MỘT CÂU CHUYỆN VỀ BUÔNG BỎ
Có một vị chân tu, đã gần như từ bỏ mọi thứ của cải
vật chất trên thế gian, chỉ còn giữ lại cho mình hai cái xà rông để thay đổi mà
che thân. Một ngày nọ, ông được nhà vua một xứ mời đến khu rừng ven kinh vua để
đàm luận về Đạo. Trong khi đang nói chuyện, bỗng kinh vua bị cháy, lửa ngút trời
sáng lực cả một phương.
Nhà vua vẫn bình tĩnh ngồi yên chăm chú nghe thuyết
giảng. Trái lại vị cao tăng kia lại thấp thỏm, cặp mắt dớn dác, dòm chừng đám
cháy.
Bởi vì hồi sáng, ông đã phơi cái xà rông còn lại ở
gần đó (Truyện cổ Ấn Độ).
***
Câu chuyện cực ngắn mà đầy đủ ý tứ thâm sâu, còn cả
cao trào và những tương phản sắc nét. Hóa ra thật sự buông bỏ vật ngoại thân vì
không còn chấp trước lại rất khác so với từ bỏ vì sợ hãi nó.
Vị cao tăng đã từ bỏ tất cả, chỉ còn giữ lại có
hai cái xà rông, cái này bẩn thì dùng cái còn lại và thay đổi. Vậy là đã đơn giản
đến tột cùng rồi. Nhà vua giàu có, vừa ở trên ngôi cao quyền lực, vừa có mọi thứ
trong giang sơn, chắc chắn sở hữu vật chất của ngài so với vị cao tăng kia là một
trời một vực. Vậy mà thật trớ trêu, ông vua có quá nhiều lại không để cho ngoại
vật chi phối tâm tình, trong khi vị cao tăng đã từ bỏ tất cả để được tự do, cuối
cùng lại bám víu vào một cái chăn.
Có thể sẽ có người cho rằng, bởi vì ông vua kia
quá giàu có, quyền lực, cháy một cái cung thì sẽ vẫn xây được một cái cung
khác. Còn vị cao tăng kia chẳng còn gì ngoài hai cái xà rông, cháy mất rồi thì
không biết ăn mặc ra sao.
Nhưng vậy là vẫn tính tới nhiều ít của vật chất, vẫn
để nó khống chế bản thân. Đã buông bỏ mà với số ít ỏi còn lại của vật chất lại
coi nó như cả gia sản của mình, thế thì chấp càng thêm chấp, phụ thuộc càng
thêm phụ thuộc, chứ đâu phải là thực sự buông bỏ.
Phần lời bình bên dưới câu chuyện này trong Cái cười
của Thánh nhân, tác giả Nguyễn Duy Cần có viết: “Còn sợ ngoại vật quyến rũ mà trốn tránh nó, từ bỏ nó, là còn bị ngoại
vật ám ảnh và khu xử tâm hồn mình một cách nặng nề hơn, vì như Lão Tử đã nói:
‘Tương dục phế chi, tất cố hưng chi’ (hòng muốn ức chế nó, càng làm cho nó hưng
khởi mạnh hơn’. ‘Tôn chi nhi ích’ (càng bớt là càng thêm). Cọp đói dữ hơn cọp
no…”
Đã nhìn ra cái gì là bám víu, là chấp trước mà từ
bỏ, đó là một bước ngộ lớn. Nhưng đã nhìn và bỏ được rồi thì sao không bỏ luôn
cả việc sợ chấp trước ấy.
Trong tác phẩm phỏng theo Tây du ký sản xuất năm
2013 của đạo diễn Hồng Kông Châu Tinh Trì, có đoạn sư phụ của Đường Tăng nói với
Đường Tăng về việc ăn thịt gà. Tất nhiên đây là một bộ phim hài, nhân vật, tình
tiết đều khác xa bản gốc và mang tính châm biếm, hài hước. Vị sư phụ của Đường
Tam Tạng cầm chiếc đùi gà vừa ăn vừa nói đại ý rằng, ông ăn thịt được vì với
ông đây không phải là thịt gà.
Tình tiết xem ra trào phúng ấy lại thực sự ẩn chứa
đạo lý bên trong. Người tu luyện sợ chấp trước vào thịt nên phải ăn chay, tự
“giới” bản thân để làm nguôi dần dục vọng, cho tới khi không còn thèm muốn nữa.
Nhưng người đã thực sự không còn chấp trước vào thịt, đối với ăn uống cũng chỉ
là để sinh tồn mà thực tâm tu luyện, có gì ăn nấy, ai cho gì ăn nấy (khi đi khất
thực), thì có khi với thịt ăn vào cũng như ăn đậu phụ mà thôi.
Vấn đề không phải ta làm được bao nhiêu, mà là cái
tâm bám víu còn bao nhiêu.
Để buông bỏ dục vọng, không phải ta cứ phải từ bỏ
tất cả, không phải nghèo nàn thì sẽ đạo đức hơn, giàu có thì sẽ bám víu, tham
lam hơn. Có được nhiều đâu có hại tới đạo đức, nghèo khó cũng đâu có phải chắc
chắn có lợi cho đạo đức. Tác giả Nguyễn Duy Cần khi bàn tới việc này đã viết:
“Giàu hay nghèo là một vấn đề thuộc về phẩm, chứ không phải thuộc về lượng. Người
tự do là tự do, không phải nhờ giàu mới có tự do, cũng không phải bị nghèo mà mất
tự do”.
Tự do là ở trong suy nghĩ của ta, không phải ở việc
ta sở hữu bao nhiêu hay bao nhiêu thứ đang sở hữu ta.