HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

TS Nguyễn Quốc Vương

Trên Facebook tôi đột nhiên thấy nổi lên cái ảnh của hai “hot girl” nào đó kèm dòng chữ (không rõ có thật là nhân vật nói không nên tôi không dám dùng ảnh này): “Thà học ngu mà làm ra tiền còn hơn thi 25-30 điểm mà không kiếm được đồng nào”, “Học ngu mà kiếm nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền”.

Chắc chắn hai “hot girl” này sẽ nhận được vô số “gạch đá” công khai và cũng không ít người gật đầu ngầm ủng hộ.

Vậy thì, hai cô này nói có đúng không? Có đáng “ăn gạch” không?

Rất phải xin lỗi các bạn đã “ném gạch” là hai cô này nói ĐÚNG! Nhưng ngay cả toán, như một số người thường ngợi ca là chính xác tuyệt đối, là logic, khách quan tuyệt đối cũng chỉ đúng khi công nhận hiển nhiên một số tiền đề nào đó hay đặt nó trong điều kiện nhất định. Nếu phủ nhận tiền đề (rất có thể không thể chứng minh được) hoặc nhấc nó ra trong không gian, thời gian khác, toán cũng có thể sai.

Nghĩa là ở đây hai cô gái này đã nói đúng trong trường hợp khi người học xác định mục đích “HỌC LÀ ĐỂ KIẾM TIỀN”. Đây là mục đích mà rất nhiều người (phải nói là vô cùng đông đảo từ áo trắng cổ cồn đến chân lấm tay bùn, dù nói ra hay tụng niệm thầm kín) theo đuổi, tâm niệm khi đi học. Khi coi đó là mục đích mà học giỏi rồi không kiếm được tiền thì đương nhiên là thất bại (thất bại chỉ việc không đạt được mục tiêu đã đề ra). Sự lệch lạc của giáo dục ở Việt Nam đã làm cho rất nhiều thứ học ở trường học không phục vụ thiết thực đời sống cho nên nhiều người học rất giỏi ở trường nhưng chỉ là giỏi giải toán, làm văn. Mấy cái đó nếu không giúp trở thành giáo viên luyện thi siêu đẳng (cả nước chỉ được vài trăm hay một hai nghìn giáo viên có khả năng này là cùng) thì cũng khó kiếm tiền vì cuộc sống thiên biến vạn hóa và đòi hỏi nhiều kĩ năng sinh tồn khác.

Ở một khía cạnh khác, nhiều người giỏi chuyên môn sâu nào đó nhưng không kiếm được tiền vì môi trường ở Việt Nam không hỗ trợ và đảm bảo cho điều đó. Chẳng hạn ở nước ngoài một ông cắm mặt nghiên cứu triết học, toán học suốt ngày suốt đêm có thể vẫn sống ổn nhờ tài trợ của quý tộc, vương công, của chính phủ hay người say mê toán (công chúng bình thường nhưng say mê khoa học)… Nhưng ở Việt Nam rất có thể bị vợ đuổi ra đường hay bố mẹ chửi cho lên bờ xuống ruộng.

Tuy nhiên, ngay cả khi có mục đích là kiếm tiền thì câu nói của hai em gái xinh trên chỉ đúng khi sự kiếm tiền đó là chính đáng nghĩa là hợp pháp và phù hợp với đạo đức nói chung của xã hội. Luật pháp thì rõ rồi (cho dù ở Việt Nam thì nhiều trường hợp cũng khó), còn đạo đức thì sao? Theo tôi hiểu thì đó là khi việc kiếm tiền của anh đồng thời khách quan tạo ra lợi ích cho xã hội thay vì có hại cho xã hội và người người khác. Nghĩa là có rất nhiều việc mà pháp luật không cấm nhưng có thể nếu anh làm để kiếm tiền theo cách đó sẽ có hại cho xã hội. Tôi lấy ví dụ pháp luật không cấm mà chỉ đặt ra điều kiện kinh doanh rượu bia, thuốc lá… nhưng nếu anh kiếm quá nhiều tiền bằng cái này, anh đang làm hại xã hội.

Vì thế, nếu tiền đề “kiếm tiền chính đáng” sai hay không tồn tại, việc càng kiếm nhiều tiền như hai em gái xinh nói trên càng đáng chê cười, càng dễ dẫn người ta vào tội ác, thậm chí là tội ác chống lại loài người.

Vì thế, tóm lại, những ai đi học xác định là học để kiếm tiền thì tôi có lời khuyên là phải học cái gì đó thực dụng, thiết thực, có hể hoán đổi kĩ năng, tri thức, phẩm chất mình học được đó ra tiền! Đừng mơ mộng hão huyền hay lơ tơ mơ như mấy trăm ngàn cử nhân tốt nghiệp đại học mà trong tay chẳng có gì ngoài mảnh bằng và tấm thân thư sinh lười biếng. Lúc đó ngửa tay xin người ta cũng chẳng cho nói gì đến kiếm tiền.!

Ở một khía cạnh khác, câu hói của hai em kia là SAI HOÀN TOÀN!

Lý do?

Bởi vì không thể nhất thể hóa và tuyệt đối hóa mục đích cuộc sống là KIẾM TIỀN cho tất cả mọi người.

Kiếm tiền là hay, tốt khi nó chính đáng. Chính động lực kiếm tiền thúc đẩy nhiều lĩnh vực của xã hội tiến lên văn minh bằng hệ quả khách quan của nó (ví dụ các ông chủ cải tiến sản phẩm để bán nhiều kiếm thật nhiều tiền hơn nhưng người tiêu dùng lại thụ hưởng giá trị khách quan do nó mang lại, xã hội văn minh hơn). Tuy nhiên, không phải cá nhân nào cũng coi mục đích tối hậu của cuộc đời là kiếm tiền. Nhiều người ghét kiếm tiền. Những người có trí tuệ, tài năng nhưng ghét kiềm tiền hay không quan tâm lắm đến nó thường là những…thiên tài. Mối bận tâm của họ là ở các ý nghĩ, các vấn đề mà họ đặt ra và theo đuổi trong đầu. Nó có thể là một câu hỏi triết học như con người từ đâu tới, con người rồi sẽ thế nào, có bất tử không, vũ trụ bắt đầu từ đâu và kết thúc thế nào, thế nào là hạnh phúc, thế nào là khổ đau, con người có cần đạo đức hay không… Nó có thể là một bản nhạc, một bài thơ, một bài toán…

Hầu hết những người dạng này có cuộc sống vượt qua khái niệm hạnh phúc hay đau khổ thông thường. Nó giống như là định mệnh hay số phận mà trời (vũ trụ), tạo hóa ban cho họ (hoặc nói theo kiểu Nguyễn Bính là “đày” họ). Nếu đem tiêu chuẩn của hai cô gái trên kia áp vào thì đại đa số thiên tài là thất bại vì không ai học nhiều như họ nhưng hầu hết họ đều sống trong đói rách và thậm chí chết trong cô quạnh

Một số khác không phải thiên tài nhưng đặt ra mục tiêu kiếm tiền vừa phải hay thậm chí cố gắng giữ nó ở mức tối thiểu. Thời gian, sức lực, tài năng họ dành cho việc khác như tìm kiếm niềm vui cuộc sống, nghiên cứu, sáng tạo hoặc giúp người khác. Có rất nhiều người sinh ra chỉ thấy vui khi làm điều gì đó vì người khác hay tạo ra điều gì đó mới mẻ, hữu ích. Họ có thể là nghệ sĩ, nhà văn, bác sĩ hoặc đơn giản là người bình thường nhưng có lẽ sống riêng của mình.

Những người này không hẳn là “vô sản” nhưng cũng không xếp vào hàng giàu có. Họ có cuộc sống bình thường, nhiều người là đạm bạc! Nếu áp tiêu chuẩn trên của hai cô gái thì họ sẽ là người thất bại vì trong số họ có rất nhiều học giỏi và thậm chí là rất giỏi nếu so với mặt bằng chung.

Thế nên, nếu cuộc sống phong phú bao nhiêu thì tư tưởng, mục đích cuộc sống của từng cá nhân cũng phong phú bấy nhiêu. Không nên đem một tiêu chuẩn nào đó nhất là các TIÊU CHUẨN CÓ THỂ NHÌN THẤY BẰNG MẮT để áp đặt hay xét đoán người khác.

Suy cho đến cùng “học để làm gì?” là câu hỏi theo đuổi những người có ý thức tự vấn lương tâm suốt cả cuộc đời. Còn trên thực tế, có rất nhiều người cả đời không bao giờ đặt ra câu hỏi đó. Họ chỉ giống như chiếc lá bay, gió thổi đi đâu thì bay theo hướng đó mà thôi.

 

 

Được tạo bởi Blogger.