TINH HOA GIÁO DỤC 22: KHEN NGỢI TRONG HÀNH VI
Khen ngợi như việc tăng thêm động cơ tên lửa vào tàu con thoi sẽ giúp
con tàu mạnh hơn từ đó bay nhanh hơn, xa hơn, vươn đến những tầm cao mới. Lời
ngợi khen có thể đóng vai trò như một ngòi nổ, một khi ta biết cách sử dụng và
châm ngòi sẽ kích hoạt được quả bom mang tên “bước nhảy vọt” giúp trẻ phát huy,
thể hiện được tối đa sức mạnh và năng lượng còn tiềm ẩn bên trong.
Một lời động viên hay khen ngợi có thể quyết định một cuộc đời, thậm
chí còn thay đổi hẳn cả một con người. Dưới đây là một trường hợp điển hình.
Khi Raquel còn trẻ, cô nàng lựa chọn việc trông trẻ làm công việc bán
thời gian của mình. Trong số những cô bé, cậu bé mà cô nàng chăm sóc, có một cô
bé 12 tuổi vô cùng đam mê vẽ.
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những bức vẽ của cô bé luôn
không được hài hòa về màu sắc, các đường nét cũng không xuất chúng, và quan trọng
hơn hết, cô bé rất hay không hài lòng với tranh vẽ của mình. Bạn bè của cô bé
cũng thẳng mặt “phũ phàng” rằng cô chẳng thể trở thành nghệ sĩ được đâu.
Ấy vậy mà Raquel đã chọn cách làm ngược lại. Cô nàng khen: “Những bức
vẽ có thần thái rất sống động”. Cô bé 12 tuổi lúc bấy giờ ngạc nhiên đến nỗi: cứ
mỗi tối đi ngủ lại hỏi Raquel, chỉ để nghe lại lời khen hiếm hoi cho những bức
vẽ của mình.
Raquel đã không tiếc lời khen cho cô gái nhỏ.
Rất nhiều năm sau, khi đã được nhận vào học tại 3 trường đại học về mỹ
thuật rất danh tiếng, cô bé 12 tuổi năm nào đã rất xúc động và không quên viết
thư cảm ơn Raquel.
Tài khoản AwesomeName chia sẻ: “Ai trong cuộc đời cũng cần những lời động
viên như thế để trở nên tự tin. Chỉ cần một lời nói thôi, một đời người có thể
thay đổi. Tại sao chúng ta cứ phải làm khó nhau?”. Một số câu chuyện thật được
kể: “Tôi lớn lên với lời động viên của bố và sự dày vò của mẹ khi tôi muốn trở
thành họa sĩ. Và bây giờ, nó là công việc toàn thời gian của tôi.”
Đúng là thực hiện được lời khen sẽ rất tuyệt vời, tuy nhiên chúng ta
thường chưa tận dụng triệt để quà tặng tinh thần này vào trong cuộc sống được để
giúp trẻ phát triển. Nguyên nhân thứ nhất, bạn thường có thói quen nhìn nhận
khuyết điểm, những hành động chưa tốt của trẻ để phê phán, chỉ trích nên ít khi
nào có cơ hội khen ngợi. Thứ hai, bạn thường đưa ra lời khen sáo rỗng, khen cho
qua chuyện và chưa biết cách để thực hiện một lời khen sao cho hợp lý, hiệu quả.
Do đó, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu giải pháp để thực hiện lời khen đúng.
Giải pháp cho vấn đề thứ nhất, khi bạn tập trung vào một điều gì đó,
nó sẽ phát triển. Trong mỗi người sẽ luôn luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu, ưu
điểm và khuyết điểm, nhưng nhiều người thường hay xoáy vào những khuyết điểm,
điểm xấu, những mặt hạn chế của đứa trẻ để chỉ trích, phê bình. Mục đích là làm
cho đứa trẻ cảm thấy xấu hổ để học tập, phấn đấu tốt hơn - điều đó thật kỳ quặc.
Làm như vậy dễ làm các em cảm thấy kém cỏi, mặc cảm tự ti về bản thân
bởi những ám thị tiêu cực. Hơn nữa, khi bạn tập trung vào cái xấu, khuyết điểm
thì không những nó không giảm mà ngày một lớn mạnh hơn.
Vì vậy, hãy tập trung nhìn nhận những mặt tích cực của trẻ, khẳng định
ưu điểm, sở trường và khi trẻ có biểu hiện hay một hành động bất kỳ dù là nhỏ
nhất, hãy luôn tìm thời điểm thích hợp để khen ngợi.
Những tình huống có thể xảy ra trong đời sống:
Đức Hiếu là một học sinh lớp 7, vì kém môn Toán nên mẹ thuê hẳn cô
giáo dạy kèm cho cậu, hy vọng rằng thành tích sẽ khá hơn. Cô giáo cũng là một
người rất trẻ, năng động và tâm huyết với công việc, cũng như quan tâm đến cậu
học sinh nên đã dành nhiều thời gian, sức lực vào việc bồi dưỡng cho học trò.
Tuy nhiên, khi Đức Hiếu mang bài kiểm tra của mình chỉ với 3,8 điểm (rất kém so
với sự kỳ vọng) cho cô giáo xem, cô ấy đã không kiềm chế được nỗi thất vọng, giận
dữ, thậm chí như đã gào lên với cậu học trò. Nhưng lúc đó Đức Hiếu nói với cô
giáo trẻ, một câu khiến cô ấy tỉnh ngộ: “Tại sao cô chỉ nhìn vào một điểm toán,
tất cả những điểm của môn khác đều rất cao mà”. Bài học ở đây là, hãy nhìn những
khía cạnh tích cực khác và nhìn nhận trẻ một cách công bằng.
Bạn muốn khuyên con giảm béo, lúc nào bạn cũng nhấn mạnh: “Sao con ăn
nhiều thế, hãy nhìn lại bản thân mà xem mình giống con gì?”. Thay vào đó trong
một ngày, hay một bữa mà con bạn ít ăn hơn một chút hoặc ăn rau củ quả nhiều
hơn. Lúc này bạn có thể nắm bắt cơ hội, đưa ra lời khen tích cực để khẳng định
đứa trẻ: “Mẹ thấy con ăn rau củ quả rất nhiều”, hay “Có vẻ như con đã tự mình cố
gắng để ăn ít đi một chút rồi nhỉ”, cách khen này giúp trẻ nhìn nhận mình ở một
khía cạnh khác. Trẻ hiểu mình được quan tâm, mình đang thay đổi tích cực, khi
đó rất có khả năng trẻ sẽ quyết tâm và nỗ lực hơn để giảm cân.
Con lúc nào cũng chơi game mà không lo học. Tất nhiên, với tư cách là
người làm bố làm mẹ, thường bạn sẽ can thiệp và khuyên ngăn con nên dành thời
gian học tập nhiều hơn, nên những lúc thấy con chơi game bạn hay nói: “Lại nằm
đó chơi game nữa à, suốt cả ngày không làm gì ngoài việc chơi game”. Cách này
không hiệu quả, thay vào đó chỉ cần bất cứ lúc nào con ngồi vào bàn học, lật một
trang sách, thì bạn nên đưa ra một lời khen: “Con đã biết dành thời gian cho việc
học hơn nhỉ.”
Khi trẻ có biểu hiện, thái độ, hành vi, hay chỉ là một chút nỗ lực hãy
nắm bắt thời cơ và rộng lượng khích lệ trẻ bằng những lời khen nhỏ.
Giải pháp cho vấn đề thứ hai, một lời khen đúng có thể đánh giá bằng
cách hội đủ được ba yếu tố sau:
Đánh giá cao nỗ lực và cố gắng trong quá trình thực hiện thay vì kết
quả.
Miêu tả những thay đổi, tiến bộ bạn nhìn thấy.
Nói lên cảm nhận của bạn và chốt lại bằng một cụm từ (yếu tố thứ ba có
cũng được, không có cũng không sao).
Áp dụng vào thực hành, chẳng hạn một ngày nọ đứa trẻ cho bạn xem một bức
tranh, lời khen đúng sẽ là: “Mẹ thấy con đã rất tập trung để vẽ được bức tranh
này. Xem con có gì nào: vài đường nguệch ngoạc, màu xanh lá cây trên bầu trời,
vài ba con chim đang bay. Mẹ cảm thấy rất vui vì con đã cho mẹ xem tranh và đây
chắc hẳn là sở thích của con rồi.”
Trẻ giúp dọn nhà, lời khen đúng sẽ là: “Bố thấy con đã mang mấy quả
bóng để lại vị trí cũ, mang cái ghế đặt gần bàn. Cảm ơn đã giúp đỡ bố! Con rất
chăm chỉ.”
Khi trẻ chơi đồ xong, cất gọn vào một chỗ: “Mẹ thấy con chơi đồ chơi,
sau đó đã cất gọn gàng vào chỗ cũ! Con rất có trách nhiệm về việc mình làm đấy.”
Một người bố đang chơi đùa với con và nói nếu con trả lời được câu hỏi
sau đây, bố sẽ có phần thưởng nhỏ. Người con háo hức trả lời, nhưng mãi cũng
không đưa ra được kết quả đúng, lúc này người bố nói: “Câu trả lời của con chưa
đúng, tuy nhiên con đã cố gắng và bình tĩnh suy nghĩ để nghiêm túc tìm câu trả
lời và đưa ra nhiều phương án khác nhau. Bố ghi nhận những nỗ lực trong quá
trình tìm câu trả lời, nên con vẫn xứng đáng nhận được phần thưởng.”
Hay tùy vào hoàn cảnh, không gian, thời gian, đặc biệt trẻ càng nhỏ
thì lời khen càng nên ngắn gọn, súc tích. Đơn giản chỉ là bằng thái độ tích cực,
khuôn mặt niềm nở, nhìn thẳng vào mắt trẻ bằng một ánh mắt yêu thương, đầy tự
hào và khẳng định những hành động tốt mà bạn mong muốn con lặp lại như:
Con đã cố gắng hoàn thành bài trước khi đi ngủ.
Cảm ơn con đã mang cái thìa đến giúp mẹ.
Con đã tự động tắt điện khi ra khỏi phòng.
Bố thấy con đóng cửa nhẹ nhàng.
Con giỏi quá đã biết chia sẻ đồ ăn cho bạn khác rồi.
Cách khen này có gì khác so với cách khen truyền thống?
Cách khen truyền thống gây ra những vấn đề về nhận thức và có ảnh hưởng
tiêu cực đến tâm hồn trẻ. “Con giỏi quá, tuyệt vời!”, nghe thật trừu tượng, trẻ
nhỏ sẽ tự nhủ thế nào là giỏi, điều gì là tuyệt vời vậy? “Con là nhất” vậy con
nhà người ta là gì, nó khiến trẻ ảo tưởng sức mạnh và năng lực của bản thân.
“Con giỏi hơn mấy bạn”, khen như vậy làm nâng cái tôi của đứa trẻ lên. “Con
chơi bóng giỏi lắm. Con thật xuất sắc khi làm bài đạt được điểm mười. Con đúng
là một thiên tài” những lời khen này dễ làm trẻ hoài nghi. Chơi bóng giỏi ư? Có
lẽ bố mẹ chưa bao giờ thấy mình chơi bóng trong mấy trận trước. Điểm mười à?
Khen như thế sẽ gây áp lực cho trẻ. Trẻ sẽ tự nhủ, làm sao mình có thể lặp lại
được thành tích như vậy. Thiên tài sao? Bố mẹ hay nói mình đồ ngốc, thậm chí
mình còn không nhớ nổi đường về nhà cơ mà, thật không thể tin nổi.
Tóm lại, với cách khen hay được sử dụng như thế này dễ làm cho con người
được phỉnh nịnh thái quá, dần dần sẽ trở thành thói quen. Người đó sẽ trở nên tự
cao, tự đại một cách mù quáng, chẳng biết đến ai ngoài chính mình. Sẽ đánh mất
đi năng lực cơ bản nhất là tự biết mình và không lâu sau đó sẽ tự chuốc lấy tai
ương từ sự mù quáng này.
Điều đáng sợ hơn nữa, trong chuẩn mực của một lời khen truyền thống là
quá nhấn mạnh đến việc khẳng định kết quả. Có nghĩa là khi trẻ em hay bất kỳ ai
được khẳng định, được khen ngợi sau khi đã hoàn thành được một công việc hoặc đạt
được thành tích tốt như mong đợi, hay giành được thành tích cao nhất. Chẳng hạn,
một nhóm trẻ đang vui đùa trong giờ tập thể dục, cuối buổi bạn nói: “Bây giờ sẽ
thi chạy 50 mét, các em hãy vào vị trí, sẵn sàng, chạy!”. Trong số đó sẽ có một
đứa chạy về trước, bạn khen: “Em thật xuất sắc, em là người chiến thắng”, những
đứa trẻ khác về sau bạn lắc đầu nói: “Chưa được, chạy chậm quá, phải chăm chỉ tập
luyện hơn nữa nếu muốn là người chiến thắng.”
Khi nhấn mạnh vào kết quả người ta vô tình hiểu một thông điệp ngầm rằng:
“Trong quá trình thực hiện ‘làm thế nào cũng được’, chỉ cần đạt được mục đích
là được”. Nó đã trực tiếp phá hủy những nền tảng đạo đức, phẩm chất và tư cách
bên trong mỗi người. Nhiều người đã không ngại hành vi gian lận, dùng thủ đoạn,
chỉ để mong đạt được kết quả tốt. Chẳng hạn, một cầu thủ chơi bóng quá xuất sắc
trên sân cỏ có thể bị đội bạn cố tình gây chấn thương, nhằm loại anh ta ra khỏi
trận đấu và để đội mình dễ dàng chiến thắng. Một học sinh có thể gian lận trong
học tập, thi cử chỉ để mong có được kết quả tốt, điều mà bố mẹ thầy cô kỳ vọng.
Ngược lại, khi bạn thay đổi bằng lời khen theo cách mới, mọi chuyện lại
khác. Hãy thử hình dung lại tình huống ở trên, cũng có một em nhỏ chạy về đích
trước, nhưng bạn nói: “Em là người về đích đầu tiên, em là người chiến thắng về
tốc độ”. Đối với các em còn lại khi đang cố chạy về tới đích, bạn lại nói: “Các
em đã vượt qua sự lười nhác, chán nản, vượt lên giới hạn của bản thân để chạy về
đích. Đây là một chiến thắng khác, một chiến thắng đích thực, các em có quyền tự
hào về chính mình.”
Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó chứ? Mắt các em sẽ sáng lên, lần tới các em
sẽ có động lực, tràn đầy năng lượng, các em vẫn sẽ nỗ lực dù kết quả như thế
nào. Bằng cách “diễn đạt lời khen dưới dạng miêu tả”, đứa trẻ sẽ hiểu mình được
nhìn nhận bởi biểu hiện và hành vi. Do đó chúng sẽ dễ dàng lặp lại hành vi,
thái độ mình từng thực hiện để cảm nhận những lời khẳng định tích cực. Cũng sẽ
không còn những đứa trẻ muốn gian lận, mưu mẹo nhằm đạt được chiến thắng. Vì
khi đó thắng lợi này không còn được ca ngợi, tung hô và hơn ai hết lương tâm
người đó tự hiểu rằng, đó cũng không phải là chiến thắng mà là phỉnh lừa chính
mình.
Mahatma Gandhi nói: “Vinh quang nằm trong nỗ lực, không phải kết quả,
nỗ lực hết mình là thắng lợi hoàn toàn”, điều này hoàn toàn thuận theo tự
nhiên. Bạn không thể gắn chặt hành động với kết quả được, vì còn vô vàn yếu tố
khác có thể tác động làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, nên không phải mọi nỗ
lực đều đem lại kết quả như mong muốn. Nếu bạn ý thức và chấp nhận được điều đó
trong đời sống hằng ngày, bạn sẽ được thoát ra khỏi vô vàn những ưu phiền, lo
âu, giận giữ vô ích và sẽ trở nên an nhiên, tâm hồn bạn sẽ được thảnh thơi.
Trong trận đấm bốc kinh điển giữa Muhammad Ali và võ sĩ ít tên tuổi
Chuck Wepner ngày 24/3/1975, không một ai, kể cả những người lạc quan nhất, tin
rằng Wepner có thể trụ lại đến hiệp thứ ba trước những cú đấm của Ali. Nhưng
Wepner đã viết nên một câu chuyện “David và Goliath” trong đời thực. Trước thế
tấn công như chẻ tre của Ali - Wepner vẫn không chịu gục ngã và vẫn trụ vững
trên sàn đấu tới hiệp thứ 15.
Mặc dù Ali vẫn chiến thắng chung cuộc, nhưng lại có chiến thắng khác
dành cho Wepner, đó chính là sự kiên cường, chiến đấu với quyết tâm mạnh mẽ mà
không hề nao núng, khiến cho chính người chiến thắng là Ali cũng phải khâm phục.
Và nhận được lời khen ngợi, sự tôn trọng của tất cả mọi người xem trận đấu ngày
hôm đó. Ali có sức mạnh chiến thắng để trở thành nhà vô địch ở bất cứ giải đấu
nào. Wepner vượt qua nỗi sợ hãi và do dự bên trong, vượt qua giới hạn, nghịch cảnh
của chính mình, một chiến thắng thực sự dành cho anh.
Con người có ưu khuyết điểm là chuyện bình thường tương tự như vậy, một
học sinh đến lớp: Thích học môn này, ghét môn kia, học tốt môn này kém môn kia,
vượt trội ở lĩnh vực này nhưng lại bất lực trong lĩnh vực khác, cũng là chuyện
thường thấy.
Cụ thể, cũng câu chuyện của Đức Hiếu ở trên, khi mà hầu hết các môn học
cậu ấy đều làm rất tốt, duy chỉ có một vài môn trong đó có Toán là tuột lại
phía sau. Thường thì không có gì lạ khi bố mẹ hay thầy cô của Đức Hiếu đều có
tham vọng muốn cậu thật hoàn hảo, giỏi ở tất cả các lĩnh vực. Thế là họ tập
trung vào môn Toán cho em học ngoài giờ, dành nhiều thời gian hơn để nâng cao
thành tích. Nhưng khi kết quả vẫn không như mong đợi, họ chỉ trích và khiển
trách đứa trẻ.
Bạn ơi! Chuyện này không thể, khác gì bạn đang bắt một con cá leo cây?
Thật không công bằng với bất kỳ ai, sự kỳ vọng ở đứa trẻ cố gắng hoàn thiện bản
thân, trở nên xuất sắc, ưu tú ngay cả trên những lĩnh vực mình không có hứng
thú, sở trường. Tôi hỏi bạn. Tại sao bạn lại trở thành giáo viên dạy Toán, mà
không phải là giáo viên dạy Sinh, Ngoại Ngữ, Âm Nhạc hay Thể Dục? Không phải đó
là do bạn không thích, không phải là sở trường của bạn hay sao? Vậy thì cớ sao
bạn lại kỳ vọng quá nhiều vào thành tích phải trở nên tốt, xuất sắc của trẻ ở tất
cả các lĩnh vực. Giáo viên dạy Toán muốn học trò mình giỏi Toán. Giáo viên dạy
Văn cũng muốn học trò giỏi Văn. Giáo viên dạy Thể dục cũng muốn học trò giỏi Thể
dục,… thật vô lý, trong khi chính bản thân bạn cũng lại chỉ có thể giỏi ở một
vài lĩnh vực thôi mà.
Ngược lại, nếu bạn chỉ tập trung khẳng định nỗ lực trong quá trình trẻ
phấn đấu và chỉ xem kết quả chỉ là hệ quả tất yếu, mà không hề có bất kỳ sự
ràng buộc nào thì mọi chuyện sẽ khác. Một khi mà Đức Hiếu nói riêng và trẻ em
nói chung đã cố gắng học tập, tập trung, suy nghĩ về phương pháp và vượt qua sự
nhàm chán của bộ môn mà mình không thích,… hãy khen ngợi, khẳng định quá trình,
vì đấy là những nỗ lực của em.
Hơn nữa hãy “nhìn những gì mà bạn đang có”, chính là cách tư duy tích
cực thay vì la mắng con được điểm số thấp. Như vậy là bạn đang nhìn nhận cuộc sống
theo hướng tiêu cực, chỉ tập trung vào những gì mình không có. Trong trường hợp
này, góc nhìn tích cực sẽ là: “Con được 3,8 điểm đấy, cũng không quá tệ nhỉ”. Mọi
người hiểu không? Dương 3,8 điểm tốt hơn nhiều so với âm 6,2 điểm. Tiếc thay
nhiều người luôn nhìn nửa ly nước theo hướng đã bị vơi đi một nửa. Nhưng nếu bạn
nhìn với thái độ còn đến nửa ly nước theo chiều hướng tích cực cuộc đời bạn sẽ
khác, con bạn cũng sẽ khác.
Biết đâu khi được khích lệ, được công nhận những nỗ lực, vẫn được yêu
thương dù kết quả là tốt hay xấu, dù chiến thắng hay thất bại, rất có thể đứa
trẻ sẽ thay đổi tâm lý từ việc không thích học sang thích học, từ việc thụ động
sang chủ động học. Khả năng thành tích từ học kém chuyển sang khá là điều hoàn
toàn có thể xảy ra theo một lẽ tự nhiên.
Khó khăn khi bạn bắt đầu áp dụng cách khen mới là thói quen phản xạ đã
được bạn hình thành từ trước đến nay, giờ bạn phản ứng với chúng một cách vô thức.
Lời nói tự động buông ra khỏi miệng mà chưa cần phải suy nghĩ: “Tuyệt lắm! Con
giỏi quá! Con rất xuất sắc! Mẹ rất tự hào về con! Ngoan quá… ”. Điều này sẽ làm
bạn mất nhiều thời gian, cho đến một lúc nào đó khi tuôn ra những lời khen kiểu
này, bạn ý thức với bản thân mình rằng: “Ơ! Mình không nên khen như vậy”, đó là
lúc bạn bắt đầu thay đổi và trưởng thành hơn. Hiển nhiên đây là phản ứng bình
thường, tự nhiên khi não học được những điều mới mẻ. Nhưng có một cách để hạn
chế và nhanh chóng đưa niềm tin về ý thức mới thay thế cho cách khen của tiềm
thức cũ, thì có một gợi ý ở đây là: “Bạn hãy nhắm mắt lại hoặc nhìn vào trong
gương, hãy tưởng tượng thật nhiều các tình huống giả định khi con bạn làm một
điều gì đó tốt. Tiến đến nhìn thẳng vào mắt con và thực hiện một lời khen
đúng”. Nếu bạn lặp lại điều này trong khoảng ba mươi ngày, thói quen cũ dần dần
bị thay thế và thói quen mới sẽ được hình thành.
“Nổi tiếng, thành công” và đón nhận hào quang quá sớm liệu có lợi cho
trẻ?
Nhiều người giàu hay vì đứa trẻ có năng tài, năng khiếu vượt trội nào đó
nên họ thường xuyên cho trẻ đi biểu diễn, xuất hiện trên truyền hình, đóng
phim, tham gia các chương trình dành cho thiếu nhi hoặc là thích phô diễn ra
cho mọi người thấy. Đây là sân chơi tốt cho trẻ phát triển, thể hiện bản thân,
trải nghiệm và tiếp xúc với môi trường xã hội nhiều hơn. Tuy nhiên chuyện này
chưa hẳn tốt bởi vì, cần phải cân nhắc thật kỹ giữa chuyện được và mất khi trẻ
tham gia vào quá nhiều chương trình truyền hình, vì điều này về lâu về dài đôi
khi lại có hại nhiều hơn là có lợi cho các em.
Bởi vì ở môi trường này, dường như họ không bao giờ đánh giá cao nỗ lực
của trẻ, điều cuối cùng họ ghi nhận chỉ là kết quả cuối cùng. Như vậy vô thức sẽ
làm tổn thương hầu hết trẻ khi tham gia, vì người chiến thắng chỉ có một trong
khi người tham gia lại quá đông. Còn đối với trẻ giành được chiến thắng thì hiển
nhiên các em được xem là đặc biệt vượt trội về tài năng được người ta hết mực
khen ngợi. Điều đó khiến các em nghĩ rằng thật quá dễ để thành công và thành
công quá sớm làm các em đắc chí, sinh ra tính tự cao, dẫn đến sau này trượt dốc,
thất bại khó mà đứng dậy được. Và dù mang lại thành công đi nữa thì liệu các em
có thực sự hạnh phúc, hay luôn sống giả tạo với vỏ bọc không phải của mình. Hơn
nữa khi trình diễn, người ta chỉ chú ý đến những gì các em đã thể hiện ra bên
ngoài, nên hầu như những thứ các em làm chỉ là một sự mô phỏng, bắt chước, đã
được sắp đặt, lên kế hoạch sẵn xuất phát từ ngoại lực. Khiến các em phụ thuộc
vào yếu tố bên ngoài, khi lớn lên các em dần dần mất đi nội lực của chính mình,
mất đi khả năng sáng tạo và thể hiện cá tính của bản thân.
Khi trẻ đạt được cái gọi là thành công, nổi tiếng sớm đi nữa có thực sự
tốt?
Nói cho dễ hiểu: trẻ nổi tiếng sớm cũng tương tự như một người nông
dân tự dưng trúng được vé số giải đặc biệt. Hầu hết những người trúng vé số độc
đắc sau vài năm đều trở về cuộc sống cũ. Không những họ không tốt lên được nhờ
số tiền đó mà còn phải đón nhận một tương lai đầy nỗi lo và bi đát hơn trước
nhiều. Người thì bỗng chốc có được một số tiền quá lớn nên lo sợ bị mất trộm, rồi
sợ bị lợi dụng, sợ bị cướp rồi họ lại lúng túng không biết phải làm sao với số
tiền này. Nhiều người thì gia đình lục đục, chia rẽ cũng vì nó. Tại sao lại xảy
ra chuyện này? Đơn giản vì chưa đủ trí tuệ, bản lĩnh, bản thân họ phát triển
chưa đủ để đón nhận và sử dụng tiền. Nên khi có nhiều tiền, dễ khiến họ bối rối
và lúng túng không biết làm sao để sử dụng tiền nhằm mang lại lợi ích tốt nhất
cho họ. Tóm lại, họ chưa sẵn sàng.
Một đứa trẻ thành công quá nhanh, nổi tiếng quá sớm cũng như vậy, các
em đã biết cách chi tiêu, quản lý tiền chưa? Các em đối mặt ra sao với sự nổi
tiếng của chính mình? Thành công đó mang lại cho các em điều gì? Các em liệu có
thể phát triển theo đúng bản chất của mình, hay theo sự mong mỏi của gia đình
cũng như những người hâm mộ? Mọi thứ đến quá nhanh và có lẽ là không mấy khó
khăn, liệu ý chí của những đứa trẻ này có mạnh mẽ được không? Khổng Tử nói: “Sự
nghiệp đừng mong bằng phẳng dễ đi, vì không gặp phải chông gai, chí nguyện
không kiên cường”, còn Lão Tử nói: “Ngọn lửa cháy sáng gấp đôi thì cũng nhanh lụi
tàn gấp hai lần ngọn lửa bình thường”.
Cuộc đời, sự nghiệp của võ sĩ quyền Anh hạng nặng, nhà vô địch trẻ tuổi
và thành công nhất trong lịch sử Mike Tyson. Khi đó danh vọng, tiền tài, cám dỗ
vật chất bên ngoài đến rất nhanh và quá lớn trong khi cái tâm, cái đức lại chưa
bằng cái tài. Cái gốc bên trong chưa chắc nên anh bị những thứ bên ngoài dễ
dàng cuốn đi. Trên thế giới không thiếu những tấm gương nổi tiếng, thành công sớm
nhưng lại khốn đốn về sau. Bạn hãy suy ngẫm thật kỹ, biết đâu là đủ, điều gì là
thực sự quan trọng cho sự phát triển lâu dài và bền vững đối với trẻ.
Tóm lại thường xuyên nhấn mạnh ưu điểm và lờ đi khuyết điểm, một hành
động tốt dù là nhỏ nhất cũng xứng đáng nhận được một lời khen chân thành và một
lời khen đúng thông qua ba bước.
Đánh giá cao nỗ lực trong quá trình thay vì kết quả: “Bố đánh giá cao
sự nỗ lực học tập của con trong thời gian vừa qua.”
Lời khen dưới dạng miêu tả: “Con đã ít xem ti vi, tập trung ngồi vào
bàn học nhiều hơn, mua sách và tìm nhiều tài liệu có liên quan đến môn học.”
Nói lên cảm xúc và chốt lại bằng một cụm từ: “Bố rất vui vì con đã nỗ
lực, bố gọi đây là sự quyết tâm.”
Động viên đúng lúc tạo ra sức mạnh không thể nghĩ bàn.
Trần Huy Toàn