HẠNH PHÚC LỨA ĐÔI
Chỉ những lời nói chân thành mới chạm đến được
lòng người và lấp đầy khoảng trống mênh mông hoang vắng ở đó. Chỉ đôi mắt chân
thành mới nhìn thấy được phía sau những ngổn ngang cuộc sống là cả tình người.
Chỉ đôi tai chân thành mới có thể lắng nghe được những lời người không nói. Chỉ
đôi tay chân thành mới đủ ấm áp để những rạn nứt lành lại sau một cái nắm tay.
Chỉ đôi chân chân thành mới có thể bình thản đi qua những toan tính oán hận của
cuộc đời. Và chỉ khi nào có một trái tim chân thành và hiểu biết người ta mới
có thể làm được những điều đó.
Trong mối tương quan liên hệ giữa con người, sự
tương quan giữa vợ và chồng là mối tương quan lâu dài và quan trọng nhất. Cho
nên hôn nhân là một sự thay đổi lớn, hết sức quan trọng đối với đời sống một
con người. Khi lập gia đình, vợ chồng ăn cùng mâm, nằm cùng giường, vui buồn có
nhau, chia sẻ và cùng mang trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, phụng dưỡng cha mẹ.
Vợ chồng tuy hai nhưng là một.
Đời sống hiện nay, luôn chứa đựng nhiều những lo lắng,
căng thẳng và biến động nó gây không ít những sóng gió, khó khăn cho hạnh phúc
lứa đôi. Nếu phân tích kỹ để nhìn thấy tận gốc rễ những nguyên nhân dẫn đến
không hạnh phúc lứa đôi chúng ta sẽ nhận ra một điều. Đời sống bao gồm hai
phương diện ngoại cảnh và nội tâm tác động đen xen lẫn nhau. Đối với các yếu tố
bên ngoài thì người thầy, sách và bạn bè sẽ có tác động rất lớn so với các yếu
tố về định luật khách quan của vật lý, thời tiết, thiên nhiên…Còn yếu tố nội
tâm bên trong sẽ được chi phối bởi ba yếu tố gốc rễ hình thành nên nhân cách một
con người đó là trí tuệ, đạo đức và nghị lực.
Chúng ta thường tiếp xúc, đến với nhau bằng những
yếu tố bên ngoài như cảm xúc, ánh mắt ưa nhìn, nụ cười dễ thương, giọng nói dễ
nghe, hành động nhân ái…một cái gì đó về thích thú. Quen nhau xuất phát từ ánh
nhìn, nụ cười, lời nói đó là do thân ta đang vận hành và tác động. Khi quen
lâu, chúng ta bắt đầu tìm hiểu về nhau đó là lúc cột trí tuệ vận hành. Trong
quá trình tìm hiểu thì tình yêu thương, đạo đức được vận hành và phát triển.
Quá trình yêu nhau có những va vấp, vênh nhau về quan điểm, cách sống khi đó những
sóng gió, thử thách xuất hiện không ngừng. Lúc ấy, có cùng vượt qua những thử
thách, sóng gió hay không sẽ phụ thuộc vào nghị lực của nhau. Như vậy, cặp đôi
nào thấu hiểu và vận dụng được ba gốc rễ vào đời sống thì cặp đôi đó bền vững!
Ngày nay, chúng ta đối diện với một xã hội có quá
nhiều những nỗi khổ, niềm đau được nhân danh bởi tình yêu. Số vụ ly thân, ly dị,
vợ chồng đánh đập, hành hạ, xúc phạm nhau trong xã hội ngày một tăng. Các cặp
đôi từng một thời yêu nhau mặn nồng như nay vì mâu thuẫn mà giết hại, xúc phạm,
nói xấu nhau…cũng không thuyên giảm. Đó là do chúng ta chỉ nhân danh tình yêu để
thỏa mãn những nhu yếu của nhau, chúng ta cần được yêu và cần có người để yêu,
để thỏa mãn bản năng, để cho có chỗ dựa tinh thần, để khỏa lắp nỗi côn đơn trống
trãi, để làm cho giống hay đối phó với những người xung quanh và chỉ để thỏa
mãn cái tôi tham lam, ích kỷ, mê mờ của chính mình. Chúng ta dần dần quên đi ý
nghĩa cao đẹp của tình yêu, đó là sự hy sinh và tương kính, là sự nâng đỡ và
bao dung.
Người dạy, muốn thương phải hiểu. Mỗi người có những
nỗi niềm, quan điểm, cách sống khác nhau, nếu không hiểu thì ta sẽ không thương
được mà ngược lại ta còn oán trách, giận hờn. Không hiểu, tình thương của mình
sẽ làm người ngột ngạt, khổ đau lắm. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau
khổ suốt đời. Yêu thương nhau chúng ta phải có khả năng hiến tặng hạnh phúc cho
người mình thương. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến
tặng; Yêu thương là khả năng lấy cái khổ ra cho nhau. Ta đã khổ, người cũng
đang khổ mà ta và người cứ cho thêm chất liệu khổ đau để thách thức, để thử khả
năng chịu đựng thì còn gì là cho nhau nữa? Khi đó chỉ còn khổ đau và tuyệt vọng;
Yêu thương là phải cùng nhau làm cho cả hai đều vui. Cốt lõi của yêu thương là
đạo đức và thấu hiểu, khi đó dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng
yêu, càng vui, niềm vui lớn, gia đình cùng hạnh phúc; Yêu thương là không phân
biệt, kỳ thị. Ta yêu thương ai hạnh phúc của người cũng là của ta, khó khăn của
người cũng là của ta, khổ đau của người cũng là của ta. Không thể nói đây là vấn
đề của em hay của anh, em hay anh tự giải quyết đi. Khi yêu thương, hai người
không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc hay khổ đau không còn là vấn
đề của cá nhân. Tất cả những gì chúng ta cần làm là cùng coi đó như vấn đề của
nhau để cùng rèn luyện, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, làm cho hạnh phúc được
nuôi trồng mỗi ngày và thêm lớn.
Như vậy, để chuyển hóa được nỗi khổ, niềm đau, để
thấu hiểu và yêu thương nhau chúng ta phải gieo trồng và xây dựng nền tảng của
hạnh phúc trên ba gốc rễ. Có người hỏi: Nhiều lúc, sao thấy tình bạn lại bền chắc
hơn tình yêu? Tất cả đều nằm ở ba gốc. Bạn bè chơi được với nhau là chấp nhận
được ưu nhược điểm của nhau đó là nền tảng của đạo đức. Thấu hiểu được nhau từ
thời nối khố là trí tuệ. Thời nối khố cùng chia ngọt sẻ bùi thì cột nghị lực được
xây dựng. Đó là tình nghĩa vì có tình và có nghĩa. Vậy bí quyết để để tình yêu
được bền vững thì phải dịch chuyển mọi yếu tố bên ngoài và đời sống nội tâm của
nhau về nền tảng ba gốc rễ và ba gốc rễ này phải gần khớp nhau.
Trí tuệ, là cách suy nghĩ về cuộc đời hay cách sống,
quan điểm nhìn nhận về xã hôi quan, thiên nhiên quan, tình yêu thương với các đối
tượng phải gần tương đồng nhau. Hai người phải cùng nhịp đập với xã hội mới đồng
điệu, thấu hiểu. Hiểu biết về xã hội vênh nhau rất khó có thể nói chuyện được với
nhau và khi đó cái thấu hiểu cũng sẽ khó xuất hiện. Khi cột trí tuệ mà vênh
nhau lớn, lứa đôi đó không hạnh phúc vì đâu có ai là người tri kỷ, là thấu hiểu,
là chia sẻ, là tranh luận… cùng nhau. Cần phải cùng nhau xây dựng, trau dồi cái
thấu hiểu, kiến thức của xã hội cho nhau, bằng cách khiêm hạ cái tôi của chính
mình, để có thể lắng nghe, tiếp nhận, sàn lọc kiến thức, chấp nhận được những
điều khác biệt đối với ta nhưng đó là cái đúng đắn. Cùng nâng cái hiểu biết,
cái nhìn đúng đắn của nhau không vì cái tôi ích kỷ, tham lam, mê mờ như chồng
phải hơn vợ một cái đầu, hay tôi khôn khéo hơn anh, anh không qua mặt được tôi
đâu…Trí tuệ, là thấy cái khuyết của nhau, cùng nhau khuyên bảo, chấp nhận cái
khác biệt để tiếp nhận những điều đúng đắn để lứa đôi cùng thấy cái sai để
tránh, cái đúng để theo.
Lứa đôi mà vênh nhau về đạo đức thì khả năng ly dị,
đổ vỡ hôn nhân rất cao. Đạo đức căn bản được hiểu là những suy nghĩ, lời nói,
hành động, việc làm không hại mình, không hại người, không hại cộng đồng và
thiên nhiên. Đạo đức, lòng thương yêu đến từ ba yếu tố bên trong đó là quan điểm
sống, giá trị sống đúng đắn đến từ trí tuệ, cái nhìn hiểu biết, đúng đắn trong
cuộc sống. Đó là, việc tuân thủ, làm, lặp đi lặp lại những qui tắc, thói quen
xây dựng tình yêu thương, lòng rộng lượng, sự vị tha, bao dung…Và một yếu tố từ
quá khứ, nó làm ta bị cuốn theo một điều gì đó mà không thể lý giải được. Điều
này, cá nhân tôi dù rất muốn nhưng không thể mô tả rõ cho bạn được. Ta có thể
hình dung trong túi ta chỉ còn đủ số tiền để sống ngày hôm nay nhưng khi đối mặt
với một sự việc ta cho là đúng, là chân chính cần được giúp đỡ, hỗ trợ ta sẵn
sàng cho đi số tiền ta đang có, nó làm cho ta thấy nhẹ nhàng, hạnh phúc, bất chấp
việc phải đối mặt với cơn đói và còn nhiều hơn nữa những điều ta không thể lý
giải được. Các yếu tố bên ngoài như môi trường sống, bạn, thầy, gia đình, sách,
tivi, facebook…cũng tác động không nhỏ đến đạo đức của chúng ta. Do đó, lứa đôi
hay vợ chồng phải cùng nhau xây dựng, chuyển hóa những điều chưa thiện lành
thành những điều thiện lành. Cùng nhắc nhở nhau gìn giữ những giới hạn cần thiết,
tuân thủ những giá trị đạo đức chân phương, cùng rèn luyện điều chỉnh để tránh
vênh nhau về cột đạo đức. Vợ chồng, lứa đôi chỉ cần vênh nhau về cột đạo đức nhỏ
thôi cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến tan vỡ hạnh phúc lứa đôi.
Và cuối cùng là vợ chồng, lứa đôi vênh nhau về cột
nghị lực. Một trong hai quá nghị lực hay quá yếu đuối dù được xem có thể bù đắp
cho nhau nhưng cái bù đắp này mãi thì không thể bền vững được. Nghị lực được hiểu
là việc chai dạn, trải nghiệm. Làm những việc vượt ngưỡng, đưa đến những việc cần
sự chịu đựng của khó, khổ, chán, sốc và nhẫn nại…Việc kiểm soát những bất ngờ,
sốc trong cuộc sống. Khả năng chịu đựng khi sự việc bị đẩy đến cùng cực, bị dồn
vào chân tường hay việc qua sông bị đốt thuyền, những sự việc bất như ý trong
cuộc sống diễn ra đến liên tục mà ta vẫn định tĩnh, sáng suốt tiếp nhận, nhẫn nại
để nhìn rõ bản chất của vấn đề trước khi hành động. Vợ chồng hay lứa đôi cần phải
rèn luyện và nâng cao nghị lực cùng nhau để tránh vênh nhau quá lớn trong đời sống
lứa đôi. Vì trong cuộc sống đầy biến động thì hoàng tử không phải lúc nào cũng
đến đúng lúc để cứu công chúa và điều quan trọng hơn trong cuộc sống đầy sóng
gió này chúng ta không mãi vững vàng, kiên định như ngọn hải đăng hay mũi tàu sẵn
sàng xé toạt những cơn sóng hung hãn mãi được. Cũng sẽ có lúc ta chán chường, gục
ngã với những thử thách, sóng gió của của đời. Khi đó, cái ta cần là một lời động
viên, một nghị lực, một sự hy sinh, chịu đựng có hiểu biết từ hậu phương để
giúp ta thấy rõ cách sự vật hiện tượng vận hành, vững vàng trong cuộc sống và hạnh
phúc lứa đôi!
Hãy cùng thương chúc các cặp vợ chồng, lứa đôi có
sự thấu hiểu để yêu thương nhau. Cùng nhau trau dồi trí tuệ, xây dựng tình yêu
thương, rèn luyện nghị lực để cùng nhau chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau, những
điều không hạnh phúc, bất như ý trong cuộc sống, quay về ba gốc rễ để sống và vận
hành, để thấu hiểu và yêu thương!
Này người…
Không theo đuổi cảm xúc
Luôn nhìn lại chính mình
Đã thương thì phải hiểu
Mới vẹn nghĩa trọn tình
-ST-