GIẢNG CHÚ ĐẠI BI (NGÀY THỨ 2)
5. Ma ha tát đỏa bà ha
Ma – ha có 3 nghĩa: Đại: lớn;
Đa: nhiều; và Thắng: hoàn hảo.
Ma – ha với nghĩa là Đại:
tức chỉ cho người phát tâm bồ đề rộng lớn.
Ma – ha với nghĩa là Đa: tức
chỉ cho số lượng. Có rất nhiều người phát tâm bồ đề.
Ma – ha với nghĩa là Thắng:
tức nói đến những người đã phát tâm bồ đề rộng lớn đều đạt đến chỗ thành tựu
viên mãn, được nhiều lợi lạc rất thù thắng.
Tát – đỏa nghĩa của chữ
Tát – đỏa trong câu chú này không giống như nghĩa trong câu trên. Trong câu chú
trên, Tát – đỏa có nghĩa là “độ” – vượt qua bờ bên kia. Có nghĩa là giải thoát.
Còn trong câu chú này. Tát – đỏa có nghĩa là “Dõng mãnh giả” là người can đảm,
không sợ hãi. Cũng có nghĩa là “Tinh tấn giả”, là người tu hành rất siêng năng.
Bà – Da Hán dịch là “Hướng
tha đảnh lễ” nghĩa là: “Con xin đê đầu đảnh lễ các vị đại Bồ – tát, là những
người rất dõng mãnh, rất tinh tấn, không bao giờ sợ hãi, và nguyện phát tâm bồ
đề trước chư vị Bồ – tát này.”
Các vị đại Bồ – tát đã tự
giác ngộ, giải thoát cho chính mình rồi còn phát nguyện giúp cho vô số chúng
sanh khác được giác ngộ và giải thoát như mình.
6. Ma ha ca lô ni ca da
Ma – ha có 3 nghĩa: lớn,
nhiều và thù thắng như trên đã giảng.
Ca – lô Hán dịch là “Bi”.
Ni – ca nghĩa là “Tâm”.
Hợp lại, Ma ha ca lô ni ca
có nghĩa là “Tâm đại bi”.
Da có nghĩa là đảnh lễ,
như đã giảng ở trên. Toàn câu chú Ma ha ca lô ni ca da có nghĩa là: “Cúi đầu đảnh
lễ thần chú Đại bi tâm Đà – la – ni.”
7. Án
Án nghĩa là “Bổn mẫu”, là
“Chú mẫu” mẹ của tất cả mọi thần chú; cũng chính là “Phật mẫu” mẹ của tất cả
chư Phật.
Mẹ của chư Phật có nghĩa
là mẹ của nguồn tâm trong mọi loài chúng sinh, vì nguồn tâm của chúng sinh vốn
có sẵn mọi trí tuệ, thường xuất sinh các pháp lành, nên gọi là “Bổn mẫu”.
Thông qua năng lực của thần
chú mà mười pháp muôn được hiển bày.
1. Pháp môn thứ nhất là “Tự”:
là đầu nguồn, làm xuất sinh mọi chủng tự.
2. Thứ hai là “Cú”. Trong kinh
văn hoặc trong thần chú, “Cú” có nghĩa là một câu.
3. Thứ ba là “Quán”: là
quán chiếu, quán sát, vận dụng năng lực quán chiếu mà hành trì.
4. Thứ tư là “Trí”: là trí
tuệ, dùng thanh gươm trí tuệ để cắt đứt tất cả phiền não. Trí tuệ tức là pháp
môn lưu xuất từ Bát Nhã Ba La Mật, đó là trí tuệ viên mãn nhất. Còn “quán” là
lưu xuất từ pháp môn Thiền định Ba La Mật.
5. Thứ năm là “Hành”:
nghĩa là tu tập, nương theo giáo pháp mà hành trì.
6. Thứ sáu là “Nguyện”:
nghĩa là cần phải phát nguyện, nương theo giáo pháp chân chính mà tu hành.
7. Thứ bảy là “Giáo”:
nghĩa là y cứ theo giáo pháp chân chính mà tu hành. Nếu quí vị không nương theo
lời dạy của đức Phật mà tu hành, thì dù quí vị có tu hành đến nhiều kiếp như số
cát sông Hằng đi nữa thì vẫn không có kết quả gì cả. Cũng như thể nấu cát mà
mong thành cơm vậy.
Tuy nhiên, để có thể tu tập
xứng hợp với giáo lý chân chính của đức Phật thì trước hết, quí vị phải thông
hiểu về giáo pháp đó một cách tường tận.
8. Thứ tám là “Lý”: nghĩa
là đạo lý. Nếu quí vị có thể nhập được vào Phật pháp vi diệu thì mới có được sự
hiểu biết thông đạt về giáo pháp ấy. Nếu quí vị không khế hội được diệu pháp
này, thì quí vị chỉ là người tu tập trong sự mù quáng. Dù quí vị có tu hành bao
lâu đi nữa, cũng không đạt được sự thành tựu.
9. Thứ chín là “Nhân”:
Trong đời này quí vị phải gieo trồng những nhân thù thắng, nhân tốt lành, nhân
thanh tịnh, thì quá khứ quí vị sẽ gặt được quả thù thắng, quả vi diệu và quả
thanh tịnh.
10. Thứ mười là “Quả”: Quả
tương ứng sẽ đạt được sau khi đã gieo trồng nhân. Đó là diệu quả, quả vị giác
ngộ tối thượng.
Như vậy từ chữ án, xuất
sinh ra mười pháp môn vi diệu. Nên khi quí vị trì niệm thần Chú Đại Bi, niệm đến
chữ án thì tất cả các loài quỷ thần đều chắp tay vô cùng cung kính, không dám tỏ
ra khinh suất hoặc lơ là khi nghe hành giả trì tụng thần Chú Đại Bi. Chữ án có
một năng lực mạnh mẽ mà đến nỗi khiến cho các loài ác quỷ, ác thần đều phải
cung kính chấp trì. Công năng của thần chú thật to lớn, thần lực thật không thể
nghĩ bàn.
8. Tát bàn ra phạt duệ
Tát bàn ra, Hán dịch là “tự
tại”. Nghĩa là khi quí vị trì tụng thần chú này, thì Tứ đại thiên vương đều đến
làm Hộ pháp cho quí vị.
Phạt duệ, Hán dịch là Thế
tôn, cũng dịch là Thánh tôn.
Nguyên câu chú này có
nghĩa là Tự tại Thế tôn. Tự tại Thánh tôn, tức là Đức Phật tự tại, ý là xưng
tán Phật bảo.
(còn nữa)
Người giảng: Hoà Thượng Tuyên Hoá