VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: GIÁO HỘI CỦA ĐỨC TÔN SƯ CÓ BỊ PHÂN LY, CHIA RẼ KHÔNG?
- Thưa đại đức! Nghe nói rằng, giáo hội của Đức Tôn Sư có tinh thần
dân chủ, trật tự và kỷ cương nhất trên thế gian. Các môn đệ của ngài sống tương
kính, tương ái, đoàn kết và hòa hợp, không ở đâu có được! Phải vậy không đại đức.
- Thưa vâng.
- Thế sao Đề-bà-đạt-đa lại chia rẽ được giáo hội ấy? Ông ta đã dẫn năm
trăm vị tỳ khưu lên núi Kên kên để thành lập một giáo hội riêng? Vậy ra lời nói
giáo hội của Đức Tôn Sư đoàn kết, hòa hợp là không đúng ư? Giáo hội của Đức Tôn
Sư rồi cũng bị ly tán, phân ly, chia rẽ hay sao? Câu hỏi này đối với trẫm thật
đau nhức vì chúng ngoại đạo lấy lý do đó để đàm tiếu. Xin đại đức hãy thi thố sức
mạnh trí tuệ để giải đáp cho xong mối nghi này, trẫm tri ân đại đức lắm vậy!
- Đại vương! Trên thế gian này có cái gì mà không bị phân ly, ly tán,
tụ mà không tan, hợp mà không lìa được, hở đại vương? Tất cả pháp hữu vi dầu lớn
như núi Tu di, dù nhỏ như mảnh hư trần đều bị sự tác động của các định luật mà
thành, trụ, hoại, không - ấy là lẽ thường! Tất thảy vũ trụ vạn hữu đều bị định
luật vô thường biến hoại chi phối. Cho nên, đến một lúc nào đó, mẹ cũng phải xa
con, chồng phải xa vợ, anh trai, em gái, quyến thuộc, bạn hữu ... cũng vậy, chẳng
bao giờ được ở vĩnh viễn bên nhau. Chiếc thuyền ra khơi kia được đóng một cách
vững chắc, kiên cố - nhưng chỉ cần một cơn sóng to đánh vào là đã bị tan vỡ, gỗ
lìa theo gỗ, buồm rã theo buồm! Trái cây kia có quả rất ngon ngọt nhưng chỉ cần
một thân dây đắng quấn quanh, ngon ngọt của trái cây kia đâu còn nữa? Bạc vàng
lóng lánh sáng đẹp nhưng trộn với đồng thì màu sắc tất phải biến dị!
Tâu đại vương! Đức Thế Tôn có thuyết về tam tướng, và đấy là định luật
tất yếu của mọi hiện hữu. Vậy thì ai nói rằng môn đệ của Đức Như Lai không phân
ly, không ly tán là không đúng sự thật, không đúng với pháp, không đúng với
chân lý. Nhận thức ấy không phù hợp với cái thấy biết của bậc trí tuệ. Lời khen
ngợi ấy thật không đẹp lòng, vừa ý bậc trí giả đâu!
Đức vua Mi-lan-đà ngạc nhiên:
- Vậy là ngược lại, giáo hội Đức Tôn Sư là giáo hội không hòa hợp,
không đoàn kết, luôn luôn phân ly, tan rã?
- Chẳng phải thế đâu, đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà lại ngỡ ngàng:
- Thế là sao ạ? Trẫm không nắm bắt được điều đại đức muốn nói?
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
- Tâu đại vương! phân ly, ly tán, tụ tan, tan tụ, thay đổi, biến hoại
là định luật tất yếu của pháp hữu vi. Giáo hội của Đức Tôn Sư cũng phải bị định
luật ấy chi phối. Tuy nhiên, Đức Tôn Sư có dạy rằng: "Nơi nào mà Tăng
chúng sống thuận hòa, tương ái, tương kính với nhau; nơi nào mà Tăng chúng sống
với nhau bằng tinh thần lục hòa và tứ nhiệp - thì nơi ấy tất sẽ có được sự đoàn
kết, hòa hợp, không phân ly, không chia rẽ!" Đại vương phải hiểu cho thật
đúng là như thế.
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:
- À, ra trẫm đã hiểu.
- Lục hòa, tứ nhiếp chính là pháp hỗ trợ, nâng đỡ cho môn đệ của Đức
Tôn Sư. Lục hòa là để các môn đệ sống với nhau được lợi ích, thuận hòa, an lạc.
Tứ nhiếp là để sống trong tương quan giữa thầy và trò, giữa Đức Phật và môn đệ,
giữa người xuất gia và kẻ tại gia, nói rộng ra là với nhân quần xã hội.
- Xin đại đức giảng rộng cho nghe.
- Thưa vâng, đại vương có từng nghe ở đâu mà Đức Phật và Chư Tăng, hoặc
Chư Tăng sống với nhau mà thường lấy vật không cho của kẻ khác? Sống với nhau
mà nói lời khiếm nhã, cộc cằn, thô lỗ? Sống với nhau mà ích kỷ, tư kỷ hoặc có
những hành động đưa đến hại người, không có lợi cho người? Hoặc sống với nhau,
ăn ở với nhau mà không bình đẳng với nhau, có giai cấp, có địa vị?
- Thưa không, đại đức! Đức Phật và môn đệ của ngài sống với nhau chưa
hề nghe có những việc như vậy xảy ra, mà ngược lại. Họ không bao giờ lấy vật
không được cho mà họ còn san sẻ, chia sớt, giúp đỡ nhau những tài vật có được.
Họ sống với tâm xả ly, với hạnh không dính mắc. Họ nói lời từ hòa, hiền thiện,
thuận tai và mát mẻ đôi tai của mọi người. Họ luôn luôn khuyến thiện, hành động
thiện để cùng lợi mình lợi người. Họ bình đẳng trong ăn, ở, vui, khổ, không có
giai cấp này phục vụ giai cấp kia ...
Đại đức Na-tiên gật đầu:
- Đúng vậy, tâu đại vương! Chính nhờ vậy, chính nhờ Đức Phật và môn đệ
sống như vậy giữa nhau và giữa mọi người; luôn lấy bốn pháp tế độ: bố thí, ái
ngữ, lợi hành và đồng sự làm thước đo, làm kim chỉ nam, làm pháp hộ trì nâng đỡ;
nên đã được thế gian tán thán: "Giáo hội của Đức Phật, Chư Tăng và các môn
đệ sống đoàn kết, hòa hợp, không có phân ly, không có chia rẽ ... mà sống trong
một trật tự, kỷ cương, hòa bình và tương kính, tương ái lẫn nhau", cũng
không ngoa vậy!
- Cảm ơn đại đức! Trẫm đã hoàn toàn thông hiểu rồi, những nhức đau bây
giờ đã trở nên mát mẻ và lành lặn!
-ST-