GIẢNG CHÚ ĐẠI BI (NGÀY THỨ 12)
45. Tô rô tô rô
Tô rô tô rô. Hán dịch là “cam lồ thủy”. Đây cũng
chính là Cam lồ thủ nhãn ấn pháp. Trước đây tôi đã giảng về diệu dụng của nước
cam lồ rồi. Có thể giúp cho các loài quỷ đói được no đủ và mọi tâm nguyện đều
được như ý, làm tiêu tan mọi sự đói khát, thọ nhận được nhiều điều tốt lành
khác nữa.
Nước cam lồ này còn gọi là “Bất tử dược”. Nếu có
người sắp chết uống nước cam lồ này thì sẽ được sống lại. Nhưng không dễ gì gặp
được nước cam lồ này nếu không có duyên lành.
46. Bồ đề dạ – Bồ đề dạ
Bồ đề dạ. Hán dịch là “Giác đạo”. Muốn thành tựu
giác đạo thì trước hết, quý vị phải có được giác tâm. Nếu không có giác tâm,
thì không thể nào tu tập để thành tựu đạo giác ngộ. Hành giả trước hết phải có
tâm liễu ngộ chân thực rồi mới có thể tu tập đến chỗ thành tựu đạo nghiệp được.
Hai câu chú này gọi là Bất thối kim luân thủ nhãn ấn pháp. Đó chính là tâm bồ đề
kiên cố không bao giờ thoái chuyển.
Từ nay cho đến khi thành tựu quả vị Phật, quý vị
phải phát tâm dõng mãnh ngày càng tinh tất hơn. Đừng nên dừng lại hoặc lui sụt.
Chẳng hạn như khi quý vị nghe giảng kinh, hãy khởi tâm niệm rất khó có dịp được
nghe giảng kinh Phật. Rất hiếm khi được gặp pháp hội. Mặc dù chuyện này xem có
vẻ bình thường, nhưng nếu quý vị lắng lòng suy gẫm kỹ sẽ thấy giá trị vô cùng.
Thử xem có nơi đâu trên thế giới này có được một pháp hội tinh tấn như thế này,
ngày nào cũng đến đây để nghe giảng kinh? Còn có nơi đâu khác trên thế giới mà
pháp âm tuôn trào như thác, như sông mãi không ngừng như ở đây?
Nên khi đã có duyên ngặp gỡ được pháp hội, quý vị
phải thu xếp công việc, dù có bận rộn bao nhiêu, bất luận pháp sư giảng đề tài
gì, người nào giảng cũng phải đến nghe. Đừng có phân biệt giữa pháp sư giảng
hay và người giảng kém, rồi chỉ đến nghe người giảng hay. Nếu quý vị vẫn kiên
trì đến nghe bất luận pháp sư nào giảng, lâu ngày chày tháng, chắc chắn quý vị
sẽ thâm nhập được vào dòng đạo lý chân thật. Dù ai giảng đi nữa, quý vị cũng
nên đến nghe để hộ trì cho pháp hội. Nếu một tuần có giảng pháp bảy đêm thì quý
vị cũng nên tham dự cả bảy đêm. Đừng nên lười biếng!
Pháp môn này khó gặp được đã từng hằng triệu kiếp
nay rồi. Một khi đã có duyên được gặp thì phải nên tinh tấn tu học. Sự tinh tấn
chính là “tâm Bồ đề” kiên cố dõng mãnh vậy.
Nếu bỏ mất tâm Bồ đề mà mong ngày thành đạo thì
không khác gì nấu cát mà mong thành cơm. Nên trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy:
“Vong thấ Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị chư ma
nghiệp”.
Nghĩa là: “Bỏ quên tâm Bồ đề dù tu ngàn thiện pháp
như làm việ ma vậy”.
Về bất thối, có ba dạng:
– Thứ nhất là vị bất thối: Nếu hành giả đã chứng
quả A la hán tồi, thì không còn trở lại hàng phàm phu nữa, Nếu hành giả đã chứng
quả Bồ tát rồi thì không còn rơi lại hàng A la hán nữa. Nếu hành giả đã chứng đắc
quả vị Phật rồi thì không còn trở lại hàng Bồ tát nữa. Trừ những vị muốn thị hiện
hóa thân để giáo hóa chúng sanh. Ví dụ như hành giả có thể phát nguyện: “Nay
tôi đã thành tựu quả vị Phật rồi, tôi muốn hiện thân Tỳ kheo để giáo hóa chúng
sanh”. Điều ấy hoàn toàn đúng.
– Thứ hai là niệm bất thối: Đôi khi hành giả phát
khởi tâm niệm: “Tu học Phật pháp thật chán, tôi không còn muốn tu hành hoặc đi
giảng pháp gì nữa cả!”. Đây là niệm thoái thất. Khi hành giả khởi niệm thoái thất,
thì ma chướng liền theo ngay, vì ma vương rất vui khi người tu hành khởi niệm
lui sụt.
Một khi quý vị đã đạt được “niệm bất thối”, thì
càng nghe pháp, càng muốn được nghe nhiều hơn.
Niệm bất thối là tâm lượng của hành giả không còn
bị trôi lăn trong dòng thức biến “bất giác vọng động nữa”, không còn trải qua bốn
tướng sinh trụ dị diệt của niệm khởi nữa. Niệm bất thối luôn được lưu xuất từ Bồ
đề tâm, là bạn đồng hành của tâm kiên cố. Kiên cố là nét đặc trưng của tâm Bồ đề.
Niệm bất thối và tâm kiên cố là nền tảng của đại nguyện Bồ tát. Niệm bất thối
là niệm mà vô niệm. Vô niệm mà tự niệm “niệm vô niệm, vô niệm nhi tự niệm”. Niệm
này là niệm vi mật hiện tiền, không thể suy lường. Niệm bất thối luôn luôn đi với
hạnh bất thối.
– Thứ ba là hạnh bất thối: Nghĩa là thực hành đạo
Bồ tát. Tuy làm mọi việc trong vô số cảnh giới mà không hề rời bản tâm, rời đại
nguyện, rời niệm bất thối. Niệm Kim cang nguyện, thực hành Kim cang hạnh không
thể nghĩ bàn.
Đứng trên nhân thừa mà luận, thì hạnh bất thối là
sự hành trì tinh tấn, miên mật với tâm tinh tấn dõng mãnh hướng tới Phật thừa.
Khi quý vị hành trì Bất thối Kim Luân thủ nhãn ấn
pháp, thì từ nay cho đến khi thành tựu quả vị Phật, quý vị sẽ không còn thối
chuyển. Nhưng quý vị phải tinh tấn hành trì!
47. Bồ đà dạ – Bồ đà dạ
Câu chú này với câu trước giống nhau, chỉ khác âm
giữa Bồ đà dạ. Hán dịch là “trí giả” và “tác giả”.
– Trí là hiểu biết chân chính, là trí tuệ.
– Giác là sự tỉnh thức.
Người có được sự hiểu biết chân chính là người đã
giác ngộ đích thực và có được trí tuệ.
Đây là Đảnh thượng hóa Phật thủ nhãn ấn pháp. Chữ
hóa Phật trong Dảnh thượng hóa Phật thủ nhãn ấn pháp chính là “giác giả”. Vị Bồ
tát hành trì thành tựu Đảnh thượng hóa Phật ấn pháp cũng chính là “trí giả”. Cơ
bản, “trí” và “giác” vốn chẳng khác nhau.
Giác là sự giác ngộ, là giai đoạn sau của cái biết
tròn đầy chân thực (trí).
Tri là cái biết toàn triệt, là giai đoạn trước của giác ngộ. Nếu quý vị tu tập Đảnh thượng hóa Phật ấn pháp thành tựu rồi thì quý vị sẽ là người có trí tuệ chân chính, là người đã tự mình giác ngộ rồi. Nếu quý vị tu tập ấn pháp này thì mười phương chư Phật sẽ liền đến xoa đầu thọ ký cho quý vị trong tương lai sẽ chứng được quả vị Phật.
Trong khi đang niệm Phật hoặc trì chú, hoặc tọa
thiền, hành giả đôi khi có cảm giác là lạ trên đỉnh đầu, như thể có một loài
côn trùng bò quanh đầu vậy, nhưng khi quý vị lấy tay sờ đầu thì thấy không có
gì lạ. Tôi sẽ nói cho quý vị biết đó là gì. Lúc ấy, chính chư Phật trong mười
phương đến xoa đầu thọ ký cho quý vị sẽ thành tựu Phật quả trong tương lai.
Nhưng vì quý vị chưa có được thiên nhĩ thông nên không nghe được; vì chưa có được
thiên nhãn thông nên quý vị không thấy được. Tuy vậy, chư Phật trong mười
phương thực sự đã rời bổn độ du hành đến đạo tràng xoa đầu thọ ký cho quý vị.
Thế nên nếu quý vị có phước duyên gặp được, thì đây là một cảm ứng xuất phát từ
công phu hành trì của quý vị. Nhưng quí vị không được khởi tâm mê đắm, hay ngã
mạn mà nghĩ rằng: “À! Chư Phật vừa đến xoa đầu thọ ký hộ trì cho tôi”. Nếu quý
vị khởi niệm vui mừng hay hãnh diện vì điều này cũng đều là chấp trước. Dù đây
là triệu chứng tốt lành, mà khi quý vị đã khởi tâm đắm chấp rồi, thì cũng trở
nên xấu.
Trong chương cuối của Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Đức Phật
trìh bày rất nhiều cảnh giới, tất cả đều là cảm ứng xuất phát từ nỗ lực dụng
công tu hành. Nhưng nếu hành giả nghĩ rằng mình đã chứng được cảnh giới vi diệu,
thì hành giả trở nên bị chấp trước và liền lạc vào tà ma ngoại đạo, liền bị ma
chướng. Do vậy, khi tu tập pháp này, quý vị phải tự an trú trong trạng thái
“như như bất động”. Cho dù có gặp cảnh giới tốt hoặc xấu, cũng giữ tâm kôhng
dao động. Khi tâm không dao động, là quý vị có được định lực, trí tuệ sẽ phát
sinh. Có trí tuệ chân chính, quý vị sẽ trở thành “trí giả” và “tác giả”.
48. Di đế rị dạ
Di đế rị dạ. Hán dịch là “ chánh lượng”. Cũng dịch
là “đại lượng”; nghĩa là số lượng rất nhiều, không đếm được. Còn dịch là “đại từ
bi tâm” nghĩa là tâm từ bi quá rộng lớn, không có ngằn mé. Tâm từ bi này bảo hộ
che chở cho tất cả mọi loaì chúng sanh và giúp cho họ được an vui, khiến cho
chúng sanh thể nhập với bản tâm của mình, thoát khỏi sợ hãi và tránh xa mọi tai
ương.
Đây là Tích thượng thủ nhãn ấn pháp. Trên đầu tích
trượng có chín vòng tròn bằnh đồng. Lúc xưa, người xuất gia đi đâu cũng mang
theo tích trượng. Mỗi khi đi đường, chín vòng kim loại này sẽ tạo nên âm thanh,
báo động cho các loài côn trùng tránh xa để khỏi bị dẫm đạp lên mình. Tích trượng
là một loại pháp khí trong Phật giáo. Bồ tát Địa Tạng thường dùng tích trượng
như là chìa khóa để mở cửa các địa ngục. Vì vậy nên hành giả tu tập ấn pháp này
phải nuôi dưỡng lòng từ bi rộng lớn, phát nguyện cứu giúp cho toàn thể mọi loài
chúng sanh.
(còn nữa)
Người giảng: Hoà thượng Tuyên Hoá