HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

ĐẠO LÝ TRONG 6 CÂU THƠ

Chỉ với 6 câu thơ ngắn ngủi, nhưng lại ẩn chứa hàm nghĩa thâm sâu, cổ nhân đã lưu lại “Sáu điều hối hận” giúp người đời sớm mau tỉnh ngộ. Những đạo lý trong đó thật đáng để người ngày nay học hỏi.

Khấu Lai Công, tức Khấu Chuẩn (961 – 1023). Ông là tể tướng đời Tống, theo vua Chân Tông đi đánh Khiết Ðan (nước Liêu) được phong tước Lai Quốc Công nên gọi tắt là Khấu Lai Công. Ông nổi tiếng văn võ song toàn, giỏi làm thơ, phú.

Khấu Chuẩn từ nhỏ cha mất sớm, gia cảnh nghèo khổ, chỉ dựa vào nghề dệt vải của mẹ để sống qua ngày. Khấu mẫu đêm khuya thường một bên kéo sợi dệt vải, một bên dạy Khấu Chuẩn đọc sách. Bà đôn đốc và chỉ dẫn Khấu Chuẩn khổ cực học thành tài. Sau này Khấu Chuẩn lên kinh đô đi thi, đỗ được tiến sĩ.

Tin mừng truyền về đến quê nhà, lúc đó mẹ của Khấu Chuẩn đang mang bệnh nặng, trước lúc lâm chung, bà giao một bức họa do chính tay bà vẽ cho người nhà là bà Lưu rằng: “Ngày sau Khấu Chuẩn nhất định sẽ làm quan, nếu nó có làm điều gì sai trái, thì bà hãy giao bức họa này cho nó!”.

Sau đó, Khấu Chuẩn làm đến chức Tể tướng, để mừng ngày sinh nhật của mình, ông đã mời 2 đoàn gánh hát, chuẩn bị yến tiệc mời bạn bè và các quan trong triều. Bà Lưu cho rằng thời cơ đã đến, bèn đem bức họa của Khấu mẫu giao cho ông.

Khấu Chuẩn mở ra xem, nhìn thấy một bức vẽ “Hàn song khóa tử” (Người đi thi đang học hành), trên bức họa có đề một bài thơ:

“Cô đăng khóa độc khổ hàm tân

Vọng nhĩ tu thân vi vạn dân

Cần kiệm gia phong từ mẫu huấn

Tha niên phú quý mạc vong bần”

Tạm dịch:

Vất vả đọc sách dưới ánh đèn

Mong con tu thân vì dân chúng

Lời của mẹ dạy sống cần kiệm

Giàu sang khi ấy đừng quên nghèo

Đây rõ ràng là di huấn của người mẹ, Khấu Chuẩn đọc đi đọc lại ba lần, bất giác nước mắt tuôn trào như suối. Sau đó, ông lập tức dẹp bỏ tiệc mừng. Từ đó về sau, Khấu Chuẩn luôn luôn giữ mình trong sạch và thương yêu dân chúng, hành xử công bằng và vô tư, đã trở thành một hiền tướng nổi tiếng của triều đại nhà Tống.

Nổi tiếng văn võ song toàn, Khấu Chuẩn cũng cho ra đời nhiều bài thơ nổi tiếng. Trong đó phải kể đến bài thơ ‘Lục hối minh’. Chỉ gồm 6 câu thơ ngắn ngủi, nhưng nó lại ẩn chứa hàm nghĩa thâm sâu, giúp người đời sớm tỉnh ngộ mà hối cải. Những đạo lý trong đó thật đáng để người ngày nay học hỏi.

Lục hối minh

Quan hành tư khúc thất thời hối.

Phú bất kiệm dụng bần thời hối.

Thế bất thiếu tích, quá thời hối.

Kiến sự bất học, dụng thời hối.

Tửu hậu cuồng ngôn, tỉnh thời hối.

An bất đắc tức, bệnh thời hối.

Dịch nghĩa:

Ở chức quan làm điều quanh co tư túi, lúc mất quan thì hối hận.

Giàu có không tiêu dùng cần kiệm, lúc nghèo thì hối hận.

Có thế lực không tiếc một chút, lúc phạm lỗi thì hối hận.

Thấy việc không học, đến lúc cần dùng thì hối hận.

Sau khi uống rượu buông lời cuồng ngông, lúc tỉnh lại hối hận.

Lúc yên ổn không nghỉ ngơi, khi đau ốm lại hối hận.

Tạm diễn ca:

Sáu điều hối hận

Làm quan vun vén riêng tư,

Mất quan mới hối, ngồi thừ thở ra.

Lúc giàu, thỏa sức tiêu pha,

Ðến khi nghèo túng, xót xa làm gì!

Ðắc thế chẳng chút nể gì,

Phạm lỗi mới hối, “thế” đi mất rồi!

Việc đáng học, cứ buông xuôi,

Ðến khi gặp việc, làm hư lại buồn.

Khi say, lảm nhảm ngông cuồng,

Tỉnh ra hối hận suông, đã muộn rồi!

Lúc yên chẳng chịu nghỉ ngơi,

Bê tha bệnh hoạn, hối thời vô phương.

Làm quan tư lợi, mất rồi mới tiếc

Trong văn hóa truyền thống, quan lại được coi như những bậc cha mẹ trông nom đời sống cho nhân dân, bởi vậy mới được xưng là quan phụ mẫu. Cho nên, người làm quan cần phải là người có đức, nhân từ, đồng cảm với cuộc sống của người dân. Người xưa cũng giảng rằng, “trên đầu ba thước có thần linh”, người làm quan dù chức cao vọng trọng đến đâu thì hết thảy việc làm của họ đều có thần minh soi xét. Đạo làm quan là phải công tâm, lấy dân làm gốc, không thể vì tư lợi cá nhân, nóng giận vui buồn nhất thời mà bao che sai phạm, nhận hối lộ, xử oan, … đến khi sự việc bại lộ thì hối tiếc cũng muộn màng.

Giàu không cần kiệm, nghèo mới xót xa

Trong dân gian thường có câu rằng, “miệng ăn núi lở”. Con người ta, nếu không biết cần kiệm, mà chỉ biết hưởng thụ lãng phí xa hoa, thì người giàu có đến đâu, bạc tiền nhiều đến mấy cũng nhanh chóng cạn kiệt. Con người một khi khi đã quen với sự giàu sang xa xỉ, đến lúc một nước sa cơ gặp phải vận nghèo, thật khó mà cảm thụ nổi! Khi đó có ngồi hối hận trách thân than phận thì cũng đã muộn rồi. Bởi vậy, làm người biết khiêm nhường cần kiệm là điều không thể thiếu.

Trẻ không hiếu học, già hối đã muộn

Thời khi còn trẻ, đầu óc còn nhạy bén, tinh lực dồi dào, dễ tiếp thu cái mới, có thể tích lũy kiến thức cho cả một đời. Nhưng nếu không biết tận dụng khoảng thời gian đáng quý này, chỉ biết lười biếng ham chơi, cho đến khi ‘tóc bạc trắng đầu’, vạn lượng vàng cũng không thể mua được tri thức. Khi đó có hối hận cũng đã muộn rồi! Vậy nên, đừng để từng thời khắc trôi qua một cách phung phí.

Thấy việc không học, đến lúc cần không có, hối hận khôn nguôi

Bằng cấp chỉ là đại biểu cho quá khứ, chỉ có không ngừng học hỏi mới có thể đại biểu cho tương lai. Tôn trọng và tiếp thu kinh nghiệm của người khác, sẽ giúp mình đỡ phải đi đường vòng. Người xưa của dạy rằng “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”…. Bởi vậy, trong cuộc sống thực tiễn, hãy luôn giữ tinh thần ham học hỏi, gặp chuyện thì lưu tâm, không hiểu thì không ngại thỉnh giáo các chuyên gia nhân sĩ, bất cứ lúc nào cũng có thể học. Có như vậy, chúng ta mới không ngừng thành thục. Con người không ngừng học hỏi mới không trở nên già cỗi.

Rượu vào cuồng ngôn, tỉnh lại hối hận cũng muộn màng

Rượu là một thứ gây nghiện, có thể khiến ta mất đi lý trí. Bình thường không có trí huệ để nói, đến lúc say lại đỏ mặt tía tai nói thẳng thừng không kiêng nể; bình thường không dám làm, xỉn rồi thì cứ thế ngông cuồng hành động. Bởi vậy, tai họa gây ra do rượu say là nhiều vô kể, khi tỉnh lại mới ngậm ngùi hối tiếc khôn thấu, nhưng có hối thì cũng đã muộn rồi!

Ngày thường không điều dưỡng, đổ bệnh còn trách ai

Một người trong tình trạng ốm đau bệnh tật thì mới thực sự thấy được giá trị của sức khỏe. Nằm trên giường bệnh, ngẫm lại những chuyện đã qua, rồi hối tiếc khôn nguôi… vì sao lại phung phí sức khỏe cho những việc vô nghĩa, vì sao không biết nghỉ ngơi cho hợp lý? Tuy nhiên, tiếc nuối là vậy, hối hận là vậy, nhưng không ít người sau khi khỏi bệnh lại vẫn hành xử như xưa. Thậm chí có nhiều người, khi lợi ích treo trước mắt liền che mờ tất thảy, toan tính danh lợi, tranh đoạt chiếm làm của riêng mình, không việc ác gì không làm. Đến lúc sức khỏe cạn kiệt, có tiền nhiều đến mấy, liệu lúc đó còn có thể tiêu?

Vậy nên, biết yêu quý và chăm sóc bản thân, làm nhiều việc thiện có ích cho xã hội, giữ gìn tâm thái bình hòa trong cuộc sống, đây là điều mà mỗi chúng ta cần nên hướng đến.

“Sáu điều hối hận” mà cổ nhân lưu lại ở trên, súc tích mà ý nghĩa thật sâu xa, thật đáng để tất cả chúng ta lấy đó mà tự răn mình!

-ST-

Được tạo bởi Blogger.