HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

PHẠT TRẺ - ĐÔI ĐIỀU CẦN ĐƯỢC NHÌN NHẬN

Một số bậc cha mẹ và giáo viên thường áp dụng hình phạt đối với trẻ nhỏ vì cho rằng như vậy sẽ làm đứa trẻ sợ và phải suy nghĩ nghiêm túc về lỗi lầm chúng mắc phải. Tuy nhiên, sự thật không phải lúc nào cũng vậy.

Câu chuyện phạt trẻ

Thời mầm non, tôi bị phạt vô số lần vì kén ăn và ăn chậm quá. Tôi không thích hầu hết các món ăn ở trường và cảm thấy chúng có mùi vị rất ghê. Tôi không hiểu vì sao mình lại bị phạt chỉ vì tôi có cảm giác như vậy.

Lớn hơn một chút, mẹ bắt đầu dạy tôi rằng phải im lặng, không nên chê bai các món ăn vì người nấu đã cố hết sức rồi. Tôi bắt đầu hiểu và bớt bình phẩm hơn. Về sau, mẹ mở rộng suy nghĩ này cho tôi tới cả các lĩnh vực nghệ thuật. Tôi nhớ có lần mẹ rất chăm chú xem chèo, tôi hỏi: “Sao dở thế mà mẹ vẫn xem?”, mẹ trả lời: “Mẹ xem người ta cố gắng như thế nào”.

Như vậy, tôi đã tiếp nhận được bài học không phán xét không phải nhờ vào những hình phạt từ thời mầm non!

Ngoài ra, tôi còn bị phạt vì thuận tay trái, trong khi cô giáo bắt cầm bút bằng tay phải. Khi đi học thì tôi đã vẽ, tô màu thành thạo và biết viết một ít do tôi tự học. Tôi viết theo các chữ trong truyện nên không theo quy tắc nào cả, bởi sự thực thì tôi đâu biết cần bắt đầu từ nét nào, phải trái ra sao, nhưng tôi vẫn dần dần biết đọc biết viết theo cách của riêng mình.

Có lần, cô giáo bắt tôi đứng úp mặt vào tường. Cô nghĩ rằng tôi sẽ thấy xấu hổ và sẽ không bao giờ mắc lỗi nữa. Nhưng sự thực thì tôi không thấy xấu hổ một chút nào. Tôi có thể đứng đó và tưởng tượng ra rất nhiều thứ hay ho mà khi phải ngồi học cùng các bạn tôi không có thời gian để nghĩ đến. Tôi cảm thấy khá thích thú khi được tự do sống trong thế giới của mình.

Lần khác, cô giáo bắt tôi đứng một mình trong hầm chữ A. Đối với tôi, đó là một sự may mắn. Khi một mình ở trong hầm, với không gian yên tĩnh, tôi có thể cảm nhận rõ ràng mùi âm ẩm của nấm mốc, tôi đã thấy thóc trổ thành mạ ngay trong lớp đất trát hầm, tôi còn được trải nghiệm cảm giác lạnh êm khi vuốt tay vào cây nấm bé cọng trắng mũ nâu mọc ra từ đất trong góc hầm.

Cao điểm nhất là lần tôi bị phạt đứng trên ghế, ghế kê trên bàn nhỏ, bàn nhỏ kê trên bàn to của cô. Cô nghĩ rằng tôi sẽ sợ vì nếu đứng lâu mà cựa quậy thì có thể bị ngã xuống. Thế nhưng, tôi đã đứng như vậy và quên mất thời gian vì tôi phát hiện ra một loại thạch sùng to và thẫm màu hơn loại thạch sùng ở nhà tôi trong thành phố. Nhện có vài loại, thạch sùng tấn công nhện nhưng nhện lại giăng tơ chỗ khác – thật là một trò đuổi bắt bất tận!

Như vậy, hy vọng của cô giáo rằng những hình phạt kia sẽ khiến tôi thấy sợ hãi và không mắc lỗi nữa đã hoàn toàn thất bại. Trong hầu hết trường hợp, tôi không hiểu vì sao mình bị phạt (tôi thấy mình đang làm đúng mà nhỉ), hoặc tôi quên mất mình bị phạt vì lý do gì (tôi đang dành thời gian khám phá thế giới mà).

Sau này lớn lên, tôi càng hiểu rằng, những hình phạt mà người lớn áp dụng với con trẻ hầu như đều vô nghĩa, nếu có thì thường mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Đặc ân mà Tạo hoá ban riêng cho con người là ngôn ngữ, chúng ta nên kiên nhẫn dùng nó để kết nối, chứ không phải dùng hình phạt để ép những đứa trẻ làm theo ý mình. Nói theo cách khác, khi chúng ta không đủ năng lực để sử dụng ngôn ngữ mà phải áp dụng hình phạt với con trẻ, đó là khi chúng ta đang thiếu kiên nhẫn. Mà kiên nhẫn là thứ cần phải học cả đời.

Chắc hẳn các quý phụ huynh (thầy cô) sau khi đọc xong câu chuyện trên đã có câu trả lời cho mình, rằng có nên áp dụng hình phạt với con nhỏ, học sinh bé bỏng của mình. Người lớn cần đặt tâm tìm hiểu về phương pháp giáo dục trẻ thân thiện. Đôi khi không tránh khỏi lúc trẻ mắc lỗi nặng, cha mẹ có thể phạt nhưng cần áp dụng hình thức phù hợp để thu được hiệu quả, cũng như bảo vệ lòng tự trọng của trẻ.

Tác hại của việc lạm dụng hình thức phạt trẻ

Trong hầu hết trường hợp, trẻ không có ý định làm hại người khác, các bé chỉ muốn khám phá mọi thứ xung quanh theo cách của riêng mình. Khi con nỗ lực học hỏi, bố mẹ (thầy cô) không nên phạt dù hành động của trẻ gây hậu quả xấu. Thay vào đó, phụ huynh nên trò chuyện, giải thích để con hiểu và hướng dẫn bé tìm ra cách xử lý phù hợp. Việc phạt con khi trẻ không có ý xấu khiến chúng trở thành người thiếu quyết đoán, chỉ biết làm theo yêu cầu của người khác khi trưởng thành.

Khi con không nghe lời, nhiều phụ huynh cảm thấy giận dữ, mất kiểm soát và trừng phạt, làm tổn thương trẻ. Các nhà tâm lý học cảnh báo việc la hét, trừng phạt con khi phẫn nộ sẽ khiến trẻ trở nên lệ thuộc vào những người có địa vị xã hội cao hơn.

Việc cô giáo, cha mẹ phạt con nơi công cộng, lớp học khiến trẻ xấu hổ và giận giữ. Nó rõ ràng không có lợi cho sự phát triển của trẻ. Đứa trẻ bị la mắng, phạt nơi công cộng sẽ cảm thấy bị làm nhục, dần đánh mất bản thân. Lớn lên, các em bị biến thành người sống phụ thuộc vào ý kiến số đông, không thể tự đưa ra quyết định.

Trong cơn nóng giận, không ít phụ huynh chửi mắng con bằng các từ ngữ thậm tệ. Họ thậm chí không biết những từ ngữ công kích cá nhân đó xúc phạm trẻ nặng nề đến mức nào. Các nhà tâm lý khuyên để bảo vệ lòng tự trọng cho con, cha mẹ nên dùng các từ trung tính.

Tác động của các hình thức xử phạt

- Trừng phạt bằng vũ lực: Không những không mang lại hiệu quả mà biện pháp này còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ. Nguy hiểm hơn trẻ còn bị ám ảnh bởi sự đau đớn, sợ hãi và những ý nghĩ tiêu cực. Đánh nhiều trẻ nhờn đòn, cũng không có tác dụng.

- Phạt bằng cách im lặng: Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ hành xử kiểu không quan tâm, coi như không có sự tồn tại của trẻ. Sự trừng phạt này sẽ làm trẻ nghĩ cha mẹ không yêu thương, không cần mình nữa, dễ dẫn đến những hành động tiêu cực và tâm lý tự ti.

- Bắt bé đứng vào góc nhà, quay mặt vào tường: Có thể cho trẻ đứng nhưng không quá 15 phút – đủ thời gian để trẻ nhận thức lỗi của mình chứ không để trẻ thoải mái đứng chơi. Điều đó sẽ dạy trẻ biết suy ngẫm sau mỗi lần làm sai chuyện gì đó, rút ra bài học cho mình.

- Phạt bằng lao động: Phương pháp này không mang tính xây dựng, bởi sau đó làm bất kể việc nào được giao trẻ cũng coi như bị phạt, không nguyện ý làm hết việc hoặc làm qua loa, lấy lệ. Đến khi cha mẹ muốn nhờ bé làm giúp việc nhà, trẻ sẽ có phản ứng “Con có làm gì sai đâu?” …

- Khước từ các mong muốn của trẻ: Đây là một trong những ý tưởng tiến bộ, có tính giáo dục cao và hợp lý hiện nay. Trẻ hiểu không nghe lời dạy bảo sẽ không đạt được những điều mình muốn như xem phim, đi công viên…, nên có thể tiếp nhận một cách nhẹ nhàng.

Mức độ nặng nhẹ của hình phạt tùy thuộc độ nghiêm trọng của hành vi phạm lỗi. Việc trừng phạt con cũng cần đánh vào sở thích, nhu cầu của trẻ để phát huy hiệu quả tốt hơn. Nếu trẻ luôn nhận một hình phạt cho mọi sai lầm lớn, bé, trẻ không thể tự hình thành hệ giá trị đạo đức, không biết được tầm quan trọng khác nhau giữa các sự vật, sự việc khác nhau.

Lưu ý khi phạt trẻ

Cần nhắc lại rằng cha mẹ thầy cô cần kiên nhẫn giải thích và thấu hiểu trẻ, vạn bất đắc dĩ mới sử dụng hình phạt, dù phạt cũng cần khéo léo, bảo vệ lòng tự trọng của trẻ. Dưới đây là vài lưu ý khi phạt trẻ:

Xử phạt không được gia hạn hay trì hoãn: Trẻ mắc lỗi buổi sáng mà đến tối mới phạt, trẻ không nhận thức được mối quan hệ giữa việc mình mắc lỗi và bị phạt. Khi trẻ mắc lỗi nên phạt ngay và nói rõ nguyên nhân tại sao con bị phạt. Nói trẻ hiểu hình thức phạt mà bạn sẽ áp dụng cho con.

Không nên phạt trẻ thường xuyên: Nếu cha mẹ phạt bé vì từng lỗi nhỏ, muốn trẻ hoàn hảo không mắc bất cứ sai lầm nào, như vậy trẻ sẽ bị áp lực, muốn tách khỏi cha mẹ và che giấu những cảm xúc, lỗi lầm của bản thân, những việc mình đã làm.

Không doạ nạt rồi để đấy: Qua nhiều lần như vậy, trẻ hiểu bạn chỉ nói mà không làm, chỉ là nói vậy thôi và vẫn tiếp tục mắc lỗi như trước.

-ST-

Được tạo bởi Blogger.