HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 30 (PHẦN 6)

CON ĐƯỜNG CỦA TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC BẤT TẬN

V. SỐNG THỬ VÀ NHỮNG BÀI HỌC TRƯỚC TIỀN HÔN NHÂN

Khi con lớn, đã yêu và xác định được đối tượng lập gia đình, lúc này bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con. Góp ý cho con để hiểu hơn về đối tượng kia, vì bố mẹ đã trải qua rồi, bố mẹ ở ngoài nên có cái nhìn khách quan khi nói chuyện, nhìn nhận, tương tác với người yêu của con. Bố mẹ chỉ đưa ra góp ý, còn quyết định cuối cùng ở con, hạnh phúc hay khổ đau con cần tự trải nghiệm và nhận lấy bài học của mình.

Đến lúc này nếu con vẫn muốn cưới người con trai, gái đó bạn hãy để cho chúng sống thử từ sáu tháng đến một năm. Sống thử trước hôn nhân có nhiều mặt tích cực, khi đó con bạn có thể nhận ra được nhiều bài học. Tất nhiên để tiến đến sống thử được với nhau, những giai đoạn trước đó mà tôi đã trình bày ở trên bạn cần làm cho tốt thì mới mang lại hiệu quả cao nhất. Vì lúc này con bạn đã có kiến thức, đã được giáo dục giới tính để có thể tự bảo vệ chính mình, tâm sinh lý ổn định, có bản lĩnh, bạn đã hỗ trợ con có hành trang cần thiết giờ chúng cần được trải nghiệm thực tế.

1. Bài học về tảng băng trôi

Khi yêu các em sẽ thấy tình yêu toàn màu hồng, chúng sẽ cảm nhận mọi thứ đều tốt đẹp, đó là vì chúng chỉ biết được bể nổi của tảng băng trôi. Cái bề nổi thì ai cũng nhìn thấy, còn phần chìm chỉ khi nào sống thử với nhau mới biết được.

Việc đầu tiên bạn cần làm là tuyệt đối không được cho các em ở chung với mình trong thời gian chúng sống thử. Đồng thời không giúp đỡ hay hỗ trợ bất kỳ một khoảng kinh phí nào, thậm chí bạn có thể tạo thêm khó khăn.

Các em cần tự đi trên đôi chân của mình, tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bản thân, chúng phải tự đi thuê nhà riêng, tự đi làm để trả tiền nhà, tiền ăn uống sinh hoạt, tiền đi du lịch. Lúc này những bài học của các em mới thực sự bắt đầu, khi sống thử hai người sẽ có cái nhìn chính xác hơn về người kia. Thay vì trước đây lúc nào cũng nhìn họ ở điểm họ đẹp nhất, tử tế nhất, nhìn qua những gì họ làm cho mình, tặng cho mình. Giờ đây các em sẽ được nhìn người kia qua những gì làm với chính bản thân họ, cũng như cách họ đối xử với những người xung quanh. Lúc đó, kể cả khi hai người yêu nhau từ lâu lắm rồi, thì tới khi sống thử với một người, các em cũng sẽ đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, kiểu như: “Không ngờ anh/em là người như vậy,… không ngờ và rất nhiều điều không ngờ.”

Bên cạnh đó khi lối sống của hai người va chạm với nhau, sẽ dẫn đến mâu thuẫn. Từ đó các em học những bài học mới về mối quan hệ như cách giải quyết mâu thuẫn, cách thương lượng những giới hạn, cách nhìn người. Quan trọng hơn nữa, các em sẽ hiểu hơn về chính bản thân, mình cần gì và không thể chấp nhận được điều gì ở người yêu.

Sống thử có thể nói là một đợt tập dượt, một mô hình mô phỏng của hôn nhân. Các em phải học cách cân đo đong đếm về chi tiêu, phải cân bằng công việc và phân công việc nhà, phải học cách giữ cho bản thân bình tĩnh sau một ngày làm, để vẫn có thể vui cười nói chuyện với người mình yêu thay vì “giận cá chém thớt.”

Dù kết quả của sống thử là gì thì các em sẽ có được những bài học, kinh nghiệm vô cùng quý báu để trưởng thành.

Trường hợp trong lúc sống thử có xảy ra chuyện không như mong đợi mà tệ nhất có thể dẫn đến có thai ngoài ý muốn, lúc này bạn cũng hãy vui vẻ đón nhận đứa cháu của mình về nuôi, chăm nó thật tốt. Hoàn toàn vui vẻ và thảnh thơi đón nhận cháu bạn nhé, đừng đặt bất kỳ cảm xúc hỷ nộ ái ố, tham sân si nào vào. Nhưng liệu chúng có “dám” mang con về cho bạn nuôi không, chúng có đủ dũng khí chăng hay đó là sự cắn rứt lương tâm, bởi vì tất cả mọi thứ đã được trang bị, đã được dạy dỗ, vì đã được bạn tôn trọng và tin tưởng. Đó là giáo dục trong sự tự do, cởi mở, nhưng trong cởi mở đó lại có cái “khuôn” vô hình, đứa trẻ được tự do trong cái khuôn đó, chứ không phải là tự do theo kiểu muốn làm gì thì làm.

2. Bài học về yêu thương

Khi các em được sống chung với người mình yêu một thời gian, chúng sẽ phải học lại bài học về “tình yêu”. Tình yêu thực sự không quá phức tạp, mà ở đó sự yêu thương được kết nối và cấu thành bởi một số yếu tố căn bản như sau.

Yêu nhau cần tôn trọng nhau, chẳng hạn trong đời sống khi có một vấn đề gì đó, đáng lẽ người chồng có thể tự quyết được nhưng lại đặt câu hỏi để xem ý kiến của vợ thế nào, đó là tôn trọng. Trong hôn nhân gia đình sẽ có rất nhiều vấn đề sẽ xảy ra, nếu hai bên tôn trọng lẫn nhau thì mọi vấn đề có thể sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa. Ngược lại, khi chồng không tôn trọng vợ hay vợ không tôn trọng chồng, thì đó là sự coi thường và không người nào muốn sống chung, yêu thương người coi thường mình cả.

Tình yêu cần thấu cảm, “thấu” trong từ xuyên thấu, như việc mà bạn chụp cắt lớp một người bên trong, người ta có gì mình biết hết. “Cảm” là cảm nhận, sau khi nhìn thấu rồi thì cảm nhận. Cảm nhận bằng xúc cảm, bằng xúc giác, bằng tất cả các tế bào trên cơ thể. Đấy như là sự cộng hưởng, cộng hưởng rồi mới chia sẻ được, có nghĩa là khi mình điều chỉnh tần số của mình về bằng với tần số rung động của cảm xúc đó thì mình sẽ đồng cảm được với họ. Cảm xúc của họ sẽ truyền sang mình, như vậy mình có cảm nhận giống với cảm nhận của người ta, đó là thấu cảm. Nếu không có khả năng thấu cảm thì làm sao chồng hiểu được vợ, vợ hiểu được chồng, khi không hiểu nhau thì làm sao người ta có thể yêu thương nhau trọn vẹn được.

Yêu nhau cần biết chấp nhận, bài học này hẳn khó hơn rất nhiều. Yêu những gì mình yêu, thích những gì mình thích, việc đó ai mà không làm được. Tuy nhiên, tình yêu dù có sâu sắc, dù một nửa kia có tuyệt vời đi nữa cũng sẽ có rất nhiều điểm trái ngược. Người phụ nữ sống bằng trái tim thiên về cảm xúc, người đàn ông dùng trí não thiên về lý trí. Nữ giới muốn được lắng nghe, thấu hiểu còn nam giới lại muốn họ nghe theo lời mình nói. Nữ giới thích ngăn nắp, nam giới tính hay bừa bãi. Người nữ thường hay sống vì người khác, mà đánh mất đi chính mình. Nam giới họ luôn sống cho chính mình, nhưng nhiều khi trở nên vị kỷ thái quá. Có vô vàn việc hai phía sẽ không giống nhau thậm chí có vẻ đối nghịch, hay nói theo cách của tiến sĩ John Gray thì “Đàn ông đến từ sao hỏa, Đàn bà đến từ sao kim”, hấp dẫn nhau nhưng lại rất khác nhau. Như thế bạn có dám chấp nhận những điều đó không? Bạn có yêu được những tính xấu, những điều chưa tốt ở người kia được không? Bài học ở đây là gì và bạn làm sao để dung hòa được hai yếu tố tưởng chừng như rất đối nghịch để tìm đến điểm cân bằng và sống với nhau vui vẻ, hạnh phúc.

Yêu nhau thì nên biết chia sẻ buồn vui, vinh nhục, sướng khổ,… cùng nhau. Chẳng hạn, khi vợ có chuyện gì đó buồn buồn và người chồng hiểu được trạng thái của vợ thông qua quan sát. Người chồng có thể nói ra vài ba câu an ủi, động viên chạm tới đúng tâm hồn của vợ, thì người vợ thấy được chồng cảm nhận được nỗi buồn của mình và người vợ có thể bộc bạch hết nỗi lòng của mình ra cho lòng nhẹ đi. Chia sẻ có nghĩa là nỗi buồn được chia ra nhiều phần, vì vậy sẽ vơi đi. Nếu được lắng nghe, thấu hiểu thì mới có tác dụng, còn không có lẽ cũng chẳng có ích gì. Có chia sẻ nỗi buồn nào cũng sẽ nhẹ bớt từ đó dễ dàng có thể vượt qua, còn niềm vui lại được nhân lên. Trong cuộc sống có lúc thăng lúc trầm, lúc thuận lợi lúc khó khăn, vợ chồng biết chia sẻ có thể cùng nhau chèo lái vượt qua tất cả.

3. Bài học về tình yêu vị kỷ và sở hữu

Nếm trải giai đoạn thứ hai, lúc này các em sẽ nghiêm túc hơn trong tình yêu, trưởng thành hơn để nghĩ đến một cuộc hôn nhân dài lâu. Đây là khoảng thời gian trước hôn nhân lúc đang sống thử với nhau, hoặc cũng có thể các em sẽ có một mối tình dài để tìm hiểu nhau thật kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Giai đoạn này tình yêu không chỉ có màu hồng mà còn có màu xám, những cung bậc cảm xúc của nhân sinh như hỷ, nộ, ái, ố tất cả sẽ được trải nghiệm đủ cả trong giai đoạn này.

Các em sẽ học bài học trong tình yêu sở hữu sẽ chỉ mang lại cho con người ta đau khổ, ràng buộc, ích kỷ, luyến ái. Vì đây là kiểu tình yêu thường bị cuốn hút bởi các cảm xúc mạnh mẽ bao gồm sự hấp dẫn về thể xác, công việc, sự lãng mạn, ở người bạn tình. Gốc rễ của tình yêu này xuất phát từ sự tham lam, ích kỷ, nhục dục, sự sở hữu nên thường không thể bền vững, nó tan biến rất nhanh và thay đổi liên tục, lúc nhiều lúc ít theo các điều kiện khác nhau. Tình yêu như thế này có thể trở mặt ngay thành sự ghét bỏ mà ta vẫn thường thấy. Điều đáng nói thậm chí nó còn không phải là tình yêu, mà thực ra chỉ là cảm giác nghiện ngập, bám víu, trao đổi, đòi hỏi và đòi hỏi không ngừng. Hiển nhiên, loại thứ nhất không thực sự là tình yêu, mặc dù trong khá nhiều trường hợp người ta vẫn tưởng đó là yêu. Nhưng thực chất đó là sự vị kỷ, nó áp đặt hình thức yêu của một người lên người khác.

Khi nếm trải kiểu tình yêu này, các em sẽ dần đặt câu hỏi: Tại sao mình không hạnh phúc? Chúng sẽ so sánh, vì từ trước đến giờ mình đã lớn lên trong tình yêu minh triết của bố mẹ, được tự do, thoải mái bung lụa, sáng tạo và hạnh phúc; còn tình yêu mình trải nghiệm bây giờ lại là sự đóng khung, ràng buộc, lo lắng, mệt mỏi. Nên chúng sẽ nhận ra bài học bởi những kiến thức được trang bị từ trước, sẽ buông “nỗi đau” xuống và nâng dần tâm thức của mình lên cao. Nói tóm lại, chúng cần biết khổ đau trước khi được cảm nhận hạnh phúc, cần biết mặt tối của tình yêu sở hữu từ đó mới khát kháo tìm đến tình yêu cao thượng hơn, để chuẩn bị bước vào một cuộc hôn nhân thực sự bền vững và hạnh phúc.

Đây là giai đoạn khó khăn, dễ tổn thương và đau khổ với nhiều bài học. Chúng đến với nhau bởi tình yêu và trải nghiệm đủ mọi cung bậc cảm xúc vỏn vẹn chỉ trong hai chữ tình yêu và lại đánh mất nhau. Lúc này thường sẽ có hai trường hợp sẽ xảy ra: Một là chúng sẽ bỏ nhau để tìm một người khác và nếu tìm được, yêu nhau và chúng sẽ lại quay về giai đoạn cũ “sống thử lần hai, ba, bốn,… ”. Hai là khi đánh mất nhau một thời gian, chúng mới biết trân quý giá trị của người kia với mình thế nào, sau đó chúng lại tìm đến nhau và tiến tới hôn nhân.

Tình yêu là vậy, yêu không chỉ là yêu, trong tình yêu lại còn có tình yêu sâu hơn nữa.

Hoàng Yến

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.