VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: TẠI SAO ĐỨC THẾ TÔN KHÔNG DÙNG "TỨ NHƯ Ý TÚC ĐỂ DUY TRÌ THỌ MẠNG"
- Thưa đại đức! Đại đức biết rõ "Tứ như ý túc" phải chăng?
- Vâng, biết, biết rất rõ về Tú như ý túc (Tứ thần-túc)! Đấy là dục
như ý túc, tinh tấn như ý túc, tâm như ý túc và tuệ như ý túc, tâu đại vương!
- Thế có phải Đức Đại giác đã từng thuyết rằng: "Này Ànanda, Như
Lai đã tiến tu Tứ như-ý-túc, đã lập đi lập lại nhiều lần, đã thực hành Tứ
như-ý-túc một cách toàn diện, đã lấy Tứ như-ý-túc làm chỗ ngồi, chỗ nằm, chỗ
nương tựa, đã tạo trữ chắc chắn nó ở trong tâm. Khi Tứ như-ý-túc ở nơi Như Lai
đã viên mãn như thế, nếu Như Lai mong muốn tuổi thọ lâu bền một kiếp [*] hoặc
nhiều hơn một kiếp cũng rất là dễ dàng, không khó khăn gì!". Đấy có phải
là lời của Đức Thế Tôn không, thưa đại đức?
[*] 1 Kappa: chừng 100 năm. Tuy nhiên, có nhiều chỗ giải thích 1 kappa
là một kiếp của quả địa cầu!
- Đúng là Đức Phật có tuyên thuyết như vậy!
- Rồi cũng chính Đức Thế Tôn có thuyết với ngài Ànanda như sau:
"Này Ànanda! Tuổi thọ của Như Lai kể từ nay chỉ còn ba tháng nữa thôi. Đến
thời hạn ấy Như Lai sẽ xả báo thân để Tịch diệt Niết bàn!".
- Lời ấy cũng chính Đức Thế Tôn thuyết, tâu đại vương!
- Trẫm không hiểu - Đức vua Mi-lan-đà cất giọng chậm rãi - là tại sao
một bậc Đại giác lại thuyết hai lời không giống nhau, lại đối chọi nhau? Một
bên thì bảo có khả năng kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp nữa, một bên thì tuyên bố
tuổi thọ chỉ còn ba tháng nữa? Nếu câu này đúng thì câu kia không đúng. Nếu
tuyên bố này là chơn thật thì thuyết ngôn kia là hư dối! Dám mong đại đức bi mẫn
phá vỡ mối hoài nghi ấy để chúng ngoại đạo khỏi xuyên tạc!
- Tâu đại vương! Chẳng có điều nào là hư dối, chẳng có gì là mâu thuẫn
giữa hai lời tuyên bố trên. Nếu đại vương hiểu rõ ân đức của Tứ như-ý-túc thì đại
vương đã tự giải nghi cho chính mình rồi. Sở dĩ Đức Thế Tôn ca tụng sức mạnh và
năng lực của Tứ-thần-túc như thế là vì ngài đã tấn tu Như ý túc không gián đoạn.
Ngài nói rằng, Tứ như-ý-túc đã vững chắc trong tâm của ngài, khi cần ngài có thể
làm thuyền để đi, làm xe để dong ruỗi hoặc lấy Tứ như-ý-túc làm chỗ ngồi, chỗ nằm
.v.v... Với sức mạnh Tứ như-ý-túc của ngài, ngài có thể kéo dài thọ mạng hơn một
kiếp là điều chắc thật, không ngoa ngôn vậy.
- Trẫm cũng chưa nắm rõ vấn đề!
- Ví như đại vương có một con ngựa thần kỳ. Đại vương thường ca tụng
con ngựa thần kỳ trước mặt các quan đại thần, các trưởng giả và các bà-la-môn
gia chủ rằng: Con ngựa quý báu của trẫm nó chạy rất mau, giống như bay giữa hư
không; nó có thể phi được trên nước, có thể chạy theo sông ra tới biển cả rồi
trở lại hoàng cung chỉ trong thời gian khảy móng tay! Thưa đại vương! Đức Phật
khen ngợi uy lực của Tứ như - y - túc cũng giống như đại vương khen ngợi sức thần
kỳ của con ngựa kia vậy.
- Ý đại đức nói là Đức Thế Tôn khen ngợi uy lực của Tứ-thần-túc có khả
năng kéo dài tuổi thọ chứ không phải ngài khen ngợi uy lực của chính mình - như
trẫm khen ngợi con ngựa có sức thần kỳ chứ không phải trẫm tự khen ngợi mình,
phải vậy chăng?
- Đúng như vậy!
- Nhưng có gì khác nhau đâu, thưa đại đức? Năng lực của Tứ như-ý-túc
là pháp mà Đức Thế Tôn chứng đắc, sử dụng được, sao ngài không sử dụng nó kéo
dài thọ mạng để lợi ích lâu dài cho chư thiên và loài người?
- Đức Đại giác biết rõ căn cơ trình độ của chúng sanh, biết rõ lúc nào
là giáo pháp hưng thịnh lúc nào giáo pháp tiêu hoại, biết rõ lúc nào nên xuất
thế, lúc nào nên Niết bàn, tâu đại vương!
- Có thể là như vậy, nhưng chúng ta là kẻ hậu học, chúng ta có quyền
hoài nghi chứ? Giá mà Đức Phật dùng Tứ như-ý-túc để kéo dài thọ mạng thì lợi lạc
cho chúng sanh biết bao nhiêu, phải thế không đại đức?
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
- Đại vương nghĩ thế nào, khi Đức Thế Tôn thuyết như vầy: "Này
các thầy tỳ khưu! Phẩn, dù chỉ có tí chút, nhưng mùi hôi thối của nó cũng đáng
nhờm gớm lắm. Ai thấy phẩn cũng đều muốn xa lánh chứ chẳng có ai ưa thích cả,
phải vậy chăng? Cũng vậy, Như Lai nhờm gớm sinh tử luân hồi, nhờm gớm tam giới
là cõi thấp hèn, hạ liệt, chẳng ưa thích ở trong đó dù với thời gian khảy móng
tay! Các thầy cần phải biết như vậy mà tinh cần, chuyên niệm để mau thoát khỏi
lưới tử sinh đau khổ buộc ràng!".
Đức vua Mi-lan-đà nói:
- Như vậy thì cõi sinh tử luân hồi đáng ghê tởm như phẩn thối, cho nên
Đức Phật khi thấy mình hết thọ mạng, hết bổn phận là ngài tức tốc ra đi không
có luyến tiếc?
- Đúng thế, tâu đại vương! Nếu Đức Thế Tôn kéo dài thọ mạng thì làm
sao khỏi để cho ngoại đạo dị luận: Ông Cồ-đàm chán sinh tử luân hồi mà lại muốn
ở lại cõi sinh tử luân hồi! Ông Cồ đàm thuyết về sự bất tịnh của thế gian mà lại
duy trì cái thân để sống tham luyến trong thế gian! Ông Cồ đàm thích ở lại cõi
đời để thọ hưởng tài lợi, vật thực, địa vị, danh vọng ... chứ nào có muốn xuất
ly chúng bao giờ!
Đức vua Mi-lan-đà ngẫm ngợi hồi lâu:
- Lập ngôn ấy là chính xác! Và Đức Thế Tôn tùy thời, tùy xứ, tùy căn,
tùy cơ, tùy nhân, tùy duyên ... mà đến và đi chứ không thể tùy ước muốn của
chúng sanh được!
- Ngay chính sự cứu độ cũng vậy. Không phải ai Đức Thế Tôn cũng độ được.
Vào mỗi buổi sáng, cuối canh ba, Đức Thế Tôn thường dùng thiên nhãn nhìn khắp
thế gian, thấy ai có duyên với Phật đạo, ngài mới ôm bát trì bình đến để hóa độ!
- Ý đại đức muốn nói là sau khi Đức Thế Tôn đã diệt độ rồi, từ lúc ấy
đến thời hậu lai, chẳng chúng sanh nào là có duyên với ngài nữa cả?
- Vâng, tuy không có duyên với Đức Phật, nhưng chúng sanh còn có duyên
với Đức Ca-diếp, Đức Ànanda ... tương tục tiếp nối cho đến các bậc thầy tổ của
bần tăng bây giờ, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:
- Và cả chính vị đại đức thông tuệ trước mặt trẫm đây nữa chứ?
- Không dám, bần tăng chỉ mới là kẻ sơ tu! Đại vương, đại vương còn
hoài nghi gì về Tứ như-ý-túc nữa chăng?
- Thưa, đã mãn nguyện lắm rồi!
-ST-