HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: TẠI SAO CHƯ TĂNG KHÔNG ĐƯỢC CÚNG NHỤC THÂN NHƯ LAI

- Thưa đại đức! Có phải trước khi nhập diệt, ở Kusinàrà, dưới hai cây song thọ, Đức Thế Tôn có dạy ngài Ànanda rằng: "Các ngươi không nên mất công tốn sức, phí thì giờ tìm kiếm lễ vật để cúng dường nhục thân của Như Lai; cho chí xá-lợi của Như Lai sau này, các ngươi cũng không nên quan tâm quá đáng vào việc lễ bái, cúng dường..." ?

- Đúng là Đức Thế Tôn có thuyết như thế, tâu đại vương!

- Rồi sau đó, Đức Tôn Sư lại thuyết rằng: "Này Ànanda! Nếu các hàng cận sự nam nữ trong cõi người hoặc chư thiên trong các cõi trời, biết lễ bái, cúng dường nhục thân Như Lai hay xá-lợi của Như Lai thì họ sẽ có được nhiều phước báu, nhất là được thiện sanh vào các cõi trời an vui, hạnh phúc." Phải thế không, đại đức?

- Thưa vâng! Đó chính là lời Đức Tôn Sư thuyết.

- Vậy thì hai Phật ngôn ấy có gì ngược nhau không? Một bên thì ngăn không cho tìm kiếm lễ phẩm cúng dường, một đằng thì khuyến khích, sách tấn lễ bái, cúng dường? Hay Đức Đại Giác huấn thị như vậy là có lý do khác?

- Tâu đại vương! Lý do ấy rất là chính đáng, hợp với giáo pháp, hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi nhóm thành viên đệ tử của Đức Tôn Sư!

- Xin đại đức bi mẫn giảng cho trẫm nghe.

- Thưa vâng, điều ấy giản dị, dễ hiểu thôi! Các hàng xuất gia tu tập theo Giới, Định, và Tuệ. Tu tập theo Giới, Định, Tuệ là bổn phận, là chức năng, là nhiệm vụ của người xuất gia. Vậy thì các hàng xuất gia phải sống đời giới hạnh trang nghiêm, biết thu thúc lục căn, biết quán tưởng vật thực, biết tu Tứ niệm xứ để thấy rõ vô thường, vô ngã của pháp, phải thành tựu tuệ vô lậu để giải thoát khổ đau, phiền não. Việc làm ấy của bậc xuất gia là bổn phận thích đáng, xứng với phẩm hạnh của mình. Ngoài ra, các công việc khác dẫu là trọng đại, tôn quý... như việc cung kính, lễ bái, cúng dường nhục thân hoặc xá lợi của Đức Thế Tôn - cũng không nên làm!

Còn các hàng cư sĩ tại gia, chư thiên và nhân loại, họ tu tập theo bố thí, trì giới, tham thiền. Tu tập theo bố thí, trì giới, tham thiền là bổn phận, là chức năng, là nhiệm vụ của hàng cư sĩ tại gia! Vậy thì các hàng tại gia muốn tạo trữ phước báu, muốn tích lũy công đức, muốn hưởng quả hạnh phúc, an vui ở cõi người và trời - họ phải tu tập, bố thí, cúng dường. Việc các hàng cư sĩ tại gia lễ bái, cúng dường lễ phẩm, hương hoa đến nhục thân hoặc xá lợi của Đức Thế Tôn là bổn phận thích đáng, xứng với chức năng của họ. Ai có công việc nấy, đừng xen vào công việc của nhau - nói rõ là như thế, tâu đại vương!

- Trẫm không đồng ý với luận điểm của đại đức, mặc dầu mới nghe qua thì rất hợp lí. Nếu các bậc xuất gia mà tu tập thêm bố thí, cúng dường, không tốt hơn sao? Khi mà được phước báu hỗ trợ, có lẽ họ sẽ dễ dàng, thuận duyên hơn cho việc tu tập của mình, phải thế chăng, đại đức?

- Bần tăng cũng vậy, luận điểm của đại vương nghe rất hữu lí nhưng bần tăng vẫn thấy không thuận tai! Tại sao vậy? Ví như đại vương có một hoàng tử kế vị, muốn cho hoàng tử ấy sau này trở thành một bậc minh quân trị vì thiên hạ, oai danh bốn biển, vang lừng sử sách thì đại vương sẽ có một chương trình học tập cho hoàng tử như thế nào?

- Thưa đại đức, thì cũng như chương trình học tập của trẫm thuở nhỏ vậy thôi, nghĩa là phải trang bị cho hoàng tử những kiến thức hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Hoàng tử phải thành thục, thông thuộc binh pháp, binh thư, võ nghệ; phải biết cưỡi voi, cưỡi xe, cưỡi ngựa, biết sử dụng mọi loại binh khí để chiến đấu trên sa trường. Nói gọn, là hoàng tử phải có tài làm tướng. Ngoài ra, hoàng tử phải học cách trị thiên hạ, đòi hỏi nhiều kiến thức uyên bác; ví dụ triết học, toán học, thiên văn, địa lý, âm nhạc, y khoa, khảo cổ, lịch sửu, vật lý, văn học, thi ca v.v... Ngay cả thần chú, chiêm tinh, tử vi, bói toán; một vị hoàng tử cũng phải rành rẽ để sử dụng khi hữu sự, để khỏi bị các quan và dân chúng lừa bịp!...

Đại đức Na-tiên mỉm cười hỏi tiếp:

- Thế các việc như làm ruộng, làm vườn, buôn bán, nghề mộc, nuôi tằm, ươm tơ, chăn nuôi gia súc v.v..., vị hoàng tử không học sao?

- Không, hoàng tử sẽ không học, không đi sâu vào các nghề của dân chúng. Hoàng tử chỉ nghiên cứu thoáng qua cho biết vậy thôi. Bởi, ai có việc nấy, xen vào việc của nhau thì còn ra thể thống gì nữa? Hoàng tử mà đi học cày, còn nông phu thì học cách trị nước, nghe lọt tai sao được, đại đức?

- Cảm ơn đại vương đã trả lời câu hỏi của chính đại vương! Thật là còn "thể thống" gì nữa cho giáo pháp, khi mà bậc xuất gia thì đi làm cái việc của người cư sĩ, còn người cư sĩ lại đi làm cái việc của bậc xuất gia!

Đức vua Mi-lan-đà cười ha hả:

- Hay lắm! Thật chẳng có câu nói nào xác đáng hơn!

- Còn nữa, đại vương! Ví như một con trai gia chủ bà-la-môn, muốn trở thành một bà-la-môn hữu danh trong tương lai thì cần phải học những thứ gì cho thật sự thích hợp và thật sự lợi ích?

- Thưa đại đức! Họ cần học nhiều thứ lắm, những điều hữu ích và kể cả những điều dường như vô ích... Họ phải thông thuộc Tam-phệ-đà, biết phúng tụng, lễ nghi, đàn tế. Biết xem tướng, biết hướng ngồi ăn cơm và hướng đại tiểu tiện. Biết xem hướng nhà, xem hướng đất. Biết rành về các loại gỗ. Biết từ nguyên, cú pháp, văn phạm. Biết tiếng kêu của thú. Biết ngọn ngành, chi tiết của sáu nghề chính trong xã hội. Biết hướng mặt trời, mặt trăng chỗ nào là tốt xấu. Biết rõ lúc nào là nhật thực, nguyệt thực. Biết sao nào sanh ra chư thiên, sanh ra chiến tranh. Biết lúc nào sao chổi rơi. Biết tia lửa từ hư không rơi xuống rồi lại bay lên khỏi mặt đất sẽ báo điềm xấu gì. Biết xem khi nào trái đất xảy ra tai biến. Biết rõ mặt trời đỏ là hướng này hạnh phúc, hướng kia bất hạnh, tai họa. Biết rõ tất cả những bộ sách đời (thế học). Biết rõ phép bói "mitta cakkam"! Biết đoán chiêm bao, biết rõ tướng bí ẩn. Biết đoán mộng cát, hung. Biết đoán những hiện tượng tốt xấu xảy ra chung quanh. Biết xem và trị bệnh mắt. Nghe tiếng chim biết chuyện lành, dữ v.v...

Thưa đại đức! Những con trai gia chủ bà-la-môn hữu danh phải siêng năng học tập, nghiên cứu rành rẽ rất nhiều môn học, như thế mới xứng đáng ở trong tập cấp ấy.

- Vâng, còn người dân dã hạ tầng thì không thể học tập như vậy, phải không đại vương?

- Đúng thế, các tập cấp dưới chỉ thích hợp với các nghề bán buôn, làm ruộng, lập vườn, chăn nuôi trâu bò và các công nghệ khác.

- Cũng vậy, phận sự của các vị sa môn là thọ trì những điều học, phải tinh cần, chuyên tâm tu niệm, hành minh sát tuệ để giác ngộ, giải thoát. Còn phận sự của các hàng cư sĩ là lễ bái, bố thí, cúng dường... Vì lẽ ấy, Đức Thế Tôn ngăn cấm các vị xuất gia làm công việc của hàng tại gia... Các bậc xuất gia phải thực hành bổn phận mình, tức là tiến tu, chỉ tịnh, quán minh thì tốt hơn; nếu không muốn nói đấy là cách cúng dường quý báu, cao thượng hơn hết thảy: cúng dường tinh thần hay là cúng dường Pháp Bảo! Còn việc cúng dường vật chất hãy để dành cho các hàng tại gia. Có như vậy, Tăng Bảo mới duy trì Giáo Pháp lâu dài trên thế gian; và cư sĩ nam nữ lại hộ trì, hộ độ Tăng Bảo... thì đấy là lợi ích thù thắng mà Đức Tôn Sư muốn giáo giới, tâu đại vương!

- Trẫm rất hoan hỷ những lời giải đáp ấy, thưa đại đức!

-ST-

Được tạo bởi Blogger.