VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: ĐỨC THẾ TÔN CÒN BẤT BÌNH, SÂN HẬN
- Đức Thế Tôn chắc hẳn không còn sân hận, bất bình, phải không đại đức?
- Tâu, vâng!
- Thế sao có lần khi Đức Xá-lợi-phất và Đức Mục-kiền-liên dẫn năm trăm
đệ tử đến hầu thăm Đức Thế Tôn; vì nhóm đệ tử ấy vừa mới xuất gia, thân khẩu ý
chưa được kiểm soát, còn rất thô tháo nên đã tạo nên sự ồn ào, huyên náo...
Đang độc cư thiền định, nghe thế, Đức Thế Tôn đã không chịu nổi, bảo Ngài
Ànanda đuổi họ đi! Hành động ấy không phải do bất bình, sân hận là gì? Đuổi mà
đuổi cả hai vị đại đệ tử, hai bậc thượng thủ của giáo hội thì đâu phải là chuyện
bình thường? Đâu phải chuyện nói mà chơi? Đâu phải đuổi thế mà bảo là không bất
bình, nổi sân một chút nào? Hay là Đức Thế Tôn đã đuổi bằng tâm từ ái, hoan hỷ?
Có lẽ vậy mới phải lý, phải lẽ, phải nhân, phải quả chăng?
- Tâu đại vương! Có khi nào đại vương thấy quả đất có tâm bất bình,
sân hận? Hoặc giả quả đất có tâm thương yêu hay thù oán chăng?
- Dĩ nhiên là không thể có.
- Vậy, ví như có người đi trên đất, bị té trên đất, gặp đá bị sưng đầu,
vỡ trán - thì do người ấy bất cẩn hay do đất tạo tội hở đại vương?
- Chỉ tại người ấy chứ quả đất nào có tội gì!
- Tâm Đức Thế Tôn cũng an nhiên, bình lặng, không hoan hỷ, không thù
oán, không bất bình, không hận, không thương, không ghét - ví như quả đất vậy.
Người kia bất cẩn bị té sưng đầu, vỡ trán như thế nào thì năm trăm tỳ khưu có tội
bị Đức Phật đuổi đi cũng như thế ấy, tâu đại vương!
- Ví dụ ấy không tương hợp rồi, thưa đại đức! Quả đất không khởi tâm,
Đức Phật có khởi tâm, làm sao có thể giống nhau được?
- Tâu đại vương! Ngài phải hiểu rằng Đức Thế Tôn thường trú tâm xả.
Tâm xả ấy thường bình lặng và an nhiên như quả đất vậy. Còn khi mà Đức Thế Tôn
có khởi tâm - là khởi tâm muốn tế độ chúng sanh. Ngài đuổi họ là vì lợi ích cho
họ chứ đâu phải do sân hận hoặc bất bình?
Ví như biển lớn không bao giờ dung chứa tử thi dù hàng trăm hằng ngàn
tử thi bồng bềnh trôi nổi giữa đại dương, sóng cũng tìm cách đánh dạt những tử
thi ấy vào bờ cho bằng được! Biển không hề có tâm hận, tâm hỷ, thương hoặc ghét
như thế nào - thì Đức Thế Tôn khi đuổi năm trăm tỳ khưu vì hạnh động sái quấy của
họ - cũng y như thế ấy.
- Vâng, nhưng nghe nói rằng, sau đó, Phạm thiên Sahampati và những người
Thích tử đã đến qùy lạy xin Đức Thế Tôn đừng đuổi họ nữa.
- Quả vậy, nhờ thế, sau đó họ biết chăm chú nghe Pháp, tinh tấn thiền
quán và năm trăm tỳ khưu kia đã đắc Thánh quả cả.
- Ồ! Hy hữu vậy thay. Còn trường hợp hai vị thượng thủ thì sao?
- Hai ngài Đại Đệ tử từ rày phải ý thức thêm trách nhiệm của mình: là
phải tìm cách giáo giới nghiêm túc những kẻ sơ tu hơn nữa!
- Vâng, vậy thì trẫm không còn ngờ oan về tâm sân của Đức Thế Tôn nữa.
Nhưng như vậy không có nghĩa là không còn mối nghi khác trong câu chuyện này.
Đại đức Na-tiên nói:
- Thôi được rồi, hẹn đại vương hôm khác.
-ST-