VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: QUẢ ĐẤT DƯỜNG NHƯ CÓ TÂM THỨC?
- Thưa đại đức! Đức Thế Tôn ngự đến một quốc độ nào, một xứ sở nào -
thì ở đấy mặt đất dường như có tâm thức? Chỗ nào đất thấp, khuyết lõm... tự
dưng lại đầy bằng, dường như có ai đó mới đổ đất thêm! Chỗ nào gò cao, gồ lên
thì chợt dưng phẳng lại như mặt trống lớn, tựa như ai mới cào bằng hoặc lấy đất
đi! Chuyện ấy không biết có thực không, hay chỉ là giai thoại, là hư truyền,
thưa đại đức?
- Điều ấy có thật, tâu đại vương!
- Nếu vậy thì trẫm rất hoài nghi. Trẫm hoài nghi rằng, đất thuộc đại địa,
đá cũng thuộc đại địa; vậy sao đất dường như có tâm thức, mà đá lại không có
tâm thức khi Đức Thế Tôn ngự đến, hở đại đức?
- Ý đại vương muốn nói gì?
- Vâng, ý trẫm muốn nói là, tại sao cục đá chạm vào chân Đức Tôn Sư lại
không có tâm thức? Nếu nó có tâm thức thì phải như đất kia, gồ cao hoặc lõm xuống,
phải tự biết để làm cho phẳng lại. Cũng vậy, lẽ ra cục đá ấy phải biết tránh né
hoặc thụt lùi trở lại chỗ cũ của mình. Vậy, đại đức có lầm lẫn chăng khi bảo đại
địa dường như có tâm thức ở trong trường hợp sau?
- Đất hay đá đều không có tâm thức, tâu đại vương! Sở dĩ đất chỗ khuyết
lõm thì đầy lên, chỗ gò nỗng thì bằng phẳng xuống - không phải do đại địa có
tâm thức mà bởi năng lực ba la mật bất khả tư nghì của Đức Thế Tôn, tâu đại
vương!
- Có thể trẫm tin năng lực ba la mật phi thường của Đức Đại Giác đã
làm cho mặt đất phẳng lại. Thế còn chuyện cục đá chạm chân làm Đức Tôn Sư chảy
máu thì sao? Làm thế nào để giải thích về chuyện cục đá khó hiểu ấy?
Đại đức Na-tiên chợt mỉm cười:
- Thế đại vương không nhớ là Đề-bà-đạt-đa đã khởi tâm hung ác muốn hại
Phật đó sao?
- Thưa, nhớ chứ!
- Ông ta đã tự kết oan trái với Đức Tôn Sư trước đây đã trăm nghìn kiếp
rồi, tâu đại vương! Vì tham vọng mù quáng muốn thay Đức Tôn Sư lãnh đạo Giáo hội
mà Đề-bà-đạt-đa đã lăn một tảng đá rất lớn từ sườn núi cheo leo, cốt ý là để giết
Phật.
- Thưa, thế thì năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư khi ấy ở đâu mà
không đến để bảo vệ ngài?
- Có chứ, tâu đại vương! Khi tảng đá lớn từ sườn núi rơi xuống, thì
năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư làm cho hai tảng đá khác, lớn hơn, vụt trồi
khỏi mặt đất, ngăn chặn và đỡ lấy tảng đá kia. Hai tảng đá ấy dường như có tâm
thức, đỡ lấy và làm cho dính chặt tảng đá của Đề-bà-đạt-đa như dây leo quấn chặt
cây! Không vậy thì như long vương đang lội trong biển, chợt nổi lên phùng mang,
há miệng đớp lấy tảng đá của Đề-bà-đạt-đa! Hai tảng đá ấy do nhờ năng lực ba la
mật nên dũng cảm như sư tử, làm cho tảng đá của Đề-bà-đạt-đa phải sợ oai, thu
mình bẹp dí không dám động cựa nữa. Hoặc như bà mẹ khi thấy con mình sắp ngã,
đã nhanh nhẹn một tay nắm cánh tay con, một tay xách hỏng thân con lên! Nếu
không vậy thì như bạn bè sinh tử có nhau, khi bạn bị hoạn nạn không nỡ rời bỏ
mà thường cận kề một bên để giúp đỡ, hộ trì bạn! Hoặc giống như một viên quan mẫu
mực, trung thành; luôn túc trực sẵn sàng bên cạnh đức vua để tiếp rước, hộ giá,
phụng sự bất kể ngày hay đêm. Cũng có thể giống như chư thiên chưng lọng vàng,
lọng xanh, tràng hoa, thiên nhạc... để cung nghinh trời Đế Thích. Nếu không thế
thì như các vị trời phạm thiên cao quý, hành trình trong thiền để đến chầu hầu
đức Đại Phạm Thiên tôn quý, v.v...
Tâu đại vương! Hai tảng đá lớn do năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư vụt
hiện lên, chặn đứng tảng đá của Đề-bà-đạt-đa, cốt bảo vệ cho Đức Tôn Sư cũng
như những ví dụ nêu trên vậy!
- Trẫm có thể tin như thế lắm! Nhưng nghe nói rằng, tảng đá của Đề-bà-đạt-đa
to bằng cái nhà, còn hai tảng đá do năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư thì to bằng
hai quả núi nhỏ. Như vậy thì tại sao hai tảng đá như hai quả núi nhỏ kia, vốn
đã ngăn được tảng đá to như cái nhà, lại không ngăn được mảnh đá nhỏ làm chân
Phật chảy máu? Kỳ lạ không chứ?
- Có gì kỳ lạ đâu đại vương! Đấy là chuyện bình thường thôi! Ví như
người ta dùng bàn tay để hứng nước, nước sẽ lọt qua kẽ tay. Ví như người ta
dùng bàn tay để vốc cát, một số ít cát sẽ lọt qua kẽ hở. Ví như dùng tay mà vốc
một nắm cơm rời, thì sẽ có một số ít hạt sẽ rơi vãi. Hai tảng đá to chặn được tảng
đá nhỏ, do sự va chạm, hàng chục mảnh nhỏ vỡ ra, có mảnh lọt qua kẽ hở và trúng
nhằm chân Đức Tôn Sư! Chắc đại vương hiểu rồi chứ ạ?
- Vâng, hiểu! Nhưng do năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư - thì dường
như cả đại địa đều có tâm khi ngài ngự đến. Thế tại sao hai tảng đá lớn lại có
tâm, biết nâng đỡ tảng đá nhỏ để bảo vệ cho Đức Tôn Sư, còn mảnh đá nhỏ lại
không có tâm, không biết cung kính tránh xa bàn chân của Đức Tôn Sư, hở đại đức?
- Nói có tâm chỉ là cách nói - còn đất đá vô tri làm sao lại có tâm được,
đại vương! Đất đá không có tâm thì làm sao nói đến chuyện không biết cung kính
Đức Tôn Sư được, đại vương! Không biết cung kính Đức Tôn Sư, trên thế gian này
có mười hai loại người, tức là không phải đất đá vô tri, vô giác - thưa đại
vương!
- Xin đại đức giảng cho nghe.
- Vâng, mười hai loại người ấy là:
người quá nhiều tham luyến,
người quá nhiều sân hận,
người quá nhiều si mê,
người quá kiêu căng, ngã chấp,
người không có đức hạnh cao quý,
người quá cứng cỏi, không biết nhu thuận,
người xấu xa, hèn hạ, đê tiện,
người chuyên làm việc tội lỗi,
người nhiều tâm ác,
người nhiều hận thù,
người bị ham muốn đê hèn chi phối,
người quá tham lợi.
Đấy mới đúng là mười hai hạng người không biết cung kính, còn mảnh đá
vô tri đụng vào chân Phật chỉ là năng lực tự nhiên thôi. Ví như một ngọn gió thổi
mạnh cuốn hút lá khô, tung vào không gian, lá khô kia không biết sẽ rơi vào hướng
nào; cũng như thế ấy, những mảnh đá nhỏ do năng lực va chạm cũng không biết là
nó sẽ rơi vào đâu, tâu đại vương!
- Cảm ơn đại đức! Trẫm sẽ không thắc mắc về điều ấy nữa.
-ST-