HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

LUẬN VỀ AN VÀ ỔN

Mục tiêu đầu tiên của tu hành là được an ổn. Muốn thành tựu hai điều trên, phải biết nguyên nhân nào làm cho người tu hành "tâm không an và trí bất ổn". An thuộc về TÂM, ổn thuộc TRÍ.

1) Muốn "an tâm" phải biết rằng tâm này vốn tự đã tự an. Chỉ do vọng phân biệt, sanh vọng tâm. Vọng tâm sanh khởi, bỏ mất bổn tâm, chạy theo sự việc, lấy sự việc làm ta, lấy sự việc làm tâm, lấy sự việc làm ngã... Vì thế, bất an sinh khởi. Nếu biết dừng lại, không chạy theo sự việc, không lấy sự việc làm ta, làm tâm, làm ngã, bổn tâm hiện trở lại và an sẽ tự đến.

Giống như một người, cầm chiếc chìa khoá trên tay, nhưng vì vọng khởi, quên mất trong tay có chiếc chìa khoá. Do không bình tâm, suy diễn lung tung, người này hướng ra bên ngoài tìm chiếc chìa khoá. Vì không tìm thấy chiếc chìa khoá bên ngoài nên bất an sinh khởi.

Chỉ cần bình tâm, không vọng khởi, không suy diễn lung tung, thảnh thơi ngồi xuống. Nhất định sẽ phát hiện ra chiếc chìa khoá đang nằm trong tay của mình. Biết được như vậy, không cầu, không tìm tâm cũng tự an.

2) Sở dĩ người tu hành "bất ổn", chỉ vì đối với thế giới, trí não hay sinh các quan niệm, muốn chiếm hữu, hy vọng mọi thứ của thế giới thuộc về ta, phục tùng ta... Chính quan niệm, mong cầu, hy vọng và muốn chiếm hữu làm cho bất ổn.

Muốn "không bất ổn", phải biết bản chất của thế giới. Bản chất của thế giới tự nó không tánh, không tướng, chẳng thể sở hữu được, vì người và thế giới là "hai thực thể riêng biệt". Biết như vậy, không khởi hy cầu, không sinh tâm chiếm hữu, bình thản trước mọi sự... Bất ổn sẽ không xảy ra.

Giống như trong bóng tối, nhìn thấy sợi dây tưởng lầm là con rắn. Do lầm tưởng nên ý sinh khởi các quan niệm chung quanh con rắn, vì thế trong lòng bất ổn. Chỉ cần bình tâm, thắp lên ngọn đèn, quan sát thật kỹ biết được sự thật, an ổn sẽ tự hiện.

Tóm lại, muốn thành tựu an và ổn, người tu hành phải thực hiện hai điều đó là:

- Trong: Không khởi vọng phân biệt “Tâm” sẽ “An”

- Ngoài: Không chạy theo hiện tượng để sinh Pháp (các khái niệm, quan niệm, quan điểm trói buộc). Nhất định "Trí” sẽ “Ổn”

Bổn tâm và thế giới, tức "tâm và vật" tự đủ tính chất của an và ổn. Chỉ vì không biết hộ trì tâm, chỉ vì hay sinh pháp, nên mới không an và bất ổn!!!                   

LÝ TỨ

Được tạo bởi Blogger.