VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: PHẢI CHĂNG ĐỨC THẾ TÔN KHÔNG CÓ TÂM BI MẪN?
Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi tiếp:
- Đồng ý là Đức Thế Tôn không có tâm sân hận, bất bình rồi; nhưng người
ta có thể nghĩ rằng Ngài không có tâm bi mẫn, thưa đại đức.
- Tại sao đại vương lại nói thế?
- Có chứng cớ hẳn hòi, thưa đại đức. Trẫm còn nhớ, khi Đức Thế Tôn đuổi
hai vị thượng thủ cùng năm trăm vị tỷ kheo, thì đại phạm thiên Sahampati và các
Thích tử ở Càtuma đã lần lượt đến quỳ bên chân Đức Đạo Sư để năn nỉ, xin xỏ cho
họ được ở lại. Họ đã nói rằng, năm trăm tỳ kheo ấy còn non dại, chưa biết gì,
thật là tội nghiệp. Họ đã ví von rằng, như hạt mầm non trẻ, nếu thiếu nước, thiếu
ánh sáng, thiếu đất tốt thì nó sẽ dần dần bị tiêu hoại; như những con nghé con,
nếu thiếu bú mớm, thiếu chăm sóc, nuôi dưỡng thì những nghé con kia sẽ chết; và
cũng vậy, năm trăm tỳ kheo kia mới sơ tu, họ cần phải được yết kiến Đức Thế
Tôn, cần được nghe Pháp, dạy dỗ..., may ra họ mới được trưởng thành, lớn khôn
trong Giáo Pháp của bậc Thánh! Sau đó, họ xin Đức Thế Tôn khởi lòng bi mẫn xót
thương cho năm trăm vị tỷ kheo. Thưa đại đức, điều ấy chứng tỏ gì? Chứng tỏ rằng
Đức Thế Tôn không có tâm bi mẫn, mà chính vị đại phạm thiên Sahampati và các
Thích tử ở Càtuma mới có tâm bi mẫn!
- Tâu đại vương! Đức Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài là thầy
của chư thiên và loài người, Ngài đã dạy giáo pháp cho chư thiên và loài người.
Vậy thì cái tâm bi mẫn của phạm thiên Sahampati và các Thích tử ở Càtuma, họ học
được từ đâu?
- Dĩ nhiên là họ học được từ Đức Thế Tôn.
- Đúng vậy. Họ học được tâm bi mẫn của Đức Thế Tôn, thế sao đại vương
dám bảo Đức Thế Tôn không có tâm bi mẫn?
- Khi ấy có lẽ Đức Thế Tôn đã quên tâm bi mẫn của mình, đợi đến khi Đại
phạm thiên Sahampati và các Thích tử Càtuna nhắc lại, Ngài mới nhớ chăng?
Đại đức Na-tiên bèn đưa ra ví dụ:
- Ví như có một người chồng vì thương vợ, bèn sắm đầy đủ các loại ngọc
quý cho vợ trang sức. Lâu lâu, người vợ muốn làm vui lòng chồng, lấy đồ trang sức
ấy trang điểm cho mình. Thấy vậy, người chồng có vui tươi, hoan hỷ không hở đại
vương?
- Dĩ nhiên là phải vui chứ!
- Cũng như thế đó, đại vương! Tâm bi mẫn ấy do Đức Thế Tôn giáo huấn,
dạy dỗ; và rất nhiều pháp khác nữa, Đại phạm thiên Sahampati và các Thích tử ở
Càtuma học được từ Đức Thế Tôn. Lâu lâu, họ lấy giáo pháp ấy nói lại, trang điểm
cho mình, làm cho Đức Thế Tôn cũng hoan hỷ, Ngài phải thốt lên rằng:
"Sàdhu, lành thay!".
- Hay lắm!
- Lại nữa, ví như có người cận thần thân tín của đức vua, vào kho của
đức vua lấy những ngọc ngà châu báu, những vòng kim cương, lưu ly để trang điểm
ngai vàng cho đức vua, những mong cho đức vua thỏa thích, vừa dạ. Đại phạm
thiên Sahampati và các Thích tử ở Càtuma cũng lấy giáo pháp của Đức Thế Tôn, những
đoản ngôn, những ví dụ của Đức Thế Tôn... để nói lại - thì đâu có khác gì vị cận
thần thân tín kia của đức vua?
- Vâng, hay lắm!
- Lại nữa, ví như có người học trò hầu hạ một vị hòa thượng, thường
đem những lời hay ý đẹp mà vị hòa thượng ấy từng dạy bảo, nói lại cho hòa thượng
nghe, làm cho vị hòa thượng vô cùng hoan hỷ, đẹp dạ. Đức Thế Tôn nghe lại giáo
pháp của ngài do từ miệng của Đại phạm thiên Sahampati và các Thích tử thì cũng
vừa lòng đẹp dạ như vậy đó, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà bất giác mỉm cười:
- Đại đức bênh vực cho Đức Đạo Sư thật là hùng hồn; biết là có cái gì
đó không được đúng lắm, nhưng trẫm cũng không biết y cứ từ kẻ hở nào mà tranh
luận!
Đại đức Na-tiên cũng mỉm cười:
- Khi mà đấng Minh quân đã nói vậy thì rõ là không có chỗ nào sai sự
thật rồi!
- Có lẽ vậy, cảm ơn đại đức!
-ST-