PHÁT HIỆN HÀNG LOẠT TÁC HẠI MỚI CỦA COVID - 19 VỚI F0
Covid-19 không còn là bệnh gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp. Nhiều nghiên cứu
mới cho thấy nó làm tổn thương não, hệ thần kinh, thính lực và các rối loạn
khác.
Cách đây 2 năm, khi Covid-19 mới được phát hiện, nCoV là virus gây
viêm phổi nên giới chuyên gia tập trung tìm hiểu những ảnh hưởng của nó tới cơ
quan này. Song, từ đó đến nay, chủng virus này vẫn là câu hỏi bí ẩn với các nhà
khoa học.
Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra những di chứng nặng nề mà F0 khỏi bệnh
phải chịu hay tác hại mới của virus tới hàng loạt cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Mất thính lực
Đây là kết luận mà nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts
(MIT) và Đại học Stanford, Mỹ, công bố trên tạp chí Communications Medicine.
Theo GS Lee Gehrke (MIT) và bác sĩ tai mũi họng Konstantina Stankovic
(Đại học Stanford), nghiên cứu của họ phát hiện mối liên hệ của nCoV với tình
trạng mất thính lực, ù tai và các vấn đề khác trong tai. Nhóm chuyên gia nhận
thấy virus có thể lây nhiễm trực tiếp vào trong tai và gây ra nhiều triệu chứng
mới về khả năng nghe và giữ thăng bằng.
“Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, bệnh nhân gặp nhiều biến chứng
nguy hiểm đến tính mạng, họ có thể bỏ qua hiện tượng suy giảm thính lực và cho
rằng đây chỉ là dấu hiệu ngẫu nhiên”, ông Stankovic nói thêm.
Vị bác sĩ khuyến cáo F0 nên kiểm tra thính giác thường xuyên, hoặc có
biểu hiện mất thính lực mới khởi phát, ù tai, chóng mặt và từng tiếp xúc virus
cần tự theo dõi tại nhà, làm xét nghiệm Covid-19 cũng như theo dõi nếu triệu chứng
thêm trầm trọng. Các tác giả cũng đặt giả thuyết nCoV có thể xâm nhập vào tai
qua mũi.
Đồng quan điểm, bác sĩ thính học và chuyên khoa thần kinh Zahra
Jafari, Đại học Lethbridge ở Alberta, Canada, những thay đổi về thính giác,
thăng bằng cũng có thể là dấu hiệu nhiễm nCoV.
Một phân tích tổng hợp của bà Jafari và cộng sự đã phát hiện các triệu
chứng liên quan tai gồm chóng mặt (12%), ù tai (4,5%), mất thính giác (3%). Giả
thuyết về cách nCoV ảnh hưởng tai có thể là virus gây viêm tai và tác động trực
tiếp vào hệ thống thính giác. Virus cũng có thể xâm nhập vào hàng rào ngăn cách
giữa dòng máu và tai trong.
Hồi tháng 10/2021, một nhóm chuyên gia công bố bài báo trên tạp chí
Nature với phát hiện các tế bào tóc cũng có thể bị nhiễm nCoV. Đây là tế bào rất
quan trọng với thính giác và sự cân bằng. Từ đây, họ cho rằng F0 có thể mất
thính giác do các tế bào lông bị nhiễm trùng.
Theo các chuyên gia, sau thời gian, triệu chứng về mắt và tai sẽ tự khỏi.
Song, các dữ liệu gần đây cho thấy di chứng này ở F0 có xu hướng kéo dài hơn.
Ông Patel cho biết đã ghi nhận hai bệnh nhân Covid-19 bị vỡ giác mạc, mù lòa.
Trong khi đó, TS Jafari nhận thấy số lượng đáng kể người khỏi bệnh vẫn gặp các
triệu chứng liên quan tai.
Rối loạn tâm lý, trầm cảm
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí British Medical Journal
– BMJ, nhóm chuyên gia Đại học Washington, Mỹ, đã phân tích hồ sơ y tế của gần
154.000 người mắc Covid-19 trong hệ thống Quản lý Y tế Cựu chiến binh tại Mỹ,
trải nghiệm của họ sau khi hồi phục và so sánh với nhóm không bị nhiễm bệnh.
Theo New York Times, nghiên cứu mới cho thấy người mắc Covid-19 có
nguy cơ bị chẩn đoán trầm cảm cao hơn 39%, tâm lý lo lắng cao hơn 35% so với
nhóm không bị nhiễm virus. F0 còn có khả năng mắc các chứng căng thẳng, rối loạn
tâm lý cao hơn 38%, rối loạn giấc ngủ cao hơn 41%.
GS.TS Paul Harrison, Đại học Oxford, người không tham gia vào nghiên cứu,
cho biết kết quả này một lần nữa củng cố bài báo mà ông và cộng sự đã công bố
năm 2021, nhấn mạnh vấn đề đáng lo hậu Covid-19.
Điều cần lưu ý đó là các dữ liệu không khẳng định hầu hết người mắc
Covid-19 sẽ gặp phải những triệu chứng sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ này chỉ
4,4-5,6% ở những người tham gia nghiên cứu. Chủ yếu họ được chẩn đoán trầm cảm,
lo lắng, căng thẳng, rối loạn cảm xúc.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện F0 có nguy cơ gặp vấn đề về nhận thức
như sương mù não, lú lẫn, hay quên cao hơn 80%. Tình trạng rối loạn sử dụng rượu,
thuốc tăng đáng kể.
Sau khi khỏi Covid-19, tỷ lệ người bệnh phải dùng thuốc trầm cảm theo
chỉ định tăng 55%, thuốc chống lo âu tăng 65%. Nhìn chung, hơn 18% bệnh nhân
Covid-19 gặp phải ít nhất một vấn đề về tâm lý, thần kinh trong một năm sau khi
khỏi. Con số này cao hơn nhóm không mắc Covid-19 60%.
Đặc biệt, ngay cả những người bị bệnh nhẹ cũng có nguy cơ cao tương tự.
Nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ
cao gấp nhiều lần
Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu công bố trên tạp chí
Nature Medicine ngày 7/2 do nhóm chuyên gia tại Trường Y Đại học Washington, Mỹ,
thực hiện. Điều đáng lo là ngay cả những người trước đó khỏe mạnh và mắc
Covid-19 thể nhẹ vẫn gặp phải di chứng về tim sau khi khỏi bệnh.
Theo Washington Post, đây là nghiên cứu có quy mô lớn, cho thấy bệnh
nhân Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh tim đáng kể sau một năm nhiễm nCoV. Căn bệnh
này khiến tỷ lệ hình thành cục máu đông, rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí đột
quỵ, tử vong cao hơn ở các F0 khỏi bệnh.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sự gia tăng nguy cơ tổn thương tim ở cả
người trẻ và người già, nam lẫn nữ, người da màu lẫn người da trắng, mọi chủng
tộc khác nhau, người bị béo phì và người có cân nặng bình thường, người bị tiểu
đường và người không bị, F0 mắc Covid-19 nhẹ lẫn nặng”, ông nói.
Sau khi phân tích sức khỏe tim mạch của tình nguyện viên trong một
năm, kết quả cho thấy nguy cơ bệnh tim (gồm suy tim, tử vong) nhiều hơn 4% ở F0
so với người không mắc Covid-19.
Ngoài ra, F0 có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn 72%, nguy cơ đau
tim cao hơn 63% và khả năng bị đột quỵ cao hơn 52%. Nhìn chung, bệnh nhân
Covid-19 có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ,
tử vong cao hơn 55% người không nhiễm nCoV.
Nguy cơ bị rối loạn nhịp tim cũng cao hơn 53-84% tùy thuộc từng F0.
Trong số những bệnh rối loạn nhịp tim, nguy cơ người mắc Covid-19 bị rung nhĩ
cao hơn 71%, đau tim cao hơn 63% và gần 3 lần nguy cơ thuyên tắc phổi (cục máu
đông trong phổi).
Nhóm mắc Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim cao gấp 5 lần thông
thường. Khi phân tích riêng các trường hợp chưa được tiêm chủng, kết quả cho thấy
chỉ Covid-19 có thể làm tăng nguy cơ viêm cơ tim.
Theo
báo điện tử Zingnews