VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: ĐỜI SỐNG CỦA SA MÔN LÀ VÔ TRÚ SAO PHẢI XÂY CHÙA, TẠO THẤT LIÊU?
- Đại đức vừa nói là các bậc xuất gia sống đời vô trú, không nên có chỗ
ở nhất định, không nên lưu luyến chỗ ở, nên sống nơi thanh vắng, v.v... Đấy
cũng là điều Đức Phật thường khuyên răn, giáo giới đến các bậc xuất gia, phải vậy
chăng?
- Thưa vâng!
- Thế tại sao, ở chỗ khác, Đức Tôn Sư lại thuyết: "Các hàng thí
chủ nên tạo chùa, thất liêu để cho Chư Tăng có chỗ ngụ cư an vui, dễ dàng, vì họ
là những bậc đa văn, những bậc nâng đỡ Tam Tạng, những bậc làm cho giáo pháp được
hưng thịnh, trường tồn..."?
Đức Đạo Sư đã thuyết lưỡng nghĩa, hai lời, nếu chỗ trên đúng thì chỗ
dưới sai hoặc trái lại! Vậy biết đâu là lời giáo giới đúng đắn, chân chính của
Đức Đạo Sư?
- Đức Thế Tôn chẳng bao giờ thuyết hai lời, lưỡng nghĩa, mâu thuẫn
nhau đâu, tâu đại vương! Trong giáo hội của Đức Tôn Sư, Ngài cho phép Chư Tăng
tùy duyên, tùy sở thích mà chọn chỗ ngụ cư cho mình; không nhất thiết là rừng,
nghĩa địa, chùa hay thất liêu. Ngài chưa hề cấm Chư Tăng sống ở chùa, thất liêu
hoặc khuyến khích nên sống ở rừng hay nghĩa địa. Vấn đề quan trọng là sống sao
để khỏi dính mắc, lưu luyến chỗ ở của mình; phải thường xuyên thay đổi từ chỗ
này sang chỗ khác. Chính đời sống không dính mắc, không lưu luyến mới là phải lẽ
cho Sa-môn, nghiêm trang cho Sa-môn, thích hợp với Sa-môn, là cảnh giới của
Sa-môn, nên dành cho Sa-môn, là nơi mong mỏi của Sa-môn.
Tâu đại vương! Ví như loài hươu nai sống ở trong rừng, chúng tự do, thảnh
thơi đi từ chỗ này sang chỗ khác, không nhất định ở một nơi nào cả, hoàn toàn
theo ý muốn, sở thích của mình, chư tỳ kheo cũng nên sống đời vô trú như hươu
nai vậy.
Tâu đại vương! Còn vấn đề xây dựng chỗ ở, tạo chùa chiền, am thất cho
Chư Tăng mà Đức Phật thường tán thán là vì lợi ích cho giáo pháp, lợi ích cho
hàng cư sĩ tại gia. Công đức, phước báu xây dựng cảnh già lam cho Chư Tăng có
chỗ ngụ cư dễ dàng để tu học thật là vô biên vô lượng, là nhân sanh cảnh trời,
cảnh người phú túc và sang cả. Ngoài ra, đó còn là nhân để thoát khỏi sanh,
già, bệnh, chết, chứng quả Niết bàn Vô sanh.
Lại nữa, tâu đại vương! Nếu mà chư tỳ khưu đều sống ở rừng, nghĩa địa,
nơi hoang sơn cùng cốc; ai cũng lìa xa nơi phố thị, làng mạc cả thì cận sự nam
nữ hai hàng lấy đâu để nghe giáo pháp, để thọ trì quy giới, để cúng dường, bố
thí, để tạo phước báu, để tăng trưởng tín, giới, văn, thí, tuệ cho mình?
Lại nữa, tâu đại vương! Nếu không có chùa chiền, am thất thì vua chúa,
các vị đại thần, thương gia, các giáo chủ bà-la-môn, những người có tâm cầu
mong thấu hiểu giáo pháp sẽ biết tìm đến đâu để học hỏi, trao đổi, thảo luận?
Những người muốn tu sẽ tìm đến nơi nào để tu? Và Chư Tăng làm sao để học hỏi
giáo pháp, phổ biến giáo pháp, kế tục giáo pháp để lưu hậu, truyền thừa?
Đại vương! Dám mong đại vương giải đáp dùm cho những câu hỏi ấy của bần
tăng!
- Vâng, trẫm không dám nữa đâu! Sở dĩ mà trẫm còn nghe được giáo pháp
hôm nay là cũng nhờ có cảnh già lam mà cận sự nam nữ đã dày công kiến tạo!
- Cám ơn đại vương!
- Trẫm không ngờ một câu hỏi bắt bí bình thường - mà lối giải đáp của
đại đức lại sâu xa, vi diệu như thế! Ôi! Một câu hỏi tưởng như khó khăn, mà đại
đức đã tháo gỡ rất dễ dàng! Ôi! Đại đức đã làm cho phân minh, sáng sủa những điều
tối tăm, đã bẻ gãy vỡ vụn những luận điệu mà chúng ngoại đạo có thể xuyên tạc
trong nay mai! Quả thật, đại đức đã đem đến ở đây một con mắt của chư Phật để
soi tỏ, nhìn ngắm mọi vấn đề, vì lợi ích cho vô lượng nhân thiên trong thời mạt
pháp vậy!
-ST-