TÂM LÝ BÙ ĐẮP TRONG GIÁO DỤC TRẺ - CẦN SUY NGẪM
Người giàu mặc bộ quần áo 300.000 đồng, ấy là tiết
kiệm. Người nghèo khó mặc cùng giá tiền đó, ấy chính là chơi sang. Cô gái nhà
nghèo làm thêm ở quán cà phê, ấy là để kiếm thêm chút tiền tiêu vặt, còn chàng
trai nhà Beckham kiếm tiền trang trải các khoản chi tiêu, ấy lại là tự mình nỗ
lực vươn lên.
Sự khác biệt giữa giàu sang và nghèo hèn, trên bản
chất chính là sự khác biệt trong giáo dục. Trong khi người giàu thay đổi chiều
hướng giáo dục, bắt đầu bồi dưỡng nhân tài cho xã hội, thì người nghèo lại đi
con đường vòng của tài phú hơn chục năm về trước: Cưng chiều con cái hết mực,
chỉ cầu thành tích, chứ không cầu thực lực.
Từ gia cảnh
nghèo khó đến những “cậu ấm cô chiêu” thời hiện đại
Tôi đến công ty của anh bạn thân để bàn việc mở
thêm chi nhánh. Trong lúc trò chuyện, anh kể: “Dạo trước tớ cho rằng con em những
nhà nghèo khó có thể chịu khổ và cũng có tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng giờ
đây, tớ thật sự không dám tuyển dụng họ nữa, cậu ấm cô chiêu nhà nghèo thật sự
quá nhiều rồi!”.
Nguyên nhân lớn nhất của hiện tượng nói trên là từ
“tâm lý bù đắp” của chúng ta: Gia cảnh càng khó khăn, càng không muốn để con trẻ
chịu thiệt.
Công ty nơi tôi làm việc có một nhân viên là “cậu ấm”
duy nhất trong gia đình. Cha mẹ công việc bấp bênh, lúc nhỏ cậu phải sống cùng
với ông bà nội. Nhà ông bà nội cũng nghèo, nhưng chính vì nghèo, nên hễ có được
đồng nào, ông bà hầu như đều dành cho cậu.
“Thà rằng cả nhà chịu khổ, cũng không thể để con
trẻ chịu khổ được”. Cậu lớn lên trong môi trường giáo dục ấy, dần dà đã quen với
việc tận hưởng; tiền lương mới nhận hôm nay, ngày mai đã tiêu hết sạch, mức
hoang phí vượt xa cả thu nhập thường ngày. Điều tệ hại nhất là, tinh thần trách
nhiệm gần như là con số không. Tôi nghèo khổ, vậy nên tôi có lý; tôi yếu kém,
nên tôi có lý. Loại tâm thái này khiến các đồng nghiệp làm việc chung với cậu đều
không hài lòng.
Dẫu biết rằng, ‘chững chạc trưởng thành’ luôn là một
thử thách với bất kỳ ai, nhưng thời gian sẽ không đợi người, sẽ đến một ngày những
người từng cưng chiều và bao bọc bên ta sẽ không thể giúp đỡ ta cả đời.
Tâm lý bù đắp
hay tâm thái tự an ủi mình của các bậc phụ huynh
Nhớ cái thời mấy chục năm về trước, những người
nghèo khó dám dũng cảm thừa nhận thiếu khuyết của bản thân. Với vấn đề giáo dục
con trẻ, họ có thể bảo trì sự sáng suốt: Hoàn cảnh nhà chúng ta không được tốt,
con phải đảm đương một phần nào trách nhiệm, gắng sức mà học, tự mình cố gắng
vươn lên.
Ngày nay, bởi không nhìn thấy hy vọng, cha mẹ chỉ
có thể dốc hết tất cả mà bù đắp cho con trẻ: Bố mẹ không cần biết mai này con
ra sao, ít nhất khi còn nhỏ, những thứ người khác có, con cũng sẽ có được.
Điều này trực tiếp tạo thành một ác quả: Hoàn cảnh
gia đình càng sa sút, càng dễ xem việc giáo dục bình thường thành như chịu khổ,
và xem việc để cho con nhỏ chịu khổ như là một nỗi nhục gia đình.
Tôi đã từng đến một cậu lạc bộ chèo thuyền, có một
bé trai 14 tuổi để lại ấn tượng khá sâu sắc trong tôi. Mỗi ngày cậu bé đều dậy
vào 6 giờ sáng, đón xe buýt đến tàu điện ngầm rồi đi bộ đến nơi tham gia huấn
luyện. Đến trưa, cậu giúp đỡ huấn luyện viên dọn dẹp đạo cụ, mọi thứ đâu vào đấy
cậu mới đến nơi khác chơi bóng rổ. Cậu muốn sang Mỹ du học, nhưng vì sợ thể lực
không đạt chuẩn, đến đó không thể chơi cùng các bạn được, vậy nên cố gắng ra sức
tập luyện mỗi ngày.
Chiều muộn, cậu còn phải về sớm để chuẩn bị bữa tối
cho bố mẹ. Mẹ cậu chỉ biết làm các món ăn tây, còn bố cậu với việc ăn uống
không có yêu cầu gì đặc biệt. Cậu muốn ăn gì thì cứ nấu cho cả nhà ăn. Nếu
không phải bắt gặp cậu bé ở câu lạc bộ đó, thế nào tôi cũng sẽ mang lối nghĩ
“con trẻ nhà nghèo sớm gánh vác việc gia đình” đặt lên người cậu.
Bố cậu là quản lý cấp cao của một công ty, tôi hỏi
ông, vì sao nỡ để cho con trẻ chịu khổ như vậy? Ông kinh ngạc nói: “Sao lại gọi
là chịu khổ, đây không phải là chuyện thường ngày trong cuộc sống sao?”.
Nếu như bên cạnh bạn có người đã trải qua mưa gió
để gây dựng sự nghiệp, có thể bạn cũng đồng ý với quan điểm này: Người giàu đều
là những người đã từng thật sự chịu khổ, họ sẽ không cho rằng để con trẻ chịu
khổ là vấn đề gì to tát…
Để con trẻ làm việc, chịu chút cực khổ sẽ tốt cho
sự trưởng thành về nhân cách của chúng.
Không cần
con làm gì, chỉ cần con học giỏi?
Bởi rất nhiều hạn chế khác nhau, những gia đình
không có điều kiện kinh tế rất dễ phạm phải sai lầm thứ hai trong giáo dục: Cho
rằng chỉ cần học giỏi là được.
Con cái của họ dù có thành tài hay không, dù sao
trước nay cũng không cần phải đụng tay giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, nhìn thấy
người lạ cũng không chào hỏi. Nói chung, ngoài thành tích ra thì hầu như mọi
chuyện khác chúng đều không có chút bận lòng.
Điều ấy dẫn đến tinh thần trách nhiệm và khả năng
giao tiếp của con trẻ trở nên yếu kém. Sau khi đi làm, trong tổ nhóm chúng
không chịu động não suy nghĩ, khi xảy ra vấn đề thì chỉ nghĩ đến việc thoái
thác hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Những đứa trẻ như vậy cũng chưa bao giờ xem bản
thân cần phải dũng cảm đứng ra chịu trách nhiệm với những việc mình làm, coi
mình chỉ là một chiếc đinh ốc hay một phụ kiện, ảo tưởng rằng phía sau đã có
gia đình sẵn sàng thu dọn bãi chiến trường cho mình rồi.
Trong hiện thực xã hội, những bậc cha mẹ như vậy sẽ
bồi dưỡng ra lòng tự tôn quá mức trong con trẻ. Vì không để người khác nói con
mình là “con nhà nghèo”, họ dứt khoát không để chúng mặc những bộ quần áo rẻ tiền,
đi giúp việc trong những quán cà phê.
Tự trọng là hư vô, trong khi cuộc sống lại là hiện
thực. Hư vinh giả tạo ấy vốn không thể giúp bất kỳ ai chèo chống vận mệnh cả một
đời được.
Kiểu giáo dục tự tôn trong những gia đình nghèo
khó đã khiến con trẻ đặc biệt “trưởng thành muộn”. Khi các bạn cùng trang lứa
đã ổn định cuộc sống, có thể lo cho mình ngày ba bữa, thì với những đứa trẻ ấy,
sau mười năm lăn lộn bôn ba, họ vẫn ôm giữ cái tâm tự tôn cháy bỏng, ảo tưởng rằng
chỉ cần học theo điệu bộ của những người thành công thì đã có thể thành đạt bên
ngoài xã hội rồi. Kết quả, “thế hệ nghèo khó” trong những gia đình giàu có mỗi
lúc một giàu lên, còn “thế hệ giàu sang” trong những gia đình nghèo khó lại mỗi
ngày một nghèo đi trông thấy.
Khi cha mẹ
thẳng thắn đối diện với thiếu sót của chính mình
Thân là cha mẹ, trưởng thành thật sự là có thể
nhìn thẳng vào thất bại trong đời mình, căn nguyên của sự nghèo khó là do đâu.
Tôi vẫn luôn nhớ mãi vào một ngày khi tôi học lớp 5, bố tôi trước nay bản tính
cao ngạo không chịu thua ai, hôm ấy lại thú nhận trước mặt mọi người rằng: “Một
đời này của tôi, tài hoa và cố gắng đều có đủ cả. Nhưng nguyên nhân không thể
kiếm được tiền là bởi cá tính quá mạnh mẽ, không được linh hoạt trong việc đối
nhân xử thế”.
Về sau, ông đã nhiều lần hoàn thiện bản thân trong
khía cạnh này. Đến khi tôi vào đại học ông đã bắt đầu tìm xem những quyển sách
về tâm lý học, mãi luôn đặc biệt xem trọng việc tu dưỡng cảm xúc của bản thân
mình.
Từ việc bố tôi dũng cảm nhìn lại thiếu sót của
mình, tôi đã có thêm quyết tâm tu dưỡng bản thân. Nếu khi đó ông không dám thẳng
thắn đối diện mà chỉ biết oán trách gia đình, oán trách xã hội, thế hệ con cháu
chúng tôi có thể giờ đây cũng sẽ mãi luôn ở trong vòng lẩn quẩn của sự cố chấp
đó, đã nghèo lại còn cao ngạo nữa.
Phụ huynh thẳng thắn đối diện với thiếu sót của tự
mình, so với kiên cường giả tạo thì càng có uy tín hơn. Mỗi con đường lớn đều
thông đến kinh thành, bản thân ta không cần thiết phải so sánh với những người
sống ở kinh thành. Mỗi một phần cố gắng trong việc hợp sức giữa cha mẹ và con
cái, cuối cùng sẽ cách kinh thành ngày một gần hơn.
Gần đây, tôi được nghe thấy rất nhiều câu chuyện về
“phú nhị đại” trong những gia đình nghèo khó, về những cậu ấm cô chiêu làm việc
thì sợ khổ, lòng tự tôn lại phình to quá mức, làm không được việc, khuyên bảo thế
nào cũng không được.
Sự khác biệt trong giáo dục sẽ định ra “sang –
hèn” mai này, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Mà loại khác biệt này không phải đến
từ việc bạn theo học trường nào đó, mà là cha mẹ có thể lấy tâm thái chính thường
đối diện với hoàn cảnh của bản thân, trong cân nhắc và trưởng thành của con trẻ
mà tìm kiếm phương pháp giáo dục đúng đắn hay không.
Nguyện mong tất cả những bậc làm cha làm mẹ trong
thiên hạ đều tin rằng phẩm cách có sức nặng hơn trường học, tài nguyên bỏ ra
cho giáo dục dẫu có nhiều hơn nữa cũng không bằng được tâm thái của cha mẹ
trong việc bồi dưỡng con nên người.
-ST-