TINH HOA GIÁO DỤC 30 (PHẦN 10)
CON ĐƯỜNG CỦA TÌNH YÊU VÀ HẠNH
PHÚC BẤT TẬN
IX. CÁCH MẠNG NỘI TÂM
Trên thế giới đã diễn ra rất nhiều cái được gọi là cách mạng, cách mạng
chính trị, cách mạng công nghiệp, cách mạng môi trường, mà gần đây nhất là cuộc
cách mạng 4.0 mang đến cho con người hết hứa hẹn này đến hy vọng khác về một
tương lai tốt đẹp, cuộc sống an vui, hạnh phúc, hòa bình hơn. Nhưng không phải
vậy, hết thảy vẫn chỉ là những cuộc cách mạng đưa con người từ vòng luẩn quẩn
này đến vòng luẩn quẩn khác. Xã hội thì ngày càng loạn lạc, sợ hãi, bất an, chiến
tranh, tranh giành quyền lực, danh vọng, tiền tài, tàn phá thiên nhiên. Khiến
con người trở nên u mê, tham vọng, đắm chìm trong những ảo tưởng về sức mạnh, rồi
nhân cách suy đồi, đạo đức lao dốc, làm cho con người lầm đường lạc lối nhiều
hơn.
Tất cả những điều đó khởi lên trong khoảnh khắc làm tôi nghẹn ngào,
xót xa nhưng cũng đầy hy vọng về nỗ lực của những người đã và đang thức tỉnh,
nhận ra được ý nghĩa tồn tại của mình và cải tạo con người đi lên từ sự thoái
hóa cùng cực. Bằng một cuộc cách mạng thực sự và đó chỉ có thể là cách mạng nội
tâm ở bản thân, tự nhận ra qua cuộc cách mạng trong chính mình, thay đổi chính
giá trị mà mỗi người đang sở hữu và theo đuổi, mới có thể thay đổi toàn bộ thế
giới. Không phải là quá muộn để bắt đầu cuộc cách mạng cho bản thân vào lúc này,
và cũng không ai có thể khởi lên cuộc cách mạng sâu sắc này ngoài chính bạn. Có
như vậy con người chúng ta mới đi đến chỗ văn minh thực sự, hiện thực được khát
vọng biến trái đất thành thiên đường, nơi có cuộc sống cân bằng và hòa hợp.
Cuộc cách mạng nội tâm trong mỗi người, có thể lấy lời dạy của Khổng
giáo về việc Tu thân làm căn bản. Bởi vì, không có một học thuyết, giáo lý nào
dạy về đạo đức, tu tâm dưỡng tánh, trao dồi hạnh nết, để cư xử sao cho vẹn đạo
làm người cụ thể như Khổng giáo. Nhưng chỉ lấy những điểm tinh hoa của Khổng
giáo mà thôi, là do toàn bộ giáo lý có nhiều điểm không còn thích hợp với con
người, xã hội ngày nay nữa.
1. Ý nghĩa tu thân phần Nhân Đạo
Tu thân là sửa mình, Thân là thân mình. Tu thân là nhìn nhận, sửa chữa
những gì chưa tốt về bản thân, đã bị cài, cắm vào bản thể một cách vô thức từ
lúc sinh ra đến khi lớn lên, làm lu mờ đi cái chân tâm, bản tánh nguyên thủy tốt
đẹp bên trong mỗi người.
Trong Bát điều mục: “Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ”, của Khổng giáo thì Tu thân là trung tâm điểm,
nên quan trọng hơn tất cả. Sách Đại học nói rằng: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ
nhân, nhất thị giai nhĩ Tu thân vi bổn”. Nghĩa là: “Từ vua cho đến dân, ai cũng
phải lấy Tu thân làm gốc.”
Muốn Tu thân, cần cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm. Tu thân được
rồi thì mới có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bốn điều mục trước là điều
kiện để Tu thân và ba điều mục sau là hệ quả của việc Tu thân.
Muốn sửa mình cho thành người có đức hạnh thì trước hết cần giữ cái
tâm mình cho ngay chánh, cái ý của mình cho thành. Rồi mới cách vật trí tri được,
nghĩa là hiểu rõ các sự vật và biết đến cùng cực cái biết.
Chánh tâm, trước hết cần giữ cái tâm mình cho được ngay thẳng, tâm
không ngay thẳng thì làm sao sửa đổi thân mạng tốt đẹp hơn được. Giữ cái tâm
mình cho ngay thẳng là đừng để cho sự tức giận, sợ hãi, sự vui say, ưu phiền,
làm cho cái tâm của mình lệch lạc. Vì khi đã bị những sự ấy làm loạn cái tâm của
mình thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, ăn không biết mùi. Bởi thế,
bao giờ ta cũng cần giữ cái tâm cho chánh, thành tâm thanh lọc tâm hồn trong sạch
khỏi sự ô nhiễm, những tác động tiêu cực, ý niệm xấu từ bên ngoài cũng như bên
trong.
Thành ý, là giữ cái ý mình cho thành tức là mình không dối mình, đối với
việc gì cũng nên thành thật, nghĩa là mình thế nào thì cứ thực bày tỏ ra như thế.
Trong việc Tu thân, Khổng giáo lấy sự Thành ý làm trọng hơn cả. Nên Tăng tử
nói: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn, cố quân tử tất thành kỳ
ý”. Nghĩa là: “Giàu thì hiển hiện ra ở nhà, có đức tốt thì hiển hiện ra ở người,
trong bụng rộng rãi thì thân thể có vẻ ung dung thảnh thơi.”
Tâm đã chánh, ý đã thành thì tự nhiên cái lương tri lương năng của
mình, tức là cái minh đức trở nên sắc bén. Nên sự vật, sự việc bên ngoài không
còn chi phối tâm mình nữa, từ đó ta biết cách tĩnh lại và quan sát các vật, đó
là Cách vật.
Trí tri là khi tâm an, trí sáng, biết tĩnh tại đã quan sát nghiên cứu
căn nguyên của vạn hữu một cách khách quan. Muốn có nhận thức đúng đắn đối với
bất kỳ sự vật cần nghiên cứu cả bên ngoài lẫn bên trong, bản chất của sự vật,
điều kiện khách quan, chủ quan của sự vật phát sinh, phát triển, hiểu rõ lý tận
cùng của sự vật. Đến lúc đó, nhận thức của ta về tổng thể sẽ không có chỗ nào
không rõ, như vậy mới gọi là đạt đến đỉnh điểm về quan sát.
1.1 Tam cương
Muốn thực hiện công việc lớn, thì cần làm tốt việc nhỏ, cần tập sự những
việc nhỏ cho quen rồi mới làm việc lớn hơn. Những công việc đó là Tam cương
(Cương “綱”: Nghĩa đen chỉ sợi dây to làm
đầu mối trên lưới đánh cá nhờ nó mà lưới chắc chắn hơn và các mối dây cũng được
liên kết chặt chẽ hơn. Nghĩa bóng chỉ các phần cốt yếu của các sự vật, cũng
chính là tư tưởng cương lĩnh, chuẩn mực) Quân thần, Phu tử, Phu phụ.
Quân thần cương là Vua, Tổng thống, Chủ tịch nước là người có trách
nhiệm chăm lo cho người dân có đời sống no đủ về cả vật chất lẫn tinh thần.
Tôi, quan chức cần tỏ lòng trung thành, ngay thẳng đặng ra sức giúp Vua, Tổng
thống, Chủ tịch nước làm cho nhân dân an cư lạc nghiệp.
Phu tử cương, nghĩa là người làm bố mẹ cần hết lòng lo cho con, nuôi
dưỡng con nên người theo một lẽ tự nhiên, người con cũng sẽ tự nguyện quay lại
lo cho bố mẹ lúc về già (nhân quả).
Phu thê cương, thật hiếm có sự giao thiệp nào đặc biệt như tình vợ chồng,
để con người có thể cùng nhau học hỏi, tìm hiểu người khác cũng như tự hiểu lấy
mình. Khi con người đã nhìn nhận được mục đích cao siêu trong mối quan hệ vợ chồng,
thì cuộc sống gia đình sẽ giúp cho mỗi người hoàn thành một thiên chức mới. Và
những sự kiện xảy ra trong gia đình vui hay khổ, cũng cho ta những kinh nghiệm
để khám phá ra những cái mới mẻ, những bài học giúp ta trưởng thành hơn trong
cuộc sống, nếu ta biết thì mặt nào cũng có khía cạnh tích cực của nó.
Nhưng dù cho duyên hay nợ, hạnh phúc hay khổ đau xảy ra mà hai vợ chồng
đều hiểu biết được đạo lý, đối đãi với nhau trong sự kính trọng và thương yêu,
thì họa cũng chuyển thành phước, bất hạnh cũng biến ra hữu hạnh. Như vậy đời
người nam nữ lớn lên thường lập gia đình, có đôi có bạn, ăn ở với nhau, tạo ra
giềng mối vợ chồng, kết nối chặt chẽ với nhau thông qua yêu thương, tôn trọng,
thấu cảm, chia sẻ, sống với nhau như tri kỷ tức là Phu thê cương.
1.2 Ngũ thường là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín
Nhân là người, học cách làm người. Là con người, cần có lòng yêu
thương giữa người với người, giữa người đối với muôn loài vạn vật, trước khi
thành tài thì cần học cách làm người.
Nghĩa trong ngũ thường dạy con người ta cần cư xử sao cho, công tâm,
công bằng, theo lẽ phải, thấu tình đạt lý, biết giúp đỡ mọi người. Ở đây, hai
chữ Nhân là lòng thương người và Nghĩa là giúp người. Nên Nhân Nghĩa thường đi
đôi với nhau thành một danh từ kép, mới bộc lộ được cả tư tưởng và hành động đi
đôi. Nếu có Nhân mà không có Nghĩa thì đạo đức thiếu thực tế, còn như có Nghĩa
mà không có Nhân thì đạo đức thiếu tinh thần. Chẳng hạn bạn có lòng thương người
lâm nạn, nhưng không ra công, của để cứu giúp thì lòng nhân không được thể hiện
bằng hành động. Ngược lại, nếu ra công, của để giúp đỡ mà chẳng có tình thương,
thì đó là do một động cơ, danh lợi nào khác chứ không phải do bởi lòng nhân.
Lễ là sự thể hiện sự tôn trọng, hòa nhã, khiêm nhu với mọi người xuất
phát từ sự hiểu biết bên trong chứ không chỉ đơn thuần đề cao hình thức bên
ngoài.
Trí sự sáng suốt, minh bạch, là người biết cách nhìn nhận, phân biệt
đúng bản chất sự việc một cách khách quan, là người có đạo đức và dần dần hoán
cải việc dở thành hay, điều ác thành điều thiện. Nhưng trí não cần đi đôi với
trực giác, trí não của bạn dẫu minh mẫn thế nào cũng có giới hạn, không hiểu biết
được nhanh và sâu xa như trực giác. Có lắm điều cứ để tự nhiên theo trực giác
thì biết rõ ngay được, mà dùng trí não để suy xét thì nhiều khi nghĩ ngợi mãi
mà không ra manh mối. Là vì những sự biết mẫn tiệp và sâu xa thường do trực
giác, chứ không phải do trí não. Xong khi đã biết điều gì rồi, tất cần dùng trí
não mà kiểm soát lại, để biết cho rõ những điều đã do trực giác mà biết.
Tín là làm người nên biết giữ chữ tín, nói lời cần giữ lấy lời, có
câu:
“Sở vị thành kỳ ý giả vô tự khi dã”, đại ý để nói rằng
cốt yếu là thành thật ngay từ trong tâm, nếu mà tự dối bản thân tức là không biết
tự trọng lấy mình vậy.
1.3 Tam tòng
Tam tòng tức là “ba theo”. Người phụ nữ chưa lấy chồng thì theo cha,
có chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Có thể dễ dàng nhận thấy, cả
ba đều là trạng thái thụ động, bị động của người nữ - theo, bất kể trạng thái
hôn nhân của cô ta là gì. Người xưa viết ra đạo lý không chỉ đơn thuần hiểu
theo nghĩa đen. Ẩn trong đó là sự cân bằng về mặt năng lượng, có tính đối xứng
và hài hòa âm dương. Người thời nay, nhìn vào đạo lý đó và cho rằng nó là một
thứ cổ hủ lạc hậu, thậm chí ngu đần. Nếu áp dụng đạo lý này, người phụ nữ sẽ bị
đàn áp, bóc lột, không có tự do, lập trường, người phụ nữ sẽ trở nên yếu đuối
và đau khổ.
Bậc thượng sĩ nghe đạo thì gắng sức thực hành. Người bình thường nghe
đạo thì nửa tin nửa ngờ. Kẻ thấp kém nghe đạo thì cười lớn. Nếu không cười thì
đạo không phải là đạo nửa - Lão tử.
Nhưng hãy nhìn nhận cho thật kỹ, Đạo tam tòng không dạy người phụ nữ
nghe lời một cách mù quáng. Từ “theo” không nên hiểu 100% nghĩa đen là tuân
theo, nghe theo, làm theo, đi theo. Mà đó là dạy người phụ nữ sự nhu mì, khiêm
nhường, uyển chuyển và dạy họ rũ bỏ đi cái tôi để mang tới sự hài hòa chung
trong mối quan hệ, vốn dĩ đó là sự thể hiện tính âm trong người nữ.
Giả sử ngày nay, trong trường hợp bố mẹ áp đặt hôn nhân lên người con
gái. Nếu con gái đã thoải mái lựa chọn bố mẹ đặt đâu mình ngồi đấy rồi thì đó
là quyết định của cô ta, chuyện này không có gì đáng bàn.
Nhưng nếu cô ta không chọn, có thể nhẹ nhàng thể hiện ước vọng của
mình với bố mẹ để hai bên cùng tìm cách giải quyết. Nếu vẫn không tìm đến được
điểm chung, sự quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người con gái ấy. Nhưng điều
quan trọng là sự nữ tính ở đây được thể hiện ở cách thức tiếp cận vấn đề và khả
năng xử lý tình huống trong sự hòa nhã, ôn tồn, khéo léo. Để làm được điều đó,
người phụ nữ cần dịu dàng với cảm xúc, nguyện vọng của chính mình cũng như bố mẹ.
Ngoài sự điềm đạm và ôn hòa ra, mọi biểu lộ khác của người nữ rất có thể là
mang tính bạo lực. Chẳng hạn như cố gắng đè nén điều trái tim mách bảo và nghe
lời một cách mù quáng, hay khóc lóc để thao túng cảm xúc của gia đình, thậm chí
nhiều người còn đòi tự tử hay đoạn tuyệt quan hệ với bố mẹ.
Theo - không thể hiện sự nhu nhược, yếu đuối mà thể hiện sức mạnh hướng
nội sự ôn nhu, nhạy cảm, khéo léo đối ngược với sức mạnh hướng ngoại trong biểu
tượng người đàn ông ý chí, sự kiểm soát, quyết tâm và tính kỷ luật.
Âm và dương đi theo cặp, không thể tách rời và cân bằng tuyệt đối. Âm
là cái gốc, là nơi phát sinh ra dương, không có âm thì dương sẽ bị triệt tiêu.
Đồng thời, dương cũng là mảnh đất dưỡng cho âm tồn tại và phát triển. Khi mất một
trong hai cái, âm hoặc dương thì cơ cấu đó sẽ sụp đổ, nên chính xác phải là âm
dương cùng thoái hóa hoặc cùng phát triển. Mỗi cực âm hay dương đều có hai mức
độ, tạm gọi là chuẩn mực và thoái hóa. Chẳng hạn, một tính âm chuẩn mực là sự
khiêm nhường, luôn đi đôi với một tính dương chuẩn mực là sự tự tin. Tức là người
nào có sự khiêm nhường thì ắt có một lượng tự tin tương ứng. Trong khi đó, một
tính âm thoái hóa là tự ti, luôn song hành với một tính dương thoái hóa là tự
phụ, người nào tự ti ắt sẽ tự phụ và ngược lại. Cho nên khi người vợ nhiệt tình
vâng lời chồng, thì trong đó cũng đã ẩn tàng một sự chỉ huy chồng khéo léo. Đây
là một phép xử thế mà ít người hiểu biết và thực hiện được, bí pháp này càng
làm tăng cường thêm quyền năng, sứ mạng người phụ nữ mà họ không ngờ đến nên
Lão Tử nói rằng: “Nhu thắng cương.”
Trong thời đại ngày nay, khi không còn tuân theo đạo lý người nữ đang
đánh mất dần tính âm chuẩn mực là sự khiêm cung, hòa nhã, sự hài hòa, dịu dàng
và ngọt ngào với cuộc sống. Từ đó, trên mảnh đất âm thoái hóa sẽ nở ra cái cây
dương thoái hóa, tức là càng ngày càng xuất hiện những phụ nữ xốc nổi, hung
hăng, cáu kỉnh, hà khắc, cứng nhắc, nổi loạn và thậm chí cả trong tư tưởng, lời
nói và hành động. Khi tính nữ thoái hóa thì tính nam cũng theo đó đi xuống một
cách tương ứng. Từ mảnh đất dương tồi tàn sẽ nở ra cái cây âm dặt dẹo, thể hiện
trong việc xuất hiện nhiều hơn những người nam bạc nhược, tự ti, dựa dẫm, lười
nhác và vô kỷ luật.
Có một câu hỏi đặt ra đó là tại sao người xưa không dạy người nam sự
nhu mì và dạy người nữ sự cương cường? Đó là do trên cơ thể người nữ và người
nam cũng đã thể hiện rõ tính âm dương rồi, rõ nhất ở cơ quan sinh dục của họ và
trong hình thức quan hệ. Người nữ học sự nhu mì, điềm đạm sẽ dễ hơn là học sự cứng
rắn, oai phong. Vì cơ thể họ cùng sắc thái với năng lượng âm nên họ dễ dàng biểu
lộ nó hơn, ai giỏi việc gì thì làm việc đó. Người xưa đã rất trí tuệ khi dạy phụ
nữ mềm mại và dạy người đàn ông bản lĩnh, khi tất cả tuân theo đạo lý, con người
dần trở về được với tính chất tự nhiên của mình, thế mạnh của mình. Đó là tiền
đề để một đất nước cân bằng và vững mạnh.
Trong mỗi con người đều tồn tại hai thái cực âm dương. Người nữ càng
điềm đạm bao nhiêu thì cô ta càng can trường bấy nhiêu. Người nam càng bản lĩnh
bao nhiêu thì anh ta càng dịu dàng bấy nhiêu. Theo quan sát của tôi, tôi thấy rằng
người nữ phù hợp với những công việc gắn liền với xúc cảm, trực giác, sự ngẫu hứng,
đi vào tiểu tiết như cầm kỳ thi họa, nữ công gia chánh, giao tiếp vì người phụ
nữ dễ nắm bắt các tiểu tiết. Còn người nam phù hợp với công việc có tính tư
duy, tổ chức, kỷ luật, kiến thiết như tranh luận, làm luật, xây dựng, lãnh đạo,
phát minh vì người nam dùng con mắt cho những thứ mang tính đại cục, tổng thể.
Tất nhiên, hai giới đều có thể làm được công việc của nhau, nhưng sẽ mất nhiều
thời gian để thành tựu hơn so với giới kia khi xét cùng một công việc.
Ngày nay, khi âm dương đảo lộn, cơ thể người nữ không rung động với
tính nữ và cơ thể người nam không rung động với tính nam, thì tình trạng vô
sinh càng ngày càng gia tăng. Người phụ nữ không mang đủ tính âm chuẩn mực như
sự mềm mại, dung dưỡng, uyển chuyển, bao dung, ngọt ngào thì rất khó thụ thai
và mang thai. Người nam không mang đủ tính dương chuẩn mực như là quả quyết, mạnh
mẽ, kỷ luật và kiên định thì sẽ thể hiện sự mềm yếu, bất định, dễ rơi vào yếu
sinh lý. Sự thoái hóa âm dương sẽ gây nên hao tổn nguồn lực vào việc chữa chạy
vô sinh hoặc dẫn tới sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Tóm lại, tòng phu không có nghĩa là lệ thuộc chồng, chuyện gì cũng
nghe chồng mà hiểu đúng nghĩa của nó là người phụ nữ tự nguyện kết hợp những đặc
tính âm có trong mình như sự mềm mại, nhạy cảm, khéo léo, tình yêu với đặc tính
dương của người chồng là sự bảo vệ, quyết đoán, mạnh mẽ, lý trí để tạo dựng một
gia đình mới, tương hỗ lẫn nhau cân bằng âm dương. Có thể vợ theo chồng hoặc chồng
theo vợ, điều này không nhất thiết, mà tùy hoàn cảnh mỗi người, người nam hay nữ
không nên bám chấp vào nhau.
Hôn nhân thiêng liêng xảy ra bên trong chúng ta, hợp nhất tính nam
tính nữ của linh hồn.
1.4 Tứ đức
Chỉ khi nào có được tính âm chuẩn mực thì người phụ nữ mới thể biểu lộ
chúng ra ngoài đời sống. Điều đó được thể hiện trong Tứ đức. Ở đây có một câu hỏi
đặt ra, đó là tại sao không phải là Tứ tòng và Tam đức. Theo góc nhìn của tôi,
thì số ba đại diện cho ý tưởng, tinh thần, sự sáng tạo. Còn số bốn đại diện cho
cấu trúc, sự biểu đạt, tính ổn định. Tức là cần có tinh thần, tâm hồn bên trong
rồi mới có thể xác bên ngoài, đấy là sự diễn sinh thuận tự nhiên trong trước
ngoài sau, từ vô vi ra hữu vi.
Tứ đức bao gồm Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Công, việc nữ công, gia chánh cần
khéo léo. Dung, dáng người phụ nữ nên hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức
bản thân. Ngôn, lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng. Hạnh, tính nết
hiếu thảo.
Cả bốn “đức” trên đều biểu lộ của tính âm chuẩn mực của người phụ nữ.
Công - tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo, chi tiết (trong công việc). Dung - khả
năng chăm sóc, dung dưỡng (làm đẹp ngoại hình, mở rộng hơn là làm đẹp tổ ấm).
Ngôn - sự nhu mì, nhã nhặn, từ bi (trong ngôn từ). Hạnh - sự khiêm cung, ôn
hòa, biết đúng vị trí của mình (trong các mối quan hệ). Tóm lại, khi có tính âm
chuẩn mực, người phụ nữ sẽ tự khắc biểu lộ ra được bốn đức một cách tự nhiên và
khi thực hành bốn đức thì tính của họ sẽ càng được củng cố.
Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức là Đạo làm người, là tiêu chí
tu dưỡng cho cả nam và nữ. Ngay cả nam giới cũng cần giữ Tứ đức để sửa mình và
ngược lại, nhưng nam nặng về Tam cương Ngũ thường, nữ thiên về Tam tòng Tứ đức.
2. Ý nghĩa cao xa tu thân phần
Thiên Đạo
Thực hành những điều trên là giúp ta hoàn thành tập sự phần Nhân Đạo của
một con người bình thường cho quen, cho có căn bản rồi theo đà đó phát triển
lên phần Thiên Đạo.
Trong phần Thiên Đạo thì chúng ta mở rộng hàm ý của phần Nhân Đạo. Lúc
này Vua chính là Thượng đế, là Đại Thiên địa, là toàn thể Vũ Trụ rộng lớn mênh
mông. Chúng ta là các tế bào trong thân thể của Người, là một phần thân thể của
Tạo hóa, là tiểu Vũ Trụ, là tiểu Thượng Đế. Từ chỗ trung với Vua ở bên ngoài,
chúng ta quay về trung với chính chúng ta chứ không đâu xa cả. Vì chính chúng
ta mới là Thiên tử, là con Trời, là Vua cai quản trong Tiểu Thiên địa. Trung với
bản thân là trung với niềm tin của chính mình. Niềm tin sẽ quyết định số phận của
bạn, khi bạn tin vào điều gì thì điều đó sẽ hấp dẫn đến với cuộc sống của bạn.
Bạn tin cuộc sống của mình tốt đẹp thì vạn sự đến đều vì mục tiêu tốt đẹp. Bạn
là người kiến tạo nên cuộc đời của mình và chịu trách nhiệm 100% với nó.
Chúng ta Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Tức là ta cải sửa
những điều chưa tốt về bản thân như không sát sinh, không ganh đua, phân biệt,
phán xét, đố kị, so sánh, hiềm khích, sợ hãi, mưu mô, toan tính, ích kỷ, không
còn chấp ta ngã mạn,... Chăm chỉ tu tập nhằm chuyển hóa hết mọi năng lượng tiêu
cực có trong người, để giúp thanh lọc bản thể cho trong sạch, đó là Tề gia
trong Tiểu Thiên địa của ta.
Kim cương cũng giống như than đá đều là cacbon. Nhưng khác nhau ở chỗ
kim cương được tạo thành bởi áp lực ngìn cân. Con người cũng như vậy, phải trải
qua những bài học, thử thách khốc liệt vô cùng mới trưởng thành và tịnh hóa được
cái thân tâm trí của mình, tự chủ được bản thân và chế ngự được những ham muốn,
nhục dục của mình để chúng không chi phối khảo đảo, đó là Trị quốc.
Bình thiên hạ ở trong Thiên Đạo chính là đưa thân thể về trạng thái
bình hòa, cân bằng, an lạc. Hầu hết mọi người đều có những suy nghĩ, tư tưởng
trong đầu liên miên bất tuyệt khiến bạn không thể thảnh thơi, an nhàn, tự tại.
Bởi vì các tế bào trong cơ thể bạn chưa nhận thức được rằng tất cả chúng đều nằm
trong một sự hợp nhất trọn vẹn, chưa có sự đồng nhất (tần số rung động khác
nhau) khiến cho bạn nổi sóng miên man. Khi bạn có thể đưa tất cả các tế bào hòa
chung một nhịp thì sẽ nảy sinh cộng hưởng, chúng sẽ nhận thức được rằng tất cả
đều là một và đều là anh em một nhà. Khi dần buông bỏ sự phân biệt của mình với
thế giới thì chúng ta hòa mình vào bản thể của càn khôn vũ trụ, nhận thức của
chúng ta được nâng lên ở mức vũ trụ và chúng ta mang trí tuệ của Thượng Đế dưới
mức biểu hiện của thân thể một con người. Lúc này chúng ta mới chính thức trở
thành Thượng Đế của thân thể mình, vì toàn thân thể đã được quân bình, hài hòa,
thanh tịnh và an lạc. Khi chúng ta đã được chuyển hóa, được đi lên ánh sáng rồi
thì cần tiến lên giúp đỡ, hỗ trợ tất cả mọi người để họ cũng được trở nên sáng
suốt, an lạc như bản thân ta.
Từ chỗ thực tập trong Nhân Đạo đã quen đã có căn bản ta cần thăng tiến
lên phần Thiên Đạo. Từ tình thương cha mẹ vợ con, anh em thân tộc đến tình
thương giữa người và người, người và vật, thành một tình thương vô cùng vô tận.
Thương hết mọi chúng sinh, không phân biệt thấp cao, đẹp xấu, giàu nghèo, sang
hèn, ngu trí, thanh trược, loài vô tình loài hữu tình ở cõi hữu vi hay cõi vô
vi, Ma quỷ hay Phật tức là tình thương của Tạo hóa vậy. Và cũng giống như thế
chúng ta cần phát triển Lễ, Nghĩa, Trí, Tín tiến lên vô cùng tận.
Sau khi thực hành Tam tòng trong Nhân Đạo, ta tiến sang Tam tòng theo
Thiên Đạo. Tại gia tòng phụ, có nghĩa là chúng ta ở trong căn nhà bản thể của
Cha Trời. Phải theo Cha là phải theo lời Cha khuyên bảo, là nên siêng năng, tu
tập cho tinh tấn. Xuất giá tòng phu. Chồng người nữ là ai? Người chồng thực sự ở
đây là hồn, người vợ thực sự là cái vía (thể cảm xúc). Chúng ta cố gắng tìm cho
được chồng hoặc vợ bằng công phu luyện đạo, cho âm dương hiệp nhất, hồn vía
tương hội, để hai phần này không còn xa nhau nữa.
Ngược lại, khi chúng ta quay ra tìm kiếm bên ngoài, chạy theo tiếng gọi
của bản năng, đắm chìm trong nhục dục lười nhác không chịu tu tập thì sẽ dần dần
hao tổn năng lượng, tinh thần suy kiệt, trí não trở nên tăm tối rồi lăn lộn
trong sinh tử luân hồi, đau thương khổ não.
Chồng chết theo con có nghĩa là sau khi âm dương hợp nhất, dục vọng kiểu
trược trần biến mất. Lúc này ta đã chuyển hóa tính dục vào trong, đó là dục kiểu
thanh, tự chuyển hóa năng lượng và tự có khả năng cân bằng bên trong bản thể của
mình. Bây giờ ý niệm vợ chồng đã biến mất trong tâm thức của chúng ta, lúc này
cần quay ra ngoài để dìu dắt các con của chúng ta những tiểu hồn đắm nhiễm trược
trần, vươn lên tiến hóa để trở thành như chúng ta vậy.
Tu hành không phải là diệt dục mà là để chuyển hóa dục vọng đi lên vô
cùng tận.
Từ chỗ chăm làm Công trong tứ đức, những việc làm theo kiểu trần ta
phát triển thêm thành các việc Đạo, tinh tấn, tu học, tu hành. Từ chỗ trau chuốt,
cho sắc đẹp thân thể Dung, ta tiến lên trau dồi cho sắc đẹp tinh thần, tâm hồn
tức là thực hiện tình thương bằng việc thiện lành, cao cả. Từ chỗ Ngôn nói những
lời nói thật thà, ngay thẳng mang lại sự hòa ái, ta nói cho mọi chúng sinh,
khai tâm học Đạo. Hạnh, từ chỗ làm những việc thiện lành nhỏ, là hạnh đoan
chính, nghiêm trang ta phát triển thành vĩ đại, thuyết giảng việc làm thống nhất
này cho mọi người nghe nhằm tu hành cho kịp.
Con người không có giới hạn, chấp ở đâu năng lực, nhận thức, trí tuệ dừng
lại chỗ đó.
Hoàng Yến
Trần Huy Toàn