DẠY GÌ CHO TRẺ EM TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY!
Bao trùm và xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử, cách
dạy con của cổ nhân đều tập trung và nhấn mạnh vào việc phải tu thân dưỡng đức
Xã hội hiện đại phong phú về vật chất, cha mẹ tuy
có thể chu cấp cho con đời sống đủ đầy nhưng dường như lại gặp bế tắc trong việc
dạy con thành người nhân nghĩa. Thật ra, nếu có thể trở về văn hóa truyền thống,
lắng nghe giáo huấn của người xưa đức cao trọng vọng thì cũng giống như có bảo
bối trong tay, cha mẹ sẽ biết yêu thương và dạy dỗ con một cách đúng đắn vẹn
tròn.
Việc quan
trọng nhất không gì bằng dạy con
Trong Lễ ký – Đại học có viết: “Người muốn quản lý
quốc gia thì trước tiên tu sửa gia đình”. Khổng Tử cũng từng nói: “Tu thân, tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Gia đình là tế bào của xã hội, kết cấu gia đình ổn
định và quan hệ hài hòa thương yêu nương tựa lẫn nhau có tác dụng nền tảng. Điều
này có nghĩa là làm tốt giáo dục gia đình là tối quan trọng đối với việc quản
lý quốc gia. Mà việc quan trọng nhất của giáo dục gia đình chính là giáo dục tốt
con cái.
Nuôi con thì phải dạy, đó là nghĩa vụ của cha mẹ,
trách nhiệm không thể đùn đẩy cho ai khác được. Nuôi mà không dạy, dạy mà không
nghiêm, đều là lỗi lầm. Nhưng thời xưa có một số con cái gia đình quan lại do
thiếu giáo dục hoặc phương pháp giáo dục không đúng khiến cho không ít gia đình
quan lại vốn mong con thành hổ thì trái lại thành chuột, mong con thành tài thì
lại thành ác, bại hoại gia phong, làm nhục tổ tông. Vì thế gia huấn người xưa
có viết:
“Niềm vui lớn nhất không gì bằng đọc sách, việc
quan trọng nhất không gì bằng dạy con” (Chí lạc vô như độc thư, chí yếu mạc như
giáo tử).
“Cần phải để
con em gia đình giàu có nếm chút dư vị nghèo hèn để biết suy nghĩ tự lập tự cường”
(Cách ngôn liên bích).
Người xưa cho rằng giáo dục con cái là một biểu hiện
của yêu thương. Nếu “Yêu con mà không dạy thì như không yêu. Dạy con mà không dạy
điều thiện thì như không dạy”. Vừa phải yêu thương bảo hộ con cái, lại phải
khéo dạy dỗ. Cũng có nghĩa là phải “Dạy con cần có phương pháp hay, chớ đưa vào
đường tà”.
Các quan lại, người có trí tuệ xưa đối với cháu
con thì “khuyên cháu con lập chí hướng, không khuyên mánh lới. Khuyên cháu con
chính trực, không khuyên giả dối. Thể hiện cho cháu con cần kiệm, không thể hiện
xa hoa. Để lại cho cháu con lời dạy, không để lại tài sản” (Tiềm phu luận).
Người xưa coi trọng giáo dục Đức là trên hết. Gia
Cát Lượng răn dạy cháu con rằng: “Tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức, không đạm
bạc chí chẳng sáng soi, không yên tĩnh tiến xa chẳng nổi”. Con trai ông là Gia
Cát Kiều sau khi trở thành phò mã, ông vẫn nghiêm khắc yêu cầu con. Để ngăn ngừa
con hình thành tư tưởng coi mình cao quý, ưu việt, sống trong an dật mà biến
thành kẻ bất tài, Gia Cát Lượng đã để con trai rời khỏi cung đình, làm một chức
quan nhỏ vận chuyển lương thực ở Thành Đô để rèn luyện.
Làm quan phải
trong sạch, công chính, liêm khiết
Các bậc tiên triết chủ trương “làm quan chớ lo cho
cháu con”. Một số người làm quan sở dĩ không liêm khiết, phần lớn là do ‘tính kế
lâu dài cho cháu con’, tuy có được rất nhiều của cải bất nghĩa, nhưng lại ‘để nợ
oán cho cháu con, đó không phải cái gọi là phúc’. Gia đình bi lụy bởi người làm
quan, không thể không cẩn thận, người làm quan bi lụy bởi gia đình, không thể
không cảnh giác.
Người xưa nói: “Cái hại của người nhà, không gì lớn
bằng con cháu buông thả phóng túng tình cảm vô độ, mà người trên lại chiều theo
ý chúng không ngăn cấm”. Ý nghĩa là người bề trên luôn chiều theo tình cảm tham
lam vô độ của con cháu, đó là họa hoạn lớn nhất của gia đình. Do đó người xưa
răn dạy: “Làm quan sợ nhất những lời tỉ tê bên gối, anh hùng sợ nhất tình bi lụy
con cái”.
Xem những quan lại trọng lịch sử, những kẻ tham
lam bẻ cong pháp luật phép tắc phần nhiều đều là người có tài năng, không phải
là người xấu, chỉ vì nghe theo lời xúi giục của vợ đẹp bên gối, thuận theo tình
cảm chiều theo con cái, từng bước đi đến tham lam hối lộ, khi bị phát giác thì
đã không thể thu lại được nữa, thanh bại danh liệt. Việc này đối với người làm
quan thì ngay từ đầu phải nghiêm khắc phép nhà, chớ thuận theo ham dục của vợ
con, cư xử thể hiện sự trung hiếu liêm khiết tiết tháo, dùng lời phân tích lợi
hại đúng sai để thuyết phục người nhà.
Đại thần triều Tống là Phạm Chất khi nhận được bức
thư của con trai và cháu trai yêu cầu giúp họ thăng quan, ông đã viết thư trả lời
rằng: “Nhận thấy con cháu đều có tư tưởng như thế này, ta vô cùng lo lắng, bèn
viết thư gửi con và cháu để khuyên răn, đồng thời cũng nói rõ quan hệ giữa quyền
lực và trách nhiệm, chức vụ và tài năng. Dòng tộc nhà ta, người làm quan hưởng
lộc khá nhiều, thực ra không phải có tài đức gì hơn người, chỉ là may mắn mà
thôi, nên cảm thấy có lỗi, áy náy trong lòng mới đúng, sao lại tham vọng muốn
leo cao nữa. Các con các cháu là bề dưới, nên giữ cái tâm cẩn thận khắc chế bản
thân, học Đạo tu đức lập thân, lấy sử sách làm gương, tu dưỡng cái tâm coi nhẹ
danh lợi, cự tuyệt xu nịnh, tránh xa danh vọng và quyền thế”.
Cũng không phải chỉ riêng ông, cùng thời với ông
có Bao Chửng, Âu Dương Tu cũng có thư răn dạy cháu con. Bao Chửng răn dạy con
cháu rằng: “Con cháu đời sau, kẻ làm quan mà phạm tội tham lam lạm dụng của
công thì không được về nhà này, sau khi chết cũng không được chôn ở khu mộ gia
tộc”.
Âu Dương Tu cũng viết thư gửi cháu, răn dạy rằng:
“Khi làm quan thì phải giữ liêm khiết, sao phải mua vật dụng gì khác ngoài chế
độ nhà nước cấp. Ta khi làm quan, trừ ăn uống ra chưa từng mua vật gì”.
Những vị quan thanh liêm tài đức xưa đều khích lệ
con cháu đời sau, nếu có làm quan nhất định phải trong sạch, công chính, liêm
khiết, không được tham lam bẻ cong phép tắc mà bại hoại gia phong.
Phạm Trọng Yêm gửi thư cho con trai đề ra nguyên tắc
cho người làm quan là: “Thấy lợi thì phải nghĩ đến hại, không cầu xin người đề
bạt mà tự trau dồi bản thân. Việc công không được bàn bạc với người nhà…”
Người xưa nhấn mạnh “Làm quan chớ lo cho con
cháu”, nói rằng: “Con cháu tự có phúc của con cháu, chớ làm trâu ngựa cho cháu
con” (Tăng quảng hiền văn), hay: “Người tính kế phú quý cho cháu con, 10 người
thì 9 kẻ thất bại” (Tỉnh tâm lục), hoặc như: “Cháu con phú quý tự có mệnh,
không để lại tiền của cho chúng” (Nhân sinh tất độc thư)…
Lo cho con
cháu nghĩa là chú trọng Đức
Thực tế ‘không lo cho con cháu’ thì rất khó làm được,
vấn đề là vì sao lo, lo cái gì, đó mới là mấu chốt. Chu lễ chủ trương dùng Tam
Đức (chí Đức, mẫn Đức và hiếu Đức) để dạy con em vua quan, đó cũng là một loại
‘lo’. Hán thư chỉ ra rằng: “Để lại vàng đầy rương cho con cháu không bằng dạy
cho con cháu một pho kinh (kinh điển Nho gia)”, đó cũng là một loại ‘lo’.
Sách Kinh sử đường tạp chí đời Tống có đưa ra 8
nguyên tắc giáo dục con, trong đó bao gồm 6 điều:
Trồng đức có Đạo
Gia truyền thanh bạch
Học phải biết nhân nghĩa
Phép tắc gia đình đầy đủ rành mạch.
Chọn thầy tốt bạn hay.
Thường duy trì tác phong cần kiệm.
Tóm lại “Yêu thương con không gì quan trọng bằng
giáo dục, mà giáo dục con không gì quý bằng chính trực” (Băng ngôn), “Tu thân
đâu chỉ một tấm thân, còn lưu lại cho con cháu đời sau” (Gia phạm điển).
Đương nhiên “Dạy con quý ở thân giáo – lấy mình
làm gương, đâu chỉ ngôn giáo – dạy bảo thuyết giảng”, bởi vì thân giáo quan trọng
hơn ngôn giáo. “Nhà có cha nghiêm, thường có con hiền tài”, “Yêu quá hóa hỏng
con”. Vì vậy cha mẹ phải tự mình quy chính bản thân, bản thân chính trực, lấy
thân mình làm gương, sau mới dạy dỗ giáo huấn. Đó mới là phương pháp giáo dục
con cháu tốt nhất, có hiệu quả nhất.
-ST-