HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

NHỮNG QUY LUẬT CỦA TINH THẦN

Quy luật 1: Quy luật cân bằng (tìm về trung đạo)

Nếu lực vạn vật hấp dẫn nối kết được vạn vật vũ trụ thì bí mật của chất keo này nằm ở sự cân bằng. Cân bằng hiện hữu ngày trong thể xác, lý trí, tình cảm, trong mọi khía cạnh đời sống của chúng ta. Nó xác quyết rằng, mọi hành động của chúng ta trong cuộc sống đều có khả năng đi đến chỗ thái quá hoặc bất cập, và trong quá trình dao động kiểu con lắc này, một hành động quá khuynh sẽ đẫn đến một kết         quả trái ngược cũng cực đoan không kém.

Quy luật 2: Quy luật chọn lựa (khẳng định quyền năng của mình)

Chúng ta mang nặng một ơn phước, được gánh lấy một trách nhiệm thiêng liêng-tự quyết định lấy lựa chọn của chính mình. Tương lai phụ thuộc phần lớn vào những gì ta đã chọn lựa trước đó. Dù không thể làm chủ được hoàn cảnh khách quan, chúng ta có thể tự quyết được cách thức đối đầu với nó. Bằng cách khẳng định lại quyền lựa chọn tự quyết của mình, chúng ta tìm được dũng khí để trọn sống.

Quy luật 3: Quy luật trình tự (Từng bước đón nhận cuộc sống)

Tiến trình phân chia mỗi cuộc hành trình thành một chuỗi gồm những bước nhỏ, hoàn tất lần lượt từng bước này trên con đường đến đích. Trình tự là bài học về sự nhẫn nại vượt qua giới hạn thời gian. Trình tự xác tín với chúng ta rằng những năng lực tiềm ẩn của con người chỉ được bộc lộ thực sự trên cơ sở của sự chuẩn bị chu đáo.

Quy luật 4: Quy luật hiện hữu (sống trọn vẹn với hiện tại)

Thời gian là một hiện tượng nghịch lý, nó trải dài giữa quá khứ xa xăm và tương lai vô cùng, cả hai phạm trù này chỉ là bóng dáng ảo tưởng trong tâm trí chúng ta. Ý tưởng về thời gian chỉ có tính ước lệ trong phạm vi tư tưởng và ngôn ngữ - là một quy ươc xã hội. Có một chân lý thâm diệu: chỉ có hiện tại là thực hữu.

Quy luật 5: Quy luật cảm thông (Đánh thức tình người trong ta)

Thượng đế không phán xét chúng ta, người chỉ mở ra cho ta thấy hậu quả và bài học cùng cơ hội để tự hoàn thiện và tự suy nghiệm về luật nhân quả. Xót thương đồng nghĩa với nhìn nhận rằng mỗi một người trong chúng ta đang cố tận lực vì những gì mình tin tưởng là thích hợp nhất là đúng đắn và tốt đẹp nhất.

Quy luật 6: Quy luật tin tưởng (đặt lòng tin vào thiện ý)

Lòng tin là mối dây linh cảm nối liền ta với vũ trụ. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta biết nhiều hơn những gì ta từng được nghe, được đọc và được học hỏi; rằng chúng ta cần phải biết quán xét, lắng nghe và tin tưởng vào lòng thương yêu và sự thông tuệ của vũ trụ nhất thể đang vận hành trong mỗi một người chúng ta.

Quy luật 7: Quy luật ước nguyện (Hướng niềm tin vào tương lai)

Năng lực đi theo sau tư tưởng. Chúng ta vươn tới chứ không vượt qua được những gì chúng ta có thể nghĩ đến. Những gì mà ta ước định, mong đợi hay tin tưởng, sẽ hình thành và tô điểm cho cuộc đời của chúng ta. Bằng cách phóng tầm nhìn về tương lai với một niềm tin mãnh liệt vào khả năng đạt được những điều kỳ vọng, chúng ta sẽ sáng tạo nên cuộc đời của chính mình.

Quy luật 8: quy luật thành tâm (sống thực với lòng mình)

Trung thực là sống và hành động theo đúng khả năng và nhận thức của mình, phù hợp với phán xét nội tâm, bất chấp mọi tác động bên ngoài cám dỗ ta làm những điều ngược lại. Với lòng trung thực, chúng ta nhìn nhận, tuân thủ và minh chứng cho sự hiện hữu của cái bản thể thông tuệ tiềm ẩn trong ta. Với lòng trung thực, chúng ta thuyết phục và cảm hoá lòng người không phải bằng những lời hùng biện mà bằng tấm gương hành động của chính mình.

Quy luật 9: Quy luật hành động (thực chứng cuộc đời mình)

Cho dù chúng ta có tài năng thiên bẩm đi nữa hay chúng ta có cảm nhận và học hỏi được điều gì đi nữa, chỉ có hành động mới có khả năng mang những sở đắc của ta vào trong đời thực. Con người thường dễ bị sa đà lạc bước trong đám rừng phù phiếm của những ngôn từ và khái niệm ước lệ. Hãy luôn nhớ rằng chúng ta chỉ có thể thực chứng được những gì chúng ta đã làm. Hành động là con đường duy nhất dẫn đến sự hiểu biết thực sự- thực chứng biến tri thức thành trí tuệ.

Quy luật 10: Quy luật tuần hoàn (bước theo vũ điệu thiên nhiên)

Thế giới tự nhiên vận hành tuần hoàn theo những nhịp điệu và khuôn mẫu đặc thù: bốn mùa chu chuyển-tinh tú xoay vòng, thuỷ triều lên xuống- con nước lơn ròng. Bốn mùa không hẹn mà tuần tự thay nhau, mây gió không thề mà sau trước đỡ đần. Muôn vật tiên trưởng, thịnh suy theo thời khắc riêng mình mà chẳng bao giờ sai nhịp. Sinh diệt nối theo nhau như ngàn sóng ngoài khơi, theo nhịp điệu đất trời.

Quy luật 11: Quy luật nhu thuận (đón nhận thiện ý đất trời)

Nhu thuận có nghĩa là rộng lòng đón nhận cái khoảnh khắc hiện tại, cái xác thân hiện tại và cuộc sống hiện tại. Nhu thuận là vâng theo tiếng gọi nội tâm, chọn lấy con đường sống thuận theo thiện ý của đất trời. Vượt hơn hẳn sự quy phục thụ động: nhu thuận là cách thức sử dụng những khó khăn thử thách trong đời như là phương tiện hữu ích để nâng cao tầm nhận thức và hoàn thiện bản ngã của mình.

Quy luật 12: Quy luật đại đồng (Nhớ mãi tình đời trong ta)

Chúng ta hiện diện trên quả đất như tạo vật riêng biệt với những định mệnh khác nhau. Nhưng cũng giốn như những giọt nước làm nên đại dương mênh mông, mỗi một chúng là một bộ phận của biển đời tuệ giác - thể linh thông đất trời. Hãy đi tìm yêu thương và an lạc nơi cái chân lý tối thượng: Tất cả chúng ta là một đại gia đình. Hãy gạt bỏ nỗi lo sợ, tỵ hiềm và thù hận, để bay lên bằng đôi cánh cảm thông, đi vào miền đất tình đời không bờ bến.

Trích từ sách “Những quy luật của tinh thần”, tác giả: Danmillman (Thanh Chân biên dịch).

 

 

Được tạo bởi Blogger.