GIẢNG CHÚ ĐẠI BI (NGÀY THỨ 20)
76. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da
Câu này đã được giảng rõ ở phần đầu Kinh văn rồi.
Nhưng có trường hợp quý vị bị quên, nên tôi sẽ giảng lại lần nữa. Những người
tuy có nhớ, nhưng không được rõ ràng, nghe lại lần này sẽ được rõ thêm. Những
người đã nhớ kỹ rồi, nghe được một lần này nữa lại càng hiểu sâu hơn.
Nếu tôi giảng chưa rõ, quý vị cứ hỏi tôi ngay tức
khắc, vì cách tôi giảng Kinh hoàn toàn khác với các Pháp sư. Tôi không dùng tài
liệu hoặc các luận giải.
Nam mô có nghĩa là “Quy y”. Quy y gì? Con xin uy y
Tam bảo.
Hắc ra đát na có nghĩa là “bảo”: quý báu.
Đá ra dạ dịch là “Tam”: ba
Toàn câu nghĩa là con nguyện quy y Tam bảo. Con
nguyện đem cả thân tâm tánh mạng để quy y. Như những Phật tử tại gia đã quy y
Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Đó là quy y Tam bảo.
Quy y Tam bảo tức là quy y với toàn thể chư Phật
trong ba đời, khắp cả mười phương, cùng tận hư không pháp giới. Cũng tức là quy
y với tất cả pháp trong ba đời, mười phương, cùng tận hư không pháp giới. Cũng
chính là đem hết thân tâm tánh mạng quy y với tất cả các bậc Hiền thánh tăng
trong ba đời, mười phương, cùng tận hư không pháp giới.
Hư không, chẳng bao giờ cùng tận. Tất cả các cõi
nước đều nằm trong pháp giới này. Có tất cả mười pháp giới, trong đó bốn cõi giới
của các bậc Thánh Hiền và sáu cõi giới của chúng sanh phàm phu. Bốn cõi giới của
bậc Hiền Thánh là: Phật, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác.
Sáu cõi giới phàm phu là: Trời, người, A tu la,
súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.
Mười phương là: Bắc, Đông, Nam, Tây, Đông Bắc, Tây
Bắc, Đông Nam, Tây Nam, đó là tám. Thêm phương trên và phương dưới tất cả là mười.
Ba đời là quá khứ, hiện ại, vị lai. Chúng ta quy y
với Phật bảo trong suốt khắp mười phương ba đời. Những lời đức Phật dạy được gọi
là Pháp bảo. Tam tạng Kinh điển được diễn đạt qua mười hai phần Kinh văn (bộ
Kinh). Tất cả Kinh điển do đức Phật nói ra được gọi là Pháp bảo. Pháp bảo không
chỉ hiện hữu và lưu hành trong nhân gian mà còn lưu hành khắp cả hư không và
pháp giới.
Khi nào quý vị có được ngũ nhãn, lục thông rồi thì
quý vị mới thâm nhập được vào chân Kinh. Có nghĩa là quý vị đọc được “vô tự
chân Kinh”. Trong hư không, bất kỳ lúc nào thích, quý vị đều đọc được chân kinh
mà không cần hở môi. Lục Tổ đã từng nói:
“Khi mê Pháp Hoa chuyển
Khi ngộ chuyển Pháp Hoa”.
“Vô tự” không có nghĩa là Kinh không có chữ. Mà
chính là hàng phàm phu không thấy được chữ. Tuy nhiên, khi quý vị nhìn sâu vào
hư không, quý vị có thể thấy được chư Phật đang tụng Kinh. Một số vị đang tụng
Kinh Pháp Hoa, một số vị đang tụng Kinh Thủ Lăng Nghiêm và một số vị khác đang
tụng Kinh Hoa Nghiêm. Chư Phật đều đang tụng Kinh và trì chú như thần chú Thủ
Lăng Nghiêm. Chư Phật luôn luôn hành trì các thời khóa tụng ấy. Nhờ thế nên
Pháp bảo được hiện hữu và lưu truyền suốt khắp tận hư không pháp giới.
Chúng ta cũng quy y Tăng bảo suốt cả ba đời, cùng
tận hư không pháp giới. Thành phần nào tạo thành Hiền Thánh Tăng? Chính là các
đại Bồ tát, các đại A la hán, các đại Tỳ kheo tăng.
Đá ra dạ có nghĩa là “tam”: ba. Chúng ta quy y với
Tam Bảo trong suốt mười phương, ba đời cùng tận hư không pháp giới.
Da có nghĩa là “đảnh lễ”. Là quy y và cung kính đảnh
lễ trước Tam Bảo.
77. Nam mô a lị da
Nam mô. Hán dịch là “quy y”.
A lị da. Hán dịch là “Thánh giả”, cũng có nghĩa là
“Thánh Hiền”. Câu chú này thể hiện sự quy y với tất cả các Hiền Thánh Tăng.
78. Bà lô kiết đế
Bà lô kiết đế. Hán dịch là “quán”.
79. Thước bàn ra da
Thước bàn ra da. Hán dịch là “tự tại”. Toàn câu Bà
lô kiết đế thước bàn ra da có nghĩa là Quán Tự Tại tức là Bồ Tát Quán Thế Âm.
(còn nữa)
Người giảng: Hoà thượng Tuyên Hoá