TINH HOA GIÁO DỤC 29 (PHẦN 5)
MUỐN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NÊN THUẬN THEO QUY LUẬT ÂM DƯƠNG
V. ÂM DƯƠNG
CÂN BẰNG
Trong cuốn sách “Trở về từ xứ tuyết” do Nguyên
Phong phóng tác có đoạn viết như sau: “Trước khi một nền văn minh phù hợp với
trình độ tiến hóa mới được thành lập thì hoàn cảnh xã hội hiện tại sẽ phát triển
đến cực điểm. Tất cả những điều hay cũng như dở, tốt cũng như xấu đều phải phát
triển mạnh mẽ vì trước khi sự suy tàn xảy ra, nó phải lên đến tột đỉnh đã. Nền
văn minh vật chất có tiến bộ cực thịnh và mang lại cho con người nhiều khổ đau
thì khi đó họ mới biết quay về với phần tinh thần. Trong tương lai sẽ có những
biến cố lớn lao xảy ra, mỗi ngày một mãnh liệt hơn trước và nó sẽ làm đảo lộn tất
cả các quan niệm sẵn có trước khi một trật tự mới được thành lập. Con người
trong tương lai sẽ phát triển trí tuệ thay vì lý trí như hiện nay. Chỗ nào có
suy luận, nơi đó có chia rẽ và chỗ nào có trí tuệ, nơi đó có hợp nhất. Con người
trong tương lai sẽ không chú trọng nhiều đến những sự kiện vật chất mà dành thời
giờ cho việc phát triển nội tâm.”
Xưa hơn một chút thì cuốn “Chiến thắng con quỷ bên
trong bạn” tác giả Naboleon Hill, được viết từ năm 1938 là nội dung nói về cuộc
đối thoại giữa Napoleon Hill và con quỷ. Trong chương chín Giáo dục và tôn giáo
có một đoạn manh nha cũng đã nói lên sự cân bằng cần thiết của hai mặt đối lập
trong quy luật âm dương như sau:
Naboleon Hill hỏi: “Tại sao ngươi không tiếp quản
luôn công việc của Chúa và điều hành tất cả mọi việc theo cách của ngươi?”
Con quỷ đáp: “Ngươi cũng có thể hỏi ta luôn là tại
sao cực âm trong điện tử không tiếp quản luôn cả cực dương và điều hành tất cả
mọi việc. Câu trả lời là cả năng lượng điện tích của cực âm lẫn cực dương đều cần
thiết cho sự tồn tại của điện tử. Cái này cân xứng với cái kia và dồn đối
phương vào thế bí. Giữa ta và thứ mà các ngươi gọi là Chúa cũng tồn tại mối
quan hệ kiểu như vậy. Chúng ta tượng trưng cho ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của
toàn bộ hệ thống của vũ trụ này và chúng ta cân xứng với nhau.”
Nếu sức mạnh của sự cân bằng này bị thay đổi dù là
ở mức độ nhẹ nhất, toàn bộ vũ trụ sẽ nhanh chóng trở thành một khối vật chất
trì trệ. Giờ thì ngươi đã biết tại sao ta lại không thể tiếp quản mọi thứ và điều
hành nó theo cách của ta rồi chứ.
Naboleon Hill hỏi: “Nếu những gì ngươi nói là đúng
thì ngươi có sức mạnh y hệt như Chúa vậy. Có đúng như thế không?”
Con quỷ đáp: “Đúng thế. Kẻ thù của ta, người mà
các ngươi vẫn gọi là Chúa đó, thể hiện bản thân mình qua những sức mạnh mà các
ngươi gọi là những thứ tốt đẹp hay ảnh hưởng tích cực của tự nhiên. Còn ta thể
hiện bản thân mình qua những sức mạnh các ngươi gọi là những thứ xấu xa, những ảnh
hưởng tiêu cực. Cả cái tốt lẫn cái xấu cùng tồn tại với nhau, cái này cũng quan
trọng như cái kia.”
Cổ hơn nữa thì có cuốn Chu Dịch là một trong Tam đại
kỳ thư - ba cuốn sách quý hiếm thời thượng cổ của Trung Quốc. Tư tưởng cốt lõi
của Chu Dịch không ly khai khỏi ba chữ Thiên Địa Nhân. Theo lý giải về tri thức
Thiên văn của chúng ta hiện nay mà nói thì Thiên chính là bầu trời, các vì sao
trong Vũ Trụ; Địa chính là chỉ địa cầu; Nhân chính là con người sống trên địa cầu
này. Cổ nhân ý thức được rằng sự vận động của Trời Đất có ảnh hưởng cảm ứng đối
với con người. Cho nên, con người cần phải thuận theo đạo của Trời Đất mà sinh
tồn thì mới có thể thông thuận, phát triển. Điều này được thể hiện rõ nét ở 3
câu nói vừa là đạo lý, vừa là thiên cơ trong Chu Dịch như sau:
Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu. Tạm
dịch: “Sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận, thì tất phải biến hóa, sau
khi biến hóa liền thông đạt, nhờ thông đạt mà được dài lâu.”
Trời Đất vận động biến hóa không ngừng, khi sự vật
đi đến cực hạn thì tất sẽ sinh ra biến hóa và lực cản sự phát triển sẽ bị phá
trừ. Người sáng suốt sẽ biết được độ cực hạn của sự vật, sự việc mà có cách ứng
biến và dừng lại đúng lúc. Các triều đại trong lịch sử đều là như vậy, nối tiếp
nhau ra đời, hưng thịnh và suy tàn. Bởi vì ý thức được những đạo lý này của Trời
Đất mà người xưa làm việc đều tự nhiên hướng thiện, người có năng lực đều thấp
điệu (khiêm nhường) làm người, có thể ứng biến linh hoạt với các loại nguy cơ.
Cũng chính bởi những điều này mà Chu Dịch luôn được đánh giá là nền tảng văn
hóa quan trọng, là tinh hoa mà người xưa để lại cho thời nay.
Trong khoảng thời gian, không gian khác nhau, bằng
ngôn ngữ có thể diễn giải mỗi nơi một khác, nhưng nội dung ba đoạn trích từ các
sách trên gần như có sự tương đồng. Đều nói về một quy luật chung, vũ trụ luôn
phân chia âm dương, sáng tối, thiện ác, không hơn không kém luôn luôn cân bằng
nếu phát triển thiên lệch bất kỳ bên nào thì đến một ngưỡng nào đó sẽ bị phản đảo
trở lại - vật cùng tất biến. Con người muốn phát triển cần tuân theo các quy luật
vũ trụ.
Âm dương cân bằng - vật cùng tắc biến. Biết đâu là
đủ trong cái đủ sẽ luôn luôn đủ, biết dừng lại đúng lúc thì không gặp nguy hiểm
nên được bền lâu. Trong vài thế kỷ trở lại đây chúng ta đã có những bước tiến
đáng kể trong nền văn minh vật chất. Trước hết, nó là những nhân tố kích thích,
tác nhân cần thiết không thể không có để thúc đẩy con người dấn thân, học hỏi
và phát triển. Nhưng mặt trái của nó làm cho con người ngày càng trở nên kiêu
ngạo, tham vọng và trì kéo con người đến với những ham muốn tầm thường, bị dẫn
dắt bởi nhục dục mà không phát triển cao hơn được.
Nhân loại đang thăng hoa bởi nền văn minh vật chất
mang lại, bị cám dỗ xoay quanh bởi các nhu cầu đó, bỏ quên đi đời sống tinh thần.
Làm cho tâm hồn con người ngày càng trở nên nghèo nàn, họ chết chìm trong những
cám dỗ của thời đại, đạo đức trở nên băng hoại. Khiến một cái lên quá cao một
cái lại xuống quá thấp, đánh mất đi sự cân bằng. Ngày nay, sự mất cân bằng dần
dần lên đến cực điểm, cho nên đã và đang có những biến động lớn tác động lên khắp
địa cầu, để thiết lập lại cân bằng mới hoàn thiện hơn. Đây không phải là điều
ngẫu nhiên, hão huyền, trong quá khứ đã xảy ra rồi và còn tiếp diễn nhằm thức tỉnh
con người. Trong Kinh Thánh gọi đó là Ngày phán xét, còn bên Đạo Cao Đài gọi là
Hội Long Hoa, còn cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm có lời sấm truyền: “Mười phần chết bảy
còn ba. Chết hai còn một, mới ra thái bình”. Đây là thử thách, cám dỗ rất lớn
trong thời đại ngày nay, lại cực kì khó với những người đang hưởng lợi và hưởng
thụ được những thứ hiện hữu trước mắt, hạnh phúc từ vật chất mang lại.
Bởi vì, thường khi nếm trải sự đau khổ cùng cực
con người ta mới chịu học, chịu tu. Cũng như một đứa trẻ còn bé nó không hiểu
điện là thế nào nên tò mò chọc tay hay đinh vào ổ điện rồi bị điện giật, lần
sau nó sợ không dám nghịch nữa. Đó là một bài học rất đắt giá khi đưa mạng sống
của mình ra để học hỏi. Tuy nhiên cơ hội, vận mệnh nằm trong tay chính bạn, bạn
được trao cho tự do ý chí, nên sẽ tự tìm hiểu, hoàn toàn tự do lựa chọn con đường
mình đi và cũng là người chịu mọi hậu quả dù tốt hay xấu trong hành động của mình
theo các định luật có trong vũ trụ.
Vì vậy, bạn đang sống trong một giai đoạn đặc biệt
thiêng liêng, trước khi có những biến động lớn thực sự xảy ra trên trái đất để
hình thành nên một thế giới mới. Sẽ phân định rõ hai nhóm người tồn tại và có mục
đích sống khác nhau trong xã hội, một nhóm chìm đắm trong những cám dỗ của thời
đại và nhóm người thức tỉnh.
Nhóm chìm đắm trong cám dỗ, họ bị các phản lực vô
hình trong vũ trụ lôi kéo mà không hề hay biết (Nếu như trong vũ trụ có những động
lực thôi thúc con người tiến hóa lên cao hơn nữa, cũng sẽ có những phản lực quấy
nhiễu, cám dỗ, lôi kéo làm cản trở con đường tiến hóa. Khả năng nhận biết, lúc
nào mình đang bị chi phối nào, là vũ khí sống còn để vượt lên). Đi ngược lại
quy luật tiến hóa, họ hài lòng với bản ngã đang có mà quên mất rằng mình cần
vươn cao hơn nữa. Họ chịu khuất phục trước chủ nghĩa duy vật, chìm đắm trong
thú vui cảm giác mà vật chất mang lại, ngày càng xa rời chân thiện mỹ và dần trở
nên tham lam, tà ác. Bị cám dỗ ngày càng lớn cùng với sự phát triển tinh vi của
máy móc và trí tuệ nhân tạo, đấu đá với nhau trong sự ích kỷ của mình để giành
năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, cuối cùng tự hủy diệt trong các cuộc
chiến tàn khốc. Họ sẽ là những người đáng thương lạc lõng giữa dòng đời, vì phải
học lại những bài học hết sức đau khổ cho đến khi họ hiểu biết và biết quay về
những giá trị thiêng liêng vĩnh hằng bên trong.
Nhóm người thức tỉnh, họ sẽ phải đi qua một con đường
dài để tìm lại chính mình, hiểu được sự bí ẩn tồn tại của bản thân cũng như ý
nghĩa của sự sống. Trên con đường đó họ sẽ trải qua lần lượt bốn giai đoạn gọi
là Lửa, Nước, Khí và Đất được tóm tắt như sau.
Trong giai đoạn đầu tiên Lửa.
Người đó bắt đầu con đường phát triển tâm linh của
mình, họ tin vào, thu thập và cho thấm vào người những kiến thức tâm linh. Đây
là giai đoạn mà con người bớt hướng ra bên ngoài với những thói quen, nhu cầu
trước đây mà tập trung vào nội tâm. Họ không ngừng khám phá, điều chỉnh và thấy
được những tính nết chưa tốt ở mình rồi nhận ra cũng chính những cái đó là rào
cản trên hành trình nên dần họ chuyển đổi mình thông qua việc rèn luyện, chiêm
nghiệm, thiền - như lửa thử vàng vậy.
Giai đoạn tiếp theo Nước.
Đây là lúc mà họ đã lĩnh hội kiến thức tâm linh đủ
để dùng chính các tri thức này và không gì khác, định hướng cuộc đời, phát triển
đời sống.
Tuy nhiên, xưa có Đức Chúa Giê-su, Đức Phật Thích
Ca, trước khi thành đạo, phải chịu cho Satan, Quỷ vương khảo đảo đủ cách, khi
không lay chuyển được thì Satan, Quỷ vương mới chịu cho các Đấng ấy thành đạo.
Đức Khổng Tử cũng bị thử thách bảy ngày giữa biên giới nước Trần và nước Thái.
Thầy trò Đường Tam Tạng cũng phải trải qua 81 kiếp nạn, vượt qua trùng trùng
gian khổ mới được thành Phật, cũng như vậy thì đích xác cũng là những gì họ phải
trải qua trong giai đoạn này. Từ cổ tới kim, từ Thánh, Tiên, Phật đều trải qua
con đường ma khảo mới chứng đạo được.
Do vậy, khi càng đi sâu vào con đường tu tập thì
nghịch cảnh và mọi nhân duyên sẽ dần kéo đến đẩy người tu vào vô vàn hoàn cảnh
oan trái, gian nan, khổ sở đến tận cùng. Lúc này bạn không nên sinh lòng oán hận,
thoái chí mà nên tỉnh táo nhìn nhận, bằng lòng chấp nhận, nhẫn nại, kiên gan, bền
chí. Và mỗi lần bị thử thách mà có thể vượt qua là mỗi lần bạn dứt đi bớt oan
nghiệp từ kiếp trước, được lên một nấc thang tiến hóa mới, vì thế có thể gọi
giai đoạn này là Nước. Do vậy, trong bốn giai đoạn, có lẽ giai đoạn này cam go
và vất vả nhất: “Vô ma khảo bất thành Đại Đạo, Đạo bất khảo bất thành Phật.”
Giai đoạn thứ ba là Khí.
Ở đây họ không bị (và không cần) thử thách để phát
triển nữa, mà chính họ phải tự tạo cho mình, từ trong chính bản thân, các động
lực để phát triển. Nên ví như đứng trong không khí, không có gì để tựa vào
(ngay cả thử thách từ ngoài đến) mà nên tự mình tạo điểm tựa cho mình để đi tới.
Ở giai đoạn này, người đó dần dần trải nghiệm sự Tự do đầy đủ thực sự. Một con
người mới (bản ngã cao) dần dần được sinh ra trong người đó, đến mức có thể làm
cho cha mẹ hoặc bạn bè, người thân quen xưa không nhận ra mặc dù cùng bề ngoài.
Họ từ từ trải nghiệm sự bao la và sâu đậm của tình yêu trong tự do. Trong mọi
tình huống lớn nhỏ trong đời sống, ngay cả những việc vặt vãnh, họ cũng có thể
làm với đầy đủ ý nghĩa như là việc quan trọng nhất, vì thực sự họ nhìn nhận nó
có ý nghĩa như vậy.
Cuối giai đoạn này, người đó nhìn thấy ý nghĩa và
sứ mệnh tồn tại của chính mình và vũ trụ. Những tri thức cao nhất bắt đầu chảy
vào một cách có mục đích, đúng thời điểm, đúng nơi. Và họ bắt đầu dùng những
tri thức được ban tặng này để thực thi sứ mệnh cao nhất của nhân loại, đây là
lúc bước sang giai đoạn cuối cùng. Đất.
Ở giai đoạn Đất. Họ bắt tay cùng với thế giới tâm
linh chèo lái tiến hóa của nhân loại, một trong số đó được người đời biết đến
nhiều nhất có Đức Phật, Zarathustra, Giê-su, Muhammad,... Tuy nhiên, những nhân
vật lỗi lạc mà bạn biết chỉ là bề nổi của họ trong lịch sử tiến hóa vĩ đại. Bởi
còn rất nhiều người khác cùng chèo lái nhân loại qua vô số kiếp khác nhau mà họ
không trực tiếp hiện diện và không phải ai cũng biết. Giai đoạn này gọi là Đất,
vì những người này từng chút một tác động và biến Trái Đất thành Thiên Đường thực
sự.
Lửa soi sáng
Nước trải nghiệm
Khí tự do
Đất trở về
Trần Huy Toàn