GIẢNG CHÚ ĐẠI BI (NGÀY THỨ NHẤT)
1. Nam mô hắc ra đát na đá
ra dạ da
Hàng ngày chúng ta vẫn thường
tụng Nam mô A - di - đà Phật. Nam mô Bổn sư Thích - ca Mâu - ni Phật. Nhưng quí
vị có biết Nam - mô có nghĩa là gì không? Chắc là rất ít người biết được. Cách
đây vài năm, có lần tôi đã đặt vấn đề này trong một pháp hội nhưng chưa một người
nào có được câu trả lời hoàn chỉnh cả.
Nam - mô, phiên âm chữ
Nama từ tiếng Phạn. Trung Hoa dịch là “Quy y”; cũng dịch là “Quy mạng kính đầu”.
Có nghĩa là: “Con xin đem toàn thể sinh mạng của con về nương tựa vào chư Phật”.
Cái bản ngã của chính mình không còn nữa. Mà con xin dâng trọn vẹn thân mạng
mình lên chư Phật. Nếu chư Phật cho con sống thì con sống; bảo con chết thì con
chết. Con hoàn toàn tin vào chư Phật. Đó gọi là “Quy mạng”.
Còn “Kính đầu” có nghĩa là
hết sức cung kính và nương tựa vào đức Phật. Đó là ý nghĩa của Nam - mô.
Còn “Quy y” có nghĩa là
đem hết thân và tâm của mình, đem hết cả mạng sống của mình trở về nương tựa
vào đức Phật.
Nói tổng quát. Nam mô hắc
ra đát na đá ra dạ da có nghĩa là “Xin quy y Tam Bảo vô biên vô tận trong khắp
mười phương”.
Đó chính là bản thể của Bồ
- tát Quán Thế Âm. Quí vị nên khởi tâm Từ Bi mà trì niệm. Mặc dù đó là bản thể
của Bồ - tát Quán Thế Âm, nhưng cũng có nghĩa là quy y với toàn thể chư Phật
trong mười phương, suốt cả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Khi quí vị trì niệm
thần chú này. Không những chỉ nhắc nhở mình quy y với Tam Bảo thường trụ trong
khắp mười phương vô biên vô tận mà còn khiến cho tất cả mọi loài hữu tình khi
nghe được thần chú này cũng đều quay về quy y, kính lễ mười phương ba đời thường
trụ Tam Bảo.
Quí vị có biết Tam bảo là
gì không? Đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Quí vị nên biết rằng, trên thế
gian này Phật bảo là cao quý nhất. Cũng thế, Pháp bảo và Tăng bảo là điều cao
thượng và quý báu nhất. Không những cao quý ở thế gian mà còn cao quý đối với
những cảnh giới xuất thế gian, cho đến đối với cõi trời phi tưởng phi phi tưởng
nữa. Không còn có gì cao quý hơn Tam bảo trong Phật pháp nữa. Trong mười pháp
giới thì cảnh giới Phật là cao nhất. Thế nên chúng ta cần phải cung kính quy
ngưỡng và tín thọ nơi Tam bảo cao quý, phát khởi tín tâm kiên cố và thâm sâu,
không một mảy may nghi ngờ.
Có người sẽ hỏi: Quy y Tam
bảo sẽ có lợi ích gì? Tối thiểu nhất là khi quí vị quy y Phật rồi thì đời đời
kiếp kiếp không còn đọa vào địa ngục nữa; khi quí vị quy y Pháp rồi thì đời đời
kiếp kiếp không còn đọa vào hàng ngạ quỷ (quỷ đói) nữa; khi quí vị quy y Tăng rồi
thì quí vị không còn bị đọa làm loài súc sinh nữa. Đây là những đạo lý căn bản
của việc quy y Tam bảo.
Nhưng khi đã quy y rồi,
quí vị phải tự nguyện và tinh tấn thực hành các việc lành, tương ứng với lời dạy
của đức Phật thì mới xứng đáng gọi là quy y. Nếu quí vị vẫn còn giữ nguyên các
tập khí ngày trước như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh dâm dục, nói dối, nghiện ngập
và làm mọi điều mình thích để thỏa mãn ngũ dục thì quí vị không thể nào tránh
khỏi đọa vào 3 đường ác (ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh). Bở vì trong Phật pháp
không có sự nhân nhượng. Quí vị không thể nói: “Tôi đã quy y Phật, quy y Pháp,
quy y Tăng rồi, nên tôi sẽ không bao giờ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh
nữa. Vậy nên tôi có quyền làm điều gì tôi muốn…”
Quí vị phải thay đổi, chuyển
hóa mọi tập khí xấu của mình và tích cực thực hành những việc thiện, dứt khoát
không bao giờ làm những việc ác nữa. Nếu quí vị còn tiếp tục làm những việc xấu
ác, thì quí vị sẽ bị đọa ngay vào địa ngục.
Đạo Phật không giống như
ngoại đạo. Họ tuyên bố rằng: “Quan trọng nhất là niềm tin. Nếu có niềm tin thì
dù có làm việc ác, cũng có thể vào được thiên đường. Còn ngược lại, nếu ai thiếu
lòng tin, dù có gắng sức làm việc phúc đức, thì cũng sẽ rơi vào hỏa ngục”.
Nếu quí vị tin vào đức Phật
mà vẫn tạo các nghiệp ác thì nhất định quí vị sẽ bị đọa vào địa ngục. Dù quí vị
không tin vào đức Phật, mà vẫn gắng sức làm việc phước thiện thì quí vị vẫn được
lên thiên đàng. Phật pháp không bao giờ mê hoặc con người bằng cách nói: “Nếu
quí vị tin vào đức Phật, thì mọi điều sẽ được như ý.” Ngược lại, nếu quí vị tin
vào đức Phật mà vẫn không chịu từ bỏ các việc ác thì quí vị vẫn phải bị đọa vào
địa ngục.
“Được rồi”. Quí vị lại thắc
mắc: “Nếu đã tin Phật rồi mà cũng đọa vào địa ngục như không tin, thì tại sao
phải quy y Tam bảo?”
Chân chính quy y Tam bảo
có nghĩa là phải từ bỏ việc ác, quay về đường thiện, sửa đổi mọi lỗi lầm. Như một
người được khai sinh lại với tên mới, từ đây chỉ làm thuần túy những việc lành.
Không làm những việc xấu ác nữa. Như thế mới đạt được lợi ích thiết thực. Chính
vì vậy mà câu chú: Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da có nghĩa là: “Quy y Tam bảo
vô cùng vô tận trong khắp mười phương”.
Khi quí vị trì niệm chú
này, cũng có thể giúp tiêu trừ được những ách nạn cho quí vị. Lúc gặp tai chướng,
quí vị hay thường trì niệm: Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da thì tai chướng ấy
liền được tiêu trừ. Tai nạn lớn sẽ biến thành tai nạn nhỏ, và nếu gặp tai nạn
nhỏ thì cũng sẽ được tiêu sạch. Chú này được gọi là “Tiêu tai pháp”, là một
trong năm bộ chú hộ ma.
Nam mô hắc ra đát na đá ra
dạ da cũng còn được gọi là “Tăng ích pháp”. Nghĩa là từ trước đến nay quí vị đã
từng gieo trồng nhiều thiện căn, và vẫn thường trì tụng chú này, thì thiện căn
của quí vị sẽ tăng trưởng thêm gấp nhiều lần, lợi lạc không kể xiết. Nên chú
này được gọi là “Tăng ích pháp”.
Quí vị có thể niệm toàn bộ
chú Đại Bi, hoặc chỉ cần niệm câu chú đầu tiên này thôi: Nam mô hắc ra đát na
đá ra dạ da là “Thành tựu pháp”, bất luận quí vị muốn điều gì, thì sở nguyện sở
cầu của quí vị đều được thành tựu như ý muốn. Nếu quí vị không có con trai mà
muốn cầu sinh con trai, hay niệm Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da sẽ sinh được
con trai. Nhưng quí vị phải trì niệm với tâm trí thành, không phải chỉ niệm một
hai ngày rồi thôI, mà phải niệm liên tục ít nhất là trong ba năm. Nếu quí vị
không có được bạn tốt, mà muốn gặp được một người, hay niệm Nam mô hắc ra đát
na đá ra dạ da thì liền gặp được ngay bạn lành. Nếu quí vị trì niệm được toàn
thể bài chú Đại Bi thì quá tốt, nếu không chỉ cần niệm câu đầu tiên Nam mô hắc
ra đát na đá ra dạ da, cũng sẽ thành tựu những công đức không thể nghĩ bàn.
Câu chú này cũng còn được
gọi là “Hàng phục pháp”. Năng lực của câu chú đó có thể hàng phục thiên ma, chế
phục ngoại đạo khi nó nghe đến câu chú này.
Tuy vậy, câu chú này không
phải là “Câu triệu pháp”. Khi quí vị trì niệm một câu chú thuộc trong “Câu triệu
pháp” thì tất cả các loại yêu ma quỷ quái khắp nơi đều đến trình diện và có thể
bắt giữ, hoặc sai khiến được chúng.
Vậy nên, câu chú Nam mô hắc
ra đát ra đá ra dạ da này có công năng rất mạnh, không thể suy lường được. Nếu
nói chi tiết, thì không thể nào cùng tận được.
Tóm lại, trong câu Nam mô
hắc ra đát na đá ra dạ da, thì Nam mô có nghĩa là “quy mạng kính đầu”. Hắc ra
đát na là “bảo”. Đá ra dạ có nghĩa là “Tam”. Da nghĩa là “Lễ”.
Nghĩa toàn câu là: “Xin
đem hết thân, tâm, tính mạng của mình quy y và kính lễ Tam Bảo vô tận vô biên
trong khắp cả mười phương, suốt cả ba đời”. Chúng ta phải cúi đầu đảnh lễ thường
trụ Tam bảo.
Vì sao gọi là vô tận vô
biên? Vì chư Phật trong thời quá khứ là vô cùng vô tận. Chư Phật trong thời hiện
tại là vô cùng vô tận. Chư Phật trong thời vị lai là vô cùng vô tận. Cho nên
Tam bảo là vô biên vô tận.
2. Nam mô a rị da
Nam mô như đã giảng ở
trên, nghĩa là “đem hết thân tâm, tánh mạng quy y và kính lễ, học tập chư Phật
và chư Bồ – tát”.
A rị có nghĩa là “Thánh giả”.
Có nghĩa là người xa lìa tất cả các ác pháp. Nên Nam mô A rị da có nghĩa là
kính lễ các bậc Thánh giả, người đã xa lìa tất cả các pháp bất thiện.
3. Bà lô yết đế thước bát
ra da
Bà lô yết đế có nghĩa là
“quán” trong danh hiệu Quán Thế Âm Bồ – tát. Cũng được dịch là “quang” từ danh
hiệu Vairocana (Tỳ – lô – giá – na) nghĩa là Quang Minh Biến Chiếu – hào quang
chiếu khắp mọi nơi. Còn được dịch là: “Sở quán sát” nghĩa là cảnh giới được
quán chiếu, được quán sát đến.
Thước bát ra da có nghĩa là “tự tại”.
Ý nghĩa toàn câu là quán
chiếu quán sát một cách rộng khắp và tự tại. Đó chính là ý nghĩa của danh hiệu
Bồ – tát Quán Tự Tại, Bồ – tát Quán Thế Âm. Có nghĩa là quan sát, lắng nghe âm
thanh ở cõi thế gian để cứu độ một cách tự tại.
4. Bồ đề tát đỏa bà da
Mọi người đều biết Bồ đề
xuất phát từ tiếng Phạn là Bodhi. Có nghĩa là Giác.
Tát đỏa có nghĩa là “độ”
là vượt qua (bể khổ) cũng như đưa người khác vượt qua (bể khổ) đến bờ giải
thoát.
Bồ Đề tát đỏa bà da có
nghĩa là một vị Bồ – tát đã tự giác ngộ giải thoát và giúp cho mọi chúng sinh
được giác ngộ giải thoát như mình.
Bà da có nghĩa là “đảnh lễ”.
Da có nghĩa là khấu đầu đảnh
lễ. Cúi đầu đảnh lễ ai? Đảnh lễ các vị Bồ – tát đã tự giác ngộ giải thoát cho
chính mình rồi, còn giúp cho người khác được giác ngộ giải thoát.
Câu thần chú này là muốn
nhắc đến Bồ – tát Bất Không Quyến Sách áp đại binh. Nghĩa là khi quí vị tụng
câu thần chú này thì Bồ – tát Bất Không Quyến Sách đem binh tướng của cõi trời
đến để hộ trì cho quí vị.
(còn nữa)
Người giảng: Hoà thượng Tuyên Hoá