CẢM PHỤC MỘT CHÀNG TRAI ĐẸP
Đầu năm 2020, dịch bùng phát khiến công việc của
Nhã bị đình trệ. Chàng trai sang nhượng cơ sở kinh doanh, mang hết 600 tr đồng tích
luỹ lên thôn Ma Bó định cư. "Tôi muốn
làm gì đó để thay đổi cuộc sống của người dân, nhất là những đứa trẻ".
Chàng trai mua mảnh đất bạc màu rộng 1.000 m2 nằm trên một quả đồi cao giữa
thôn, dựng một căn nhà gỗ vừa để ở, vừa làm thư viện, rạp chiếu phim cho những
đứa trẻ trong ngôi làng 100% là người dân tộc Churu. Giống y hệt bác sĩ Yersin
đến làng chài Nha Trang vào năm 1891 vậy.
Để tiết kiệm chi phí, Nhã trực tiếp làm việc cùng
thợ. Hàng ngày, chàng trai 29 tuổi vào làng tìm mua những cây gỗ cũ rồi cùng thợ
kéo lên đồi. Nhà dựng gần xong, số tiền 600 tr cũng hết. Không muốn vay mượn,
Nhã đăng lên trang cá nhân, giới thiệu về phong cảnh ở Ma Bó và đề nghị làm hướng
dẫn cho những người muốn khám phá. Nhờ nguồn thu này, căn nhà hoàn thành sau 4
tháng.
Tuy nhiên, khó khăn nhất không phải tiền, cũng
không phải vất vả mà ý định của Nhã dân làng chẳng ai hiểu. "Họ nghĩ tôi là người Kinh, từ xuôi lên
nên sợ lây Covid-19, cứ nhìn thấy tôi là lấy áo che mặt hoặc tránh xa".
Trong lúc này, bố mẹ Nhã cũng phản đối dữ dội (Nhưng cũng như bao thanh niên
trưởng thành khác, gia đình là để yêu thương chứ không phải nhất nhất tuân
theo, nghe lời, đặt đâu ngồi đấy).
Nhà trên đồi làm xong, không có nước sinh hoạt,
xưa nay dân làng chủ yếu hứng nước mưa hoặc đi xin nước ở xa vào mùa khô. Chàng
trai cho khoan giếng sâu và dựng một hệ thống ống dẫn nước về làng, cho dân
làng dùng chung.
Có nhà, có nước, việc tiếp theo là làm kinh tế.
Anh rủ một số người dân địa phương cùng nhau tổ chức trekking xuyên rừng. Với mức
thù lao 1-2 tr mỗi chuyến, bán kèm đặc sản địa phương như măng rừng, nấm linh
chi nên cuộc sống nhiều người được cải thiện. Lúc này, dân làng trở nên gần
gũi, thân thiện.
Anh Jơr Lơng Khánh, 34 tuổi, kể trước đây làm rẫy,
thu nhập cả gia đình bốn người khoảng 50 tr một năm nếu mùa màng bội thu. "Từ khi đi làm du lịch cùng Nhã, có
tháng cao điểm tôi kiếm được 8-10 tr đồng. Dịch đến, không có khách nữa, thỉnh
thoảng tôi vào rừng kiếm măng, nấm linh chi rồi mang đến nhờ cậu ấy bán hộ",
Khánh nói.
Chàng trai bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình với
lũ trẻ con Ma Bó. Anh gây dựng tủ sách thiếu nhi với hơn 1.000 đầu sách đủ thể
loại. Mỗi tối Nhã còn dạy học cho trẻ em trong làng và kết nối thêm bạn bè ở
nhiều nơi lên Ma Bó dạy tiếng Anh, tin học, vẽ, những buổi chiếu phim miễn phí
vào cuối tuần. "Tôi muốn truyền động
lực, dạy nhiều điều mới mẻ để trẻ con trong làng dám ước mơ và thực hiện ước
mơ", anh nói. Những đứa trẻ cũng bắt đầu khác. Chúng thích đọc sách tại
thư viện thay vì lông bông ngoài đường cả ngày. Nhiều đứa từ bỏ "ước mơ chăn bò", mong lớn lên
trở thành hướng dẫn viên du lịch. Có những gia đình có con gái học hết cấp 2 đợi
đủ tuổi lấy chồng, nay lại mong muốn học đại học để "giống anh Nhã".
Ông KaSen, trưởng thôn Ma Bó cho biết, Nhã là người
đầu tiên phá vỡ những thứ xưa cũ tại ngôi làng hơn 2.000 dân này. "Cậu ấy còn kết nối các nhóm tình nguyện
lên trao học bổng, tặng quà cho người khó khăn ở đây".
Nhã đang xây dựng kế hoạch mới, nhờ thợ mây tre
đan hướng dẫn bà con trong làng làm gùi mây, tận dụng nguyên liệu mây tre lá địa
phương. "Tôi hy vọng, ngôi nhà của
mình giống một chiếc cửa sổ, không chỉ mở ra cho người bên ngoài biết nơi đây đẹp
như thế nào mà còn để dân làng nhìn thấy đổi thay của thế giới bên ngoài",
Nhã nói (theo VnExpress).
Với nhiều người, thành đạt là có được danh vọng,
có được sự giàu có hay sự sung túc cho bản thân, cho gia đình, tức nghĩ về cái
lợi và sự tư hữu. Còn với Nhã, chàng trai đang tìm cách thay đổi cuộc sống của
2000 người dân ở một bản làng xa xôi, người ta gọi là "dấn thân và phụng sự, cống hiến và tận tâm". Các bạn
hoàn toàn có thể giúp người và sống cuộc đời như vậy nếu bạn muốn.
-ST-