HIỂU ĐÚNG MỘT SỐ CÂU CHỮ HÁN THƯỜNG DÙNG
Chữ Hán có hàm nghĩa rộng và sâu sắc. Nhiều lúc, nếu
chỉ dựa vào chữ để lý giải thì rất dễ gây ra hiểu sai. Nhìn lại nền văn minh mấy
ngàn năm của Trung Hoa, có ba câu nói thường xuyên bị hiểu sai và dùng sai, mà
nguồn gốc là bắt nguồn từ sự lý giải sai lầm của 3 chữ Hán.
‘Nữ tử vô
tài tiện thị đức’ – Phụ nữ không tài mới là đức
Khi người xưa đưa ra câu nói này, chữ “vô” được
nói đến thật ra là một động từ, ý là “vốn có mà xem như không”. Vì vậy, “vô
tài” thật ra có nghĩa là “vốn dĩ có tài, nhưng trong lòng lại xem như không
có”, hàm ý diễn đạt một thái độ khiêm tốn.
Cũng có nghĩa là: Phụ nữ có thể có tài năng, nhưng
đồng thời có thể hạ thấp cái tôi, không khoe khoang, không thể hiện thì đó mới
là đức hạnh lớn nhất của người phụ nữ. Ngoài ra, câu nói này vẫn còn nửa câu
trên: Nam tử hữu đức tiện thị tài (đàn ông có đức mới là tài).
Ý của câu này là: Đàn ông phải lấy đức hạnh làm trọng,
tài cán là để bổ trợ, chứ không có nghĩa là khuyên đàn ông không xem trọng tài
cán. Tương tự như vậy, “nữ tử vô tài tiện thị đức” cũng vẫn là khuyên phụ nữ phải
lấy đức hạnh làm trọng, chứ không có ý khinh thường nữ giới.
Vì vậy, bất luận là “đàn ông có đức mới là tài”
hay là “phụ nữ không tài mới là đức”, thật ra đều là đang giáo dục chúng ta phải
chú trọng phẩm đức của bản thân, đây chính là trí tuệ của văn hóa Trung Hoa.
‘Lượng tiểu
phi quân tử, vô độc bất trượng phu’ – Hẹp hòi không phải quân tử, không ác
không phải trượng phu
Mấu chốt của câu nói này chính là nằm ở chữ “độc”.
Nếu như dựa vào chữ viết để lý giải thì câu nói này giống như là yêu cầu mọi
người phải tàn nhẫn độc ác, nhưng thật ra không phải như vậy. Câu nói này được
bắt nguồn từ câu nói: “Lượng tiểu phi quân tử, vô độ bất trượng phu” trong “Vọng
Giang Đình” của Quan Hán Khanh.
Nguyên văn ở đây là chữ “độ” – có nghĩa là độ lượng;
chứ không phải là chữ “độc” – với nghĩa là độc ác. Vì vậy câu “vô độ bất trượng
phu” nghĩa là nếu như không có đủ sự độ lượng và khí phách thì không được xem
là “đại trượng phu”.
Chữ “độ” này và chữ “lượng” ở nửa câu đầu vừa hay
hình thành sự đối ứng trước sau, nhưng do vì hai chữ này đều là chữ thanh trắc,
không phù hợp với yêu cầu đối thơ, đọc lên sẽ hơi gượng gạo, vì vậy người xưa mới
phát âm chữ “độ” trong câu này thành âm thứ hai (tức là chữ độ phát âm giống với
chữ độc), kết quả lưu truyền qua nhiều đời thì bị biến đổi sai lệch trở thành
câu “vô độc bất trượng phu”.
Lại còn có người tiếp tục xuyên tạc, thậm chí biến
câu nói trên thành một ý nghĩa hoàn toàn khác: ‘Hận tiểu phi quân tử, vô độc bất
trượng phu’, nghĩa là ít hận thù thì không phải quân tử, không độc ác thì không
phải đại trượng phu.
“Lượng tiểu phi quân tử, vô độ bất trượng phu” vốn
dĩ là một câu danh ngôn rất tích cực mang ý nghĩa đề cao phẩm chất hào hiệp độ
lượng, truyền tới truyền lui lại trở thành câu nói biện hộ cho sự tàn bạo bất
nhân và lòng dạ hẹp hòi, sao có thể không khiến người ta không thở dài cho được?
‘Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt’ - người
không vì mình, trời chu đất diệt
Từ khóa chính gây ra sự hiểu lầm trong câu nói này
chính là chữ “vị” (vì). “Vị” đọc là “wéi”, là chữ vi trong “tu vi”, đọc âm thứ
hai, chứ không phải chữ “vị” của từ “là vì”, không phải là âm thứ tư. Vì vậy ý
nghĩa thực sự của câu nói này là: Nếu như làm người mà không tu luyện bản thân,
thì Trời đất cũng sẽ không dung tha.
Nhưng phần lớn mọi người lại hiểu sai câu nói này
thành: “Con người sống trên đời nếu như không suy nghĩ cho bản thân mình, thì
Trời đất cũng không dung tha”. Hiểu không đúng một chữ là toàn bộ ý nghĩa diễn
đạt trong câu sẽ sai khác hoàn toàn, điều này thật sự khiến người ta không khỏi
bàng hoàng.
‘Tu vi’ chính là tu luyện. Cuộc đời con người thật
ra chính là một quá trình tu luyện. Người thực sự nhìn thấu thế giới này thì đều
hiểu là phải không ngừng tu luyện bản thân: Khắc chế bản thân, đề cao phương diện
tâm tính phẩm đức, có khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, suy nghĩ cẩn trọng,
theo đuổi những thứ cao siêu hơn, ra sức thực hành chân lý.
Chỉ có không ngừng nâng cao cảnh giới của đời người
thì mới có thể sống một cách rõ ràng, sống một cách nhẹ nhàng thoải mái, và sống
một cách tự do tự tại. Ngoài ra, một số câu dưới đây cũng là những câu tục ngữ,
danh ngôn thường xuyên bị mọi người hiểu sai và dùng sai:
Cha mẹ còn,
không đi xa
Nguyên văn: Cha mẹ còn, không đi xa, đi phải có
cách. Khi cha mẹ vẫn còn sống, con cái cố gắng không nên sống ở nơi xa trong thời
gian quá lâu. “Đi phải có cách” có hai nghĩa: một là đi chơi xa cần phải có
phương hướng, và phải cho cha mẹ biết nơi mà mình đến; hai là người thường xuyên
sống ở bên ngoài, cũng cần phải sắp xếp tốt cho cha mẹ trước khi đi.
Nhân định
thắng thiên
Hiểu sai: Con người nhất định có thể chiến thắng tự
nhiên.
Hiểu đúng: “Định” là tính cố định, ý muốn nói lòng
người an định, ý nghĩa của câu này là chỉ có lòng người an định, thuận theo tự
nhiên thì mới có được sự chiếu cố từ tự nhiên.
Thiên tài
là 1% linh cảm cộng với 99% mồ hôi
Nguyên văn: Thiên tài là 1% linh cảm cộng với 99%
mồ hôi, nhưng 1% linh cảm là điều quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn
99% mồ hôi.
Ba ông thợ
giày, bằng một Gia Cát Lượng
“Thợ giày” thực tế là cùng âm với từ “bì tướng”,
nghĩa là phó tướng. Ý muốn chỉ rằng trí tuệ của ba phó tướng hợp lại có thể bằng
một Gia Cát Lượng.
Không nỡ bỏ
con nhỏ không bẫy được sói
Nguyên văn là “không nỡ bỏ giày không bẫy được
sói”, ý của câu này là nếu muốn săn được sói thì đừng ngại chạy bộ, đừng sợ làm
mòn giày, chứ không phải lấy con của mình đi bẫy sói.
Vương bát đạn
(đồ con rùa)
Câu này là một câu chửi người, nguyên văn là “vong
bát đoan”.
Trong thời xưa, từ “bát đoan” là chỉ hiếu, đễ,
trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, tám đức tính này chính là gốc rễ để làm người,
quên mất tám đức tính này cũng có nghĩa là quên mất gốc rể cơ bản để làm người.
Bất hiếu hữu
tam, vô hậu vi đại – Có ba điều bất hiếu, vô hậu là lớn nhất
Câu này không phải ám chỉ không có đời sau nối dõi
thì là bất hiếu. “Vô hậu” ở đây là muốn nói không làm tròn trách nhiệm của hậu
bối.
Tồn thiên
lý, diệt nhân dục
Câu này không phải nói rằng con người không được có
dục vọng. Mà ý nghĩa chính xác của câu này là: Để đáp ứng nhu cầu cơ bản của
con người là phù hợp với lẽ tự nhiên, còn những dục vọng vượt qua nhu cầu cơ bản
thì cần phải cố gắng kiểm soát. Thiên lý ở đây là chỉ những đạo đức tốt đẹp của
con người, vì vậy câu này muốn nói là giữ lấy những giá trị đạo đức tốt đẹp, và
bỏ những mong cầu ích kỷ của bản thân.
Lấy đức báo
oán
Có người nói: “Lấy đức báo oán, thế nào?”.
Khổng Tử nói: “Lấy gì báo đức? Lấy trực báo oán, lấy
đức báo đức”.
Từ trong câu trả lời của Khổng Tử có thể hiểu được
là, đối với những người không tốt với chúng ta, những người cố tình gây thù kết
oán với chúng ta, thì chúng ta cần phải dùng sự chính trực, ngay thẳng để đáp lại
họ, phân tích cho họ biết đúng sai, dựa theo đạo lý đúng đắn mà làm. Điều này
hoàn toàn không phải là mù quáng đối tốt với những người luôn có ác ý với chúng
ta. Bởi vì dùng sự ân đức để đối xử với người phụ bạc mình, là một sự lãng phí
đời người và lãng phí nhân cách.
Chỉ có nữ tử
và tiểu nhân là khó nuôi, gần thì không cung kính, xa thì oán trách
Câu này của Khổng Tử nói. Rất nhiều người cho rằng
Khổng Tử xem thường nữ giới, thật ra không phải vậy. Nữ tử ở đây là muốn ám chỉ
những cô gái có phẩm hạnh không tốt, cũng giống như kẻ tiểu nhân là ám chỉ người
đàn ông không tốt. Các cô gái có phẩm hạnh tốt thường được gọi là thục nữ.
Ngoài ra, chữ ‘nuôi’ ở đây cũng không có nghĩa là nuôi sống, mà có nghĩa là tiếp
xúc.
Thiên địa bất
nhân lấy vạn vật làm chó rơm
Nguyên văn: Thiên địa bất nhân lấy vạn vật làm chó
rơm; thánh nhân bất nhân lấy bách tính làm chó rơm. Ý nghĩa thực sự của câu này
là: Thiên địa (đất trời) xem vạn vật đều bình đẳng như nhau, không có phân biệt
cao thấp sang hèn. Thánh nhân cũng như vậy, cũng có cái nhìn bình đẳng đối với
bá tánh trong thiên hạ.
Tam tư nhi
hậu hành (suy nghĩ ba lần rồi làm)
Nguyên văn: Quý Văn Tử tam tư nhi hậu hành, Tử vấn
chi viết: tái, tư khả hĩ. (Quý Văn Tử làm chuyện gì cũng suy nghĩ ba lần rồi mới
làm, Khổng Tử nghe được chuyện này, mới nói: Hai lần, là được rồi). Cẩn trọng
khi làm việc không phải là điều xấu, nhưng nếu luôn do dự không quyết, thiếu sự
quyết đoán thì sẽ dễ làm hỏng chuyện.
Vô gian bất
thương
Nguyên văn: Vô tiêm bất thành thương.
Thời xưa khi làm ăn mua bán gạo, người ta thường
dùng cái đấu để đong gạo và tính tiền, người bán không những múc gạo đầy một
cái đấu, mà còn phải múc thêm vào một ít, để cho gạo ở trong đấu nhô lên một
chút, cố gắng để người mua được lợi, thể hiện đạo đức kinh doanh, cũng là mong
tạo dựng mối quan hệ tốt với khách hàng. Cho nên gọi là ‘vô tiêm bất thương’,
chứ không phải là ‘vô gian bất thương’.
***
Bài viết này hi vọng sẽ giúp quý độc giải hiểu
thêm về ý nghĩa đạo lý và nhân văn thực sự của những câu cổ ngữ vốn đã bị dân
gian lý giải và sửa đổi sai lệch. Cũng hi vọng, từ nay nếu gặp người nào hiểu
sai về những câu nói trên thì bạn hãy nói cho họ biết ý nghĩa thực sự của
chúng.
-ST-