VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: HÀNH TƯỚNG CỦA NIỆM
- Còn Niệm là thế nào, thưa đại đức?
- Niệm cũng có hai chức năng. Thứ nhất là nhắc nhở tâm, thứ hai là
giúp tâm cầm nắm.
- Nhắc nhở tâm như thế nào?
- Thưa, bất cứ một pháp nào phát sanh lên, Niệm có bổn phận nhắc nhở
tâm ghi nhận pháp ấy. Ghi nhận một cách thuần túy khách quan. Chức năng thứ nhất
của Niệm là như vậy đó, tâu đại vương!
- Xin đại đức cho thí dụ.
- Vâng! Ví như người canh cửa của đức vua, y phải tự nhắc nhở mình thường
xuyên là đừng có lơ đễnh nhiệm vụ, người nào đi vô đi ra phải biết. Như vị quan
giữ kho của đức vua, y phải biết rõ đây là kho lương thực, đây là kho vàng bạc,
vải vóc, quân nhu, khí giới v.v... Như vậy, Niệm như là người canh cửa, như vị
quan giữ kho - đấy là chức năng thứ nhất, tâu đại vương!
- Vậy là trẫm đã hiểu. Còn "cầm nắm" là thế nào hở đại đức?
- Tâu đại vương! Một pháp phát sanh lên, niệm không những nhắc nhở tâm
ghi nhận pháp ấy mà còn "cầm nắm" trọn vẹn cái thiện, cái ác ấy nữa.
Các pháp như tứ niệm xứ, tứ chánh cần, ngũ căn, ngũ lực... nghĩa là ba bảy trợ
đạo phẩm, tứ vô lượng tâm cũng phải được hiểu như vậy.
- Trẫm muốn nghe ví dụ để hiểu rõ vấn đề hơn.
- Được thôi, tâu đại vương! Ví như người canh cửa của đức vua, sau khi
không lơ đễnh nhiệm vụ thấy rõ người nào đi vô đi ra, mà còn biết đây là quan,
đây là dân, đây là người được phép vào, đây là người không được phép vào. Ví
như quan giữ kho của đức vua sau khi biết đây là kho vàng, kho bạc, kho lương
thực mà còn nắm vững tình trạng của kho ấy, biết kho vàng, kho bạc nhiều hay
ít, biết kho lương thực đầy hay vơi, v.v... Để khi vua cần hỏi, vị quan giữ kho
có thể cho đức vua nắm rõ tài sản, kim ngân trong cung khố của mình. Chức năng
thứ hai của Niệm là có thể trình cho biết các pháp lui tới tâm như thế nào, nó
thiện hay ác, tốt hay xấu như vị quan giữ kho trình lên đức vua vậy tâu đại
vương .
- Cảm ơn đại đức. Ví dụ vậy là tuyệt hảo, trẫm "nắm giữ" được
pháp và nghĩa của Niệm rồi.
-ST-