VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: TẠI SAO ĐỨC THẾ TÔN LẠI CÓ LỜI NÓI KHIẾM NHÃ?
- Thưa đại đức! Đức Thế Tôn là đấng Toàn Thiện nên luôn luôn có thân
thiện hạnh, khẩu thiện hạnh và ý thiện hạnh, phải thế chăng?
- Vâng, đúng thế!
- Lời Ngài nói ra bao giờ cũng dịu ngọt, hòa nhã, từ ái, làm mát mẻ đầu
óc của mọi người, làm hoan hỷ đôi tai của mọi người, phải thế không, đại đức?
- Quả vậy!
- Thế tại sao khi tỳ khưu Sudinna hành dâm với người vợ cũ, Đức Thế
Tôn cấm chế điều luật bất cọng trụ, Ngài đã nguyền rủa tỳ khưu Sudinna là người
trống rỗng. Đại đức có biết người trống rỗng là từ rất nặng lời chăng? Ấy là lời
khiếm nhã, khinh bỉ, miệt thị... mà người ta chỉ sử dụng khi chiến tranh bằng
binh khí miệng lưỡi! Do vậy, khi nghe Đức Thế Tôn mạt sát mình bằng lời người
trống rỗng, tỳ khưu Sudinna khuôn mặt tái xanh, run rẫy, sợ hãi...
Thưa đại đức, như thế rõ ràng Đức Thế Tôn đã ác khẩu, đã nói lời như
gai đâm trong óc, như lửa đốt trong tai, chứ từ hòa, hiền dịu, mát mẻ ở chỗ
nào? Đại đức hãy cố biện minh cho Đức Thế Tôn thử xem?
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
- Bần tăng sẽ không biện minh, chỉ nói ra sự thật cùng những ý nghĩa từ
sự thật ấy. Ngoài ra, đại vương sẽ có cơ hội biết thêm một vài trường hợp trí
tuệ thiện xảo mà Đức Thế Tôn đã sử dụng để giáo hóa chúng sanh!
Đức vua Mi-lan-đà cũng mỉm cười:
- Có lẽ đại đức đang bắt đầu một cuộc biện minh thiện xảo rồi đấy! Trẫm
đang cố gắng lắng nghe!
- Vâng, tâu đại vương! Nhóm từ Mogha purisa mà người ta dịch là
"người trống rỗng" thực ra mang ý nghĩa về giáo pháp chứ không phải lời
miệt thị, khinh bỉ như thế gian thường hiểu. Mogha purisa là người trống rỗng,
nghĩa là trong con người của y trống rỗng tri thức, trống rỗng trình độ, trống
rỗng pháp lành, trống rỗng trí tuệ, nói chính xác hơn là trống rỗng về sự thấy
biết khổ, nguyên nhân khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ! Nói cách khác, đó
là sự trống rỗng về nhận thức tứ đế. Người nào mà trống rỗng nhận thức về tứ đế
sẽ dễ có những hành động lầm lạc, ngu si; và dẫu cho họ có tu hành, bố thí, làm
phước - thì sự tu hành ấy cũng không đi đến đâu. Tỳ khưu Sudinna là một con người
như vậy nên Đức Thế Tôn đã nói lên sự thật, đã ghép y vào loại người trống rỗng,
điều đó đúng với sự thật, chứ Đức Tôn Sư nào phải ác khẩu, khiếm nhã, khinh miệt
ai bao giờ!
- Rất cao siêu là cái nghĩa ấy, nhưng thưa đại đức, mấy ai hiểu được ý
nghĩa cao siêu như đại đức! Người ta vẫn hiểu theo thường ngữ, "người trống
rỗng" là người ngu si, hèn hạ, là người đáng phỉ nhổ, khinh bỉ mà thôi.
Người cư sĩ tại gia nói riêng, và người đời nói chung chỉ hiểu đó là lời chưởi
mắng cộc cằn, thô lỗ. Dù sự thật như thế nào, tỳ khưu Sudinna có tội như thế
nào - thì Đức Thế Tôn cũng đã mắng chưởi người ta; ấy là một việc làm không
thích đáng, là khẩu trược hạnh, chẳng xứng phẩm hạnh của một Đấng Toàn Thiện
như Đức Thế Tôn!
- Cũng được - đại đức Na-tiên mỉm cười - hiểu theo nghĩa thế gian cũng
được, hoặc hiểu theo nghĩa thường thường cũng được. Ví như đại vương là một bậc
minh quân thiên hạ, đại vương thấy có một vài viên quan hành động ngu si, sai
trật, có tội. Khi thấy như vậy, đại vương có kêu những viên quan ấy đến gần một
bên rồi nói lời từ hòa, mát mẻ, dịu ngọt, êm ái lỗ tai ... và sau đó ban thưởng
nhiều vàng bạc, phẩm vật quý giá?
- Ban thưởng sao được, đối với những viên quan hư hỏng, tồi tệ ấy, trẫm
sẽ kêu lại mắng chửi, phạt tù hoặc phạt cảnh cáo... để chúng sợ hãi mà trở nên
người tốt hơn - chứ ai nào lại kêu tới mà dịu ngọt, mà từ ái, mà ban thưởng! Họa
là đồ điên!
- Đức Thế Tôn cũng xử sự tương tự như đại vương vậy! Tỳ khưu Sudinna
có tội bởi tư cách hành động sái quấy của y. Con người y đáng bị khiển trách. Đức
Thế Tôn kêu lại, Ngài không mắng chửi, miệt thị - mà chỉ dùng từ "trống rỗng"
để nói lên sự thật, để chỉ thẳng vào sự thật nơi con người y. Thế thôi, Đức Thế
Tôn cũng chưa quát mắng, phạt cảnh cáo hoặc phạt tù như ý nghĩ của đại vương!
Trường hợp ấy, lẽ nào Đức Thế Tôn lại nói lời hoan hỷ đầu óc, mát mẻ đôi tai, từ
hòa, ngon ngọt... đối với tỳ khưu Sudinna, phải thế không đại vương?
- Lý luận của đại đức không có kẻ hở, trẫm rất tín phục!
- Không dám!
- Và nhờ vậy, trẫm hiểu thêm một điều là, Đức Thế Tôn là bậc Toàn Thiện,
luôn luôn thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh, ý thiện hạnh; nghĩa là thân khẩu ý
của Ngài không còn bị điều động, thúc phược bởi tham sân, phiền não. Thân khẩu
ý của Ngài đã diệt tận chúng, đã đoạn lìa chúng tận gốc rễ. Nhưng khi giáo hóa
chúng sanh thì Ngài chỉ nghĩ đến lợi ích cho chúng sanh, tùy nghi, tùy lúc mà sử
dụng thân, khẩu, ý ấy. Cốt ý là chỉ để cho chúng sanh tự thấy lỗi của mình, thấy
rõ đâu trược, đâu thanh... để lần hồi cải thiện bản thân cho đúng với pháp, với
sự thật...
Thưa đại đức, đến ngang đây, trẫm liên tưởng đến câu hỏi trước, rằng Đức
Phật lại tùy bịnh cho thuốc, không biết có đúng chăng?
- Hoàn toàn đúng, tâu đại vương! Ví như một bệnh nhân có nhiều đàm, thầy
thuốc cho uống thuốc xổ đàm là dứt bệnh. Chúng sanh tham sân tích lũy lâu ngày,
cái tâm của của chúng sanh cũng bị uất chướng, đầy hơi... nên những loại đàm
như hận, tật, xan, hối, dục, bỏn xẻn, keo kiệt, mạn v.v... đã trở nên trầm kha
bất trị! Vì tâm bi mẫn đối với chúng sanh, vì muốn cứu độ chúng sanh, nếu thuốc
xổ kia khó uống quá, đắng quá, chát quá... thì có vì thế mà chúng ta nghĩ rằng
Đức Thế Tôn không có lòng từ, không có lòng bi chăng hở đại vương?
- Thật không thể!
- Và giả dụ Đức Thế Tôn có dùng lời pharusa - tức là hơi cộc cằn thô lỗ
- như vị thuốc quá đắng cay, cốt dứt trừ bệnh cho chúng sanh, thì có khả thứ
không hở đại vương?
- Được lắm chứ!
- Nhưng ở đây không như thế, Đức Thế Tôn không dùng lời pharusa mà chỉ
dùng lời hơi nghiêm khắc - thì ta có vì vậy mà bảo rằng Đức Thế Tôn đánh mất
tâm từ, tâm bi không hở đại vương?
- Cảm ơn đại đức, trẫm hiểu rồi.
- Ví như sức nóng có khả năng làm cho các đồ vật dính liền với nhau,
làm cho vật mềm lại - những lời nói của Đức Thế Tôn có tỏa ra sức nóng, thì sức
nóng ấy cũng chỉ cốt làm cho chúng sanh sợ hãi mà lìa xa ác hạnh, trược hạnh mà
thôi! Một người cha có tâm từ mẫn với con cái thì dù có la rầy, mắng nhiếc,
nghiêm khắc chăng nữa, cũng chỉ mong cho con được nên người, phải thế không đại
vương?
- Thưa vâng.
- Thế gian truyền rằng hễ ai uống nước trường sanh bất tử vào thì cả
thân tâm đều mát mẻ, hưởng được an vui hạnh phúc thiên niên. Giáo pháp năng diệt
khổ của Đức Thế Tôn cũng y như thế, ai uống vào rồi thì những ác nghiệp lần hồi
nhẹ bớt, phiền não lần hồi tiêu tan... và đến lúc nhân duyên đủ đầy thì thọ hưởng
được hạnh phúc giải thóat cuối cùng. Đấy là kết quả do giáo pháp và do tâm bi mẫn
giáo hóa độ sinh của Đức Thế Tôn. Như một cánh hoa nhẹ nhàng rơi lên thân thể,
giáo pháp và tâm bi mẫn của Đức Thế Tôn cũng y như thế, lẽ nào lại có thể làm
người khác đau đớn được, hở đại vương?
- Vâng, đúng thế. Trẫm rất tán dương và hoan hỷ lời giải đáp của đại đức.
Quả thật, Đức Thế Tôn xuất hiện ở đời là vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người!
Giáo pháp và tâm bi mẫn của Ngài đủ để chứng minh cho sự thật ấy!
- Cảm ơn đại vương!
-ST-