VĂN HOÁ ĐỌC - GÓC NHÌN VỀ NHỮNG SAI LẦM
Trên chiếc tàu điện ngầm cũ kỹ, một cô gái ăn vận
bình thường, nhan sắc bình thường đang ngồi đọc một cuốn sách cũng bất bình thường.
Bên cạnh cô, một ông già trông chẳng có gì đặc biệt cũng đang đọc một cuốn sách
chẳng có gì đặc biệt. Chúng ta đang nói đến chuyện quái quỷ gì thế này? Bạn có
thể hỏi thế, với mật độ rõ ràng là rất thiếu kiên nhẫn.
Quả thật, nếu tất cả chỉ có thế thì thật là vớ vẩn.
Nhưng nếu bạn biết rằng chuyến tàu đó có 15 toa, mỗi toa có khoảng 50 người và
mỗi người đều đang đọc một cuốn sách nào đó giống như cô gái và ông già kia,
thì bạn sẽ thấy cả một khối lượng tri thức khổng lồ đang di chuyển dưới lòng đất.
Chuyện sẽ không còn là bình thường nữa nếu chúng ta tính đến tất cả những chuyến
tàu ngầm ở Moscow - bối cảnh cho ví dụ trên hoặc tất cả các phương tiện vận
chuyển trên thế giới này vào bất cứ khoảnh khắc nào trong một ngày.
Trên những chuyến tàu điện ngầm ở Nhật, bạn sẽ thấy
hình ảnh này thay vì cảnh tượng người dân chúi mặt vào màn hình điện thoại.
Văn hoá đọc lớn hơn những gì chúng ta thấy trên
tay cô gái bình thường hay ông già chẳng có gì đặc biệt kia rất nhiều.
Từ khi chữ viết ra đời, một mẩu giấy vụn cũng có
thể trở thành vô giá. Lịch sử tri thức nhân loại từng ghi nhận không ít những
tuyệt tác ra đời trên giấy lộn hoặc bên lề những trang viết nháp. Đó là bản
giao hưởng của Bach, bản thảo thơ của HenrickHeine, công thức toán của Evarit
Galois. Quá trình đọc của con người là một con đường dài đi từ những hang động
bên bờ sông Nile, nhũng thẻ tre trong Hoàng cung Bắc kinh đến những tấm biển quảng
cáo cỡ lớn trên quảng trường Time Squate và những tờ thực đơn trong một quán cà
phê ở ngay sát nhà bạn. Số chữ in ra mỗi ngày có lẽ nhiều hơn rất nhiều lần số
bụi trên thế giới này, để đáp ứng nhu cầu con người muốn đọc ở mọi nơi, mọi chốn.
Và với mỗi người, hành trình đọc lại khác nhau.
Với tôi, đó là một hành trình đi qua những bi kịch
của Kafka, những tuyệt vọng của A.Tolstoy, những thử nghiệm của Appolinaire, những
mơ mộng của Saint Exupery, những hoan lạc của Goethe, những ẩn ức của Matquez,
những trắc ẩn của Kundera. Với vợ tôi hành hình đó lại đi qua những suy luận của
Caonal Doyle, những tình tiết của Shidney Seldon (vĩnh biệt ông) những dẫn giải
của Agatha Christle, những nhân vật của Gtaham Chase và những huyền thoại mafia
của Mario Puzo. Với con gái tôi, đọc là hành trình lặp đi lặp lại nước mắt của
LọLem, giấc ngủ của Bạch Tuyết, nụ cười của cô bé quàng khăn đỏ, bộ quần áo của
nhà vua, chiếc đèn thần của Aladin, đôi cánh của thiên nga... Còn với đứa chị họ
của nó, trên thế giới này, đọc chỉ đơn thuần là một con đường độc đạo đi qua những
trang truyện tranh. Một câu chuyện là một cái ngã tư. Có ngã tư Thám tử Conan,
ngã tư Bảy Viên Ngọc Rồng, ngã tư Doremon...
Hồ sơ văn hoá đọc của con người đồ sộ và dày dặn
hơn tất cả các bảo tàng trên thế giới này cộng lại. Không thể nói văn học cổ điển
và kinh điển, tiểu thuyết best-sellet, cổ tích hay chuyện tranh, cái nào hơn
cái nào. Cũng không thể bó gọn văn hóa đọc trên giấy và những con chữ. (Thực tế
là con người còn đọc nhau qua ánh mắt, bờ môi, những cử chỉ của cơ thể, và cả
những sắc thái vô hình khác nữa). Thế nên, trong quan niệm của tôi, không có
chuyện khủng hoảng văn hóa đọc mà chỉ có sự khủng hoảng cái nhìn về văn hóa đọc.
Nói một cách nôm na hơn, vấn đề không phải là đọc
gì, mà đọc như thế nào? Và dưới đây là chín sai lầm trong văn hóa đọc của người
Việt.
1) Chúng ta
tích lũy tri thức qua việc đọc báo thay vì đọc sách
Và kết quả là tri thức của chúng ta bao gồm những
thứ được nhắc đến trong chuyên mục phóng sự xã hội, quốc tế hay tâm lý của báo
chí (Showgame và phim dã sử truyền hình cũng là một kênh, nhưng có lẽ xin bản ở
bài khác). Với một số người hiện đại hơn, tri thức nằm trong những trang báo điện
tử và các diễn đàn. Thông thái hơn nữa thì Wikipedia và Goodle hay Yahoo là những
ông thánh sống.
2) Chúng ta
đọc sách theo kiểu đọc báo
Và chúng ta chỉ mang máng nhớ là trong Chiến tranh
và hòa bình có một anh chàng tên là Andre đi đánh giặc, trong Hamlet có một câu
"Tồn tại hay không tồn tại”, trong Trăm năm cô đơn hình như có một đuôi lợn.
3) Chúng ta
rất lười ghi chép
Và nếu có ghi chép thì chúng ta cũng luời cả việc
đọc lại nó.
4) Chúng ta
đọc theo phong trào
Cứ sau mỗi mùa trao giải hoặc mỗi scandal nào đó,
là một cuốn sách được nhắc đến lại bán chạy như tôm tươi, dù trước đó cả tháng
trời chịu phận “cá thối". Đơn giản bởi rất ít người trong số chúng ta có
được định hướng đọc và kế hoạch đọc, cho mình.
5) Chúng ta
giả vờ đọc
Nghĩa là chúng ta chỉ mua sách, gáy càng đẹp, bìa
càng cứng càng tốt, để bày cho sang phòng chứ ít khi giở ra. Nếu có giở thì
cũng là để khoe chữ ký của nhà văn nổi tiếng để tặng chủ nhân trong đó. Ngày
xưa NguyễnTuân từng sốt sắng tả cái cảm giác mua sách về rồi nắn nót cầu kỳ đọc
từng trang, sờ cái lề giấy… Bây giờ, điều đó là xa xỉ khi vô số cuốn sách xén lỗi
chẳng bao giờ bị lo phát hiện vì nhiều người đâu có giở chúng ra lần nào.
6) Nếu đọc,
chúng ta sẽ đạo
Rất nhiều khi chúng ta đương nhiên coi những gì
chúng ta đọc được là của mình. Và chúng ta nhại lại như thể chúng ta viết ra
nó.
7) Chúng ta
thiếu sự hoài nghi
Thường thì sách báo nói thế nào, chúng ta tin như
vậy. Rất ít khi chúng ta thử dừng lại, nhìn lại vấn đề theo quan điểm riêng.
Trong khi nghi ngờ sách là một thái độ đáng tôn trọng không kém gì tôn sùng
sách.
8) Chúng ta
dễ dãi với những sai sót
Ngày trước, kèm theo mỗi cuốn sách xuất bản thường
có một tờ đính chính. Nhưng đính chính đó đôi khi chỉ là lỗi chính tả tên riêng...
Mẩu giấy nhỏ nhưng hàm chứa một ý thức lớn của người làm sách. Bây giờ, công
nghệ hiện đại hơn, in ấn rẻ hơn, nhưng những mẩu giấy đính chính lại gần như thất
truyền mặc dù lỗi in rõ ràng là nhiều hơn. Cả ý thức của người làm sách lẫn người
đọc sách đều kém hơn trước.
9) Chúng ta
chỉ đọc những gì mình thích
Điều đó không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta
có thể đọc cả những điều mình không thích, nhưng cần. Bởi đọc không chỉ là để
giải trí. Đọc cần phải có mục đích, và rất nhiều sự kiên nhẫn.
Hy vọng sự kiên nhẫn của bạn đọc vẫn đi cùng với
tôi đến những dòng chữ này.
-ST-