GIẢNG CHÚ ĐẠI BI (NGÀY THỨ 3)
9. Số đát na đát tả
Chữ Số có hai âm là Shù và Shùo. Người ta thường
niệm là “Shù”.
Số Đát Na có nghĩa là “pháp” (Dharma). Pháp gì?
Pháp này còn gọi là “Diệu thắng pháp”. Cũng gọi là “Cao thượng thắng sinh”. Có
nghĩa là không có gì vượt trội hơn pháp này nữa. Thắng sinh có nghĩa là từ pháp
này xuất sinh ra năng lực rất thù thắng.
Còn một cách dịch khác của chữ Số là “Diệu sinh”
hoặc “Thắng thân”. Diệu sinh tức là vượt lên trên mọi sự vi diệu. Thắng thân
nghĩa là thể của pháp ấy rất thù thắng.
Còn có một cách dịch khác nữa của chữ Số, là “Tối
thượng thừa địa”. Nghĩa là cảnh giới của hành giả sẽ trải qua sau khi chứng được
Thập địa của hàng Bồ – tát.
Đát Na là biểu tượng của Pháp bảo.
Đát Tả là biểu tượng cho Tăng bảo.
Cho nên toàn thể câu chú án tát bàn ra phạt duệ số
đát na đát tả là biểu tượng cho Tam bảo. Có nghĩa là chúng ta phải nên ngưỡng
nguyện đến sự gia hộ của Tam bảo. Nên khi trì niệm đến câu thần chú này, có
nghĩa là thỉnh cầu, ngưỡng nguyện đến lực gia trì của Tam bảo.
Đát tả còn có nghĩa là dùng giáo pháp để răn dạy
các loài quỷ thần và dùng thần chú để triệu tập quỷ thần đến mà dạy bảo chúng
theo tinh thần chánh pháp.
10. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a lị da
Xưa nay dường như quí vị luôn luôn Nam mô với một
người nào khác chứ chưa bao giờ Nam mô với chính mình. Người tu hành không cần
phải đi Nam mô một khách thể nào khác mà phải Nam mô ngay với chính mình.
Nam mô có nghĩa là tôi, chính tôi quay trở về quy
y với Tam bảo vô cùng vô tận khắp mười phương.
Nam mô còn có nghĩa là đem tự ngã của chính mình
thể nhập trọn vẹn vào cả pháp giới khắp cả mười phương. Tức là thể nhập vào Tam
bảo vô cùng vô tận khắp cả mười phương.
Tất kiến lật có nghĩa là “hoàn toàn”. Tức là đem hết
toàn tâm, toàn ý để quy y và đảnh lễ Tam bảo.
Đỏa y mông có nghĩa là “Ngã”. Đó chính là cái Ngã
của Vô Ngã. Nên quí vị phải đem toàn tâm toàn ý đảnh lễ bản ngã của chính mình,
nhưng đảnh lễ cái ngã của vô ngã. Như thế có nghĩa là không có mình hay sao? Ví
như khi có người đánh quí vị, quí vị không cảm thấy đau; nếu họ mắng chửi, quí
vị không thấy khó chịu; nếu họ nhục mạ, quí vị thấy như thể không có việc gì xảy
ra. Quí vị không nhất thiết cần phải nhẫn nhục, vì nếu dùng phép nhẫn nhục, là
quí vị đã rơi vào “đệ nhị nghĩa” rồi. Trong trường hợp này, quí vị không nhất
thiết cần phải “nhẫn”, vì vốn không có một bản ngã để dùng pháp nhân và không
có một bản ngã để cho pháp nhẫn ấy tác động tới. Có nghĩa là quí vị phải hành
pháp nhẫn trong “vô nhẫn”.
Đó gọi là Ngã của vô ngã vậy.
A lị da ở trên đã giảng qua, có nghĩa là “Thánh giả”.
ở đây tức là phải hết lòng đảnh lễ “cái ngã” ấy của Thánh giả. Vô lượng vô biên
chư Bồ Tát, hết thảy Thiên Long bát bộ đều phải đảnh lễ cái ngã trong vô ngã của
bậc Thánh giả. Cái ngã ấy bao trùm khắp vô lượng vô biên vũ trụ. Có rất nhiều bậc
Thánh giả. Họ là ai? Dưới đây, tôi sẽ giảng rõ.
11. Bà lô kiết đế thất phật ra lăng đà bà
Bà lô kiết đế dịch là “Quán”.
Thất Phật ra dịch là “Tự tại” hoặc là thế âm. Âm
thanh ở trong thế gian. Đây chính là Bồ - tát Quán Thế Âm.
Bà lô kiết đế thất Phật ra là Quán Thế Âm, cũng
chính là Quán Tự Tại. Hai danh hiệu này không nhất định phải là Bồ – tát Quán
Thế Âm mới được gọi là Quán Tự Tại hay Quán Thế Âm, mà nếu khi quí vị đã đạt được
tự tại rồi, thì quí vị chính là Bồ – tát Quán Tự Tại. Khi quí vị có được năng lực
cứu độ tất cả mọi loài chúng sinh, thì quí vị chính là Bồ Tát Quán Thế Âm. Vì vậy,
một khi quí vị đã thể nhập và vận dụng trọn vẹn pháp này rồi thì chính quí vị
là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu tôi đạt được tự tại trong việc vận dụng
pháp này thì chính tôi cũng là hóa thân của Bồ – tát Quán Thế Âm.
Lăng đà bà dịch là “hải đảo”, chỉ cho núi Phổ Đà
(Potala), nơi Bồ – tát Quán Thế Âm thường thị hiện. Có sách nói núi Phổ Đà ở nước
Trung Hoa. Phổ Đà có nghĩa là “hoa trắng nhỏ” vì nơi núi ấy có loài hoa trắng nở
rất nhiều. Trên núi có một cung điện được kiến tạo ở trong hang đá gọi là “Cung
Từ Bi”, đó là nơi Bồ Tát Quan Thế Âm thường thị hiện. Nơi đó được trang hoàng bằng
bảy thứ châu báu: vàng, bạc, xà cừ, pha lê, trân châu, ngọc bích, mã não. Nhưng
không phải ai cũng đến được nơi cung điện này.
Bà lô kiết đế thất Phật ra là vị Bồ - tát có đầy
tâm nguyện đại từ bi.
Lăng đà bà là cung điện Từ Bi, nơi Bồ - tát Quan
Thế Âm thường thị hiện.
12. Nam mô na ra cẩn trì
Trong câu chú này, Nam mô vẫn có nghĩa là “quy y”
và “quy mạng kính đầu”.
Na ra dịch nghĩa là “Hiền” - bậc hiền giả, chỉ cho
hàng Bồ Tát.
Cẩn trì dịch là “ái”, có nghĩa là tình thương yêu.
Trong ý niệm lòng Từ Bi bảo hộ, che chở cho mọi loài. Thế nên lòng từ bi của bậc
Hiền giả (Bồ - tát) thường đem đến sự bao bọc, che chở cho chúng sinh. Trước
đây tôi đã giảng về 10 loại tâm được đề cập trong Kinh Đại Bi Tâm Đà - la - ni.
Quí vị nên y cứ theo mười loại tâm này mà công phu tu tập.
Na ra cẩn trì, Hán dịch là “Hiền ái thiện hộ” có
liên quan đến nghĩa thứ nhất, nghĩa là thứ 6 và nghĩa thứ 10 trong 10 loại Tâm:
Đó chính là Tâm Đại Bi, Tâm Cung Kính và Tâm Vô Thượng bồ đề.
Câu chú này đại biểu cho 3 loại tâm như trên.
(còn nữa)
Người giảng: Hoà thượng Tuyên Hoá