GIẢNG CHÚ ĐẠI BI (NGÀY THỨ 13)
49. Na ra cẩn trì
Na ra cẩn trì. Hán dịch là “Hiền ái” hoặc là “Hiền
thủ” cũng dịch là “Thiện hộ”, “Thiện đảnh”. Nghĩa là người đứng đầu trong các bậc
Thánh hiền, họ là thượng thủ, là bậc khó tìm cách bảo bọc, che chở cho chúng
sanh, khéo độ thoát cho chúng sanh đến quả vị tối cao.
Đây là Bảo bát thủ nhãn ấn pháp. Cũng gọi là Hồ
Bình ấn pháp. Bình nước này có thể tẩy trừ mọi uế trược ở thế gian, cứu giúp
chúng sanh thoát khỏi bệnh khổ. Bồ tát tu tập thành tựu ấn pháp này sẽ có năng
lực hộ niệm cho toàn thể chúng sanh. Khi quý vị tu tập pháp ấn này thành tựu rồi,
quý vị sẽ có khả năng cứu giúp mọi loài chúng sanh, giúp họ ngăn ngừa được mọi
tai ương, chướng nạn. Nên còn được gọi là “Thiện hộ”, “Thiện đảnh”.
50. Địa lỵ sắt ni na
Địa lỵ sắt ni na. Hán dịch là “Kiên lợi”. Còn có
nghĩa là “Kiếm”. Đây là Bảo kiếm thủ nhãn ấn pháp. Trước đây khi giảng về bốn
mươi hai thủ nhãn ấn pháp, tôi có nói rằng ấn pháp này có công năng hàng phục mọi
loài ly, mỵ, võng lượng. Khi quý vị utu tập thành tựu ấn pháp này rồi, tất cả các
loài thiên ma ngoại đạo, ly mỵ vọng lượng đều ngoan ngoãn quy phục bởi vì họ sợ
ấn pháp Bảo kiếm này của hành giả. Ấn pháp này rất oai hùng. Nếu có loài thiên
ma ngoại đạo nào không tuân phục ấn pháp, hành giả có thể trừng phạt ngay bằng
Bảo kiếm này.
51. Ba da ma na
Ba da ma na có ba ý: Thứ nhất là “danh văn” nghĩa
là tên của hành giả được lưu truyền khắp mười phương thế giới. Nghĩa thứ hai là
“Hỷ xưng” là mười phương thế giới đều vui mừng khen ngợi công đức của hành giả.
Thứ ba là “thành danh”, “nhất thiết nghĩa thành tựu”. Có nghĩa là mọi danh tiếng,
mọi công hạnh đều được thành tựu thật nghĩa và rốt ráo.
Đây là Bảo tiễn ấn pháp. Nếu quý vị hành trì ấn
pháp này thành tựu sẽ liền gặp được thiện hữu tri thức.
52. Ta bà ha
Trong chú Đại bi, câu Ta bà ha rất là quan trọng.
Câu này được lặp lại đến mười bốn lần.
Ta bà ha. Hán dịch có sáu nghĩa. Bất kỳ chữ này xuất
hiện ở bài chú nào cũng có đủ sáu nghĩa này.
Nghĩa thứ nhất là “thành tựu”. Khi trì niệm câu
chú này, tất cả sở cầu, sở nguyện của hành giả đều được thành tựu. Nếu quý vị
chưa có được sự cảm ứng khi hành trì, là do vì tâm chưa đạt đến sự chí thành. Nếu
quý vị có tâm chí thành và có niềm tin kiên cố, thì chắc chắn sẽ được thành tựu.
Nhưng chỉ cần móng khởi một chút tâm niệm không tin vào chú này, thì không bao
giờ được thành tựu.
Nghĩa thứ hai là “Cát tường”. Khi hành giả niệm
câu chú này thì mọi sự không tốt lành, đều trở thành tốt lành như ý. Nhưng quý
vị phải có lòng thành tín. Nếu quý vị có lòng thành tín hoặc nửa tin nửa ngờ
khi trì chú này thì chư Bồ tát đều biết rõ. Vì thế nếu quý vị muốn mọi việc đều
được đến chỗ thành tựu thì trước hết phải có niềm tin chắc thật. Ví như khi cha
của quý vị có bệnh, muốn cha mình được khỏi bệnh thì quý vị phải hết sức thành
tâm và chánh tin. Trì tụng chú này mới có cảm ứng.
Hoặc khi quý vị nghĩ rằng: “Từ lâu mình chưa được
gặp người bạn thân. Nay rất muốn gặp anh ta”. Quý vị niệm chú này một cách chí
thành, liền gặp bạn ngay. Hoặc quý vị nghĩ: “Ta chẳng có người bạn nào cả, muốn
có người bạn tốt”. Quý vị trì chú này một cách thành tâm và liên tục, liền có
được bạn lành, ngay cả gặp được thiện tri thức.
Nghĩa thứ ba của Ta bà ha là “viên tịch”.
Khi các vị Tỳ kheo xả bỏ báo thân hoặc nhập Niết
bàn thì được gọi là “viên tịch”. Nhưng ở đây, chữ “viên tịch” không có nghĩa là
chết. Chẳng phải niệm câu chú Ta bà ha là để cầu sự viên tịch. Thế thì công dụng
của câu chú này là gì?
“Viên tịch” có nghĩa là “công vô bất viên”. Là
công đức của hành giả hoàn toàn viên mãn; “đức vô bất tịch” là đức hạnh của
hành giả đạt đến mức cao tột cực điểm. Chỉ có chư Phật và Bồ tát mới biết được
công hạnh rốt ráo tròn đầy ấy chứ hàng phàm phu không suy lường được.
Nghĩa thứ tư là “tức tai”, nghĩa là mọi tai nạn đều
được tiêu trừ.
Nghĩa thứ năm là “tăng ích”, là sự tăng trưởng lợi
lạc của hành giả. Khi niệm câu Ta bà ha thì công hạnh đều được tăng trưởng,
hành giả sẽ đạt được chỗ lợi lạc an vui.
Nghĩa thứ sáu của câu này, tôi thiết nghĩ trong
quý vị ít có ai biết được. Vì trước đây tôi chưa từng nói bao giờ.
Ta bà hà có nghĩa là “vô trú”. Nghĩa “vô trú” này
nằm trong ý nghĩa của câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang.
“Vô trú” nghĩa là không chấp trước, không vướng mắc
hay bám chấp một thứ gì cả.
Tâm vô trú là không có một niệm chấp trước vào việc
gì cả. Không chấp trước nghĩa là tâm tùy thuận với mọi việc, thấy mọi việc đều
là tốt đẹp. Đây chính là trường hợp: “Vô vi nhi vô bất vi” (không khởi niệm tác
ý nhưng điều gì cũng được thành tựu). Vô trú chính là vô vi theo nghĩa ở trên,
và vô vi chính là vô trú.
Khi quý vị vừa móng khởi lên một niệm tưởng, đừng
nên vướng mắc vào một thứ gì cả, đó là nghĩa thứ sáu của Ta bà ha. Quý vị đừng
nên trụ vào các niệm tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu quý vị có tất cả các tâm niệm
trên thì phải nhanh chóng hàng phục chúng, chuyển hóa chúng để tâm mình không
còn trụ ở một niệm nào cả. Hàng phục, chuyển hóa được những tâm niệm chúng sinh
ấy gọi là vô trú. Dùng cái gì để chinh phục chúng? Dùng Bảo kiếm ấn pháp này để
hàng phục. Quý vị nói rằng tâm quý vị bị đầy dẫy niệm tham chế ngự. Tôi sẽ dùng
Bảo kiếm này để cắt sạch. Nếu tâm quý vị có đầy ma oán, tôi cũng sẽ dùng Bảo kiếm
này đuổi sạch. Nếu tâm quý vị bị ma si mê chiếm đoạt, tôi sẽ dùng kiếm trí tuệ
này chặt đứt chúng từng mảnh.
Tôi sẽ chặt đứt tất cả các loài ma ấy bằng Bảo kiếm
Kim cang vương này, tức là dùng kiếm Trí tuệ để hàng phục. Nếu quý vị muốn hàng
phục thiên ma ngoại đạo thì trước hết quý vị phải chuyển hóa được mọi vọng tưởng
của mình. Khi quý vị chuyển hóa được vọng tưởng trong tâm mình, thì thiên ma
ngoại đạo cũng được hàng phục luôn, cho dù chúng có muốn đến để quấy phá, chúng
cũng chẳng tìm được cách nào để hãm hại được cả.
Trên đây là sáu nghĩa của Ta bà ha. Bất luận câu
chú nào dưới đây có chữ Ta bà ha đều mang đầy đủ sáu nghĩa trên.
(Còn nữa)
Người giảng: Hoà thượng Tuyên Hoá