HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 24 (PHẦN 3)

TỰ DO TƯ DUY - NHIỆM VỤ TỐI THƯỢNG CỦA NGƯỜI LÀM GIÁO DỤC

II. GIAI ĐOẠN TỪ 8 ĐẾN 14 TUỔI, TRANH LUẬN VÀ PHẢN BIỆN SẼ LÀ BƯỚC ĐỆM QUAN TRỌNG THỨ HAI DẪN ĐẾN TƯ DUY TỰ DO

Trẻ từ 6, 7 tuổi, sau khi bạn thực hiện những điều trên một cách đều đặn, linh hoạt và hợp lý dần dần sẽ giúp các em ở tuổi này hình thành cá tính, có lập trường và quan điểm cá nhân rõ ràng. Trên nền tảng cơ bản đó, từ 8 tuổi trở đi bạn có thể tạo ra môi trường thuận lợi nhằm giúp trẻ em tranh luận và phản biện về những vấn đề trong cuộc sống. Nhờ vào khả năng tranh luận và phản biện, sẽ là tiền đề để sau này đứa trẻ có được năng lực cao hơn tự do tư duy.

Đây là những câu chuyện về Osho, một thiên tài về tranh luận và phản biện bẩm sinh.

1. Mái tóc

Lúc nhỏ Osho hay để tóc dài như một đứa con gái, nhưng điều đó là không được phép ở Ấn Độ, ít nhất là ở thời điểm đó, và cũng gây ra không ít rắc rối cho cha ông. Nên ông đã bị cha mình cắt tóc. Sau đó Osho đã cạo sạch tóc của mình, chuyện này còn gây ra rắc rối nghiêm trọng hơn cho cha ông.

Sau lần đó cha ông nói: “Ta không định làm gì với con nữa bởi vì nó nhất định sẽ kéo theo nhiều rắc rối.”

Osho nói: “Con không đề nghị điều đó. Con sẽ vẫn cứ tiếp tục làm mọi việc theo cách của riêng con. Việc can thiệp của cha dù bằng bất cứ hình thức nào cũng chỉ là điều không cần thiết. Cha tạo ra cả đống lộn xộn này. Tại sao cha phải xấu hổ? Cha có thể đã nói với họ rằng: ‘Nó là con gái đấy’. Con chẳng phản đối gì về điều đó cả. Nhưng cha không nên can thiệp vào con theo cách mà cha đã làm. Điều đó là bạo hành. Thay vì nói với con điều gì đó, cha lại cứ thế cắt tóc của con. Thật là một hành động man rợ”. Và cha ông đã xin lỗi vì hành động như vậy với Osho.

Thông điệp của Osho: “Không có bất kỳ ai được phép ngăn cấm người khác được là chính mình. Ai cũng cố áp đặt ý tưởng của họ lên bạn. Đến nỗi bạn chấp nhận tất cả những ý tưởng của người khác sâu sắc tới mức dường như bạn tin chúng là các ý tưởng của bạn. Thảnh thơi đi. Quên tất cả những ước định, những ý tưởng đó đi, vứt chúng như lá khô rụng khỏi cây. Tốt hơn cả là cây trụi lụi không có lá nào còn hơn có lá nhựa, hoa nhựa và quả nhựa. Điều đó là xấu, mọi thứ không thực đều xấu.” (Trích “Đứa trẻ nổi loạn” của tác giả Osho).

2. Bài hát chào cờ

Khi Osho ở trường trung học có một nội quy là hát một bài hát vào đầu giờ mỗi ngày. Bài hát có những lời: “Đất nước của chúng ta, dân tộc của chúng ta, là tốt đẹp nhất trong mọi dân tộc. Đất nước của chúng ta là một khu vườn xinh đẹp và chúng ta là những chú chim họa mi trong khu vườn đó… ”

Osho đã nói với thầy hiệu trưởng, người đang đứng trước 2000 học sinh và 50 giáo viên rằng: “Em sẽ không tham gia vào buổi cầu nguyện này, bởi vì đối với em nó hoàn toàn là rác rưởi. Mọi đất nước đều nghĩ về chính nó theo cùng cách như vậy và mọi đất nước đều có bản ngã ở trong đó.

Và em thậm chí còn không nhìn thấy được lý do của việc hát bài này. Nó không chỉ về việc em chống lại chủ nghĩa quốc gia, bài hát này còn không đúng sự thật nữa, bởi vì chúng ta đang có gì? - Nghèo nàn, đói kém, chế độ nô lệ, bệnh tật, môi trường ngày càng ô nhiễm và những vấn đề tồi tệ khác nữa đang không ngừng gia tăng.

Rồi hãy nhìn những học sinh tội nghiệp này! Họ thường đến từ những ngôi làng ở xa rất xa, đi hàng dặm mỗi ngày, trong bán kính ít nhất 20 dặm xung quanh thành phố. Bởi vì không còn trường trung học nào khác ngoại trừ trường này cả. Họ đi bộ, họ đến đây với cảm giác hoàn toàn mệt mỏi, họ cũng rất đói nữa. Và em đã thấy những gì họ mang theo: “Chỉ có bánh mì khô, thậm chí không có bơ nữa và một ít muối. Đó là tất cả những gì họ có và họ phải ăn mỗi ngày.”

Đây là cây của mọi người sao, đây là khu vườn của mọi người sao? Nên xin hãy xác định rằng điều đó không đúng. Em không quan tâm liệu Iqbal có là nhà thơ đã đoạt giải Nobel văn chương hay không. Em không quan tâm chút nào. Điều đó không làm cho em cảm thấy bài hát này đúng đắn hơn, trong mọi cách nhìn em chỉ thấy nó hoàn toàn là một lời nói dối.

Khỏi phải nói, ông hiệu trưởng tức giận đến cỡ nào, ông ta vào phòng mang ra một cây thước và bảo Osho đặt cả hai tay trước mặt ông ấy và nói: “Đây là câu trả lời của ta, và hãy nhớ đó.”

Nhưng câu chuyện lại chưa dừng ở đây, Osho đáp lại: “Đây là tay của em. Thầy hãy quyết định đi. Đây là thước của thầy; thầy đang ở đây nữa. Và nhớ, đang có 2000 học sinh ở đây làm nhân chứng, 50 giáo viên cũng là những nhân chứng cho việc này, và thầy cũng sẽ để lại dấu tích trên tay em nữa. Hãy đánh đi! Nếu thầy có bất cứ chút can đảm nào, đánh em đi. Nhưng trước khi thầy bắt đầu từ nơi này, em sẽ đi thẳng đến đồn cảnh sát, bởi vì đánh đòn học sinh là một điều luật cấm. Cả thầy và cây thước của thầy sẽ phải đứng trước tòa.”

Ông hiệu trưởng như đứng hình trong một vài giây, thước thì rớt khỏi tay, rồi ông ta đi vào phòng. Trong ba năm, khi Osho còn trong trường trung học, bài hát đó không được cất lên nữa, học sinh chỉ việc giữ im lặng 10 phút trong giờ cầu nguyện. (Trích “Đứa trẻ nổi loạn” của tác giả Osho).

3. Học kì quân sự

Thời điểm Osho chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp, chính phủ ra một luật rằng: “Mọi sinh viên phải tham gia một kì huấn luyện quân sự và trừ khi bạn có giấy chứng nhận của bên quân sự, bạn sẽ không được nhận bằng tốt nghiệp”. Thế là Osho đã đi thẳng đến chỗ hiệu trưởng và nói: “Thầy có thể giữ tấm bằng tốt nghiệp của em nếu muốn, đằng nào em cũng không cần nó. Nhưng em sẽ tuyệt đối không tham gia bất cứ kì huấn luyện quân sự ngu ngốc nào.”

Ông nói tiếp: “Em sẽ không tham gia kì huấn luyện quân sự này. Em không quan tâm về tấm bằng tốt nghiệp một tí nào. Nhưng em không thể tưởng tượng được cảnh khi ai đó bảo em phải ‘quay trái’ và rồi em sẽ phải quay trái, không vì bất cứ lý do nào. Rồi ‘quay phải’ và em sẽ phải quay phải. ‘Bước lên trước’, ‘bước lùi’ những điều ngớ ngẩn này em không thể làm được. Nếu thầy muốn em làm những điều này. Nếu thầy muốn em tham gia kì huấn luyện này, vậy thì thầy hãy viết một bức thư cho văn phòng bên quân đội và yêu cầu họ viết cho em một bức thư giải thích cho tất cả những thứ này. Rằng tại sao em phải nên quay trái, quay phải. Điều đó để làm gì? Có lợi ích gì? Ý nghĩa gì?”

Vị hiệu trưởng đáp: “Xin đừng tạo thêm rắc rối nhưng mong em hãy cứ giữ im lặng về chuyện này. Tôi sẽ thu xếp. Tôi sẽ viết thư đề nghị họ cho em số buổi điểm danh cần thiết, nhưng em nhớ đừng có đi mà tạo thêm rắc rối đấy. Bởi vì nếu em mà tạo rắc rối thì nhất định sẽ rất nhiều vấn đề kéo tới. Ngay lúc này em là người duy nhất đến hỏi tôi những câu này, những người khác không ai nói gì cả, họ chỉ đến điền đơn đăng ký đi huấn luyện thôi.”

Osho nói: “Điều đó tùy thuộc vào thầy. Nếu em mà đến với khóa huấn luyện ngu ngốc đó, nhất định em sẽ tạo ra rắc rối. Vì em là kiểu người sẽ không bao giờ chấp nhận nghe mệnh lệnh từ ai đó. Đặc biệt là những mệnh lệnh ngu ngốc không có bất cứ lý do nào để giải thích như vậy.”

Những học kì quân đội được tạo ra để phá hủy trí thông minh của bạn. Bởi vì bạn không thể nói “không”. Bạn phải tuyệt đối vâng lời, vâng lệnh, mọi loại mệnh lệnh. Nhưng nếu bạn không thể nói “không”, trí thông minh của bạn sẽ dần bị chết. Những kì huấn luyện quân sự là thứ làm cho bạn bị quen với việc nói “có”, nói “vâng”. Dần dần bạn sẽ quen thuộc với việc đó đến nỗi bạn không còn bận tâm mình đang nói “có” với điều gì nữa. Kể cả việc cầm súng giết người hay thả một vài quả bom nguyên tử. (Trích “Sinh viên nổi loạn” của tác giả Osho).

Nền giáo dục có chất lượng là nền giáo dục đề cao khả năng tranh luận và phản biện. Ngược lại, một nền giáo dục kém chất lượng, thiếu tự do và thích áp đặt, sẽ hạn chế hoặc không muốn người ta phát triển khả năng tranh luận và phản biện. Không có lối giáo dục nào hủy hoại con người nhanh hơn, khi cho rằng mọi lời nói của bố mẹ với con, những điều thầy cô trích dẫn từ trong sách vở, lời giảng dạy của Cha về chúa Giê-su, những lời dạy đạo đức của Khổng Tử, những gì khoa học kết luận là đúng, là chân lý. Bạn nghĩ sao khi rót mọi thứ vào đầu óc non nớt của đứa trẻ và bảo rằng đó là đúng, là chân lý và không cần phải suy nghĩ, tranh luận thêm gì nữa?

Tranh luận và phản biện ở mức cơ bản sẽ giúp đứa trẻ thể hiện được cá tính, nói lên được lập trường và quan điểm cá nhân rõ ràng của mình. Mức độ cao hơn, phức tạp hơn nữa tranh luận và phản biện sẽ giúp trẻ tự bảo vệ mình trước những hệ tư tưởng khác, giúp các em vững tin tự bước đi trên con đường của mình. Chúng ta thường chấp nhận nhiều điều mà không xem xét chiều sâu của những điều đó và vì thế cuối cùng ta sống với rất nhiều quan điểm sai lầm. Cho phép tranh luận và phản biện không chỉ triệt tiêu được khuyết điểm này mà còn giúp trẻ có được tự do tư duy, thanh lọc được ý tưởng hay và những vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Giúp trẻ củng cố niềm tin về bản thân, để nhìn nhận sự vật, sự việc, quan điểm của mình một cách đa chiều. Như vậy sẽ tận dụng được tối đa trí tuệ của mỗi người, phân biệt đâu là đúng sai, những ý tưởng đột phá cũng chỉ có thể tìm thấy được trong những môi trường như thế này.

Tranh luận và phản biện được hình thành trong môi trường như thế nào?

Đạo Do Thái có nguyên tắc không bao giờ được coi bất cứ điều gì là chuyện đương nhiên, thậm chí cả những mệnh lệnh nghiêm khắc và cơ bản nhất. Cho dù mệnh lệnh có đến từ đâu, thì người Do Thái cũng luôn khao khát được hiểu tại sao họ phải hành động như thế và logic đằng sau mỗi mệnh lệnh là gì. Sinh viên trường Đạo không phải mù quáng chấp nhận tất cả những điều thầy Đạo nói như những lời Thánh truyền, mà không có gì chứng minh cho những lời đó. Họ được quyền tranh luận với người dạy mình và được khuyến khích đưa ra câu hỏi, nếu họ nghĩ rằng hành động của thầy Đạo đi ngược lại điều họ được học. Một giáo viên may mắn là người được dạy những sinh viên có khả năng giúp mình hiểu biết hơn nhờ những câu hỏi của sinh viên, và qua việc tư duy để trả lời những câu hỏi đó. Đó cũng là lý do vì sao sách Talmud lại đóng một vai trò quan trọng đến vậy trong cuộc sống của người Do Thái. Đó là một tác phẩm không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc. Không có cái gọi là câu trả lời cuối cùng và ai cũng có thể bắt đầu một cuộc thảo luận tại bất cứ điểm nào trong đó, thậm chí cả những điểm đã được tất cả mọi người “chấp nhận”. Tranh luận và phản biện được phát triển ở nơi có dân chủ và tự do, do đó hãy tạo ra môi trường như vậy để giúp con phát triển (Trích “Trí Tuệ Do Thái” tác giả Eran Katz).

Osho sinh ra đã là thiên tài về tranh luận và phản biện, việc còn lại là một môi trường “sai thật sai”, để ông có thể phát triển khả năng của mình và Ấn Độ lúc bấy giờ hoàn toàn không làm ông thất vọng. Nhưng đâu phải ai cũng vậy, nhiều em nhút nhát, tính thụ động thì ít dám thể hiện ra bên ngoài hơn. Hoặc đối với bé trai thường khó bị chi phối hơn bé gái, cũng như Osho trong môi trường sai thật sai các bé trai rất hay nghịch ngợm, khó nghe lời, không dễ dàng chịu theo mệnh lệnh, áp đặt từ người khác. Các bé trai thường trái với kỳ vọng của bố mẹ chúng rất “không ngoan”, đặc điểm như vậy đôi khi là những điều kiện cơ bản để hình thành lập trường, khả năng tranh luận và phản biện.

Không như các bé trai trong môi trường sai thật sai các bé gái vẫn thường dễ nghe lời, ít biểu hiện sự phản kháng, dễ bị áp đặt sai bảo hơn, các em rất ngoan và dễ ngoan. Chính những nhân tố này khiến các bé gái lớn lên có khả năng chịu đựng cao hơn kể cả những điều vô lý nhất. Tất cả chỉ bởi vì lúc còn nhỏ các em đã vô thức tiếp nhận những điều đó như một “sự thật hiển nhiên.”

Cho nên để mọi đứa trẻ có thể phát triển được khả năng tranh luận và phản biện, bạn cần tạo môi trường dân chủ, tự do và khuyến khích các em thể hiện bản thân để phát triển những kỹ năng cần thiết làm hành trang vào đời.

4. Ứng dụng

Tạo ra môi trường “sai có chủ đích”, nhằm tạo điều kiện cho các em có cơ hội tranh luận và phản biện. Có nghĩa là đôi khi bạn cố ý đưa ra những lời nói sai, những mệnh lệnh không hợp lý hoặc vô lý nhất và cho phép trẻ phản biện. Nếu trẻ tranh luận, phản biện hợp lý trẻ có quyền không nghe lời, nghe mệnh lệnh của bạn, làm như vậy sẽ giúp các em về cơ bản sẽ có được năng lực tranh luận và phản biện.

Cao hơn một chút nữa có thể đặt trẻ vào các tình huống khác nhau, để các em chủ động suy nghĩ, giải quyết vấn đề độc lập như: “Con nghĩ gì về việc trong truyện cổ tích nói dì ghẻ luôn ác, điều đó có đúng không? Dành quá nhiều thời gian học tập mà ít được vui chơi liệu có tốt không?

Tại sao đọc sách lại tốt, tại sao có người lại cho rằng đọc sách không tốt?”

Phức tạp hơn nữa thì hằng tuần, bạn có thể cùng con chọn chủ đề nào đó rồi một bên bảo vệ, bên phản đối việc này sẽ rất tốt cho con. Bạn cũng có thể kể cho con nghe những câu chuyện, những tấm gương về khả năng tranh luận và phản biện.

Làm được đến đây thì tùy vào quá trình phát triển tự nhiên của những đứa trẻ sẽ có mức lĩnh hội khác nhau. Tuy nhiên tiềm thức của các em đã có được vết khắc về việc “tranh luận và phản biện”, để ít nhất không phải ai muốn nói, nhồi nhét gì vào đầu đứa trẻ chúng cũng nghe theo.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.