TINH HOA GIÁO DỤC 26 (PHẦN 6)
PHƯƠNG PHÁP
GIÁO DỤC CHO TRẺ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI, LỐI THOÁT CHO NỀN GIÁO DỤC HIỆN HÀNH
VI. LỐI TƯ
DUY HOÀN TOÀN MỚI, BÀI TOÁN KHÓ CHO NGƯỜI KIẾN TẠO TƯƠNG LAI TRẺ NHỎ
Trong vài thế kỷ trở lại đây tư duy con người đã
thay đổi đáng kể, cột mốc cho sự nở rộ về tư duy bắt đầu rõ ràng từ thời Phục
Hưng. Một xu hướng của tư duy này là chẻ nhỏ, phân tích, làm con người ta càng
thích đào sâu vào chi tiết. Nhưng điểm hạn chế dễ thấy ở đây là nó không vận ý
chí tổng hợp để thấy được ý nghĩa cao hơn bao trùm chi tiết, khiến cho tư duy tự
đóng khung chính nó. Chính vì lối tư duy chẻ nhỏ, vụn vặt đó đã khiến đời sống
con người bị phân tách ra thành nhiều mảnh, mỗi người chọn một mảnh để sống và
chỉ nhìn thấy cái mảnh ghép chật hẹp mà mình đang ở, nó cũng trực tiếp góp phần
vào việc tách biệt và phát triển đa dạng các ngành nghề như bây giờ. Tuy nhiên
đây cũng là nguyên nhân trực tiếp cho sự vỡ vụn, chia rẻ xã hội và các vấn đề
toàn cầu như hiện nay.
Nhưng còn có một xu hướng khác đối lập của tư duy
đó là sự hòa hợp. Khả năng kết nối các thứ rời rạc để nhìn thấy tổng thể các
chi tiết, đưa đến cái nhìn rõ hơn về toàn cảnh, qua cái nhìn toàn cảnh đó mới lại
thấy được ý nghĩa chân thực của từng chi tiết. Nhưng vì không thấy cái tổng
quan bao trùm mọi thứ, nên cách phổ biến hiện nay là người ta có thể nghĩ ra để
muốn giỏi nhiều thứ là “nhồi nhét”, nhưng tất nhiên cũng thất bại. Giáo dục con
người phải đi từ cái tổng thể trước rồi mới đến cái chi tiết và trong lúc dạy,
chia nhỏ những chi tiết (các bộ, môn, chuyên ngành khác nhau), đều cố gắng một
cách ngụ ý hay cố tình hướng đến cái tổng thể.
Điều này đòi hỏi ở năng lực người dạy rất nhiều mà
trước hết là người giáo viên phải thực sự hiểu tư duy đúng đắn là một sự kết nối
và hòa hợp. Vì thế khi người giáo viên dạy các thế giới quan khác nhau, với tâm
thế là đặt nền tảng cho tư duy tự do sau này của trẻ, thì bản thân người giáo
viên đó phải thấy sâu sắc được kết nối, sự hòa hợp tất cả các thế giới quan với
nhau. Khi đã nắm được sợi chỉ liên kết các thế giới quan, các hệ phái tư tưởng,
thì họ sẽ tự biết cách dạy cho trẻ về các tư tưởng đó thế nào. Ánh sáng, sự sống
của sự hòa hợp tổng thể, cái mà đem lại ý nghĩa tồn tại của mỗi thế giới quan
riêng rẽ, sẽ toát lên trong việc dạy các hệ tư tưởng rời rạc. Trẻ sẽ khắc ghi
những kiến thức này một cách có ý thức hoặc tiềm thức mà sau này sẽ thực sự thấu
hiểu khi trưởng thành.
Còn nếu người giáo viên không hiểu được sự hòa hợp
đứng cao hơn và kết nối các tư tưởng rời rạc, thì mặc dù tưởng rằng đang dạy trẻ
tự do, nhưng sự tự do đó sau này sẽ thiếu vắng sự hòa hợp. Một tư duy mà không
biết hòa hợp là một tư duy sẽ tự đóng khung chính nó hay tự giới hạn chính
mình, chỉ biết tự do trong cái khung đó và tưởng là nó có tự do, như một con cá
quẫy vùng trong cái hồ, hay vũng nước mà cứ nghĩ đó là cả thế giới.
Sự hòa hợp, khả năng kết nối các thứ rời rạc để
nhìn thấy tổng thể, chính là thứ đưa tư duy vượt qua mọi giới hạn hiện tại của
chính nó, vì thế khả năng hòa hợp là thứ đem lại tự do cho tư duy. Một tư duy
như thế cao hơn mọi thế giới quan, nó sử dụng một cách linh hoạt trong các trường
hợp cụ thể. Muốn cho trẻ nền tảng của tư duy tự do thì tư duy người giáo dục phải
tự do trước. Khi sự thay đổi diễn ra trong từng cá nhân, thì đó cũng là chìa
khóa thay đổi cả một hệ thống.
Tóm lại, nhiệm vụ của giáo dục từ nay sẽ hướng đến
việc đào tạo ra những con người đa tài, phát triển đa dạng trí thông minh thay
vì một vài trí thông minh như hiện nay, phát triển toàn diện hơn và trở thành một
chuyên gia chuyên ngành hẹp thuần túy, làm cái gì cũng sẵn sàng, có thể chưa cần
giỏi nhưng có khả năng học nhanh khi cần. Để được như vậy thì việc học phải xuất
phát từ cái tổng quan, một nền giáo dục như thế, quan trọng nhất, phải giúp đào
tạo một tư duy linh hoạt tự do, độc lập đầy ý chí, biết phân tích cũng như tổng
hợp, biết đi vào cái chi tiết, bộ môn, chuyên ngành cụ thể, cũng như nhìn thấu
vào tổng quan, các chuyên ngành, bộ môn có liên quan bên ngoài. Với tư duy như
thế mới thích ứng được trước những thay đổi trong thời đại ngày nay, thời đại
mà không có dự đoán nào về tương lai là chắc chắn cả. Con người ra đời sẵn sàng
làm bất cứ thứ gì mà thời thế cần trong hành trình đi tìm ý nghĩa của sự tồn tại
của chính mình và thế giới.
Giáo dục là cái cuối cùng mà nhân loại nên quan
tâm, cũng là cái đầu tiên.
Trần Huy Toàn