TINH HOA GIÁO DỤC 25 (PHẦN 4)
BƯỚC NGOẶT
TUỔI DẬY THÌ, BIẾN CÁ CHÉP HÓA RỒNG
IV. THẤU HIỂU
ĐỂ TRỌN VẸN ĐI QUA CÁC GIAI ĐOẠN
“Bản chất mỗi giai đoạn không giống nhau, nếu đi
qua mà chưa thỏa mãn không có nghĩa là bản chất đó đã mất đi, mà nó vẫn sẽ còn
đó và quay lại tại một thời điểm khác. Giáo dục cần hiểu và tôn trọng bản chất
có trong từng giai đoạn.”
Con người, qua các giai đoạn sẽ nhìn nhận thế giới
bằng những lăng kính, tinh thần, nhận thức và cả trạng thái sinh lý cơ thể hoàn
toàn khác. Trong các giai đoạn đó, trước tiên tôi muốn đề cập đến tuổi dậy thì.
Tại khoảng thời gian này, trẻ sẽ tiếp xúc với thế giới nhiều hơn, học hỏi nhiều
hơn và cả những cảm giác mới lạ mà trước kia chưa nhận ra. Thật ra thế giới có
thay đổi, thế nhưng chính những thay đổi trong tâm sinh lý trẻ mới làm chúng
nhìn nhận cuộc sống bằng một lăng kính mới mẻ và khơi gợi nhiệt huyết khám phá.
Từ đó các em có thể sẽ làm nhiều chuyện mà qua góc nhìn của chúng ta cho đó là
không ổn, không tốt. Ta muốn con phải đi theo một hướng mà mình đã lập trình sẵn,
tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra mặt trái của điều đó.
Chẳng hạn, như ta ngăn cấm đứa trẻ yêu người này,
phản đối việc con chơi với người kia, đến chỗ này, ngăn cấm trẻ thể hiện bản
thân theo cách mà ta cho là “nông nổi, hời hợt”, hạn chế việc các em vui chơi,
tiếp xúc và trải nghiệm với thế giới bên ngoài. Rồi đưa con vào quỹ đạo mà ta
mong muốn, bằng cách bắt chúng học tập quá nhiều, bắt con phải ngoan, hay gây
áp lực khiến các em kìm nén những hành vi của mình. Có thể bằng quyền lực, hay
sức ép tạm thời ta thành công trước mắt, nhưng khi đi qua độ tuổi này, những gì
có trong bản chất mà chúng đã bỏ lỡ, sẽ không mất đi mà sẽ quay lại vào một lúc
nào đó.
Thường những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh như vậy,
vào độ tuổi trung niên từ khoảng 36 đến 45, lúc mọi thứ đã dần bắt đầu đi vào ổn
định, khi đã có công việc, gia đình, con nhỏ, địa vị trong xã hội, chúng sẽ vô
thức bắt đầu tiến trình dậy thì muộn của mình đã từng bỏ lỡ trở lại. Với tất cả
những đặc điểm tâm sinh lý của một đứa trẻ 15 đến 21 tuổi muốn làm, chúng vô thức
nổi loạn. Lúc này tâm hồn của một thanh, thiếu niên trong hình hài người lớn chỉ
là muốn trải nghiệm lại những điều mà mình đã bỏ lỡ. Nhưng hầu hết chúng ta lại
không biết chuyện gì thực sự đang xảy ra bên trong những con người đó, ta chỉ
biết miệt thị, chê trách, ghét bỏ, khinh thường rồi lao vào phán xét, đánh giá,
chỉ trích. Trong khi sự thật họ mới là người đáng thương, cần được quan tâm, cần
thấu hiểu và được chữa lành vì thực ra bản thân họ mang trên mình rất nhiều tổn
thương, nhưng lại không nhận thức rõ về điều đó.
Hay như bản chất của trẻ con hồn nhiên, vô tư,
thích được tự do vui chơi, nghịch ngợm, khám phá thế giới, trải nghiệm những
chuyện rất trẻ thơ. Lúc này trẻ cần được nuôi dưỡng trong tình yêu thương từ những
người xung quanh, mà trước hết ở đây là bố mẹ các em. Nhưng vào giai đoạn này
mà chúng lại bỏ lỡ hết thảy những điều đã kể trên, đứa trẻ trở thành ông cụ, bà
cụ non quá sớm hay vì một lý do nào đó mà đánh mất tuổi thơ, không được đón nhận
một tình yêu thương thực sự trọn vẹn. Qua giai đoạn đó chúng vẫn lớn lên, bước
vào độ tuổi thanh niên, nhưng điều gì đã bị bỏ lỡ ở tuổi thơ sẽ có xu hướng được
tái hiện lại trong giai đoạn này.
Những gì hợp lý đối với một đứa trẻ suốt ngày chỉ
biết nghĩ đến vui chơi, nghịch ngợm, quậy phá, hái hoa, chạy đuổi bắt bướm, xây
lâu đài cát, sẽ được tái hiện lại một cách vô thức theo một hình thức nào đó đối
với một người thanh niên. Thực ra đó là sự mong muốn chính đáng của đứa trẻ bên
trong hình hài một người thanh niên đã bị tổn thương, muốn đòi lại những gì
chúng đã bị bỏ lỡ.
Ở độ tuổi này lẽ ra con tim của chúng đã tràn ngập
yêu thương, sẵn sàng cho tiến trình ban tặng, con tim lại chưa trọn vẹn, còn
nghèo nàn và đói khát như người đi xin. Vẫn chỉ mong muốn được đáp ứng từ người
khác, điều này có vẻ không đúng và nguy hiểm. Bởi vì lúc nhỏ chúng là “người đi
xin”, người được ban phát tình yêu thương để được nuôi dưỡng, để trưởng thành,
nên điều đó hoàn toàn hợp tự nhiên. Nhưng lớn lên chúng cần trở nên giàu có,
thành người đi ban tặng, chứ không còn là kẻ đi xin nữa.
Thực ra đây là những đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc
trong tuổi thơ và cũng như trong quá trình chúng lớn lên. Những thanh, thiếu
niên hung hăng, ngang tàng, bạo lực, ích kỷ, càng có vẻ đáng ghét, đáng trách
và bài xích thì hơn ai hết chúng là những đứa trẻ bị tổn thương nhiều nhất. Tổn
thương vì thiếu tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc nhưng lại nhận lấy thừa
thãi sự cay đắng, bất công, những trận đòn, lời chê bai, chỉ trích, bỏ rơi, miệt
thị nên chúng mới trở nên như vậy.
Ai trong chúng ta nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy,
liệu rằng ta sẽ không trở thành như chúng. Lúc đó, sâu thẳm trong một trái tim
bị tổn thương và đã bị đóng lại, chúng thực sự cần là gì? Phải chăng đó là sự
thấu cảm và tình yêu thương. Cho nên xã hội thay vì miệt thị, gia đình thay vì
chê trách, con người thay vì phán xét, ta nên có cái nhìn cởi mở hơn với những
thanh, thiếu niên như vậy. Chúng ta cần thấu hiểu và đón nhận chúng bằng yêu
thương. Vì chỉ có yêu thương mới không có phân biệt, chỉ có yêu thương mới đón
nhận, xoa dịu và chữa lành cho những đứa trẻ đó và giúp chúng ý thức được vấn đề
của bản thân để tìm cách chữa lành.
Giáo dục nên bắt đầu từ việc hiểu biết đặc tính
phát triển khác nhau của các giai đoạn và tôn trọng bản chất của sinh mệnh. Vì
vậy, khi các em bước vào tuổi dậy thì, bạn hãy chấp nhận nó như một thực tại của
cuộc sống, hãy luôn lắng nghe, tâm sự cùng con mà không phán xét, đánh giá. Để
hiểu hơn về nhu cầu của các em, mỗi người hãy tự nhìn lại bản thân, tự chất vấn
chính mình xem liệu có bị “hư hại” hoặc đã bỏ lỡ điều gì hay không. Có như thế
bạn sẽ hiểu và dễ cảm thông hơn, giúp các em đi qua các giai đoạn một cách bình
an.
Giáo dục bằng tự chữa lành, đó là liều thuốc hòa
bình cho thế giới.
Hoàng Yến
Trần Huy Toàn