất thành công, trong khi những người khác lại dễ
nản lòng, thất bại, cho dù họ có thừa thông minh hoặc tư cách tốt? Điểm khác
nhau giữa họ chính là sự chênh lệch về AQ. Đó là chỉ số dùng để đo xem ai có thể
đương đầu và chinh phục những khó khăn, nghịch cảnh, cũng chính là một chỉ số về
bốn mức độ cao thấp, bản lĩnh sống:
Đối diện khó khăn.
Xoay chuyển nghịch cảnh.
Vượt lên nghịch cảnh.
Tìm được lối thoát.
Paul G.Stoltz nói: “Người tốt vẫn có thể là người
không bền lòng theo đuổi mục đích. Dù biết đó là mục đích cao đẹp nhưng họ
không đủ can trường để đi tới. Bởi vì, bao giờ cũng vậy, mục đích cao đẹp luôn
đi kèm với những thử thách cực kì khó mà chỉ ai dám vượt khó mới có thể tới
đích.” Hiểu theo một tần nghĩa rộng nhất rèn luyện chỉ số AQ là con đường trung
đạo, con đường của tình yêu thương minh triết mà người Do Thái đã chọn để giáo
dục trẻ. Bởi đó là phương pháp giáo dục thuận tự nhiên, không nghiêng về một
bên nào cả. Họ chấp nhận cho trẻ trải nghiệm khổ cực, như một hình thức để đón
nhận sự sung sướng. Chấp nhận cho trẻ nếm trải gian nan, vất vả như một phần của
hạnh phúc. Cho con thiếu thốn, bất tiện, như một phần của sự sung túc, đủ đầy.
Chính vì không trọng bên này bỏ bên kia, không cho trẻ trải nghiệm thiên lệch
chỉ một âm hoặc một dương, cho nên không bị phản đảo lại, nhờ đó mà có sự cân bằng
và phát triển bền vững.
Vực dậy chỉ số AQ (hay còn gọi là nghị lực).
Ở cuốn sách “Chiết Giang Thương Đạo, Thương nhân
Chiết Giang” đã được tôi luyện như thế nào? của tác giả Dương Hồng Kiến người
Trung Quốc có đoạn trích như sau: “Rất nhiều thương nhân Chiết Giang khi mới khởi
nghiệp đều vô cùng chịu thương chịu khó, họ có thể ban ngày làm ông chủ, ban
đêm ngủ nền nhà”. Đối với họ bất cứ gian khổ nào cũng có thể chịu được, bất cứ
công việc nhếch nhác nào, mệt nhọc nào cũng tình nguyện làm. Những công việc
người khác không chịu làm như đánh giày, đánh chìa khoá thì người Chiết Giang đều
giành lấy mà làm. Những vất vả mà người khác không chịu làm như vào Nam ra Bắc,
rời xa quê hương, người Chiết Giang đều vui lòng chấp nhận bởi họ hiểu sâu sắc
rằng: “Muốn giành được sự giàu có phải đổ ra sự lao động gian khổ.”
Rất nhiều người không chấp nhận gian khổ đều cho rằng
hành vi của thương nhân Chiết Giang chẳng mang ý nghĩa gì, thậm chí có phần xem
thường. Nhưng sau nhiều năm những thương nhân phải nằm đất đều thành công,
doanh nghiệp nhỏ đều trở thành công ty lớn, vốn nhỏ đã trở thành đại phú hào,
lúc này mọi người mới ý thức rằng: “Chịu đựng được trong gian khổ, mới là người
cao hơn”, câu cổ ngữ này đã được chứng minh qua thương nhân Chiết Giang.
Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Điện tử 001 Chiết
Giang - mặc dầu xuất thân từ nông dân nhưng ông không hề né tránh thân phận của
mình, mà ngược lại, ông cho rằng: “Đó chính là cách rèn luyện tốt nhất, bởi những
gian khổ của tuổi thơ ấu đã dạy cho ông nhiều điều.”
Ông đưa ra một ví dụ năm 1992 khi ông thử chế tạo
ăng ten vệ tinh, lúc đó nhiệt độ ngoài trời là 40oC, có công nhân nói: “Trời nắng
thế này ông chủ có muốn ra ngoài không?”
Ông nói: “Không thành vấn đề tôi cảm thấy bây giờ
so với thời kì trước còn sướng hơn nhiều”. Tôi cứ giữ trạng thái như vậy cho
nên tôi làm gì cũng không cảm thấy vất vả.
Những thương nhân Chiết Giang vô tình có một tuổi
thơ cơ cực, nhưng điều này tạo ra lợi thế về sau cho họ. Đó cũng là những gì đã
xảy ra trong giáo dục của người Do Thái một cách chủ đích họ tạo ra những khó
khăn, nghịch cảnh để tôi luyện ý chí và động lực cầu tiến của đứa trẻ. Khác hẳn
cách phần lớn các bố mẹ người Việt Nam và Trung Quốc làm cho con khi họ giàu có
như sắm cho trẻ căn phòng xa hoa đầy đủ tiện nghi, ngủ máy lạnh, tắm nước ấm,
đi học có xe đưa đón, ở nhà thì có người giúp việc, được đáp ứng đầy đủ đến thừa
thãi vật chất. Tóm lại, chúng được ăn sung mặc sướng, muốn gì được đó thì những
điều đấy không có trong thuật ngữ phát triển nghị lực của người Do Thái.
Richard Branson là chủ tịch tập đoàn Virgin Group
tại nước Anh đã kể lại rằng: “Thế hệ bố mẹ tôi nuông chiều không có trong từ điển
của họ. Họ đã dạy chúng ta biết đứng vững trên đôi chân của chính mình. Bài học
đầu tiên tôi thực hành lúc 4 tuổi, chúng tôi đang trên đường về nhà còn cách
nhà vài cây số, mẹ tôi dừng lại rồi bắt tôi xuống xe và bảo tôi phải tự tìm đường
về nhà qua các cánh đồng. Đó là thử thách đầu tiên trong đời tôi không bao giờ
quên. Càng lớn những bài học này càng khắc nghiệt hơn. Năm mười hai tuổi vào một
buổi sáng sau khi ăn sáng xong, mẹ đưa cho tôi một hộp cơm và một quả táo cho bữa
trưa, và nói chắc con sẽ tìm được nước uống trên đường. Rồi mẹ vẫy tay tạm biệt
khi tôi khởi hành với chuyến đi dài hai mươi bốn cây số bằng xe đạp đến bờ biển
phía Nam, mẹ tôi không quên đưa tôi bản đồ phòng khi tôi lạc đường, sau đó tôi
phải ngủ qua đêm tại một nhà người họ hàng. Về nhà ngày hôm sau, những bài học
này ngày càng nhiều vì bố mẹ muốn chúng tôi mạnh mẽ và tự lực cánh sinh.”
Ở trên là những câu chuyện, tấm gương, bài học cho
chúng ta tham khảo, học hỏi để hiểu và biết cách khơi dậy nghị lực cho con. Tất
nhiên bản thân tôi cũng dựa trên hiểu biết đó mà đã áp dụng vào việc nuôi dạy,
phát triển bản thân cho trẻ và đồng thời linh hoạt biến hóa thêm nhiều cách
khác nữa, dưới đây là một vài trường hợp như thế.
Khi trẻ ở vào độ tuổi từ 1 đến 4 tuổi có một trò
chơi, tôi cho rằng khá thú vị mà bạn và con có thể chơi cùng nhau, vừa vui, vừa
kết nối yêu thương lại vừa phát triển được nghị lực bên trong cho đứa trẻ. Hãy
dùng hai chân, hai tay của bạn để khóa hoặc ôm trẻ lại đủ chặt nhưng vẫn có
không gian để con thở. Sau đó hãy khuyến khích con tìm cách thoát ra khỏi vòng
tay của bạn. Ở thử thách này hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của bạn, nên tùy
vào nỗ lực, ý chí, sự kiên nhẫn muốn thoát ra ngoài của con mà bạn biết cách nới
lỏng hay tăng dần độ khó sao cho phù hợp.
Trẻ từ 4 tuổi trở lên thử thách có thể khó khăn
hơn. Chẳng hạn Bella 4 tuổi rưỡi rất thích đi xe đạp, nhiều lần muốn có một chiếc
xe để đi, nhưng mãi hai, ba tháng sau tôi mới mua. Tuy nhiên, khi mua về rồi
tôi không cho bé thỏa mãn ngay mà để trong nhà hai tuần liền để giúp bé tự chủ
ham muốn. Hai tuần sau tôi bảo Bella rằng giờ con cần làm việc để chiếc xe đạp
thực sự thuộc về con (thỏa mãn có điều kiện). Một là, tôi lấy hai loại đậu đen
và đậu trắng mỗi loại một bát trộn vào nhau rồi cho bé tách ra (mài dũa tính
kiên trì). Khi Bella hoàn thành xong thử thách thứ nhất, tôi thêm thử thách thứ
hai là cho bé lau phòng ngủ (rèn luyện thói quen lao động). Cuối cùng mất hai
ngày để bé vượt qua thử thách.
Bạn có thể hình dung được sự vui sướng của bé, khi
đã trải qua một khoảng thời gian dài và thử thách để có được món đồ mà mình
thích. So với việc khi con muốn và thỏa mãn ngay ý muốn của con điều đó quá tầm
thường, bạn có thể làm nhiều hơn thế. Tôi đã cho Bella không chỉ một chiếc xe đạp
mà cho thêm sự kiên trì, nghị lực, cách làm chủ ham muốn, sự trân trọng những
món đồ và cả niềm vui sướng bất tận.
Trẻ từ 14 tuổi trở lên thì rèn nghị lực như thế
nào? Chẳng hạn, khi đứa con trai bạn có niềm yêu thích với ca hát và muốn trở
thành ca sĩ, thì đừng vội tìm thầy, mua trang thiết bị, đóng học phí cho con,
đưa đón con đi học, cho tiền con đi taxi... Trong Đạo Đức Kinh có viết: “Tương
dục hấp chi, tất cố tương tri. Tương dục nhược chi, tất cố cường chi”. Dịch
nghĩa: “Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng ra đã. Muốn cho ai đó yếu
đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã”. Có nghĩa rằng theo cách thông thường,
nhiều người nghĩ rằng tạo mọi điều kiện thuận lợi là cách để giúp con phát triển,
nhưng thực ra là đang làm con sa sút, mất đi động lực để phấn đấu. Đạo thường sẽ
đi ngược theo lẽ thông thường mà một người bình thường hay nghĩ. Vậy để thuận
theo Đạo thì bạn nên làm gì?
Bạn hãy để con tự đến nơi tập, nếu quá xa hãy mua
cho con chiếc xe đạp để con đi. Không phải xe điện hoặc xe máy nhé, để rèn cho
thân con được khỏe mạnh, bền bỉ. Thậm chí bạn cần tạo nghịch cảnh để thử thách
tâm con, chẳng hạn: “Nhờ một vài thanh niên, đợi sẵn trên đường con đến lớp học
và dọa con nếu đi ngang qua đây sẽ phải đưa tiền, nếu không sẽ bị đánh”. Để xem
con phản ứng thế nào, xử lý tình huống ra sao có còn dám tiếp tục theo đuổi ước
mơ của mình nữa hay không.
Học phí bạn cũng đừng vội đóng giúp con, hãy tạo
cơ hội để cho con làm việc kiếm tiền chi trả cho việc theo đuổi ước mơ của
mình. Nếu đây thực sự là điều con thích, bằng mọi cách con sẽ tìm ra giải pháp
vượt qua, theo đuổi đến cùng, ngược lại con sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Khi con vượt
qua được thử thách này đến thử thách khác và lúc con nghĩ mọi chuyện đã ổn, bạn
lại tiếp tục tạo ra thử thách để con vượt qua giới hạn mới cho bản thân, thử
thách chồng chất thử thách. Bằng cách khi con làm việc đến cuối tháng chuẩn bị
nhận tiền, bạn có thể chủ động nói chuyện với người chủ của con sang tháng sau
hãy trả tiền, để gây khó khăn. Xem con sẽ xử lý tình huống này ra sao, không có
tiền nộp học phí con sẽ nói gì với thầy cô.
Bạn cũng đừng vội trang bị cho con những vật dụng
cần thiết, hãy để con thiếu, thiệt thòi, bất tiện một chút. Nếu đi làm kiếm được
tiền con có thể tự sắm sửa những vật dụng cần thiết cho bản thân, để rèn tâm
con chịu tổn thương một xíu, sau này nó mới hiểu được giá trị của lao động. Bạn
không giúp đỡ vật chất nhưng nên hỗ trợ về đời sống tinh thần, việc bạn đến lớp
xem con tập, thi đấu hoặc sau những buổi học bạn ngồi xuống lắng nghe con chia
sẻ tâm tư tình cảm của mình là điều cần thiết.
Tiểu thiện như đại ác. Đại thiện tối vô tình.
Giáo dục cần hướng dẫn cho trẻ hiểu sâu sắc về
tính hai mặt của mọi vấn đề. Khổ cũng có khổ ít, khổ nhiều, sướng cũng có sướng
ít sướng nhiều. Nếu ngay lập tức trải nghiệm cái khổ nhiều, cơ thể sẽ không chịu
được mà phản ứng. Vậy nên cho trẻ học cũng phải có tính tuần tự từ dễ đến khó,
từ ít đến nhiều, như vậy chúng mới có thể chấp nhận và thích nghi tốt.
Người ta vẫn nói người từng trải là người đã kinh
qua muôn vàn cảm xúc thế gian, họ luôn vững vàng trước mọi tình huống và thực sự
đáng tin cậy. Trẻ con cũng vậy, nếu có thể cho chúng va vấp, té ngã, mắc sai lầm,
gian khổ thật nhiều trong môi trường giáo dục thì ra đời chúng đều là những cây
đại thụ. Sóng gió cuộc đời có thể quật ngã chúng sao? Không, không thể, vì
chúng là những chiến binh có sức mạnh nội tại to lớn, ý chí kiên gan, bền bỉ và
nhân cách, đạo đức, tình yêu thương vô bờ bến. Hãy thử tưởng tượng một thế giới
toàn người hiền tài, đức độ, khả năng xuất chúng và chí lớn ngang trời. Đó là một
cuộc sống đáng mơ ước, vì không ai là không biết nghĩ cho người khác, không ai
là không vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, tất cả cùng chung tay xây dựng thiên đường
đáng mơ ước trên trái đất.
Trần Huy Toàn