GIẢNG CHÚ ĐẠI BI (NGÀY THỨ 7)
25. Ma ra ma ra
Hai câu chú này, Hán dịch là “tăng trưởng”. Cũng
có nghĩa là “như ý” hoặc “tuỳ ý”. Đó là công năng của Như ý Châu thủ nhãn, làm
tăng trưởng phước huệ, làm cho mọi việc đều được tốt lành như ý.
“Như ý” nghĩa là tuỳ thuận với tâm nguyện mà được
đáp ứng.
Quí vị có thấy lợi ích vô biên của ấn pháp này
không? Vì vậy nên công năng ấn pháp này là thứ nhất trong bốn mươi hai thủ nhãn
ấn pháp. Diệu dụng của Như ý Châu thủ nhãn vượt ngoài sự diễn tả bằng ngôn ngữ.
Nếu quí vị muốn giàu có, hãy hành trì theo thủ
nhãn ấn pháp này. Một khi đã thành tựu rồi, thì quí vị sẽ có được mọi thứ và
không còn bận tâm vì nghèo khổ nữa. Quí vị luôn luôn giàu có và được vô lượng
phước lạc.
26. Ma hê ma hê rị đà dựng
Ma hê ma hê. Hán dịch là “Vô ngôn cực ý”
“Vô ngôn” nghĩa là không cần phải nói nữa.
“Cực ý” có nghĩa là ý niệm kia đã đạt đến chỗ tối
thượng, đã đạt chỗ vi diệu rồi.
Ma hê ma hê cũng còn có thể dịch là “tự tại”. Tự tại
như Đại Phạm Thiên Vương: không buồn, không phiền, không lo, không giận. Suốt
ngày đều được tự chủ và an vui.
Đây là “ngũ sắc vân thủ nhãn”. Khi biết ấn này, sẽ
làm lưu xuất ra mây lành ngũ sắc, và hành giả sẽ đạt được năng lực tự tại phi
thường. Diệu dụng và năng lực tự tại của ấn pháp này thực là vô lượng vô biên.
Rị đà dựng là “Thanh Liên Hoa thủ nhãn”. Có nghĩa
là “Liên hoa tâm”. Khi quí vị hành trì ấn pháp này thành tựu, sẽ được mùi hương
hoa sen xanh toả ra, và được mười phương chư Phật tán thán. Sự vi diệu thật khó
có thể nghĩ bàn. Đúng là:
Pháp Phật cao siêu thật nhiệm mầu
Trăm ngàn ức kiếp khó tìm cầu!
27. Cu lô cu lô yết mông
Cu lô cu lô. Hán dịch là “tác pháp”, hoặc dịch là
“tác dụng trang nghiêm”, lại còn có nghĩa là “xuy loa giải giới”. Đây ta chính
là Bảo loa thủ nhãn ấn pháp.
Nay chúng ta đang sống trong thời mạt pháp. Nhiều
người nghĩ rằng chỉ cần trì tụng chú Đại Bi là khế hợp với chân tinh thần Phật
pháp rồi, nhưng thực ra không phải thế. Chú Đại Bi là gọi thay cho bốn mươi hai
thủ nhãn ấn pháp và diệu dụng của chú Đại Bi là diệu dụng của bốn mươi hai thủ
nhãn ấn pháp, đó chính là toàn thể của chú Đại Bi. Nếu quí vị chỉ biết trì niệm
chú Đại Bi mà không hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp thì như người có tay
mà không có chân, nên không thể đi được. Mặt khác, nếu quí vị chỉ biết hành trì
bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp mà không trì niệm chú Đại Bi thì cũng như người
có chân mà không có tay, không làm gì được cả. Cũng vô dụng mà thôi. Vậy nên để
liễu triệt chú Đại Bi, trước hết quí vị phải thông đạt bốn mươi hai thủ nhãn ấn
pháp rồi phải trì tụng chú Đại Bi nữa, mới được gọi là người thành tựu rốt ráo
diệu pháp này của chư Phật.
Không phải chỉ vừa mới nghe pháp sư giảng về chú Đại
Bi xong rồi liền nói:
– “à! Tôi đã hiểu được câu chú đó nghĩa là gì rồi”.
Hiểu như thế cũng chẳng ích lợi gì cả. Cũng giống
như người có thân thể nhưng chẳng có tay chân gì cả. Quí vị đã có đủ cả thân thể,
tay chân, phải giúp cho chúng hoạt động phối hợp với nhau mới làm nên phước đức
được.
Bảo loa thủ nhãn ấn pháp là dùng để tác pháp khi
quý vị kiến lập đạo tràng, quý vị nên dùng Bảo loa ấn pháp này. Khi quý vị tác
pháp này thì những âm thanh vang lên tận cõi trời, thấu tận địa ngục. Khắp cõi
nhân gian, và khắp mọi nơi đều có ảnh hưởng. Bất kỳ mọi nơi nào nghe đến âm
thanh này đều ở trong sự điều khiển của người trì ấn pháp. Các loài yêu ma quỷ
quái đều phải tuân phục, không thể xâm hại. Đây còn gọi là sự kiết giới.
ấn pháp này còn gọi là “tác dụng trang nghiêm”. Có
nghĩa là dùng cơn lốc quang minh tâm lực của Bảo loa ấn pháp sẽ tạo nên một
pháp âm vi diệu, khiến cho đất bằng hoá thành vàng ròng, đều được trang nghiêm
bằng bẩy thứ châu báu. Thật là vi diệu khó thể nghĩ bàn. Quý vị Phật tử đang tu
học Phật Pháp nên biết rằng trong 300 năm trở lại đây, không có ai hành trì được
bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp và cũng chẳng có ai thông hiểu được các ấn pháp
này.
Nay chúng ta đã hiểu được chú Đại Bi, chúng ta nên
chí thành và phát tâm kiên cố hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp này. Rồi sẽ
có được diệu dụng.
Yết mông là tiếng Phạn, vốn là ngôn ngữ của Đại phạm
thiên, chứ không phải là ngôn ngữ của ấn Độ, nhưng văn pháp ngôn ngữ ấn Độ cũng
căn cứ trên ngôn ngữ của Đại phạm thiên.
Yết mông là tiếng Phạn. Hán dịch là “biện sự”,
cũng dịch là “công đức”. Có nghĩa là làm tất cả mọi việc có công đức lợi lạc
cho mọi người. Làm việc lợi lạc công đức cho mọi người cũng chính là tạo công đức
cho chính mình. Bồ – tát thực hành hạnh tư lợi và lợi tha, tự giác ngộ giải
thoát cho mình và giác ngộ giải thoát cho người khác.
Câu chú này nói đến sự thực hành lục độ và vạn hạnh.
Đó chính là Bạch Liên Hoa thủ nhãn ấn pháp. Hãy tưởng tượng quí vị đang cầm
trong tay đoá hoa sen trắng. Tay quí vị cầm cành hoa sen và miệng trì niệm chú
Yết mông yết mông…
Không những quí vị trì tụng chú mà còn hành trì mật
ấn. Khi trì tụng cả hai pháp này, quí vị mới có thể tạo nên mọi công đức. Khi
quí vị trì tụng chú Đại Bi, đồng thời cũng thông hiểu được cách hành trì bốn
mươi hai thủ nhãn ấn pháp thì quí vị mới có thể thành tựu lục độ vạn hạnh. Diệu
dụng bất khả tư nghì, không bao giờ nói hết được. Nếu có thể nói được chỗ nhiệm
mầu ấy thì nó phải có ngần mé. Mà những điều mầu nhiệm thì không có hạn lượng,
không có chỗ khởi đầu và kết thúc. Với sự trì niệm Yết mông, quí vị có thể
thành tựu được vô lượng công đức. Trong nhiều đời sau, quí vị mãi mãi được
trang nghiêm bởi hương thơm của hoa sen trắng và luôn luôn được hộ trì.
Sự vi diệu, mầu nhiệm của chú Đại Bi dù có tán
thán cũng không bao giờ hết, không bao giờ cùng tận.
28. Độ lô độ lô, phạt già ra đế
Độ lô độ lô. Hán dịch là “độ hải” nghĩa là vượt
qua biển khổ sinh tử. Còn dịch nghĩa “minh tịnh”.
Khi đã vượt qua biển khổ sinh tử rồi, quí vị sẽ đạt
được trí tuệ sáng suốt, chứng nhập bản thể thanh tịnh, đến được bờ bên kia, tức
thể nhập Niết Bàn. Từ trong bản thể sáng suốt thanh tịnh ấy, trí tuệ sẽ được
lưu xuất, quí vị sẽ hiểu rõ được tất cả mọi pháp môn, chắc chắn quí vị sẽ chấm
dứt được vòng sinh tử. Với đại định, tâm quí vị hoàn toàn thanh tịnh. Đó là định
lực, khi quí vị có được định lực chân chánh thì có thể vãng sanh ở cõi tịnh độ
tươi sáng, đó là thế giới Cực Lạc.
Đây là Nguyệt Tịnh Ma Ni thủ nhãn ấn pháp, là diệu
pháp Đà – la – ni do Bồ – tát Nguyệt Quang tuyên thuyết. ấn pháp Nguyệt Tịnh thủ
nhãn này có công năng đưa mọi người đến chỗ sáng suốt và an lạc.
Phạt già ra đế là Bàng Bi thủ nhãn ấn pháp.
Phạt Già Ra đế. Hán dịch là “Quảng bác trang
nghiêm”, còn có nghĩa là “Quảng đại”. Cũng dịch là “độ sinh tử”. Nếu quí vị tu
tập hành trì Bàng Bi thủ nhãn ấn pháp này thì quí vị có thể vượt qua biển khổ
sinh tử, có nghĩa là giải thoát. Nếu quí vị không công phu hành trì ấn pháp
bàng bi thủ nhãn này, thì không thể nào vượt thoát bể khổ sinh tử, đến bờ giải
thoát, niết bàn được.
(còn nữa)
Người giảng: Hoà thượng Tuyên Hoá