TINH HOA GIÁO DỤC 26 (PHẦN 1)
PHƯƠNG PHÁP
GIÁO DỤC CHO TRẺ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI, LỐI THOÁT CHO NỀN GIÁO DỤC HIỆN HÀNH
Mỗi người đều mang trong mình một hoặc vài năng
tài, năng khiếu đặc biệt nào đó, nhưng có lẽ không phải ai cũng tin đó là sự thật.
Bởi lẽ, họ chưa khám phá ra được tài năng thật sự của mình, mà chỉ mãi luẩn quẩn
trong vỏ kén, luôn mặc định mình là một người bình thường không thể bình thường
hơn. Mỗi người khi còn là một đứa trẻ, có ai biết rõ được năng tài, năng khiếu
của mình là gì chưa? Chính lúc này, giáo dục là chìa khóa quan trọng giúp mở cửa
tiềm năng của họ. Nhiệm vụ của giáo dục là hướng dẫn, chỉ đường để giúp các em
nhận ra được năng lực bên trong của mình, sau đó tạo ra môi trường tốt nhất để
các em phát triển nhằm thăng hoa thành tài năng thực sự, mang lại lợi ích cho bản
thân và xã hội.
Tuy nhiên nền giáo dục thịnh hành trong quá khứ và
còn đang phổ biến đến ngày nay vẫn chưa khai phá được năng tài và hỗ trợ phát
triển cho con người một cách hiệu quả nhất. Cho nên dưới đây là những ý tưởng bổ
sung, để chúng ta có thể áp dụng bù lấp lỗ hổng của giáo dục hiện hành.
I. ẤN TƯỢNG
BAN ĐẦU LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH
Bạn hãy thử nghĩ, những đứa trẻ hiện nay có tâm lý
muốn học thật sự hay bị ép học, hoặc học chỉ vì những cám dỗ khác? Bạn muốn con
mình sẽ có thái độ như thế nào với việc học? Với tâm sinh lý của trẻ, đối với một
số việc bạn không thể đòi hỏi trẻ tự giác mà thích học ngay được, cần phải có
tác nhân kích thích ban đầu, đại khái gọi là “Quyến rũ”. Ở giai đoạn này trẻ
thường rất tò mò, nên càng ngăn cấm thực hiện một điều gì đó trẻ càng muốn thực
hiện và trẻ cũng rất thích làm theo người khác đặc biệt bạn cùng lứa tuổi.
Có lẽ nắm bắt được đặc điểm tâm lý này mà chuyên
gia giáo dục sớm người Nhật Bản ông Shichida đã đưa ra một phương pháp giáo dục
mang tính đột phá như sau: “Khi những phụ huynh gửi trẻ đến chỗ ông để học
Piano thay vì như những giáo viên bình thường khác, ông không cho các em ngay lập
tức vào việc luyện tập, ông cũng không chỉ trích, đánh mắng các em không nghe lời.
Được biết, những đứa trẻ này trong khoảng một tuần đầu chỉ được ngồi nhìn các bạn
học trước luyện tập, ngày nào cũng vậy, đến cuối buổi ông cho về mà không được
đả động gì đến Piano, mặt dù có một số em bắt đầu muốn được luyện tập. Nhưng
ông vẫn cứ cho các em chờ đợi đến một lúc nào đó mà ông thấy rằng sự ham muốn
và kìm nén đã lên cao thì ông mới cho tiếp xúc với những nốt nhạc đầu tiên. Kết
quả là những đứa trẻ theo học Piano chỗ ông đều yêu thích, hăng say tập luyện.”
Con người thường có khuynh hướng muốn đạt được những
điều bị kìm chế, bị cấm đoán, hoặc khó đạt được. Nên để nuôi dưỡng tư tưởng
trong tâm trí một người, bạn nên làm cho người đó thích thú sẵn sàng chào đón
điều đó. Nhà văn, nhà tiểu thuyết, diễn thuyết người Hoa Kỳ Mark Twain cũng từng
nói đến đặc điểm của tâm lý học hành vi này như sau: “Điều cấm đoán có sức mê
hoặc đến nỗi khiến nó hấp dẫn không tả nổi”, ông Shichida đã vận dụng rất tốt yếu
tố tâm lý này vào việc đào tạo năng tài, năng khiếu cho trẻ em.
Từ khi biết được phương pháp này, tôi cũng đã linh
hoạt áp dụng rất thành công đối với việc tạo niềm yêu thích cho trẻ ở nhiều
lĩnh vực khác nhau. Đồng thời tôi đã phát triển thêm một bước mới, nền tảng
phát triển của phương pháp này dựa trên nghĩa ám thị của chữ “chơi”. Mỗi người
có thể lựa chọn những phương pháp khác nhau, hoặc áp dụng cùng một lúc nhiều
phương pháp để hỗ trợ trẻ.
Cùng với phương pháp của ông Shichida cứ mỗi lúc
tôi mong muốn trẻ làm một việc, hay hình thành thói quen tốt nào đó, tôi không
nói theo cách mọi người hay dùng như: “Con phải đi tập thể dục; con phải quét
nhà; phải đi học; phải học tiếng anh; ăn xong phải đi vứt rác”. Mà tôi nói theo
cách mà trẻ muốn nghe, như là: “Con muốn đi chơi tập thể dục không? Con muốn
chơi quét nhà cùng bố không? Con muốn chơi viết chữ không? Con muốn chơi hát tiếng
Anh không? Con muốn chơi vứt rác vào thùng không?”
Tại sao lại nói như vậy? Khi nghe đến từ “chơi”,
nó có nghĩa là sự vui vẻ và có sức lôi cuốn đối với các em. Vì vậy phản ứng đầu
tiên của trẻ chắc chắn sẽ muốn tham gia, mặc dù có thể các em chưa biết gì,
nhưng nghe chơi là thích rồi vì tạo ra ám thị tích cực cho trẻ.
Giáo dục bằng yêu thương, chứ không phải bằng sự
ép buộc.
Trần Huy Toàn