TINH HOA GIÁO DỤC 23 (PHẦN 3)
NHỮNG BÀI HỌC VÔ GIÁ TỪ CÁC LOÀI CHIM TU HÚ NUÔI CON
III. THỨC ĂN CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM KHÔNG CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ NHỮNG
DƯỠNG CHẤT TIÊU HÓA THÔNG THƯỜNG, MÀ CÒN LÀ NHỮNG DƯỠNG CHẤT VỀ TINH THẦN VÀ
TÂM HỒN
THÔNG QUA BA YẾU TỐ THÂN TÂM TRÍ
1. Thân
Đầu tiên phải nói đến bảo vệ và xây dựng hình ảnh của bản thân bên
trong trẻ. Việc tạo dựng hình ảnh của bản thân có liên quan như thế nào với việc
nuôi dạy trẻ? Trẻ em từ lúc sinh ra cho đến trước tuổi đi học, bố mẹ luôn là những
đối tượng trẻ tiếp xúc nhiều nhất. Bên cạnh được giáo dục trực tiếp, trẻ còn được
gián tiếp học hỏi thụ động qua việc nhìn và bắt chước. Cách học hỏi gián tiếp
như vậy trẻ không thể tự chọn lọc ra những gì đúng và chưa đúng để học mà luôn
tiếp nhận một cách vô thức. Điều này vô cùng nguy hiểm.
Chẳng hạn ở Việt Nam chúng ta thường bắt gặp nhiều hình ảnh khạc nhổ,
vứt rác không đúng nơi quy định, người ta có thể tùy ý đại tiểu tiện ở mọi nơi,
mà không có dù chỉ một chút cảm giác xấu hổ? Đây là do những năm tháng đầu đời
của người đó, đặc biệt giai đoạn từ 0 đến 7 tuổi, trong môi trường sống đã chứng
kiến nhiều tấm gương không tốt. Khi thấy người lớn hơn hành động một cách thiếu
ý tứ và họ lại được tùy ý đi tiểu ở trước sân, ngoài đường, không bị giới hạn bởi
không gian, khi họ đi vào phòng vệ sinh bố mẹ cũng theo bên cạnh. Như vậy họ đã
vô thức học được những hành vi trong khuôn mẫu tiêu cực, đồng thời lại đánh mất
đi sự xấu hổ khi bị ai đó “nhòm ngó”, nên lâu dần họ cảm thấy sự việc đó bình
thường. Các thói quen hành vi này đã được hình thành từ những năm đầu đời và
theo năm tháng khi họ trưởng thành, hành vi đó sẽ vẫn còn tiếp nối và hiện hữu.
Khi lớn lên nó diễn ra một cách vô thức mà không thể cảm nhận trên bình diện ý
thức của bản thân, rằng những điều đó cũng chẳng mấy hay ho.
Vì vậy khi tiếp xúc với trẻ, bạn cần liên tục chất vấn bản thân những
hành vi, cử chỉ như vậy có ổn hay không? Trẻ học trong vô thức, nhưng người dạy
phải có ý thức. Những hình ảnh đầu tiên chụp vào mắt trẻ, sẽ là những hình ảnh
định hình tâm hồn trí tuệ và thói quen hành xử của các em. Hiểu được điều này bạn
có thể chủ ý tác động và tạo dựng môi trường xứng đáng cho trẻ học hỏi.
Chẳng hạn, trong đời sống hằng ngày, muốn trẻ hình thành nếp văn hóa
khi đi vệ sinh. Trước hết bạn cần là người “giải quyết” đúng nơi đúng chỗ. Rồi
khi trẻ muốn đi tiểu hay đại tiện, luôn hướng dẫn con đến nhà vệ sinh để giải
quyết nhu cầu của mình.
Muốn hướng dẫn con giá trị của lòng trung thực, bản thân bạn cần thực
hiện nghiêm chỉnh điều này, sau đó tạo ra môi trường phát triển cho trẻ. Chẳng
hạn, tôi hay cố tình làm rơi tiền, rồi lại vờ như mình nhặt được tiền, lúc này
tôi hỏi: “Có phải tiền của các con không, nếu không phải tiền của mình thì
không nhặt, cứ để đó.”
Muốn chỉ con giá trị của tính tiết kiệm, thì trước hết bạn hãy là tấm
gương cho con, hãy dùng đủ nước khi rửa tay, ra khỏi phòng tắt điện, lúc không
dùng quạt nên tắt đi.
Muốn hướng dẫn con bảo vệ môi trường và sự hòa hợp giữa con người với
vạn vật xung quanh, trước hết bạn hãy là người thực sự yêu môi trường. Những
hành động như khi ăn xong bạn bỏ rác vào thùng, thay vì dùng ly nhựa, ống nhựa
uống nước một lần rồi vứt bạn có thể mang theo ly để đựng nước, dùng ống hút hữu
cơ thay thế, thay vì đựng đồ ăn bằng ni lông, bạn có thể gói lại bằng lá hoặc
túi cá nhân. Rồi từ những chi tiết nhỏ như vậy, bạn có thể giúp trẻ mở rộng kết
nối những sự vật sự việc tưởng chừng như chẳng liên quan gì với nhau, chỉ ra rằng
đều có sự gắn kết, ảnh hưởng mật thiết với nhau trong một vòng tuần hoàn. Như vậy
sau này con bạn lớn lên còn có khả năng kết nối và tư duy tổng quan.
Giá trị của con người thể hiện qua những việc họ làm, chứ không phải vật
chất họ sở hữu.
2. Tâm
Tâm là hạt nhân cốt lõi định hình con người. Tâm bạn bên trong như thế
nào sẽ biểu hiện rõ ra bên ngoài như thế đó, nên có câu: “Tâm sáng dung mạo
sáng” hay “Tâm sinh tướng”. Dung mạo bên ngoài và năng lượng lan tỏa ra xung
quanh, sẽ thể hiện rõ nhất tâm ý bên trong bạn thường hay nghĩ đến điều gì. Tướng
tốt mà tâm lại xấu thì cũng dần biến tướng và ngược lại.
Có câu chuyện như sau: Tô Đông Pha là người rất hâm mộ Đạo Phật và ông
cũng tự xem mình như một Phật Tử. Ông thường đàm luận thân mật với các thiền
sư. Sách thiền tông lục có chép một câu chuyện về tâm ngã mạn của Tô Đông Pha
như sau. Đông Pha có một thiền sư thân tình là Phật Ấn, ông này rất lỗi lạc. Một
hôm Tô Đông Pha đến chơi chùa, cùng ngồi thiền với nhà sư. Trong khi ngồi thiền,
bỗng thấy an lạc xuất hiện.
Xả thiền xong, Tô rất vui vẻ hỏi nhà sư: “Ngài thấy tôi ngồi thiền như
thế giống cái gì?”
“Trông ngài giống như Đức Phật”. Tô nghe thế vui lắm.
Thiền sư hỏi lại: “Thế ngài thấy tôi ngồi thiền giống cái gì?”
Tô đáp: “Trông ngài ngồi thiền giống một đống phân bò.”
Phật Ấn không nói gì cả, trên đường về Tô cười suốt dọc đường, nghĩ bụng
hôm nay ta đã thắng lão hòa thượng đó một phen rồi. Bị ta nói là đống phân bò
mà không hề bẻ lại được câu nào cả. Tô về khoe với em gái là Tô Tiểu Muội: “Hôm
nay anh đã qua mặt được lão sư già đó rồi!”
Tiểu Muội hỏi chuyện gì, Tô hào hứng kể lại, Tiểu Muội cười ầm lên,
Đông Pha càng hào hứng.
Tiểu Muội nói: “Muội cười là cười huynh kìa, huynh lại thua lão hòa
thượng đó rồi.”
Tô ngạc nhiên hỏi thế nào?
Tiểu Muội đáp: “Tâm lão hòa thượng là tâm Bồ tát, nên thấy ở người
khác những cái đẹp, điều thiện. Còn tâm của huynh thì toàn phân bò nên huynh thấy
hòa thượng như đống phân bò, tâm huynh như thế mà làm sao bằng được tâm lão hòa
thượng.”
“Tô Đông Pha ngày nay” thật nhiều. Họ đặt nặng hình thức bên ngoài, ăn
mặc kiểu cách, trang sức đắt tiền, đi xe sang, ở nhà rộng, vẻ ngoài được đánh
bóng trau chuốt tỉ mỉ đến từng lỗ chân lông, nhưng nội tâm khác gì tên họ Tô
kia. Mỗi người nên tự quay vào bên trong nhìn lại chính mình, sửa đổi nội tâm,
thanh lọc tâm hồn.
Cách tốt nhất để rèn luyện Tâm là nhìn vào mặt tích cực của vạn vật ,
trái tim trở nên rộng mở và bạn mới có thể thực lòng yêu thương vạn vật. Học
cách nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề và dù có gặp khó khăn nhưng vẫn hoan
hỷ đối mặt. Lúc đó tâm thức đi lên, bạn sẵn sàng buông bỏ tham, sân, si, mọi
oán thù, ganh ghét, đố kị cá nhân, tha thứ cho mọi lỗi lầm của bản thân, tự biết
chăm sóc yêu thương, biết ơn hơn. Lúc đó cơ thể của bạn chỉ toàn là những dòng
năng lượng tích cực, rung động lên cao thì đó cũng chính là tiến hóa.
Nói thì dễ nhưng để làm được rất khó, vì đây là cuộc chiến tự đấu
tranh với chính mình, kết quả không có kẻ thắng người thua mà điều quan trọng
là bạn trở nên như thế nào. Một khi dám tự đấu tranh với chính mình, bạn đã có
một khởi đầu tuyệt vời. Khi tâm hồn trở nên trong sáng, sản sinh năng lượng
tích cực, chất chứa những điều hay ý đẹp thì cơ thể sức sống, tâm hồn, cảm xúc
của con bạn cũng sẽ được nuôi dưỡng chừng ấy.
3. Trí
Trẻ em sinh ra chưa có ngôn ngữ ổn định nên dạy tiếng Việt trẻ sẽ nói
tiếng Việt, dạy tiếng Anh trẻ nói được tiếng Anh, không dạy ngôn ngữ trẻ không
biết nói và ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc vào người chúng hay tiếp xúc. Bạn dùng lời
nói nhẹ nhàng, ngọt ngào, hài hước và trí tuệ, con bạn cũng sẽ học được cách
nói như thế và ngược lại. Do đó, bạn hãy chú ý trong lời ăn tiếng nói hằng ngày
của mình trước “đôi tai” của trẻ nhỏ, vì mọi lời bạn nói ra dù xấu hay tốt, thể
hiện trí tuệ hay ngu ngốc đều được trẻ vô thức tiếp nhận và học hỏi.
Đồng thời, thay vì cung cấp cho trẻ nhiều thông tin, kiến thức quá sớm
làm đứa trẻ già trước tuổi, trí óc sớm đóng băng, lớn lên dễ trở thành con người
có lối tư duy duy vật thuần túy, hãy cho các em tiếp xúc với thơ ca, thấm đẫm
tính nhân văn, giàu tình yêu thương phù hợp để nuôi dưỡng tâm hồn mộng mơ của
trẻ thơ. Điều này không chỉ giúp trẻ em phát triển ngôn ngữ mà còn gieo mầm trí
tuệ cho các em. Dưới đây là một vài bài thơ, được trích dẫn từ tập sách “Đức Phật
với tuổi thơ” của thầy Thích Nhuận Trường, để bạn đọc có thể tham khảo:
Con cá cũng có mẹ
Nên thả nó về nhà
Bụt khuyên em như thế
Yêu muôn loài quanh ta
Dâng Bụt đóa sen thanh
Con nguyện làm việc lành
Tập nói lời hiền dịu
Như chim hót trên cành
Trần Huy Toàn