HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 25 (PHẦN 2)

BƯỚC NGOẶT TUỔI DẬY THÌ, BIẾN CÁ CHÉP HÓA RỒNG

II. ĐỒNG HÀNH - KẾT NỐI - THƯỞNG PHẠT TRONG HÀNH VI

Độ tuổi từ 15 đến 21, là giai đoạn mà các em có khát khao thể hiện cảm xúc của mình một cách mạnh mẽ, khi độc lập tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Các em sẽ có những chuyển biến lớn lao về nội tâm, cũng như sự thay đổi tâm lý rõ ràng, từ đó dẫn đến nhu cầu muốn được chia sẻ, lắng nghe và tâm sự để tìm kiếm sự thấu cảm.

Nhưng ít đứa trẻ nào chịu chia sẻ với bố mẹ, thay vào đó chúng thường hướng ra bên ngoài, tìm kiếm những mối quan hệ từ bạn bè, người yêu để đi qua chặng đường này. Tại sao trẻ lại không chọn bạn, người gần gũi và yêu thương chúng hết mực? Nguyên nhân là từ nhỏ bạn đã không hiểu trẻ, chưa tạo ra được sự kết nối cần thiết với trẻ, thường hay trừng phạt, la mắng, thật không giống một nơi để trẻ cảm thấy an toàn và chia sẻ. Do đó, theo một cơ chế tự nhiên để bảo tồn năng lượng của mình, đứa trẻ sẽ ngừng kết nối với bạn và chúng đóng trái tim lại.

Làm thế nào để không chỉ với vai trò làm bố mẹ, mà còn trở thành người bạn thân thiết, là người quân sư, không những đồng hành khi các con bước vào tuổi dậy thì mà còn trên chặng đường dài phía trước?

Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm lời giải cho vấn đề này.

Một cách tự nhiên sợi dây kết nối của bạn và đứa trẻ, có tuổi thọ từ lúc trẻ sinh ra cho đến năm lên 10 tuổi. Trong mười năm đó dù bạn không cố gắng, thậm chí còn có thể gây tổn thương đến các em, nhưng đứa trẻ vẫn không giống như sẽ xa rời tầm tay bạn. Nhưng sau năm 10 tuổi, sự kết nối này có còn được duy trì hay không nó phụ thuộc vào bạn, cần có những tác động nhất định để thấu hiểu nhau hơn, nếu không sợi dây kết nối tự nhiên giữa bạn và trẻ sẽ bị cắt đứt.

Ai ai cũng muốn sự kết nối đó lâu hơn thế, đặc biệt trong giai đoạn con trẻ bước vào tuổi dậy thì. Muốn được như vậy thật không có cách nào khác là bạn cần biết cách chủ động tương tác để gần gũi với trẻ.

Ngay từ lúc trẻ còn nhỏ bạn cần hoàn thành vai trò làm bố mẹ của mình, như là dành thời gian chơi với con, tôn trọng, thường xuyên trò chuyện, tương tác cùng con,... Lúc đó sự kết nối giữa bạn và trẻ sẽ bắt đầu hình thành rõ ràng, nhưng lúc này vẫn chưa phải đã thực sự khăng khít và sâu sắc.

Sự kết nối có dài lâu hay ngay lập tức mất đi, phụ thuộc vào cách xử lý các tình huống bạn gặp phải với trẻ trong đời sống hằng ngày mà bạn cho đó là những hành vi sai trái, hư hỏng, xấu xa. Nếu ngay lần đầu, lúc trẻ bộc bạch một vài hành vi xấu hoặc bạn phát hiện được một hành động chưa tốt của con, mà bạn phản ứng thái quá. Bạn hét lên, trừng phạt, thậm chí đánh trẻ, thì chắc chắn một điều rằng từ đó trở về sau chúng sẽ không bao giờ tin tưởng và chia sẻ với bạn thêm điều gì nữa, dù điều đó có tốt hay xấu. Đứa trẻ sẽ đóng trái tim lại, ngừng kết nối với bạn.

Cho nên cần có cách xử lý phù hợp để làm sao ngay từ đầu, khi con gây ra những hành vi chưa tốt, bạn cần kịp thời chỉnh sửa lại cho con về hành vi đúng, ngay thẳng, chân chính nhưng vẫn giữ được tình cảm, sự cởi mở, kết nối con tim với trẻ. Cho nên, dưới đây là cách xử lý tình huống để có thể mang lại được kết quả như vậy.

Khi nhận được thông tin mà bạn quy ước là hành vi sai trái, hư hỏng, xấu xa, với cách truyền thống dễ dàng nhận thấy ở các bố mẹ chỉ biết yêu thương con họ sẽ áp đặt thưởng phạt để hy vọng mình có thể mua chuộc hoặc đe dọa sửa chữa, thay đổi được hành vi của trẻ. Mặt dù đã tiếp cận nhiều phương pháp xử lý thưởng phạt khác nhau, nhưng tôi vẫn chưa thật sự thấy thỏa mãn cho đến khi biết được hình thức “thưởng phạt trong hành vi.”

Đây là hình thức kỷ luật thuận tự nhiên, mà ở đó bạn giúp đứa trẻ hiểu được thưởng phạt đã có ngay trong chính hành vi mình đã làm. Chẳng hạn, “hình phạt” cho việc ăn nhiều sẽ là bội thực, không ăn sẽ đói, ăn vừa đủ thì cơ thể sẽ dễ chịu, phát triển ổn định. Chăm học sẽ có hiểu biết và sự “trừng phạt” của lười học là ngu dốt. Ít ra ngoài thiên nhiên, lười vận động thì cơ thể sẽ yếu đuối, dễ suy nhược, vận động thái quá thì cơ thể sẽ bị kiệt sức, tổn thương. Vận động vừa phải cơ thể khỏe mạnh, hình thể đẹp. Hình phạt cho người nói mà không giữ chữ tín là không ai tin, bị người khác xem thường, còn phần thưởng của người nói lời chân thực thì được mọi người tin tưởng. Tóm lại, trong mỗi một hành động, việc làm tốt đã có sẵn phần thưởng, làm việc xấu, gieo nhân xấu cũng đã đi kèm theo “hình phạt” tương ứng.

Người lớn chúng ta không cần thưởng thêm hoặc phạt nặng, hay đặt cảm xúc của mình vào xử lý hành vi của trẻ. Mà cần giải thích cho các em hiểu được phần thưởng hay hình phạt đã có sẵn trong hành vi của chúng, để đứa trẻ tự ý thức và điều chỉnh hành động của mình sao cho hợp lý. Dưới đây là hai tình huống, tôi đã áp dụng trực tiếp hình thức thưởng phạt trong hành vi vào đời sống hằng ngày.

Có lần phát hiện Vũ, một cậu bé 8 tuổi lấy trộm tiền, tôi đã mất nhiều giờ để điều tra sự việc, mọi sự nghi vấn dần dần tập trung vào Vũ. Lúc đó trông cháu khá sợ hãi và lo lắng, bằng tất cả tình yêu thương, sự tôn trọng và kiên nhẫn tôi nói: “Con cứ nói sự thật, nói tất cả sự thật con đã lấy tiền của cậu như thế nào, tiêu nó ra sao. Con biết mà đúng không, cậu không như mẹ con, cậu sẽ không đánh hay la mắng con dù chỉ một lời.”

Sau một lúc tôi thuyết phục, cảm nhận được sự an toàn, tin rằng mình sẽ không bị trừng phạt, Vũ đã thừa nhận hành vi của mình. Bạn có thể hiểu rằng lúc đó tôi như muốn phát điên lên với đứa cháu mình, chỉ mong tóm được “hung thủ” và cho nó một trận ra trò. Vì từ sáng cho đến trưa và thậm chí cách đó vài phút cháu đã nhiều lần dựng chuyện nói dối, chối bỏ hành vi của mình. Để không bộc phát cảm xúc nhất thời như vậy, tôi quay mặt sang chỗ khác, hít một hơi thật sâu điều hòa lại cảm xúc rồi nói: “Con đã lấy trộm tiền của cậu, chuyện này chẳng hay chút nào. Cậu thực sự rất tức giận vì hành vi này của con”. Đó là cách tôi đã tự chủ bản thân, trước hết làm chủ cảm xúc của mình, sau đó chia sẻ cảm xúc của mình cho trẻ biết, chứ không phải dội hết tất cả những cảm xúc tiêu cực được đẩy lên cao trào xuống đứa trẻ.

Rồi tôi nhìn thẳng vào mắt Vũ, chậm rãi đặt những câu hỏi để cháu tự chất vấn bản thân: “Nếu con có một món đồ nào đó mà mình thích, nhưng bị người khác lấy mất đi thì con cảm thấy thế nào?... Con trộm tiền của cậu con tiêu như vậy con thấy được không?... Nếu con cứ tiếp tục hành vi này con sẽ ra sao mọi người sẽ còn tin tưởng con không?... Con muốn sống trong một thế giới của sự chân thành hay đầy rẫy sự dối trá, trộm cắp?... ”. Sau đó tôi cố tình rời khỏi phòng khoảng hai phút để cho Vũ cảm nhận được không khí khó chịu, tự lắng nghe tiếng nói lương tâm của mình, rồi quay trở lại.

Cuối cùng tôi để cho Vũ nói lên cảm nhận, suy nghĩ của mình cũng như nói lên hy vọng và khẳng định quan điểm của tôi đối với Vũ: “Con là đứa trẻ tốt, Cậu hoàn toàn tin tưởng điều đó, chỉ có hành vi đó là chưa đúng mà thôi. Cậu tin sau chuyện này con sẽ rút ra được bài học cho bản thân”, sau đó tôi đã giải quyết vấn đề như sau.

Tiền Vũ lấy trộm đã tiêu sạch, không có cách nào lấy lại được, nhưng không thể vì thế mà không chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nên tôi và Vũ cùng đi đến thống nhất là cháu cần làm vài việc để trả nợ. Thứ hai, khi Vũ lấy tiền, cũng có một phần lỗi của tôi, do tôi để tiền trên bàn lại không bỏ trong ví, khơi gợi lòng tham cho người khác khởi lên. Nên từ đó tôi để tiền cẩn thận hơn, cũng như nhắc nhở mọi người trong nhà chú ý điều này. Thứ ba, Vũ đang tuổi lớn, bắt đầu tiếp xúc với thế giới, bạn bè nhiều hơn, nhiều hoạt động cần có tiền, nên tôi chủ động tạo cơ hội cho Vũ làm vài việc vừa với sức lực và sở thích của cháu để kiếm tiền tiêu vặt. Thứ tư, tôi đã tức giận khi Vũ lấy tiền nhưng tôi cũng hết sức cảm thông cho Vũ, bởi vì tôi biết nguyên nhân chính dẫn đến cháu trộm tiền là do mẹ của cháu. Lúc mới chỉ hai, ba tuổi đã vô thức chứng kiến một hình mẫu không tốt từ mẹ. Mẹ Vũ trong sinh hoạt gia đình rất tùy tiện, không có thói quen tôn trọng đồ của người khác, thích lấy gì thì lấy, thích dùng đồ của ai thì dùng. Tôi đã nhiều lần cảnh báo nhưng chị ấy không nghe và Vũ đã vô thức học những điều không tốt từ mẹ ngay từ lúc nhỏ. Nên lúc kỷ luật Vũ tôi đã tác động mạnh vào ý thức, khơi dậy nên lương tâm của cháu. Đồng thời, sau khi giải quyết xong với Vũ thì người thực sự cần nói chuyện, cần phải kỷ luật đó chính là mẹ cháu, nơi khởi nguồn của nguyên nhân.

Tình huống thứ hai, Ngân là cô bé bảy tuổi. Có lần thấy Ngân đánh em, tôi gọi cháu vào nói: “Em chơi cùng con, cười cùng con, ăn cùng con, ngủ cùng con. Con và em rất thân thiết yêu thương nhau. Vậy mà giờ con đánh em, làm em đau để em đứng khóc nước mắt chảy dài thế kia. Con nhìn xem, con cảm thấy thế nào?”. Nghe vậy Ngân gục đầu xuống tỏ ra buồn và hối lỗi.

Tôi hỏi tiếp: “Con đánh em vậy có nên không?”

“Vì con nói mà em không nghe”, Ngân giải thích.

Tôi nói: “Con nói em không nghe nên con đánh. Thế sau này có chuyện gì nói không được là con đều đánh người để giải quyết vấn đề à. Cậu có khi nào đánh con để giải quyết chuyện gì đó hay không… Con nghĩ lần sau gặp chuyện như vậy nữa thì mình nên làm thế nào cho tốt?”. Sau đó tôi cùng cháu đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả hơn cho lần sau.

Cần nhắc lại câu nói của cháu “Vì con nói mà em không nghe”, nên Ngân đã đánh em. Điều này có nghĩa rằng, Ngân vô thức học được hành vi khuôn mẫu tiêu cực từ người lớn, ở đây là mẹ của em. Trong đời sống hằng ngày mẹ bé hay đưa ra mệnh lệnh một chiều, cũng mặc nhiên coi lời nói của mình là đúng và muốn các con nghe theo. Còn bé không phải lúc nào cũng muốn nghe theo lời mẹ, nhưng đối với một người mẹ thiếu năng lực lại thừa quyền lực như vậy thì những lúc con không nghe lời hay làm gì trái ý, người mẹ lại quát tháo, nạt nộ, không ngần ngại đánh đòn để con phải nghe lời. Hành vi tiêu cực đó đã được Ngân ghi lại trong vô thức, nên khi kỷ luật cháu tôi tác động vào tiếng nói lương tâm của Ngân để khơi dậy lên những giá trị tốt đẹp của cháu vẫn còn chưa bị dập tắt. Quan trọng hơn nữa cần phải tác động đến người mẹ, thay đổi được mẹ cháu thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Còn nếu chỉ xử lý triệu chứng là bé đánh người, mà không tìm ra được nguyên nhân, cái căn cơ xuất phát từ đâu, vấn đề sẽ không được giải quyết triệt để.

Osho và người bố.

Thời niên thiếu Osho từng có một thỏa thuận với bố về tính trung thực. Ông nói với bố rằng: “Con muốn làm một thỏa thuận.”

Bố ông bảo: “Về cái gì?”

Ông nói: “Bản thỏa thuận là nếu con nói sự thật, bố sẽ phải thưởng cho con, không được trừng phạt con. Bởi vì nếu bố trừng phạt con thế thì lần tới con sẽ không nói sự thật nữa. Bố có thể quyết định. Nếu bố muốn con nói dối, con có thể nói dối, nếu đó là những gì bố muốn nghe và muốn thưởng. Nhưng nếu bố sẵn sàng thưởng cho sự thật, thế thì con sẽ chỉ nói sự thật mà thôi và hãy luôn ghi nhớ, bố không được phép trừng phạt khi con nói thật. Bố phải hứa bởi vì chỉ sau đó con mới có thể mở lòng với bố trong mọi sự.

Nếu biết sẽ phạt thì con bận tâm nói với bố làm gì? Mà thật ra bố cũng không nên phạt bất cứ điều gì, trước khi lắng nghe con nói những điều mình nghĩ. Đừng có mà áp đặt con, nhưng hãy lắng nghe và tôn trọng lời con nói. Nếu không thì con sẽ không nói gì và lúc ấy bố sẽ đứng ngoài rìa cuộc đời con mãi mãi.”

Ông ấy nói: “Ta chấp nhận thỏa thuận này.”

Một ngày nọ ông đến chỗ bố và bảo: “Con muốn hút thuốc lá.”

Ông nói: “ Cái gì?”

Tôi nói: “Bố phải cho tiền con bởi vì con không muốn ăn trộm. Nếu bố không cho con tiền con sẽ phải đi ăn trộm và bố sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu bố không cho phép con hút, con vẫn sẽ hút nhưng hút ở nơi mà bố không biết, con sẽ phải giấu. Thế thì đồng nghĩa chính bố đang biến con thành một kẻ trộm, một kẻ giấu giếm và cũng đồng nghĩa rằng bố không muốn con trở thành người thành thật. Con thấy rất nhiều người hút thuốc và con muốn thử nó. Con muốn loại thuốc đắt tiền nhất có thể và con sẽ hút điếu thuốc đầu tiên trước mặt bố.”

Bố ông nói: “Điều này thật lạ nhưng lời thuyết phục của con thì rất hợp lý. Nếu ta ngăn cản con, con sẽ phải ăn trộm tiền và rồi vẫn sẽ hút bằng cách nào đó. Vậy thì suy cho cùng việc cấm của ta chỉ khiến con làm nhiều hành động tệ hơn. Nhưng việc này quả thật làm ta tổn thương. Ta không muốn con bắt đầu hút thuốc.”

Ông nói: “Chuyện bố muốn hay không đó không phải là vấn đề. Có một ham muốn khởi lên trong con khi thấy mọi người hút thuốc. Con muốn biết liệu việc đó đáng không. Nếu nó đáng thì từ giờ bố sẽ phải chấp nhận nó, nếu nó không đáng thì con sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện hút thuốc nữa.”

Mặc cho sự phản đối quyết liệt từ những người trong gia đình, một cách miễn cưỡng - ông được bố đi mua thuốc. Rồi ông hút, rồi ông ho, nước mắt giàn giụa. Ông không thể thậm chí hút xong một điếu, ông ném điếu thuốc đi và nói với bố: “Con xong việc với thuốc lá rồi. Từ giờ trở đi bố không cần lo về nó nữa. Nhưng con muốn bố hiểu một điều rằng con sẽ nói với bố mọi thứ và con sẽ không cần giấu bố bất cứ điều gì cả. Nếu con phải giấu giếm gì đó với ngay cả bố của mình, thì trên đời này còn ai con có thể tin tưởng đây? Con không muốn bất cứ khoảng cách nào giữa bố con.”

Nhìn ông ném điếu thuốc đi và mắt giàn giụa, mắt người bố cũng bắt đầu ướt, ông nói: “Mọi người đều phản đối nhưng sự chân thành của con đã thuyết phục ta mua nó. Hãy cứ tiếp tục trung thực với ta như thế, ta sẽ lắng nghe.”

Mọi trạng thái cảm xúc, khó khăn trong quá trình tương tác với trẻ nhiều lúc được đẩy lên cao trào, tột đỉnh. Như để thử thách cái đầu lạnh và trái tim nóng của bạn. Bởi chỉ khi nào cân bằng được hai yếu tố này bạn mới thực sự biết cách tương tác với trẻ. Bạn cần một cái đầu lạnh để không bị cảm xúc của bản ngã chi phối, luôn tỉnh táo, bình an, như vậy mới có thể xử lý được tình huống theo chiều hướng tích cực nhất và một trái tim nóng, để có thể vô cùng kiên nhẫn, vô cùng khoan dung, vô cùng yêu thương đứa trẻ.

Qua ba tình huống được kể trên, chúng ta có thể đúc kết ra được một vài giá trị cốt lõi cần nắm vững để thưởng phạt cho hợp lý.

Thứ nhất, mọi tình huống xử lý tốt xấu, đúng sai, được mất, đều dựa trên căn bản giá trị của tình yêu thương minh triết.

Thứ hai, dù trẻ có bộc bạch cả những chuyện mà bình thường bạn khó có thể chấp nhận, hay khi bạn bắt gặp những hành vi sai phạm của trẻ, dù có nghiêm trọng thế nào đi nữa như: “Chúng mang đồ trang sức, trang điểm mà bạn vô cùng yêu thích ra cho hết bạn bè nó. Chúng lấy đi tất cả tài liệu mà bạn vất vả cả tháng mới thu thập được để đốt lửa. Chúng làm hỏng chiếc xe mà bạn yêu thích. Chúng phá nát chiếc điện thoại bạn mới mua, hay quậy tung nhà lên”. Trước hết hãy cố gắng tự chủ cảm xúc bản thân, điềm tĩnh đón nhận, để tạo niềm tin cảm giác an toàn cho con trẻ. Như vậy trẻ mới dám chia sẻ, kết nối với bạn. Muốn làm được như vậy, bạn cần học cách tự chủ cảm xúc để tránh cho mình bị mất kiểm soát thân tâm trí, trở nên nóng giận và sân si, để những năng lượng tiêu cực không ảnh hưởng đến cách xử lý tình huống của bạn.

Thứ ba, kết nối, lắng nghe, cho trẻ cơ hội giải thích tình huống. Không như cách thông thường, bố mẹ không lắng nghe, thậm chí ngay lập tức la mắng trách phạt con. Tập cách lắng nghe và cố gắng đừng vội đánh giá, phán xét, nên đặt mình vào vị trí của trẻ để suy nghĩ, hiểu được nguyên nhân tại sao trẻ lại làm như vậy. Đồng thời cách bạn lắng nghe và cách đặt câu hỏi trong lúc nói chuyện cần rất tự nhiên trong lời nói, không thể hiện xu hướng dò hỏi, tra xét. Trẻ em rất nhạy cảm nên sẽ lập tức nhận được và thu mình lại trước thái độ tra hỏi như bề trên của bạn. Làm được như vậy, đứa trẻ sẽ hiểu được thông điệp ngầm rằng dù chúng có nói với bạn chuyện gì đi nữa “bạn vẫn luôn đứng về phía chúng, bạn là đồng minh của nó”, có như thế trẻ mới có niềm tin, cảm giác an toàn và tin tưởng bạn.

Sau đó bạn cần cho trẻ hiểu rằng, bạn thực sự là người khoan dung, là người đề cao giá trị của sự thật. Rằng sự thật dù có mất lòng, nhưng vẫn dễ chịu hơn cái giá mà chúng có thể trả khi nói dối. Và cách duy nhất để đạt được điều đó chính là sự khoan dung dành cho sự thật, một cách chân thành. Dù cho sự việc con gây ra có thế nào đi nữa, dù sự thật đó có quá sức chịu đựng của bạn đi chăng nữa. Có như thế khi đó con cái mới dám kể cho bạn mọi chuyện, kể cả những điều khó nói nhất. Vì chúng hiểu mình sẽ không bao giờ bị trừng phạt, thậm chí cũng không bị la mắng, mà thay vào đó chúng sẽ được bạn giúp đỡ hoặc ít nhất là cũng được lắng nghe một cách chân thành. Những rắc rối luôn hiện hữu trong cuộc sống của trẻ, chứ không chỉ bắt đầu khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, đó cũng chính là lúc chúng cần đến bố mẹ nhiều nhất. Hãy giúp đứa trẻ hiểu rằng nói ra sự thật không hề khiến chúng chịu sự trừng phạt nặng, sự chân thật sẽ luôn được đề cao, hỗ trợ và giúp đỡ.

Thông thường vì quá sợ hãi mà con trẻ sẽ giấu giếm và không dám nhờ đến sự trợ giúp của người lớn. Sau nhiều cố gắng, nếu bạn thành công thực hiện được những điều trên thì trẻ sẽ chấp nhận bạn không chỉ với tư cách là người làm bố mẹ, mà còn là người bạn đồng hành cùng các em trên chặng đường dài chúng đi. Sự kết nối giữa bạn và con sẽ gần gũi hơn bao giờ hết.

Thứ tư, thành công của thưởng phạt trong hành vi đạt được là khi có sự gắn kết chặt chẽ, đồng hành giữa người lớn và đứa trẻ.

Biểu hiện của bố mẹ, thầy cô giỏi không hẳn là luôn có những đứa trẻ ngoan, mà là biết cách xử lý hợp tình hợp lý khi đứa trẻ có cách ứng xử, hành vi chưa tốt.

Khi bạn trồng cây, nếu xét về chất lượng hạt giống, điều kiện tự nhiên (nước, ánh sáng, độ ẩm… ) vô cùng tốt, thế nhưng cây lại chậm lớn hoặc không phát triển. Bạn nghĩ thử xem, nguyên nhân lớn nhất là gì? Có phải do môi trường đầu tiên mà nó bắt đầu sự sống? - Đất. Bạn có nhận thấy sự tương đồng ở đây không? Hạt giống là thai nhi trong bụng mẹ, cây là đứa con đã ra đời. Đất ở đây là môi trường ngoài đầu tiên con được tiếp xúc, đó là bố mẹ, ông bà, gia đình. Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, sự phát triển của cây phụ thuộc rất lớn vào mảnh đất nuôi dưỡng nó.

Bởi vậy, khi cây có chiều hướng phát triển không tốt, việc cần làm là xem lại và cải tạo đất. Cũng tương tự như vậy, khi con có vấn đề hay khi bạn kỷ luật con về một hành vi nào đó, chính là lúc cần chất vấn lại bản thân, thành thực với chính mình để đặt câu hỏi rằng: “Vấn đề thực sự xuất phát từ con hay từ chính mình?”. Không như sự mặc định của nhiều người cho rằng nuôi dưỡng và giáo dục con là quá trình tương tác một chiều. Điều đó không đúng, ngộ nhận này sẽ làm bạn gặp nhiều khó khăn, bạn hãy tự vấn lại xem. Bạn đang có rắc rối gì với con mà chưa giải quyết được không? Thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, hay la mắng, trách phạt, nói con không nghe lời, hay dùng quyền lực ép con phải làm chuyện này chuyện kia. Bạn không biết xử lý các tình huống, hay làm giúp hoặc bỏ mặc con, bạn không tin tưởng, không thấu hiểu con, con không tâm sự với bạn… những biểu hiện đó cho thấy bạn đang bế tắc.

Quá trình nuôi dưỡng và giáo dục con là quá trình không ngừng đổi mới, học hỏi, hoàn thiện chính bản thân. Bạn muốn giáo dục con mà bản thân không thể tự giáo dục mình. Muốn thay đổi được con mà không thay đổi mình. Muốn rèn con mà không rèn mình. Đó là ngụy giáo dục, là thất bại với đặc ân mà Tạo hóa đã ban tặng cho bạn khi sinh ra một đứa trẻ. Muốn dạy con về điều gì, trước hết những giá trị đó cần thấm nhuần trong người bạn, muốn thay đổi con hãy tự thay đổi bản thân, muốn rèn luyện con hãy biết cách rèn luyện chính mình.

Giáo dục cần thay đổi. Giáo dục phải thay đổi. Nhưng đầu tiên phải đến từ bố mẹ, thầy cô,… một môi trường đất màu mỡ sợ gì cây không thể phát triển - cải tạo “đất” là cải tạo con. Chính những người đã thành tựu mới có thể đưa loài người lên trình độ văn minh cao hơn, đó là di sản cho muôn đời sau. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nếu chỉ hiểu được ý nhỏ trong câu nói này rằng: “Giáo dục một đứa trẻ thực chất là một quá trình xuất phát từ bên trong, trước hết đến từ việc tự giáo dục chính mình, đặt việc tu dưỡng bản thân lên hàng đầu. Ngược lại, tu thân chưa đủ và bản thân cũng chưa thực sáng suốt mà đã lo giúp người, giúp đời, lo nuôi dạy con, thì đó là hại mình hại người”, hiểu được như vậy cũng quý lắm rồi.

Nuôi dạy trẻ, là hành trình tự giáo dục lại bản thân mình.

Trần Huy Toàn
Được tạo bởi Blogger.