HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

ĐỐI THOẠI VỚI DANH Y TÔN TƯ MẠC

Tôn Tư Mạc là người Hoa Nguyên, từng sống ẩn cư tại núi Thái Bạch và là một người tu đạo. Ông rất am hiểu về lịch thiên văn, y học và thuật dưỡng sinh…

Năm Hiển Khánh thứ 3, Hoàng đế Đường Cao Tông có mời Tôn Tư Mạc đến gặp mặt, khi ấy Tôn Tư Mạc đã hơn 90 tuổi nhưng thị lực và thính lực vẫn không suy giảm chút nào. Thi nhân Lô Chiếu Lân cùng danh sĩ Tống Lệnh Văn có mặt lúc đó đã dùng lễ nghi cung kính với Tôn Tư Mạc như một bậc thầy.

Cơ thể con người là hình ảnh thu nhỏ của tự nhiên

Họ hỏi Tôn Tư Mạc: “Danh y có thể trị khỏi bệnh cho mọi người, là dựa trên đạo lý gì?”

Tôn Tư Mạc nói: “Ta nghe nói người hiểu được quy luật vận hành của Trời sẽ nhìn thấy được bản chất thân thể người. Ai nhìn rõ thân thể người, nhất định người đó đã lấy Trời làm căn bản của nhân thể. Do đó Trời có xuân, hạ, thu, đông, ngày đêm luân phiên thay thế nhau. Đây là sự vận động của tự nhiên. Thân thể con người có tứ chi và ngũ tạng, có thức có ngủ, thở ra hít vào, tân trần đại tạ, kinh mạch và khí huyết lưu thông… Quá trình tuần hoàn máu biểu hiện ra là khí sắc, đây là sự vận động bình thường của con người”.

“Dương dùng tinh hoa, âm dùng hình thể, Trời và người giống nhau ở điểm này, nếu xuất hiện hiện tượng không bình thường thì nghĩa là cơ thể phát bệnh rồi. Bốc hơi chính là nóng lên, phát sốt, ngược lại sẽ phát lạnh, khí ứ tắc, lâu dần sẽ sinh ra u độc (nhọt độc). Nhìn biểu hiện bề ngoài có thể thấy sự biến hóa bên trong cơ thể. Điều này cũng giống với thế giới tự nhiên. Trong quá trình vận hành của ngôi sao không may xuất hiện nhật thực, nguyệt thực, sao chổi và sao băng, đây là dấu hiệu cho thấy sự nguy hiểm của thế giới tự nhiên. Lương y dùng thuốc để khơi thông kinh mạch, dùng châm cứu để cứu người. Bậc Thánh nhân lấy đạo đức cao thượng, dùng người hiền để cai quản thiên hạ. Do đó, bệnh tình có thể chữa khỏi, tai họa cũng có thể tiêu trừ, đây đều là vận số”.

Làm người yêu cầu “gan” lớn “tim” nhỏ

Lô Chiếu Lân lại hỏi: “Phải đối đãi như thế nào với các sự tình diễn ra trong đời sống hằng ngày?”

Tôn Tư Mạc đáp: “Gan cần lớn, tim cần nhỏ, khôn ngoan và chu đáo, làm việc cẩn thận tỉ mỉ không qua loa”.

Lô Chiếu Lân lại hỏi: “Nên hiểu câu này như thế nào?”

Tôn Tư Mạc đáp: “Tim là chủ của ngũ tạng, nó hoạt động theo quy luật nên cần phải thận trọng. Gan là tướng lĩnh của ngũ tạng, nó nhất định phải kiên trì và quyết đoán, do đó cần phải lớn. Người có trí tuệ làm việc thuận theo đạo Trời, cho nên cần linh hoạt và khéo léo, muốn làm người nhân nghĩa trầm tĩnh thì cần phải thẳng thắn, làm việc không qua loa hời hợt. ‘Truyện’ viết: ‘Không vì lợi mà trở mặt, đừng vì làm việc nghĩa mà hối hận, đây là người nhân nghĩa ngay thẳng không hời hợt’. ‘Kinh dịch’ có viết: ‘Gặp việc thiện cần làm ngay, không chờ đợi, đây gọi là người sáng suốt, thông thái'”.

Người có “5 nỗi sợ hãi” mới là thanh tỉnh

Lô Chiếu Lân lại hỏi: “Nguyên tắc dưỡng sinh quan trọng nhất là gì?”

Tôn Tư Mạc nói: “Trời có tròn đầy cũng có khuyết thiếu, trong cuộc sống cũng có nhiều gian nan khó khăn. Nếu không làm việc cẩn thận để thoát khỏi nguy hiểm thì sẽ không thể bước qua. Do đó cần coi trọng tu tâm dưỡng tính, chính bản thân cần phải hiểu rõ được sự cẩn thận”.

“Kinh thi” viết: ‘Người không biết sợ Trời, thì Trời sẽ giáng tai họa”.

“Sợ hãi, quan trọng nhất là sợ Đạo, sau đó là sợ Trời, tiếp theo là sợ vật, rồi đến sợ người, cuối cùng là sợ chính mình”.

“Vì vậy, người không biết sợ, tâm tư dễ dàng hỗn loạn không có trật tự, hành động nôn nóng không thể tự kiềm chế, thần tán khí tan, ý chí mê mang và dễ thay đổi”.

“Người có thể hiểu được đạo lý này thì giống như chèo thuyền trên mặt nước, rồng không thể hại người, thú dữ không thể làm tổn thương người đi đường, bệnh dịch không thể lây nhiễm, người chuyên nói xấu cũng không thể phỉ báng bạn. Hiểu được đạo lý này thì người đó đã hiểu rõ được nguồn gốc của các sự tình xảy ra trong cuộc sống”.

Không lâu sau khi cuộc gặp gỡ trên diễn ra, Tôn Tư Mạc được trao chức Thừa tướng lang, chuyên phụ trách lĩnh vực dược phẩm trong cung. Ông qua đời vào đầu năm Vĩnh Thuần – thời Đường Cao Tông. Trước khi tạ thế, Tôn Tư Mạc đã để lại lời di chúc: “Việc mai táng cần đơn giản, không cần đốt tiền giấy âm phủ, không giết súc vật để cúng tế”. Sau khi chết hơn một tháng, nhan sắc của Tôn Tư Mạc vẫn giống hệt như khi còn sống. Lúc khâm niệm, mọi người đặt thi thể ông vào quan tài cảm giác nhẹ nhàng như chỉ đặt bộ quần áo vậy. Sinh thời, ông đã viết được hơn 30 cuốn ‘Thiên Kim Phương’ truyền lại cho đời sau.

-ST-

Được tạo bởi Blogger.