HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

CẢ ĐỜI TRUY CẦU RỐT CUỘC VÌ ĐIỀU GÌ

“Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì chúng ta phải truy cầu nhiều thứ để rồi đánh mất niềm vui và hạnh phúc vốn có?

Ở một làng chài bên bờ biển có hai người đàn ông làm nghề đánh cá. Hàng ngày hai người đều rất tập trung vào công việc của mình. Nhưng một người thì cực kỳ chăm chỉ, ngày nào cũng làm từ mờ sáng đến tối muộn mới trở về nhà, quanh năm không lúc nào được nghỉ ngơi.

Còn người kia thì chỉ làm đến hết chiều là trở về nhà ăn cơm vui vẻ cùng gia đình. Khi nào đánh được nhiều cá thì ông dành thời gian còn lại nằm dài trên bờ biển phơi nắng, nghỉ ngơi nghe tiếng sóng vỗ hoặc cùng gia đình làm tiệc vui chơi với bà con bè bạn.

Một ngày, người đánh cá chăm chỉ kia được người đánh cá còn lại hỏi rằng:

– Vì sao mà ngày nào anh cũng bận rộn từ sáng đến đêm như vậy?

– Tôi muốn đánh được nhiều cá, bán lấy tiền để tích góp mua thuyền.

– Vậy mua thuyền xong thì anh sẽ làm gì?

Người chăm chỉ nhìn xa xa ra biển rồi trả lời:

– Tôi sẽ đánh nhiều cá hơn, kiếm được nhiều tiền để mua chiếc thuyền lớn hơn nữa.

– Có thuyền lớn hơn rồi thì anh sẽ làm gì tiếp?

– Tôi sẽ mua thuyền lớn hơn nữa, thuê người ra khơi đánh thật nhiều cá, tích cóp tiền lập công ty, gửi ngân hàng… Sau đó tôi sẽ nghỉ ngơi không đi đánh bắt cá nữa, mỗi ngày quây quần vui chơi bên gia đình, bạn bè, nằm dài trên bờ biển thư giãn nghe tiếng sóng vỗ.

Người chăm chỉ vừa nghĩ về tương lai tươi sáng vừa tự đắc trả lời.

Người kia nói: “Anh xem! Tôi hiện tại tôi chẳng phải vẫn được vui chơi mỗi ngày bên gia đình, bạn bè, nghỉ ngơi thư giãn trên bờ biển đấy sao!”.

Người chăm chỉ nghe xong, trầm ngâm suy nghĩ mà không nói thêm được lời nào.

 

 

Người chăm chỉ đánh cá, bận rộn đầu tắt mặt tối cả đời cuối cùng cũng là mong muốn được vui vẻ bên gia đình, nằm trên bờ cát hưởng thụ ánh nắng mặt trời và nghe tiếng sóng biển. Người làm việc ít hơn thế nhưng trong cuộc sống hàng ngày đã có được điều mà người cần mẫn kia mong muốn. Người cần cù kia, phải chăng đang sống một cuộc sống có chút mù quáng? Một chút thật đáng thương?

Cuộc sống hiện đại ngày nay, vật chất vô cùng phong phú, điều gì cũng có. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều người vẫn đang chìm đắm trong xa hoa trụy lạc, lệ thuộc vào vật chất mà không nhận ra. Không ít người vì xe cộ, nhà cửa, sắc đẹp, tình dục, tiền bạc, quyền thế mà đã trở thành nô lệ cho đồng tiền từ bao giờ.

Cuộc đời của một người bình thường nói chung là luôn truy cầu. Dẫu là người giàu hay nghèo đều không thể thoát khỏi điều này. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến vợ của người đánh cá trong câu chuyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Khi đã được cái máng ăn, bà lại cầu một căn nhà gỗ. Khi được căn nhà gỗ rồi, bà lại cầu một cung điện. Khi đã được rồi, bà lại cầu mình trở thành vua của biển cả để điều khiển cá vàng.

Người ta vẫn luôn truy cầu bất tận như vậy trong đời. Để rồi khi liên tục bành trướng dục vọng của mình, cái kết mà người vợ ông lão đánh cá nhận lại là… cái máng lợn, mọi thứ lại trở về số 0 tròn trĩnh.

Câu chuyện nói với chúng ta rằng truy cầu của con người trên thế gian này thật là vô nghĩa, chỉ như một giấc mộng vậy. Tất cả những gì có được chỉ là tạm thời, và cuối cùng, mọi thứ đều trở về với hư không. Con người sống truy cầu danh lợi vốn là để tương lai được hạnh phúc, vui vẻ, nhưng rất nhiều người vì thế mà lại đánh đi mất niềm vui, niềm hạnh phúc vốn có hiện tại. Đây đúng là cái vòng luẩn quẩn của nhân sinh.

Suy cho cùng: “Cao ốc ngàn gian, thì đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì chúng ta phải truy cầu lắm thứ như thế? Huống chi, tiền dù nhiều đến mấy, chức vị cao đến đâu đi nữa cuối cùng đến lúc sinh mệnh lìa đời thì đâu còn ý nghĩa gì?

Con người thường cố gắng làm việc, kiếm tiền cả đời nhưng đến gần cuối cuộc đời lại mong có được sự an nhàn, hưởng thụ. Chúng ta cứ mãi tìm kiếm sự bình yên bên ngoài mà quên đi mất đó là điều mà ai cũng có thể đạt được từ trong tâm. Chỉ cần buông tâm mình xuống, truy cầu ít hơn, mục tiêu nhỏ hơn, ràng buộc ít hơn, thì chẳng phải hạnh phúc đang nằm trong tay rồi đó sao?

-ST-

Được tạo bởi Blogger.