GIẢNG CHÚ ĐẠI BI (NGÀY THỨ 21)
80. Ta bà ha
Bồ tát Quán Tự Tại đã thành tựu tất cả mọi công đức.
Ta bà ha có nghĩa là thành tựu công đức vô lượng vô biên.
81. Án tất điện đô
Nay phần kinh văn của thần chú đã được tụng rồi.
Tiếp theo là phần chân ngôn. Thông thường có chữ Án luôn luôn dẫn đầu cho phần
chân ngôn này. Nên chữ Án mang ý nghĩa “dẫn sinh nghĩa”.
Tất nghĩa là “thành tựu”.
Điện đô. Hán dịch là “ngã giới” là đạo tràng, lãnh
thổ, cương vực của mình đã được kiết giới thành tựu. Phạm vi kiết đại giới là
800 do tuần (yojanas) và trung giới là 600 do tuần. Trong phạm vi đã được kiết
giới này, hành giả thường được an lạc và yên tịnh, tất cả mọi công đức đều được
thành tựu và bản nguyện đều được như ý.
Chẳng hạn như khi tôi đã kiết giới đạo tràng trong
phạm vi địa hạt San Francisco (Cựu Kim Sơn) thì trong toàn bộ vùng này sẽ không
xảy ra động đất hoặc những thiên tai khác. Vì các vị hộ pháp, thiện thần đều phải
hộ trì cho nguyện lực của đạo tràng được thành tựu.
Phạm vi và ý nghĩa kiết giới lớn làm sao! Một hạt
vi trần cũng rộng lớn bao la rồi. Vì một hạt vi trần của hành giả là bao hàm vô
lượng vi trần vô lượng thế giới, và vô lượng vi trần trong thế giới cũng chỉ
hàm ẩn trong một vi trần. Vì vậy, nếu một vi trần hoại diệt thì vô lượng vi trần
đều hoại diệt. Một hạt vi trần tồn tại thì vô lượng vi trần cũng tồn tại. Đó là
sự vi diệu của sự kiết giới.
82. Mạn đà ra
Mạn đà ra. Hán dịch là “đạo tràng”, cũng dịch là
“Pháp hội”. Nghĩa là đạo tràng của hành giả nhất định phải thành tựu. Pháp hội
của hành giả nhất định phải thành tựu.
83. Bạt đà da
Bạt đà da dịch là “Toại tâm viên mãn”. Chẳng hạn
như khi tôi muốn một vi trần kh6ng hoại thì nó sẽ không hoại. Nếu tôi muốn tất
cả các vi trần không bị tan hoại thì các vi trần ấy sẽ kết hợp lại với nhau.
Khi tôi niệm Án, tất điện đô mạn đà ra bạt đà da ta bà ha với tâm nguyện sẽ
không có nạn động đất xảy ra ở San Francisco (Cựu Kim Sơn), hoặc nếu có nạn động
đất lớn thì nạn ấy biến thành nhỏ, nạn nhỏ thì biến thành không có. Nhờ vậy nên
không có nạn động đất, không có ai sợ hãi. Thế nên gọi là sự thành tựu. Tùy
theo tâm nguyện mà đều được như ý (toại tâm viên mãn). Nếu quý vị có niềm tin
chí thành, thì thấy rất là màu nhiệm. Còn nếu quý vị không tin, là vì quý vị chẳng
thích thú gì với những điều mầu nhiệm như trên.
84. Ta bà ha
Ta bà ha dịch là “thành tựu”. Thành tựu điều gì?
Thành tựu mọi thệ nguyện của hành giả. Bất luận quý vị phát tâm nguyện gì, quý
vị sẽ đạt được như ý khi niệm Án tất điện đô mạn đà ra bạt đà da ta bà ha.
Những vị khi làm lễ thế phát xuất gia cũng trì niệm
câu chú này. Có nghĩa là ước nguyện việc xuất gia tu học Phật pháp sẽ được như
ý thành tựu viên mãn.
Đến đây thì Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni và chú Đại Bi
đã được giảng giải xong. Nay tôi cũng đã giảng hết bốn mươi hai thủ nhãn ấn
pháp, đó là phần sau của Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni. Còn phần sau nữa là khoa
nghi hành trì, là phương pháp tu hành, nay tôi không nhắc lại nữa.
Năm trước, một số đệ tử có tâm nguyện được nghe giảng
chú Đại Bi. Đến nay quý vị nghe giảng gần một năm. Pháp hội này được xem như
thành tựu viên mãn.
Tôi nguyện rằng quý vị có phát tâm hành trì điều
gì cũng được như ý, tất cả đều được Bạt đà da ta bà ha, tức là thành tựu viên
mãn tâm nguyện của mình. Mỗi người có sự phát nguyện khác nhau, nên sự thành tựu
cũng không đồng, nhưng đều viên mãn cả.
Nguyện cho tất cả Phật tử có duyên được nghe Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni này đều sớm thành tựu quả vị Phật, vì đây là ước nguyện của những người thâm tín chư Phật.
Một khi quý vị đã chứng được quả vị Phật tức là mọi
việc đều “toại tâm mãn nguyện” rồi.
(hết)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát
Người giảng: Hoà thượng Tuyên Hoá