HIỂU VỀ CÁ TÍNH - BẢN NGÃ - CÁ NHÂN - CÁI TA
Xin thầy hãy làm rõ ràng các khái niệm về cá tính,
bản ngã, cá nhân và cái ta.
Câu hỏi này là từ Prem Divya.
Cá tính và bản ngã là hai mặt của cùng một đồng tiền,
cũng như cá nhân và cái ta là hai mặt của cùng một đồng tiền. Cá tính có một
trung tâm – trung tâm đó được gọi là bản ngã. Bởi vì bản thân cá tính là giả,
trung tâm cũng là giả, bởi vì chu vi giả không thể có trung tâm thực được và
trung tâm thực không thể có chu vi giả được.
Cá tính là không thực. Cá tính là cái bạn giả vờ
là có đấy, nhưng bạn lại không có đấy. Cá tính là cái bạn phô bày ra, nhưng bạn
lại không có. Cá tính là trưng bày của bạn, không phải là thực tại của bạn. Cá
tính là cái bạn tạo ra xung quanh mình – hư cấu để lừa dối – nhưng bạn không
có. Cá tính này có một trung tâm giả, giả cũng như bản thân nó. Trung tâm giả
đó là bản ngã. Khi bạn vứt bỏ cá tính, bản ngã biến mất. Hay khi bạn vứt bỏ bản
ngã và cá tính sụp đổ xuống đất, xuống cát bụi.
Nhớ lấy đừng giả vờ là cái bạn không có, bằng
không bạn sẽ không bao giờ có khả năng vứt bỏ bản ngã. Thế thì bạn cứ nuôi dưỡng
bản ngã. Đừng bao giờ cố gắng nhìn theo bất kì cách nào khác hơn bạn đang đấy.
Bằng bất kì giá nào, cứ đúng với bản thân mình. Đừng cố gắng trang điểm nó, che
phủ nó theo phong tục, qui ước, cả nghìn lẻ một cái giả tạo. Trần trụi như bạn
đang đấy. Để cho mọi người cảm thấy nhịp đập thực của bạn, và bạn sẽ không bị
lúng lúng.
Lúc ban đầu bạn có thể thấy rằng bạn đang lâm vào
rắc rối, nhưng chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy rằng bạn chưa bao giờ lúng túng cả. Với
cái thực không ai đã bao giờ mất. Với cái không thực bạn chỉ nghĩ là bạn được,
mà bạn cứ mất hoài. Đó là cách nhiều người phá huỷ toàn bộ cuộc sống của mình –
bằng việc không thực – và thế rồi họ nói rằng họ không hạnh phúc. Làm sao người
không thực có thể hạnh phúc được?
Cứ dường như bạn đã đặt đá vào đất thay vì đặt hạt
mầm và bạn chờ đợi, bạn đợi cho chúng nẩy mầm và nở hoa và rót đầy cuộc sống của
bạn bằng hoa và quả. Điều đó là không thể được – những hòn đá đó không thể mọc
lên được. Những hòn đá đó không phải là hạt mầm của cái gì đó, chúng không có
tiềm năng nào. Chúng có thể giống như hạt mầm, bạn có thể đã tô mầu chúng theo
cách nào đó, bạn có thể đã tô vẽ chúng theo cách chúng trông giống hạt mầm,
nhưng chúng không phải là hạt mầm, chúng không thể mọc lên được.
Bản ngã không thể trưởng thành. Nó chết, một thực
thể giả. Nó không sống. Bạn có thể cứ sống cùng nó mãi, nhưng cả đời bạn sẽ trở
thành giống như sa mạc… trống rỗng. Không hoàn thành, không mãn nguyện, không
phúc lạc nào đã bao giờ gõ cửa nhà bạn.
Bạn có thể chờ đợi vĩnh hằng, chẳng ai sẽ tới. Bởi
vì ngay lúc ban đầu bạn đã bỏ lỡ cái gì đó – cái gì đó rất bản chất và cơ sở.
Chỉ bạn mới có thể trưởng thành, không phải là cái giả.
Tôi đã nói cho bạn từ ‘cá tính-personality’ bắt
nguồn từ ‘persona’. Nếu bạn có mặt nạ, mặt nạ đó sẽ không phát triển. Bạn sẽ
phát triển. Bạn có thể đeo mặt nạ lên mặt mình khi bạn là đứa trẻ, bây giờ bạn
có thể là thanh niên – nhưng mặt nạ sẽ vẫn còn như cũ… thứ cũ rích bẩn thỉu, mục
nát. Nó đơn giản sẽ mục nát, nó không thể phát triển được. Bạn sẽ phát triển đằng
sau nó, và nó sẽ cho bạn nhiều đau đớn bởi vì nó sẽ là hạn chế. Nó không thể
phát triển được và bạn đang phát triển. Cứ dường như bạn vẫn đang mặc quần áo
trẻ con của mình. Bạn lớn lên và những quần áo đó không lớn lên, cho nên chúng
đã trở thành tù túng. Chúng không cho bạn tự do, chúng giới hạn bạn, chúng ép bạn.
Bạn liên tục cảm thấy sức ép, căng thẳng, phiền não.
Bạn có thể thử điều đó. Bạn có thể đi đôi giầy nhỏ
hơn chân bạn, rồi bước đi – và bạn sẽ biết điều gì xảy ra cho hàng triệu người.
Cá tính của họ quá nhỏ và bản thể họ đang phát triển. Thử đi đôi giầy nhỏ hơn
hai số mà xem…
Một hôm tôi ngồi cùng với Mulla Nasruddin. Anh ấy
nhìn vào người đàn bà và nói, ‘Cô này đang cố gắng làm điều không thể được.’
Tôi nói, ‘Anh ngụ ý gì?’
Anh ta nói, ‘Cô ấy đi giầy hai inch quá nhỏ.’
Tôi hỏi, ‘Làm sao anh biết được?’
Anh ta nói, ‘Tôi biết bởi vì cô ấy là vợ tôi. Nhìn
mặt cô ấy mà xem – đau đớn thế, khổ thế.’
Nhìn mặt mọi người mà xem – đau đớn và khổ sở của
họ được viết lên rõ ràng thế. Họ đang phát ra không cái gì khác hơn khổ sở và
đau đớn của họ. Và vấn đề là họ đang đeo mặt nạ chết, cá tính, cái không thể
phát triển cùng họ được. Tất nhiên nó bao giờ cũng tụt lại sau. Nó không thể
phát triển được. Họ đang phát triển liên tục còn nó trở thành trọng lượng chết.
Nhớ lấy, với cái giả bạn sẽ bị nghiền nát. Đừng
bao giờ đồng hành cùng với cái giả. Nếu bạn thực sự muốn trưởng thành vào bản
thể nở hoa, nếu bạn thực sự muốn cho bản thể mình được tự do, đừng bao giờ đồng
hành cùng cái giả. Là thật đi, bằng bất kì giá nào. Tôi nhắc lại: ngay từ đầu
dường như là những thứ giả vờ là rất tốt. Chúng không phải vậy. Tâm trí bạn
đang lừa bạn đấy.
Và nếu bạn cố gắng giữ đồng hành cùng cái thật, bản
ngã sẽ biến mất theo cách riêng của nó. Bằng không nó cứ tìm ra những cách mới,
phương pháp mới để nuôi dưỡng nó.
Mọi người đã trở thành giả tới mức bạn không thể
tưởng tượng nổi. Tôi đã đọc một giai thoại:
Sadie Perlmutter được gửi tới một trường cuối cấp
đắt nhất, tốt nhất ở New York. Ở đó cô ta học mọi điều để biết về xã giao. Mặc
dù tốn kém, mẹ cô ấy rất tự hào về cô. Thế rồi một đêm tối Sadie loạng choạng
vào căn hộ Park Avenue của họ với quần áo bị xé rách toạc hết. ‘Con bị hiếp ở
Central Park South,’ Sadie nức nở.
‘Con có biết ai đã làm điều đó không?’
‘Không, con không biết.’
‘Con ngụ ý, sau tất cả những xã giao con đã học mà
còn thậm chí không hỏi được, “Tôi đang có vui thú với ai đây?”‘
Mọi người cứ giữ tính xã giao, thói kiểu cách, những
cái giả dối, những giả vờ của mình, ngay cả trong những tình huống không thể
nào hình dung nổi.
Tôi biết một người có nhà bị cháy, nhưng điều đầu
tiên người đó làm khi chạy ra ngoài ngôi nhà là thắt lại cà vạt. Nhà đang cháy
còn người đó không thể chạy ra khỏi nhà mà không có cà vạt. Cá tính trở thành
việc níu bám thế vào bạn và bạn trở nên níu bám thế vào nó.
Tôi nghe nói về một giáo sư lớn, lịch sự tới mức
ngay cả khi ông ấy giận ông ấy cũng lịch sự – ngay cả trong việc bày tỏ sự giận
dữ của mình. Một hôm ông ấy giận một sinh viên tới mức ông ấy sôi lên, và ông ấy
nói, ‘Xin hãy xuống địa ngục!’… Xin hãy xuống địa ngục sao?
Quan sát bản thân bạn đi. Cá tính là cha của bản
ngã. Nếu bạn vứt bỏ cá tính thì bạn sẽ thấy bản ngã chết đi theo cách riêng của
nó.
Tôi đã nghe:
Một bà già tới thăm một phòng tranh trưng bày các
bức tranh trừu tượng và hỏi người phục vụ, ‘Cái kia là cái gì thế?’
‘Đấy là hoạ sĩ ạ, thưa bà.’
‘Thế cái kia?’
‘Vợ hoạ sĩ ạ, thưa bà.’ Người phục vụ có chút ít bực
mình.
‘Được,’ bà ấy bình luận, ‘tôi hi vọng họ không lên
kế hoạch có con nào.’
Bản ngã là con của cá tính. Nhiều người muốn vứt bỏ
bản ngã, nhưng họ không hiểu mối nối bên trong. Họ muốn bỏ bản ngã bởi vì nó
gây ra nhiều khổ quá. Nó liên tục gây đau đớn, nó giống như vết thương. Nó chưa
bao giờ cho phép bạn nghỉ ngơi gì, nó bao giờ cũng giữ bạn bất ổn. Nó là bệnh tật.
Nhiều người dần dần bắt đầu cảm thấy rằng tốt hơn cả là họ có thể gạt bỏ bản
ngã đi, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ rằng nó là con của cá tính. Nếu bạn muốn bỏ
bản ngã, bạn phải bỏ cá tính của mình.
Đó là lí do tại sao Phật lại rời bỏ cung điện – bởi
vì không thể nào bỏ được cá tính và vẫn là hoàng tử. Mahavira đã trở nên trần
trụi, ông ấy đã bỏ ngay cả quần áo của mình – ông ấy là một trong những người
dũng cảm nhất mà thế giới đã từng biết tới – bởi vì ông ấy đã đi tới nhận ra rằng
ngay cả quần áo cũng không dành cho thân thể; chúng chỉ là một phần của kiểu
cách xã hội, chỉ là một phần của xã giao xã hội. Tất nhiên ông ấy đã khổ vì điều
đó. Ông ấy đã bị đuổi khỏi thị trấn – mọi người hay ném đá vào ông ấy. Họ coi
ông ấy đã phát rồ. Ông ấy đã khổ vì điều đó, nhưng thành tựu của ông ấy lại là
vô cùng từ điều đó.
Dần dần cá tính của ông ấy hoàn toàn bị xói mòn,
biến mất. Khi cá tính biến mất, khi tất cả những điều ông ấy đã học từ xã hội đều
bị vứt bỏ đi – mọi giả dối, mọi thủ đoạn phô trương, mọi sự ích kỉ – bỗng nhiên
ông ấy thấy rằng bản ngã cũng đã biến mất.
Ông ấy bỏ cung điện, cung điện của cha ông ấy, ông
ấy đã bỏ quần áo, và ông ấy bỏ ngôn ngữ nữa: trong mười hai năm ông ấy đã không
nói một lời. Logic của ông ấy tuyệt đối đúng đắn, bởi vì trong chính ngôn ngữ của
chúng ta cá tính của chúng ta đã đi vào. Cách bạn nói, cách bạn dùng từ, có thể
là một phần của cá tính của bạn.
Bạn có thể thấy điều đó. Nếu một người tới từ một
làng bạn có thể thấy qua ngôn ngữ của người đó rằng người đó là một dân làng. Nếu
một người tới từ một giai đình rất giầu, gia đình có văn hoá, bạn có thể thấy
qua ngôn ngữ của người đó rằng người đó xuất thân từ một gia đình có văn hoá –
và tất nhiên Mahavira là hoàng tử. Trong chính ngôn ngữ cá tính đi vào – trong
cách diễn đạt của bạn; trong điệu bộ của bạn.
Mahavira trong mười hai năm hoàn toàn bỏ mọi thứ.
Ông ấy là người bỏ hoàn hảo. Ngôn ngữ, quần áo, xã hội, an ninh, mọi thứ ông ấy
đều bỏ. Thế rồi dần dần hồn nhiên của ông ấy nổi lên bề mặt; tất cả các tầng của
cá tính đều bị bỏ, bản ngã biến mất.
Nhớ lấy, bản ngã rất thủ đoạn. Nó rất tinh vi,
cách thức của nó là rất tinh vi. Bạn bỏ nó từ phía này, nó tới từ phía khác. Chừng
nào bạn còn chưa trở thành rất, rất tỉnh táo về cách nó phát sinh, cách nó nuôi
dưỡng…
Divya là nhà trị liệu nguyên thuỷ, cô ấy sẽ thích
giai thoại này.
Ba nhà trị liệu nguyên thuỷ đang đứng ở góc phố
tranh cãi về ai trong số họ có trí nhớ tốt nhất, ai có thể nhớ được xa nhất.
‘Này các cậu,’ người thứ nhất ba hoa, ‘tớ có thể
nhớ được mẹ tớ đẩy xe chở tớ đi dọc phố 125, biết không?’
‘Thế chưa là gì nhé,’ anh chàng thứ hai chế giễu.
‘Tớ có thể nhớ lại cái ngày tớ được sinh ra và bác sĩ đét đít tớ.’
‘Cậu có thể nhớ thế à, chàng công tử?’ người thứ
ba thách thức. ‘Tớ có thể nhớ được cái đêm tớ đi dự tiệc với bố tớ và tớ về nhà
với mẹ tới.’
Bản ngã có thể tìm ra thức ăn từ bất kì đâu. Bất
kì trò chơi nào, tôi cũng nhất. Bất kì trò chơi nào – cái tên của trò chơi có
thể là khiêm tốn, nhưng tôi là người khiêm tốn nhất. Cái tên có thể khác. Bao
giờ cũng nhớ lấy rằng bất kì khi nào bạn bắt đầu cảm thấy rằng bạn là nhất – có
thể đấy là khiêm tốn, cũng chẳng tạo ra khác biệt gì; có thể đấy là vô bản ngã,
cũng chẳng tạo ra khác biệt gì – nếu bạn cho rằng bạn là người vô ngã nhất trên
thế giới thì bạn lại vào trong cùng cái bẫy mà thôi.
Bản ngã sống theo đòi hỏi. Bản ngã mang tính cạnh
tranh và cá tính cứ nuôi dưỡng nó bằng những cách tinh tế. Cá tính là chu vi của
việc giả vờ của bạn, của phô diễn của bạn, của lừa dối của bạn, và bản ngã là
trung tâm. Chúng đi cùng nhau, chúng vẫn còn với nhau.
Bây giờ tới cặp thứ hai: cá nhân và cái ta. Cá
nhân là chu vi, cái ta là trung tâm. Chúng thực hơn là cá tính và bản ngã,
chúng thực hơn là cặp thứ nhất, nhưng dầu vậy vẫn không phải là cái thực tối
thượng.
Khi cá tính bị vứt bỏ, bạn trở thành cá nhân. Khi
bạn trở thành cá nhân thế thì cảm giác về cái ta nảy sinh – ‘Tôi đây.’ Nó không
có đòi hỏi, nó không ganh đua. Cái ta không ganh đua: nó không nói rằng tôi giỏi
hơn hay kém hơn, rằng tôi ở trước hay ở xa đằng sau. Nó không so sánh, nó không
có tính so sánh. Nó đơn giản nói ‘tôi đây’. Nó không mang quan hệ với người
khác. Cá nhân là cách diễn đạt đơn giản của bất kì ai bạn đang là, và cảm giác
sâu sắc về ‘tôi đây’.
Nhưng Phật hay Jesus thậm chí không thể được gọi
là cá nhân bởi vì họ đi xa thêm chút ít, nơi mà thậm chí cảm giác về cái ta
cũng biến mất.
Bản ngã mang tính so sánh, rất ốm yếu; cái ta có
chút ít mạnh khoẻ hơn, không ốm yếu như vậy – nó không có so sánh với bất kì ai
– nhưng dầu vậy chính ý tưởng rằng ‘tôi đây’ lại phân chia, tách bạch với đơn vị
toàn thể. Cách thức của Jesus là: ‘Cha ta và ta là một.’ Đó là cách thức của
ông ấy để nói, ‘Ta không là cái ta, cha ta là bản thân ta.’ Bạn có thể dịch nó
rõ hơn nếu bạn nói rằng trung tâm của cái toàn thể là trung tâm của tôi; thế
thì ngôn ngữ trở nên khoa học hơn.
Phật thậm chí còn sắc bén hơn. Ông ấy sẽ không
dùng bất kì cách diễn đạt mờ nhạt nào. Ông ấy đơn giản nói, ‘ta không có.’ Bởi
vì nguy hiểm là – khi nói rằng ta là thượng đế, hay thượng đế là trung tâm của
ta – nguy hiểm là ở chỗ cái ‘tôi’ có thể lại đi vào từ cửa sau. Phật nói, ‘ta
không có.’ Ông ấy đơn giản cứ chặt đi từng mảnh của chính hiện tượng cái ‘tôi’,
và đi tới điểm chẳng còn lại cái gì. Cũng như vật chất biến mất trong tay của
nhà vật lí, cái ta biến mất trong tay của Phật.
Tôi đã nghe:
Một hôm một con voi đi dạo qua khu rừng rậm. Nó cảm
thấy đang cực kì sảng khoái, sẵn sàng thách thức cả thế giới. Khi nó đang bước
đi thì nó gặp một con sư tử. Nó vươn ngực, gầm rú và nói, ‘Sao mày không to như
tao?’
‘Tôi không biết,’ sư tử hổn hển nói, rồi lủi mất.
Tiếp đó voi gặp linh cẩu. Nó ưỡn ngực ra và hỏi,
‘Sao mày không to như tao?’
‘Tôi không biết,’ con linh cẩu nói và nó cũng lủi
mất.
Thế rồi voi gặp một con chuột nhỏ đáng thương với
cái mũi chảy nước và đôi mắt hồng.
‘ Sao mày lại không to như tao?’ nó rống lên.
Con chuột nhìn nó và nói, ‘Tôi mới bị ốm gần đây.’
Mọi người, ngay cả chuột, cũng có bản ngã riêng của
nó. Mọi người, ngay cả người tôn giáo, cũng có bản ngã riêng của mình. Ngay cả
khi tuyên bố, ‘Tôi chỉ là hạt bụi dưới chân ông thôi,’ thì bạn cũng đang thu thập
bản ngã đấy.
Bản ngã và cá tính phải bị vứt bỏ, thế thì bạn sẽ
thấy tính cá nhân nảy sinh… cảm giác về tính duy nhất. Vâng, bạn là duy nhất. Mọi
người khác cũng là duy nhất. Trong thế giới này chỉ những người duy nhất tồn tại,
cho nên so sánh là ngu xuẩn, bởi vì một mình bạn mới giống bản thân mình thôi.
Không có ai như bạn cả, cho nên làm sao mà so sánh được?
So sánh là có thể nếu có nhiều người giống nhau,
tương tự nhau, nhưng sự tồn tại này lại cực kì sáng tạo thế, sáng tạo độc đáo
thế, nó không bao giờ lặp lại. Nó không tin vào bản sao. Nó làm cho mọi người
thành cá nhân, duy nhất. Khi cá tính bị vứt bỏ thì bạn bỗng nhiên cảm thấy mình
là duy nhất – nhưng nhớ lấy, bạn cũng cảm thấy mọi người khác là duy nhất. Tính
duy nhất là phẩm chất chung của tất cả, không có gì phải khoe khoang về nó cả.
Nó là phẩm chất phổ biến của mọi sinh linh.
Với tính cá nhân bạn có một trung tâm tinh tế của
cảm giác – ‘tôi đây’. Phật đi xa ra ngoài điều đó. Mahavira, Krishna, Jesus, họ
không nói gì ra ngoài điều này. Có thể họ nghĩ không thể nói được cái bên ngoài
– họ mắc vào tính cá nhân và cảm giác về cái ‘tôi đây’. Nhưng Phật đi tới tận
cùng của logic của mình. Ông ấy nói cá tính đã bị vứt bỏ, bây giờ vứt bỏ nốt
tính cá nhân này đi. Bản ngã đã bị vứt bỏ, bây giờ vứt nốt cái ‘tôi đây’ này
đi, cái tính chất tôi này nữa.
Thế thì chẳng còn lại cái gì cả, thế thì chỉ cái
không là còn lại, và trong trống rỗng đó bạn trở thành trong trắng, không nhiễm
bẩn. Cái trống rỗng không thể bị nhiễm bẩn. Bản thể hiện hữu, nhưng không có cảm
giác về ‘tôi đây’.
Bạn chưa bao giờ đi tới khoảnh khắc nào đó khi bạn
hiện hữu, bạn cực kì hiện hữu, nhưng dầu vậy không có cảm giác về ‘tôi đây’
sao? Đó là những khoảnh khắc vĩ đại, duyên dáng. Chúng xảy ra cho mọi người. Bạn
có thể không để ý, bạn có thể đã không chấp nhận chúng, bạn có thể không nhớ
chúng, bạn có thể đã bác bỏ chúng bởi vì chúng dường như lạ lùng thế. Chúng
không khớp với cuộc sống của bạn – với cuộc sống của bản ngã và cá tính. Chúng
không khớp. Chúng không nhất quán với cách sống thường lệ của bạn, cho nên bạn
vứt bỏ chúng, bạn quên chúng. Bạn nghĩ rằng chúng có thể chỉ là tưởng tượng,
mơ.
Nhưng với mọi người những khoảnh khắc đó đều tới.
Tôi chưa bắt gặp một người nào bằng cách này cách khác, trong khoảnh khắc này
khác, đã cảm thấy bản thân mình cực kì ở đó và vậy mà lại không cảm thấy cái
‘tôi’. Đó là những khoảnh khắc mà bạn cảm thấy cái đẹp, khi bạn cảm thấy yêu,
khi bạn cảm thấy ngạc nhiên.
Nhìn lên các vì sao vào ban đêm bỗng nhiên cái gì
đó biến mất, bỗng nhiên trống rỗng nảy sinh trong bạn… trong trắng, không vấy bẩn,
không ô nhiễm bởi xã hội, văn hoá, văn minh, tôn giáo, kinh sách, truyền thống.
Bạn lại thuần khiết, hồn nhiên. Bạn hiện hữu. Thực tế, lần đầu tiên bạn là thực
chất nhưng không có ‘tôi’ ở đâu cả. Có bầu trời trống rỗng và các vì sao lấp
lánh, và bạn ở đây – trống rỗng – và sao phản chiếu. Hai bầu trời, cả hai đều
trống rỗng, gặp gỡ.
Đây là những khoảnh khắc tôn giáo – khoảnh khắc của
cầu nguyện, cái đẹp, ngạc nhiên, kính nể. Chúng xảy tới với mọi người. Đôi khi
làm tình, bỗng nhiên bạn không có đó và dầu vậy bạn vẫn hiện hữu. Đây là ngược
đời. Lần đầu tiên bạn là rất, rất thực, tuyệt đối thực, và vậy mà không trọng
lượng của bản ngã, không cảm giác về cái ‘tôi’. Làm tình, đôi khi bạn đơn giản
là năng lượng thuần khiết.
Kinh nghiệm về cực lạc là rất tự nhiên cho tình
yêu – nếu bạn sẵn sàng đánh mất bản thân mình trong nó. Nếu bạn vẫn tiếp tục kiểm
soát, bạn vẫn còn trong bản ngã, thế thì bạn bỏ lỡ chính cánh cửa mà tình yêu mở
ra. Bạn bỏ lỡ cực thích. Cực thích là cánh cửa tới cái vô hạn. Nó là điểm để bản
ngã của bạn bay hơi, tan chảy, biến mất. Nhưng nếu bạn cứ kiểm soát…. Sự không
may này đã xảy ra trên khắp thế giới – bạn cứ kiểm soát.
Và bây giờ, đặc biệt ở phương Tây, mọi người đã trở
thành người thao tác quá nhiều. Đàn ông cứ nghĩ liệu mình có đang làm tình hoàn
hảo hay không, liệu mình có đang làm tình theo đúng như các chuyên gia nói hay
không – các thầy và Johnson và những người khác – liệu mình có theo đúng các
báo cáo của Kinsey hay không – và anh ta cố gắng, làm đủ mọi nỗ lực để thoả mãn
đàn bà. Và đàn bà đang cố gắng thoả mãn đàn ông. Và cả hai đang bỏ lỡ bởi vì cả
hai quá nhiều trong bản ngã.
Đàn bà đang cố gắng thoả mãn người đàn ông của
mình như không người đàn bà nào có thể thoả mãn được; đàn ông đang cố gắng thoả
mãn người đàn bà của mình như không người đàn ông nào có thể thoả mãn được. Cả
hai đều ích kỉ và cả hai vẫn còn không được thoả mãn. Bởi vì việc thoả mãn chỉ
tới khi không ai cố gắng thoả mãn cho bất kì ai; khi mọi người đơn giản biến mất
và trong cái mơ hồ đó, sự liên kết đó, nơi cá tính không còn tách biệt nữa, nơi
mọi thứ chờm lên nhau, nơi người ta không bao giờ biết ai là ai.
Đàn ông cứ liên tục là đàn ông, đàn bà cứ liên tục
là đàn bà – thế thì bạn bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi mà tình yêu làm thành sẵn có. Bạn
vẫn còn đóng cánh cửa đó. Cánh cửa mở và đóng, nhưng bạn không thể đi vào trong
nó được. Bạn dính líu vào đâu đó khác, với những thứ nhỏ bé, tầm thường.
Trong làm tình sâu sắc bạn có thể đạt tới những thoáng
nhìn đầu tiên về samadhi – hay trong âm nhạc, hay trong nhảy múa, hay nhìn vào
mặt trời lặn, hay chỉ ngồi im lặng không làm gì cả.
Nhưng nhớ lấy, bất kì khi nào bạn là người làm thì
bạn đang bỏ lỡ đấy, bởi vì người làm mang theo bản ngã của mình. Người làm là bản
ngã.
Bất kì khi nào bạn không là người làm đều có khả
năng bạn có thể lọt vào cùng hàng với cái toàn thể, bạn có thể rơi vào hài hoà
với cái toàn thể – điều Phật gọi là đạo, là pháp. Bạn sẽ trở thành một với
pháp, và bỗng nhiên có sự xô lại của phúc lạc – nó mưa xuống khắp xung quanh,
toàn thể bản thể bạn trở nên được bão hoà với phúc lành mới mà bạn chưa từng biết
tới trước đây.
Cá tính phải ra đi. Cùng với cá tính bản ngã cũng
ra đi. Thế rồi cá nhân cũng phải ra đi, và cùng với cá nhân là cái ta ra đi. Thế
thì cái không là còn lại và bạn ở nhà. Mất đi – bạn đã đã về tới.
Một trong những cái tên của Phật là Như Lai –
Tathagata. Nó có nghĩa là ‘người đã đến rất tài, đã biến mất rất tài’. Gata
nghĩa là đã đi qua. Cái tên khác của Phật là Diệt Độ – Sugata – đã qua hẳn rồi,
người đã đi qua giỏi tới mức bạn không thể tìm thấy dấu vết còn lại đằng sau…
chẳng cái gì còn lại, chỉ sự hồn nhiên thuần khiết. Trở thành một diệt độ đi,
trở thành một như lai đi. Cho phép bản thân mình bay hơi và biến mất. Chỉ thế
thì bạn mới thấy mình là ai.
Bạn không là bạn đâu. Chính cái cảm giác của bạn về
‘tôi’ là hạn chế, tù túng, giam cầm, cái lồng. Khi cái lồng biến mất, toàn thể
bầu trời là của bạn; ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn của bạn. Bạn
chứa bầu trời trong bản thể bên trong của mình. Bạn còn bao la hơn bầu trời, lớn
hơn không gian.
Theo
Getup