DANH TƯỚNG LÝ THƯỜNG KIỆT
Một nhà sử học đã phải cảm thán về Lý Thường Kiệt
như thế này: “Đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không
ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh Ung – Liêm
này thật là đệ nhất võ công”.
Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) là nhà quân sự, nhà
chính trị nổi tiếng, một quan thái giám dưới thời nhà Lý. Ông từng làm quan qua
3 triều vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Lý Thường Kiệt nổi
danh với việc chinh phạt Chiêm Thành (1069), đánh phá 3 châu Khâu, Ung, Liêm
(1075-1076), rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống (1077).
Lý Thường Kiệt đã làm Tể tướng hai lần dưới thời
Lý Nhân Tông và là một trong 3 người phụ chính khi vị vua này còn nhỏ tuổi.
Theo nhận xét của “Đại Việt sử ký toàn thư” nhà của ông nối đời làm quan, trú ở
phường Thái Hòa của thành Thăng Long. Từ nhỏ Lý Thường Kiệt đã tỏ ra là người
có chí hướng và nghị lực, chăm học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ, từng nghiên cứu
về binh pháp.
Phòng thủ bằng
cách tấn công
Thời bấy giờ ở phương Bắc, nhà Tống đang phải đối
mặt với sự uy hiếp của các bộ tộc hùng mạnh là Đại Liêu, Tây Hạ, Khiết Đan… Cộng
thêm chính sách cải cách thiếu hiệu quả trong nước của tể tướng Vương An Thạch,
các cuộc khởi nghĩa của nông dân liên tiếp dấy lên. Đứng trước tình hình đó, Tống
Thần Tông và Vương An Thạch đã vạch ra một kế hoạch xâm lăng Đại Việt chi tiết
hòng giảm áp lực, lấy lại uy tín, đồng thời khiến hai nước Hạ, Liêu phải kiêng
nể mình.
Năm 1075, lợi dụng việc vua Lê Thánh Tông mới băng
hà, vua Lý Nhân Tông còn bé mới vừa lên ngôi, Vương An Thạch tâu với vua Tống
là Đại Việt vừa bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người,
có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm Tri phủ Quế
Châu ngầm dấy động người Man, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện
không được mua bán với Đại Việt.
Biết trước kế hoạch xâm lược của quân Tống nhờ tin
tình báo, Lý Thường Kiệt, đã nghĩ ngay đến biện pháp phòng thủ rất đặc biệt.
Ông tâu với vua Lý Nhân Tông: “Ngồi im đợi giặc chi bằng đem quân đi đánh trước
để chặn thế mạnh của giặc”.
So với Đại Tống, rõ ràng, nước ta là nước nhỏ. Vậy
vì sao Lý Thường Kiệt có thể nghĩ đến một giải pháp mạo hiểm như vậy? Bởi vì
lúc đó Lý Thường Kiệt cho rằng nội tình nước Tống đang rối ren, cương giới bị một
số nước lân bang uy hiếp, triều đình thì chia rẽ sau những cải cách mạnh tay của
vị tể tướng trẻ Vương An Thạch. Đó là cơ sở để quân ta có thể tiến hành một cuộc
tấn công chớp nhoáng dằn mặt quân địch.
Sau khi phân tích, Lý Thường Kiệt dự đoán quân Tống
có thể đi vào nước ta theo hai đường, trong đó, nhánh đường bộ có thể lấy châu
Ung (Nam Ninh – Quảng Tây), còn nhánh đường thuỷ có thể lấy châu Khâm, châu
Liêm (Quảng Đông) làm cứ điểm tập kết binh, lương. Vì vậy, mục tiêu tấn công mà
ông chuẩn bị nhắm tới là ba thành trên với nhiệm vụ đốt phá kho lương và tiêu
diệt sinh lực địch.
Vào tháng 10/1075 diễn ra cuộc tiến công “tiên
phát chế nhân” nổi tiếng lịch sử Việt Nam. Lý Thường Kiệt và các tù trưởng Tông
Đản, Thân Cảnh Phúc chỉ huy 10 vạn quân, chia làm 2 đạo thuỷ bộ bí mật tiến vào
đất Tống. Bí mật và bất ngờ, 40.000 quân thủy cùng voi chiến đi đường biển từ
châu Vĩnh An đổ bộ lên đánh các châu Khâm, châu Liêm.
Ngày 30/12/1075, quân Đại Việt tiến đánh thành
châu Khâm, bắt toàn bộ quan quân nhà Tống mà không phải giao chiến một trận
nào. Ba ngày sau, 2/1/1076, châu Liêm cũng thất thủ. Từ châu Liêm, ông đưa quân
sang châu Ung, hợp với cánh quân bộ tiêu diệt thành lũy châu Ung – mục tiêu cuối
cùng và quan trọng nhất của cuộc hành quân. Thành châu Ung bị hạ sau 42 ngày
vây hãm. Lý Thường Kiệt cho quân huỷ hết các kho tàng và lương thực của giặc rồi
nhanh chóng thu quân về nước.
Quân Tống từ kẻ chủ mưu tiến công xâm lược bỗng
nhiên bị đẩy vào tình thế thất trận ngay từ khi chuẩn bị kéo quân. Khi được tin
hai châu Khâm, Liêm đã mất, nhà Tống rất hoang mang, lo ngại, các tướng ở địa
phương bối rối. Ty kinh lược Quảng Nam tây lộ vội vã xin viện binh: 20.000
quân, 3.000 con ngựa, xin thêm khí giới, đồ dùng và một tháng lương, và xin được
điều động các dân khê động, tất cả lấy dọc đường từ Kinh châu đến Quảng Tây. Để
điều khiển quân được mau chóng, Ty ấy cũng xin dời đến thành Tượng, gần phía bắc
Ung châu.
Chiến thắng áp đảo trong cuộc hành quân chế địch của
Lý Thường Kiệt đã tạo ra nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ đến cục diện cuộc xâm lược
của quân Tống. Chiến thắng làm người dân Việt nức lòng, buộc địch phải kéo dài
thời gian chuẩn bị và đặc biệt đẩy quyền chủ động sang tay quân dân nhà Lý.
Không những bảo toàn được binh lực, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy địch vào tình
thế bị động, cuộc tấn công phủ đầu của Lý Thường Kiệt còn nâng cao uy danh của
Đại Việt.
Cuộc tấn công đã đạt được nhiều mục đích hơn cả một
cuộc phòng thủ thông thường. Cho quân lui về nước, nắm thế chủ động trong tay,
Lý Thường Kiệt bắt tay vào triển khai một thế trận mới. Ông cho chuẩn bị binh lực,
phòng bị và thiết lập phòng tuyến sẵn sàng nghênh địch.
Trận chiến
sông Như Nguyệt
Sau sự thất thủ chóng vánh của các thành Ung châu,
Khâm châu và Liêm châu, vua quan nhà Tống vạch lại kế hoạch và chuẩn bị thật kỹ
càng cho một trận phục thù. Với mục đích “sau khi bình được Giao Châu (tên Tống
gọi Đại Việt), sẽ đặt châu huyện như ở nội địa”.
Tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng
Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân sỹ dưới quyền
điều binh của 9 tướng, hẹn với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt,
nhưng quân Chiêm Thành và Chân Lạp nào dám tiến vào Đại Việt. Quân Tống viễn
chinh lên đến 10 vạn quân, một vạn ngựa và hai mươi vạn dân phu, khí thế rất mạnh
mẽ, nhất là kỵ binh Tống.
Để toàn tâm tập trung cho cuộc đối đầu với quân Tống
ở mặt Bắc, triệt tiêu mưu đồ xúi giục Chiêm Thành và Chân Lạp quấy rối nước ta
của triều đình nhà Tống, Lý Thường Kiệt đưa quân vào tuần tra, trấn áp khu vực
biên giới phía nam Đại Việt.
Đoán biết mục tiêu thứ nhất của quân Tống là chiếm
phá kinh thành Thăng Long, phá lâu đài, cung điện. Lý Thường Kiệt cho xây dựng
một phòng tuyến kiên cố bên bờ nam sông Như Nguyệt – sông Cầu ngày nay. Không
chỉ là một hào nước lớn tự nhiên bảo vệ kinh thành Thăng Long và lăng miếu nhà
Lý, con sông này án ngữ tất cả các tuyến đường đi từ Quảng Tây tới Thăng Long.
Ngoài ra, trước thành đất và cọc tre dày đặc đó, Lý Thường Kiệt lại cắt đặt
thêm thuỷ quân, sẵn sàng tiếp chiến với quân địch nếu chúng vượt sông. Vì thế
cho nên, chỉ việc vượt qua sông cũng là cả một thử thách nhọc nhằn đối với quân
địch.
Để chặn bước tiến của thuỷ quân địch, Lý Thường Kiệt
giao cho Lý Kế Nguyên chỉ huy một đội thuỷ quân đợi sẵn ở Đông Kênh (dải nước
ven biển giữa đất liền và các hải đảo vùng biển Đông Bắc nước ta), đường tiến
vào cửa Bạch Đằng. Có thể thấy, thuỷ binh sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai
thế trận ấy. Ngoài sự đắc địa của khúc sông Như Nguyệt, chắc chắn thế trận thuỷ
binh của vị tướng 58 tuổi này xuất phát từ một thực tế mà ông biết rõ ràng rằng,
không giỏi thuỷ chiến là một nhược điểm trầm trọng của quân Tống.
Vậy là, với thế trận vững chắc ấy, quân dân nhà Lý
chỉ còn chờ giặc đến.
Đẩy quân giặc
vào thế tiến thoái lưỡng nan
Cuối năm 1076, 10 vạn bộ binh tinh nhuệ, 1 vạn ngựa
chiến cùng 20 vạn dân phu do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy ồ ạt tiến vào nước
ta. Để tiến thêm và đánh những đòn chí tử vào đại quân nhà Lý rồi chiếm kinh
thành Thăng Long, quân của tướng Quách Quỳ phải vượt qua khúc sông và phòng tuyến
Như Nguyệt vô cùng kiên cố. Quân Tống lúng túng. Bản thân chúng không quen với
thuỷ trận.
Bình thường, quân Tống không có sẵn thuỷ binh hay
các chiến thuyền. Và điều quan trọng lúc này, đội thuỷ quân thiếu chuyên nghiệp
của quân Tống đang “mắc cạn” tại Đông Kênh vì bị quân của Lý Kế Nguyên chặn
đánh thua đến hơn 10 trận và không thể tiến sâu thêm. Sự bất lực của thuỷ quân
Tống vô hình trung đã khiến cuộc tiến công của Quách Quỳ lao đao.
Hạ trại trên bờ bắc sông Như Nguyệt mà mãi thuỷ
quân chưa đến, Quách Quỳ quyết định cho quân vượt sông. Nhưng cả hai lần vượt
sông không những đều thất bại mà còn bị tổn thất nặng nề về người và của vì gặp
phải sự chống trả ác liệt của quân nhà Lý. Sau nhiều lần cố sức vượt sông nhưng
thất bại ấy, Quách Quỳ thất vọng ra lệnh: “Ai bàn đánh sẽ chém” và cho chuyển từ
thế tiến công sang thế phòng ngự. Quân sĩ Tống vì thế mà ngày càng nhụt nhuệ
khí, lại cộng thêm với khí hậu phương Nam vốn không hợp với người phương Bắc
nên chết dần chết mòn.
Cùng lúc đó thuỷ binh Tống do Hòa Mân và Dương
Tùng Tiểu chỉ huy đã bị thủy quân Đại Việt do Lý Kế Nguyên điều động, chặn đánh
ngoài khơi lối vào Vĩnh An. Quân Tống có kỵ binh mở đường tiến công quyết liệt,
có lúc đã chọc thủng chiến tuyến quân Đại Việt tràn qua sông Như Nguyệt, nhưng
quân Nam đều kịp thời phản kích, đẩy lùi quân Tống. Lý Thường Kiệt còn dùng chiến
tranh tâm lý để khích lệ tinh thần quân Nam chiến đấu. Ông đang đêm sai người
tâm phúc đọc vang bài thơ “Nam quốc sơn hà” trong đền thờ Trương Hống, Trương
Hát, cạnh khúc sông Như Nguyệt :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Đang đêm, nghe tiếng vang như sấm rền đọc bài thơ ấy,
quân ta đều phấn khởi. Quân Tống kinh sợ, chưa đánh đã tan.
Quân Tống tiến không được, thoái không xong, hao
mòn vì chiến sự và khí hậu, không được thủy quân tiếp viện. Quân Đại Việt lại tập
kích, doanh trại của phó tướng Triệu Tiết bị phá, dù quân Tống cũng giết được
hai tướng Đại Việt là Hoàng Chân và Chiêu Văn. Quân Tống 10 phần chết đến 6, 7
phần. Nắm thời cơ đó, cuối mùa xuân năm 1077, Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công lớn
vào trận tuyến của địch.
Đang đêm quân Lý lặng lẽ vượt sông Như Nguyệt, bất
ngờ đánh thẳng vào các doanh trại giặc. Quân Tống lâm vào tình thế hết sức khó
khăn tuyệt vọng, mà người Việt bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất,
nên sai sứ sang xin “nghị hoà” để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng
hòa và rút quân. Sách “Việt sử kỷ yếu” của Trần Xuân Sinh dẫn cổ sử nói về nội
tình của nhà Tống về sự kiện này: Triều thần nhà Tống cho rằng “Cũng may mà lúc
đó địch lại xin giảng hoà, không thì chưa biết làm thế nào”.
Sử thần thời Lê trung hưng – Ngô Thì Sĩ, trong
sách Việt sử tiêu án, đã ca ngợi Lý Thường Kiệt như sau: “Nước ta đánh nhau với
quân nước Trung Hoa nhiều lần, từ vua Nam Đế trở về trước, việc đã lâu rồi, sau
này vua Ngô Tiên Chúa đánh Bạch Đằng, vua Lê Đại Hành đánh trận Lạng Sơn, vua
Trần Nhân Tông đánh đuổi được Toa Đô, Thoát Hoan, những trận được vẻ vang đó là
câu chuyện hãnh diện của nước ta, nhưng đều là giặc đến đất nước, bất đắc dĩ mà
phải ứng chiến. Còn đến đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi
đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh
Ung Liêm này thật là đệ nhất võ công, từ đấy người nước Tàu không dám coi thường
chúng ta, đến những đồ cống, hình thức thơ từ, không dám hà trách, chỉ sợ lại
sinh ra hiềm khích. Đến thơ từ của nước ta đưa cho Trung Hoa chỉ dùng có hai tấm
ván sơn đen, liệt tên vài vị đại thần dùng ấn tín Trung thư môn hạ mà đóng vào,
thế thì triều Lý được trịch với Tống nhiều lắm”.
-ST-