HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

VƯƠNG DƯƠNG MINH DẠY

“Truyền Tập Lục” là một bộ trước tác được tổng hợp dựa theo nội dung của các bài giảng, các cuộc nói chuyện và thư từ của Vương Dương Minh, được những người học trò của ông là Từ Ái, Tiết Khả và Lục Trừng ghi chép lại, hiểu một cách đơn giản thì đây là một cuốn sổ ghi chép của học sinh. Chỉ là trong cuốn sổ này viết lại tư tưởng của Vương Dương Minh và phương pháp giảng dạy biện chứng của ông một cách hoàn chỉnh và có hệ thống. Ngôn ngữ sinh động uyển chuyển, cơ sở suy luận đầy đủ. Sách này vừa cho ra đời liền nhận được sự tôn sùng và đánh giá cao của các đại học sĩ.

Câu thứ nhất: Con người cần rèn trên sự việc, mới đứng được vững, mới có thể “tĩnh cũng định, động cũng định”

Giải thích: Con người nên trải qua những sự việc khác nhau để rèn luyện bản thân, thì mới có thể đứng vững vàng, mới có thể đạt được cảnh giới “bất luận là động hay tĩnh cũng đều có thể giữ được sự điềm tĩnh trong lòng”.

Phân tích quan điểm: Muốn tĩnh tâm thì phải làm nhiều chuyện. Trong lúc bất giác, đầu tiên phải kéo cái tâm vì nóng vội mà đi lang thang quay trở lại, sau đó mới dùng những chuyện nhỏ mà yêu cầu nghiêm khắc để từ từ mài rũa nó, cho đến khi tất cả những góc cạnh đều được mài tròn trịa và sáng bóng. Khi tâm trơn mịn như một miếng mặt nạ, những tính xấu như là vội vàng, nóng giận, bực tức, kiêu ngạo, vụng về đều theo đó mà bị trôi đi hết.

Vì vậy, làm việc mới là sự rèn luyện chắc chắn nhất.

Câu thứ hai: Với bạn bè, cần đôi bên xem mình ở dưới mới lợi, đôi bên xem mình ở trên thì hại

Giải thích: Bạn bè kết giao với nhau, cần phải đôi bên khiêm nhường lẫn nhau, đều xem mình thấp hơn đối phương thì mới có được lợi ích; đôi bên so sánh với nhau, ai cũng xem mình cao hơn đối phương thì chỉ có thiệt hại mà thôi.

Phân tích quan điểm: Giữa bạn bè với nhau, bạn cho tôi một chiếc lá xanh, tôi trả lại bạn một khu rừng, đôi bên đều vui vẻ và hài lòng, giao lưu với nhau lâu dài như vậy, còn có thể biến tình bạn bền chặt như kết cấu của bê tông cốt thép, có thể chống đỡ được trận động đất cấp 8. Nếu như luôn so sánh với nhau, anh sống ở một tòa nhà cao cấp, tôi không thể sống ở căn nhà một tầng, tiền lương của anh là 11 nghìn, lương của tôi không thể là chín nghìn chín, anh tìm vợ bé, tôi ít nhất phải tìm người nhỏ hơn 6 tuổi, anh ly hôn, tôi cũng… Gặp người như vậy, tốt nhất không nên kết bạn, bởi vì có bao nhiêu người bạn như vậy nghĩa là bạn phải đeo bấy nhiêu túi bom trên người, cuối cùng sự đố kỵ sẽ ‘phát nổ’, khiến bạn bị thương, bị tàn tật hoặc thậm chí là mất mạng.

Câu thứ ba: Ban ngày làm việc thấy phiền nhiễu thì tĩnh tọa, cảm thấy lười đọc sách thì vẫn đọc sách, đây cũng là vì bệnh mà cho thuốc

Giải thích: Nếu như ban ngày làm việc cảm thấy buồn bực không yên, vậy thì nên ngồi yên lặng (ngồi thiền). Cho dù không muốn đọc sách, thì vẫn phải đọc sách, Đây là bốc thuốc đúng bệnh, cũng là một phương pháp.

Phân tích quan điểm: Ẩn dụ của câu nói này chính là: Bạn càng không muốn làm cái gì thì càng phải ép bản thân mình đi làm cái đó, cần phải kéo co và quyết đấu với chính mình.

Tâm của con người đều ích kỷ hết, không chỉ đối với người khác mà đối với bản thân mình cũng không nương tay. Chỗ nào mát mẻ thì muốn đến chỗ đó, món gì ngon thì muốn ăn món đó, chuyện gì dễ làm thì muốn làm chuyện đó. Để mặc tính tình của mình tự do quyết định, chắc chắn nó sẽ dẫn bạn đi vào trong đầm lầy.

Vì vậy, đôi lúc cần phải đi ngược lại tính tình, tàn nhẫn với bản thân một chút thì mới có thể xoay chuyển mặt bất lợi đối với chính bản thân mình.

Câu thứ tư: Hối ngộ là thuốc để khử bệnh, nhưng sửa đổi mới đáng quý; nếu giữ lại trong lòng, thì lại vì thuốc mà phát bệnh

Giải thích: Hối hận sau khi đã tỉnh ngộ chính là thuốc tốt để loại bỏ bệnh tật, tuy nhiên sửa đổi được thì mới là đáng quý; nếu như ôm giữ sự hối hận ở trong lòng, vậy lại là vì thuốc mà sinh bệnh.

Phân tích quan điểm: Phạm sai lầm là một môn học mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời, nếu như điểm trọn là 100 điểm, vậy chắc là có rất nhiều người không cần học vẫn có thể đạt được hơn 90 điểm. Đây là một môn duy nhất đạt được càng ít thì càng đáng vui mừng, nhưng chỉ cần bạn biết sửa sai, biết đưa ra tổng kết, thì phạm sai lầm không còn đáng sợ nữa. Ngược lại, nó còn trở thành một chất xúc tác giúp chúng ta trưởng thành và khỏe mạnh một cách cấp tốc. Nếu như biết sai không sửa, kết quả cuối cùng chỉ có thể là những giọt nước mắt hối hận đủ để tạo thành một cái hồ không đáy, sớm muộn gì tâm cũng biến thành một tấm bia tập bắn với hàng trăm hàng ngàn vết thủng.

Câu thứ năm: Phàm là người xử lý công việc có tốt có không tốt và có họa do mất thứ tự, đều là liên quan đến tốt xấu được mất, không thể thực tế với lương tri của mình

Giải thích: Khi xử lý sự việc gì đó mà xuất hiện tình trạng có lúc tốt có lúc không tốt, kèm theo những tai họa xuất phát từ sự đảo lộn thứ tự, đây đều là do cái tâm lo nghĩ được mất, lo nghĩ tiếng thơm tiếng xấu gây ra, không thể có được lương tri của mình theo cách thực tế.

Phân tích quan điểm: Trong cuộc việc và cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều chuyện vốn dĩ có thể ứng phó tự nhiên, làm được hoàn hảo, nhưng kết quả lại vô cùng thê thảm, khiến bản thân mình cũng muốn tự tát vào mặt mình. Làm cho bản thân cũng trở nên ức chế một cách lạ thường, chuyện gì đang diễn ra? Là bản thân không đủ năng lực sao? Không đủ sắc đẹp? không đủ khí chất? Tất cả đều không phải.

Đối với vấn đề này, Vương Dương Minh đã tiến hành giải mã cặn kẽ: Đó là vì bạn quá quan trọng được và mất. Bạn một lòng muốn xử lý chuyện này tốt nhất và hoàn hảo nhất, vô cùng lo sợ mình làm hỏng chuyện sẽ bị người khác phê bình, chê cười, vì vậy khi đã bắt tay vào làm là rất nhiệt tình không chịu buông tay, thế là vô tình đã che mất cái tâm vốn dĩ có thể an nhiên tự tại, bình tĩnh đối phó của mình. Nó hơi giống với hiệu ứng tâm lý của “định luật Murphy”, bạn càng lo lắng chuyện gì đó sẽ xảy ra, thì chuyện đó lại càng có khả năng xảy ra.

Câu thứ sáu: Giữ chí như đau tim, tâm trí ở trên cơn đau, đâu có tâm trí nói chuyện phiếm, lo chuyện người khác

Giải thích: Kiên trì với chí hướng của mình giống như một cơn đau tim, nếu như tâm ý đều dồn hết lên cơn đau, thì đâu có tâm trí nào để nói chuyện phiếm hay là lo chuyện người khác nữa chứ?

Phân tích quan điểm: Câu nói này có ý nghĩa rất độc đáo. Khi tim đau đến nỗi không thể nào thở được nữa, bạn còn rảnh để mà nói chuyện, để quan tâm chuyện khác sao? Chắc chắn là không, bởi vì lúc này bạn chỉ có cảm giác đau muốn chết mà thôi, không còn suy nghĩ được gì khác hơn.

Suy luận ngược lại, nếu như khi bạn đang làm việc mà tâm trí nghĩ chuyện khác, uống rượu, nghe nhạc, ngân nga vài câu hát, vậy chứng tỏ là tâm của bạn có một phần đang bay bổng, chắc chắn là không hoàn toàn tập trung vào công việc, cũng chứng tỏ rằng  bạn không xem trọng và bận tâm công việc này.

Sức mạnh của sự tập trung là rất to lớn, nhưng điều kiện là cần dùng tâm của bạn làm người dẫn đường.

Câu thứ bảy: Người thời nay khi ăn cơm, là một chuyện trước mặt, nhưng tâm thường bận rộn không yên, chỉ do tâm này bận quen rồi, cho nên thu nhiếp không được

Giải thích: Thời nay có một số người khi đang ăn cơm, cho dù là không có chuyện gì, tâm của họ cũng bận rộn không thể yên bình, chỉ vì tâm của họ bận rộn quen rồi nên không thể dừng lại được nữa.

Phân tích quan điểm: Có một người hỏi thiền sư: “Ngài tu hành như thế nào vậy?” Thiền sư đáp: “Đói thì ăn cơm, buồn ngủ thì ngủ”. Đối phương lấy làm khó hiểu, nói rằng: “Ăn cơm với ngủ thì quá dễ, ai mà không làm được chứ, vậy cũng gọi là tu hành sao?”, thiền sư nói: “Đều là ăn cơm, đều là ngủ nhưng lại có kết quả khác nhau.Khi người thường ăn cơm, nhìn trước ngó sau, nghĩ này nghĩ kia, hàng loạt toan tính, muôn vàn nghĩ suy; khi ngủ thì điên đảo trong mơ, mơ này mơ kia, tư tưởng bay khắp nơi. Người tu hành, ăn cơm chính là ăn cơm, ngủ chính là ngủ, không có tạp niệm!”.

Sự khác biệt giữa người với người luôn là ở trong một niệm. Nếu có thể buông bỏ tạp niệm, an trú ngay trong hiện tại, bạn sẽ phát hiện trong những chuyện đơn giản như ăn cơm, ngủ, đi bộ v..v.. cũng hàm chứa triết học và cái đẹp.

Câu thứ tám: Con người chỉ có bấy nhiêu tinh thần, nếu chuyên sử dụng trên dung mạo, thì không chăm lo được cho tâm nữa

Giải thích: Tinh thần sức lực của con người dù sao cũng có hạn, nếu như dồn quá nhiều tâm tư cho việc làm đẹp, thì sẽ không thể nào chăm lo được cho nội tâm nữa.

Phân tích quan điểm: Trong thời đại ngày này mọi thứ đều dựa trên giá trị sắc đẹp để đánh giá, ‘hot boy’ này ‘hot girl’ kia thống trị màn ảnh, nếu như không trang điểm, không làm đẹp, không chỉnh sửa ảnh, không chỉnh sửa mặt thì sẽ không dám để lộ khuôn mặt nguyên bản mà cha mẹ ban tặng ra ngoài… Phần lớn thời gian đều dành hết cho việc cải tạo nâng cấp sắc đẹp, không có thời gian để nuôi dưỡng và chăm sóc nội tâm. Vốn dĩ trong tâm có ba căn nhà, nhưng một căn thì mọc đầy cỏ dại, một căn thì chứa đầy dục vọng, còn một căn thì tùy tiện nhét đại một số kiến thức tạp nham, mà vẫn còn chưa nhét đầy.

Mà không biết rằng, một nội tâm chắc đặc và tròn đầy mới có thể khiến con người thực sự có sự tu dưỡng, có tâm hồn đẹp, có khí chất, đó mới là sắc đẹp ưu mĩ và bền lâu. Có những thứ này rồi, bạn mới có thể lớn mạnh, đến lúc đó bạn còn lo sợ mình không đủ xinh đẹp trong lòng người khác hay sao? Chắc chắn sẽ đẹp đến nỗi khiến hai con mắt của đối phương như đang bị bạn ‘thôi miên’ vậy.

-ST-


Được tạo bởi Blogger.