VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: ĐÀM THOẠI NHƯ MỘT TRÍ GIẢ HAY MỘT VƯƠNG GIẢ
Sau hai câu hỏi mở đầu, đức vua biết là gặp được bậc trí tuệ, nên ngài
muốn đi sâu vào giáo pháp, bèn ướm lời:
- Bạch đại đức! Trẫm rất thích đàm đạo với đại đức về nhiều vấn đề
khác nữa, nhưng không rõ đại đức có hoan hỷ không?
- Tâu đại vương! Cái đó còn tùy thuộc nơi đại vương! Nếu đại vương đàm
thoại mà lấy tư cách một Trí giả (Panditavàda), thì bần tăng sẵn sàng hầu đáp.
Nhưng nếu đại vương đứng trên tư cách mình là bậc Vương giả (Ràjavàda), thì xin
thưa thẳng, bần tăng sẽ không thể hầu đối được.
- Tư cách một Trí giả là như thế nào?
- Tâu đại vương! Phàm là Trí giả nói chuyện với nhau, bao giờ cũng nói
lời ngay thật, muốn trao đổi hiểu biết, soi sáng hiểu biết cho nhau. Trong câu
chuyện, nếu có những lý lẽ đưa ra, dù đúng, dù sai, dù cao, dù thấp, dù phải,
dù trái v.v... các bậc Trí giả không bao giờ vì thế mà phiền lòng hay nóng giận.
Họ tôn trọng nhau, dù ý kiến, tư tưởng có bất đồng chăng nữa. Thắng, bại không
hề làm cho họ chau mày, mà chính chân lý, sự thật mới thuyết phục được họ. Nếu
gặp phải đối phương là tay lợi trí, lợi khẩu, hùng biện đại tài, bậc Trí giả
không vì thế mà tìm cách cản ngăn, áp chế, bắt ngừng nói, đuổi ra khỏi chỗ ngồi;
hoặc lươn lẹo dùng những xảo thuật miệng lưỡi, ngụy biện nhằm tranh thắng cho kỳ
được! Đấy là cốt cách, phong thái đầy hiểu biết của bậc Trí giả, tâu đại vương!
Đức vua gật đầu mỉm cười:
- Đúng bậc Trí giả là vậy! Còn tư cách của bậc Vương giả là thế nào,
thưa đại đức?
- Tâu đại vương! Bậc Vương giả vì quen sống trong quyền lực, nhất hô
bá ứng, nên khi đối thoại thường quen áp đảo, bắt buộc kẻ khác chấp thuận quan
điểm của mình. Nếu có ai đó nói một câu không vừa ý, hoặc đối nghịch với tư kiến
của mình; bậc vương giả sẽ không hài lòng, sẵn sàng dùng quyền uy của mình mà bắt
tội, chẳng dựa vào lẽ phải và công bằng. Những cuộc nói chuyện như thế rồi chẳng
đi đến đâu, vì thái độ và lối xử sự của các bậc Vương giả đã tự ngăn chặn con
đường về với sự thật, đốt cháy mối cảm thông và cắt đứt sự hiểu biết. Đối thoại
trong tư thế bậc Vương giả thường rơi vào một chiều, phiến diện và ngõ cụt như
vậy đấy, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà lại gật đầu nữa:
- Hay lắm, thưa đại đức, trẫm đã hiểu rõ rồi. Trẫm chẳng thích cách
nói chuyện của người Vương giả, trái lại, trẫm sẽ cố gắng xem mình là người Trí
giả để hầu chuyện với đại đức. Khi đối thoại, đại đức hãy quên cái hào nhoáng
cao sang bên ngoài của trẫm đi, mà hãy tiếp xúc với chính con người của trẫm
thôi. Đại đức cứ nói chuyện một cách tự nhiên, bình thường như đại đức nói chuyện
với chư tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, sa di ni, cận sự nam, nữ v.v...; thậm chí
như nói chuyện với người hộ tự, người quét rác, người nấu ăn trong ngôi chùa
này cũng được vậy, trẫm không bắt lỗi gì đâu!
- Tâu đại vương! Ngài đã phán những lời rất cao quý, rất hay, rất đúng
đắn, đúng là lời của một bậc minh quân vĩ đại nhất trên thế gian. Bần tăng rất
khâm phục, và bần tăng sẽ rất hoan hỷ, thoải mái để hầu chuyện với Đại vương
như là một bậc Trí giả
- Vậy đại đức hãy nghe Trẫm hỏi.
- Tâu, xin ngài cứ hỏi đi?
- Bạch, trẫm đã hỏi xong rồi.
- Thưa, bần tăng đã đáp rồi.
- Đại đức đáp như thế nào?
- Đại vương hỏi như thế nào?
Đức vua Mi-lan-đà vì vui thích mà thử trí tuệ của đại đức Na-tiên đó
thôi, các câu hỏi này chỉ lặp lại, nhưng giảng đường thì mọi người hoan hô, tán
thán vang rân.
-ST-